Trọng đạo, bắt đầu từ việc

tôn sư

Cô trò Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) trong giờ giải lao. Ảnh: Thành Đạt

Cô trò Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) trong giờ giải lao. Ảnh: Thành Đạt

LTS - Như một mạch ngầm văn hóa có sức sống mạnh mẽ, truyền thống “tôn sư, trọng đạo” đã được bao thế hệ người Việt trao truyền, tiếp nối. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, vị thế nhà giáo đang bị tác động rất lớn, với rất nhiều áp lực và hệ lụy. Là “máy cái” của nền giáo dục, gốc của sự truyền dạy tri thức và đạo đức, nhà giáo cần được xác lập lại vị thế cao quý, trong cả nhận thức xã hội và hệ thống chính sách, trước hết và cấp bách là ngay từ môi trường sư phạm. Đó cũng chính là bước đi tạo được cơ sở nền tảng để xác lập lại vị thế cần có của văn hóa, giáo dục trong đời sống xã hội.

Sứ mệnh và vị trí đặc biệt

                                                                                          Nguyễn Sĩ Đại

Tôi có cô cháu dâu là P.T.K.D dạy trung học cơ sở, có lần tâm sự: Bây giờ, bọn cháu dạy học rất khó, giáo khoa nhiều bộ, quy chế, hướng dẫn thay đổi liên tục, lại phải coi học sinh là chủ thể, học sinh có thể yêu cầu thay thầy cô giáo, cô giáo không dám động đến học sinh vì động đến một tí là học sinh và phụ huynh có ý kiến liền, thậm chí đưa lên mạng. Giải được cho ra thì được vạ má sưng, có những cái không ai giải cho...

Tôi lúc đó không biết trả lời thế nào cho cháu nên chú ý đọc hiểu về hai chủ thuyết: Giáo dục lấy thầy làm trung tâm và giáo dục lấy trò làm trung tâm. Ai cũng có lý. Đọc một hồi, rốt cuộc không biết nên nghiêng lệch bên nào...

Học sinh Trường tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: Thu Trang

Học sinh Trường tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: Thu Trang

Việc phải thay đổi, cải cách trong giáo dục là chuyện đương nhiên vì nó gắn liền với thay đổi, tiến bộ của xã hội về nhân quyền, tri thức, công nghệ và điều kiện vật chất bảo đảm cho việc dạy và học.

Phái “lấy học trò làm trung tâm” quả quyết có như vậy mới nâng cao được chất lượng giáo dục.

Thế nhưng, nhiều năm nay, chúng ta thấy, chất lượng được nâng cao thì ít mà những chuyện không hay xảy ra trong nhà trường thì nhiều. Dù là nguyên nhân nào, cũng có nguyên nhân từ nền giáo dục coi nhẹ đạo đức, coi nặng hình thức và cực đoan tự do cá nhân.

Nền giáo dục mới của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được định rõ trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh nhân ngày khai trường năm 1945. Đó là “từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”; “một nền giáo dục của một nước độc lập”; “một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Cô trò Trường tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thế Đại

Cô trò Trường tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thế Đại

Những mệnh đề này rất sáng rõ, là phải xây dựng một nền giáo dục, cũng như văn hóa hoàn toàn Việt Nam, không khước từ kinh nghiệm, tinh hoa thế giới, nhưng không bắt chước, mô phỏng một cách sống sượng, áp đặt. Những chỉ dặn của Bác Hồ năm 1945 là cơ sở của tư tưởng, của triết lý giáo dục Việt Nam mà mục đích là đào tạo ra những công dân hữu ích, phát huy hết mọi khả năng của con người.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”.

Trong xã hội hiện đại, người thầy không chỉ là người dạy học, truyền đạt các kiến thức, đào tạo kỹ năng cho người học, mà quan trọng hơn, họ là các nhà giáo dục, giáo dục cho người học phẩm chất đạo đức, giúp người học không chỉ có kiến thức mà còn phát triển năng lực, phẩm chất và hình thành nhân cách. Nói cách khác, người thầy có vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai cho người học.

Giờ học ngoại khoá chủ đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của học sinh Trường mầm non Sao Mai. Ảnh: Nguyễn Đăng

Giờ học ngoại khoá chủ đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của học sinh Trường mầm non Sao Mai. Ảnh: Nguyễn Đăng

Thầy giỏi thì trò giỏi. Thầy tốt thì trò tốt. Dù thời thế thay đổi đến đâu, dù có đôi chút biệt lệ, thì điều ấy vẫn không bao giờ thay đổi. Giáo dục là một quá trình mà đầu ra, sản phẩm cuối cùng là người học trò. Ở giữa là cơ chế chính sách và các điều kiện khác. Đầu vào, người giữ vai trò quyết định trong các khâu là người thầy. Vì thế, coi thầy là trung tâm hay trò là trung tâm đều đúng, khi xét từng khâu. Song trong cả hệ thống, phải đặt người thầy ở vị trí đặc biệt, quan trọng nhất.

Và chính người thầy, dù khó khăn đến đâu cũng không khó khăn bằng ngày xưa, dù cơ chế chính sách có chưa hoàn thiện, thì vẫn có thể làm một người thầy giỏi, thầy tốt khi trong mình tự thấy một sứ mệnh, khi có tình yêu sâu sắc với học trò.

Vị thế xã hội của nhà giáo

TS Nguyễn Văn Đáng

Rối loạn vai trò

Xét trên bình diện xã hội, giáo dục là một trong những thiết chế xã hội căn bản nhất, được thiết lập để đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của bất kỳ cộng đồng người nào, ở bất kỳ trình độ phát triển nào: đó là truyền dạy kiến thức, đào tạo và huấn luyện kỹ năng để cá nhân có thể tích lũy đủ năng lực thực hiện các vai trò xã hội trong suốt cuộc đời.

Các thầy, cô giáo là một vị thế xã hội, tức là chỗ đứng của họ trong cấu trúc xã hội, kết quả từ sự phân công lao động xã hội. Đi kèm với vị thế xã hội “nhà giáo” là hàng loạt các mong đợi vai trò, tiêu biểu như: giảng dạy, truyền cảm hứng, tư vấn, huấn luyện, đánh giá việc học tập của người học.

Tuy nhiên, thực tế ngành giáo dục ở nước ta hiện nay lại đang cho thấy những biểu hiện rối loạn vai trò của các nhà giáo. Có nghĩa là các thầy, cô giáo phải đảm nhiệm những vai trò gắn với nhiều hoạt động không liên quan đến vai trò chính của họ là giáo dục.

Tại phiên trả lời chất vấn của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV ngày 4/11 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, tổng số giáo viên còn thiếu tính đến năm 2026 là 107.000, trong khi chỉ tiêu được duyệt là hơn 65.000.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Định vị lại vị thế nhà giáo

Tình trạng rối loạn vai trò xuất hiện khi cá nhân phải đảm nhiệm quá nhiều vai trò trong cùng một thời gian và không gian cụ thể. Với các thầy, cô giáo thì việc yêu cầu họ phải triển khai nhiều hoạt động trong phạm vi trường học nhưng lại không trực tiếp liên quan đến giáo dục tất yếu dẫn đến sự xung đột với vai trò chính yếu của họ là giáo dục.

Rối loạn và xung đột vai trò sẽ thể hiện ra thành các hành vi lệch chuẩn. Hệ quả là bệnh chạy theo thành tích, chủ nghĩa hình thức, dạy thêm, học thêm tràn lan, lạm thu núp bóng hội phụ huynh, kinh doanh các sản phẩm ngoài giáo dục… chỉ là một số biểu hiện phổ biến, dễ thấy nhất từ sự quá tải và nhầm lẫn vai trò mà thôi. Những biểu hiện lệch chuẩn vai trò nhà giáo không đáp ứng được mong đợi xã hội, bị xã hội phản ứng và thậm chí lên án, qua đó sẽ từng bước làm giảm vị thế xã hội của nhà giáo.

Mỗi nhà giáo sẽ chỉ có thể thực hiện được, và thực hiện tốt các vai trò của mình, đáp ứng được các mong đợi từ xã hội nếu họ được đặt đúng vị trí và không bị chi phối bởi các vai trò khác ngoài giáo dục. Cũng có nghĩa, để góp phần giảm lệch chuẩn học đường với các thầy, cô giáo thì hướng can thiệp hàng đầu chính là định vị lại một cách rõ ràng các vai trò của nhà giáo, từ đó giảm các nhiệm vụ không phù hợp với vai trò của họ.

Cụ thể hơn, chính sách tiền lương cần linh hoạt để bảo đảm mức sống tối thiểu tại địa bàn mà các nhà giáo sinh sống và làm việc. Khi cuộc sống nhà giáo được bảo đảm thì chúng ta mới có thể thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ngoài giáo dục để các nhà giáo toàn tâm, toàn ý với hoạt động dạy học. Khi các thầy, cô chuyên tâm với vai trò giáo dục thì vị thế xã hội của nhà giáo mới có thể được bồi đắp qua thời gian.

GIẢM ÁP LỰC CHO GIÁO VIÊN, HƯỚNG NÀO?

GS,TSKH Đặng Ứng Vận PGS,TS Phan Thanh Hội

Khảo sát về 20 loại áp lực mà giáo viên có thể có như áp lực từ học sinh, phụ huynh, chương trình- sách giáo khoa mới, thu nhập,…với bốn mức độ (cao, trung bình, thấp và không áp lực), chúng tôi nhận thấy các áp lực có thể được chia thành bốn nhóm: Nhóm áp lực cao nhất đối với giáo viên là về thu nhập thấp, nhu cầu tìm việc làm thêm để bảo đảm cuộc sống, chương trình và sách giáo khoa mới, nhiều sổ sách/ văn bản.

Nhóm áp lực cao thứ hai bao gồm: sự thiếu tôn trọng nhà giáo, công việc ngoài giờ nhiều, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Nhóm áp lực tiếp theo là áp lực từ mạng xã hội, phương tiện truyền thông, nhà trường, lãnh đạo, công tác thi đua khen thưởng, giờ dạy nhiều. Nhóm áp lực thấp nhất là từ học sinh, phụ huynh, hoạt động ngoại khóa của trường. Một số giáo viên còn nêu lên một số áp lực khác mà họ phải chịu như áp lực từ gia đình, các cuộc thi giáo viên và học sinh giỏi, soạn giáo án, đánh giá chưa thực chất trong trường học, các môn học mới,…

Cô giáo Đinh Thị Trâm với các học sinh lớp 1A2 Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông). Ảnh: Linh Cầm

Nhà giáo cần được giảm bớt những công việc ngoài chuyên môn, để có thể chuyên tâm cho việc dạy học. Ảnh: Thành Đạt

Giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội đón học sinh vào lớp. Ảnh: Đăng Khoa

Cô giáo Đinh Thị Trâm với các học sinh lớp 1A2 Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông). Ảnh: Linh Cầm

Nhà giáo cần được giảm bớt những công việc ngoài chuyên môn, để có thể chuyên tâm cho việc dạy học. Ảnh: Thành Đạt

Giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội đón học sinh vào lớp. Ảnh: Đăng Khoa

Xây dựng lộ trình giảm tải

Để giải quyết áp lực từ thu nhập thấp, nhu cầu về tìm việc làm thêm để bảo đảm cuộc sống, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của giáo viên để tiền lương và thu nhập cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, đồng thời các địa phương cũng cần có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại,… cho giáo viên.

Ngoài việc chịu khá nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống, vai trò và sự tôn trọng giáo viên đang bị giảm sút rất mạnh. Một câu hỏi đã được đặt ra trong khảo sát nhanh là “Làm thế nào để nâng cao vị thế nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?”. Chúng tôi đã thu nhận được hàng chục đề xuất như: pháp luật cần bảo vệ giáo viên; cần có chế tài thưởng/phạt phân minh đối với nhà giáo và đối với học sinh; cần có sự đánh giá giáo viên/học sinh thực chất hơn, không chạy theo thành tích; phạt nặng những hành vi tuyên truyền trên mạng xã hội về những câu chuyện ở trường học khi chưa rõ thực hư; cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về những tấm gương nhà giáo mẫu mực, những nhà giáo không ngại khó, ngại khổ, có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục ở các cấp bậc học.

Dù công nghệ phát triển tới mức nào, các doanh nhân, các nhà phát minh sáng chế đã và sẽ không thể xây dựng được một nền giáo dục không có giáo viên hoặc sử dụng những giáo viên robot bởi trong một bài giảng, tiết giảng của thầy cô giáo vẫn còn những điều mà không thể đo đếm, cũng không thể thay thế được.

Luật Nhà giáo với những đòi hỏi cần làm rõ

TS Hoàng Ngọc Vinh

Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước về Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Luật Nhà giáo.

Có thể nói Đề tài trên đã bao trùm hầu hết các chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo, bước đầu làm cơ sở để xây dựng luật. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề cần được đặt ra khi bắt tay vào xây dựng Luật Nhà giáo.

Trước hết, đâu là sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo? Phải chăng chúng ta đang thiếu các chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo? Phải chăng rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật ra đời nhưng chưa vào được cuộc sống? Vẫn còn rất nhiều những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương. Vì thế các nhà làm luật rất cần tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề nổi cộm hiện nay một cách toàn diện để một khi luật được xây dựng và thông qua sẽ giảm bớt được những vấn đề lưu cữu từ nhiều năm chưa được giải quyết.

Giờ lên lớp tại Trường tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: Hồng Phúc

Giờ lên lớp tại Trường tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: Hồng Phúc

Tiếp đó, rất cần có đánh giá những tác động chính sách và tác động của luật pháp đã ban hành đến chất lượng, hiệu quả và sự công bằng giáo dục.

Luật cần thể hiện sự phân cấp trong quản lý nguồn nhân lực cho địa phương và cho cơ sở giáo dục để cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, sa thải.

Để luật không bị lỗi thời lại không quá chi tiết cứng nhắc khó xoay xở khi tình hình có những thay đổi, cơ quan soạn thảo Dự thảo luật rất cần cân nhắc xem điều luật nào quy định cứng (nghĩa là thực tế chứng minh ít thay đổi), điều luật nào quy định khung và sẽ được hướng dẫn bằng các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt khi điều kiện cuộc sống có thay đổi mà chưa lường hết được.

Cần tham khảo thực tiễn của các quốc gia trên thế giới ứng xử như thế nào với những vấn đề tương tự mà ngành giáo dục Việt Nam đang vướng mắc để có một cách tiếp cận sáng tạo, hợp quy luật thực tiễn và hiện đại.

Học sinh Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chúc mừng cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: Nguyễn Đăng

Học sinh Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chúc mừng cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: Nguyễn Đăng

Ngày xuất bản: 20/11/2022
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, KHÚC HỒNG THIỆN
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG