TRIỂN VỌNG
MÔI TRƯỜNG
KINH DOANH
VIỆT NAM

Theo đánh giá, khảo sát của nhiều tổ chức đánh giá, xếp hạng uy tín cả trong nước và trên thế giới, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam hiện đang là một “điểm sáng” trên toàn cầu với nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện và nâng hạng dù tình hình kinh tế trên thế giới có nhiều biến động khó lường và bất lợi.

NHIỀU ĐIỂM SÁNG
TÍCH CỰC

Tại báo cáo khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) quý 1/2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) cho thấy, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu vào triển vọng kinh tế của Việt Nam ngày càng gia tăng.

Theo đó, BCI quý 1/2023 đạt 48 điểm, không đổi so với cuối năm 2022, nhưng số doanh nghiệp châu Âu lạc quan về nền kinh tế Việt Nam đã tăng 8 điểm, số doanh nghiệp dự đoán nền kinh tế suy thoái giảm 6%.

Trong khi đó, số doanh nghiệp dự đoán sẽ có cải thiện đối với doanh thu và đơn hàng tăng 7%, 36% số người tham gia khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong nhóm 3 hoặc trong nhóm 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ trên phạm vi toàn cầu.

Trên bảng xếp hạng năm 2022, trình độ phát triển thị trường Việt Nam tiếp tục được cải thiện so năm 2021, với các chỉ số “Tự do kinh tế” tăng 6 bậc từ từ 90 lên 84; “Phát triển du lịch và lữ hành” cải thiện 8 bậc so năm 2019 (từ vị trí 60 lên 52). (Nguồn: Diễn đàn kinh tế thế giới)

Nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu hài lòng với mức độ quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với nhu cầu kinh doanh tại Việt Nam, với 1/3 số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng đáng kể hoặc vừa phải. Phản hồi tích cực này là minh chứng cho cam kết bền vững của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện.

Cơ quan nghiên cứu và phân tích EIU thuộc tập đoàn tư vấn Economist Group (Anh) vừa công bố bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu quý II/2023 cũng ghi nhận Việt Nam có mức thăng hạng nhiều nhất trong số các nền kinh tế được xếp hạng.

Theo đó, những quốc gia cải thiện nhiều nhất trong xếp hạng của EIU năm qua là Việt Nam, Thái Lan, Bỉ, Thụy Ðiển, Ấn Ðộ và Costa Rica. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là có động lực lớn nhất, tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng, trong khi Thái Lan tăng 10 bậc và Ấn Ðộ tăng 6 bậc.

EIU cũng đưa ra nhiều hạng mục đánh giá hoạt động quản lý kinh tế trong 5 năm qua và triển vọng 5 năm tới của các quốc gia và vùng lãnh thổ, qua đó đánh giá chất lượng hoặc mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại 82 quốc gia và nền kinh tế.

“Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, với mức tăng trưởng đạt 8%, vượt mức trung bình 7,1% trong giai đoạn 2016-2019.

Sự tăng trưởng này một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, được thúc đẩy bởi phục hồi của tiêu dùng cá nhân trong nước sau đại dịch Covid-19 và hoạt động mạnh mẽ trong sản xuất định hướng xuất khẩu.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới có nguy cơ tăng trưởng âm, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 sẽ đạt 6,3%.

Đáng chú ý, không giống nhiều quốc gia khác, Việt Nam sẽ còn nhiều dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng”.
Nguồn: Ngân hàng thế giới (WB) -

MÔI TRƯỜNG KINH DOANH
LIÊN TỤC ĐƯỢC CẢI THIỆN

Môi trường kinh doanh được xem là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của địa phương và của quốc gia. Với tầm quan trọng đó, suốt từ năm 2014 đến nay, Chính phủ luôn xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.

Điều này thể hiện rõ qua việc Chính phủ liên tục ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP (giai đoạn năm 2014-2018) và Nghị quyết 02/NQ-CP (giai đoạn 2019-2022) và mới đây nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP 2023, yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiến hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Điểm sáng trong bức tranh xám màu”

Môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam qua góc nhìn của doanh nghiệp đang cho thấy sự liên tục cải thiện theo hướng cởi mở, thân thiện, thuận lợi hơn. Từ đó giúp việc phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc; điều này cũng đã được thể hiện trong đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế khi luôn nhận định Việt Nam là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Tại kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 vừa được VCCI công bố mới đây đã cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam đang có xu hướng cải thiện rõ rệt theo thời gian với điểm trung vị tiếp tục tăng năm thứ 6 liên tiếp, đạt 65,22 điểm. Theo đó, nhiều chỉ số đánh giá PCI, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở các địa phương nói chung đều có chuyển biến tích cực và ngày càng thăng hạng; chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm từ năm 2016 đến nay trong hầu hết các lĩnh vực; gánh nặng thanh tra, kiểm tra đã giảm đáng kể,...
Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Báo cáo PCI 2022 cho thấy sự bứt phá trong thứ bậc xếp hạng của nhiều địa phương trên cả nước như: Bắc Giang tăng tới 29 bậc (đạt 72,8/100 điểm, xếp thứ 2) so với năm 2021 chỉ xếp ở vị trí 31/63 tỉnh, thành và đạt 64,4/100 điểm; Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2022 lần đầu tiên góp mặt trong tốp 5 (đạt 70,26/100 điểm, xếp thứ 4) vươn lên từ vị trí thứ 9 năm 2021 với điểm số đạt 69,3 điểm hay như Hưng Yên vươn lên vị trí 14/63 địa phương, đạt 67,91/100 điểm, tăng 25 bậc so năm 2021 (từ vị trí thứ 39/63 địa phương, đạt 63,76/100 điểm.

Có được kết quả này nhờ sự chuyển biến tích cực trong công tác điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí không chính thức, cải thiện tính minh bạch,... với hiệu quả và hiệu lực thực thi gia tăng mạnh mẽ.

Một điểm đáng mừng khi những nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng, giúp giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; mức độ phổ biến của chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực cụ thể cũng tiếp tục xu hướng giảm.

Khảo sát PCI năm 2022 theo nhận định từ góc độ doanh nghiệp, hiện các khoản phí “bôi trơn” ở hầu hết các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp đều giảm đáng kể từ 68% (năm 2016) xuống còn hơn 42% (năm 2022).

Quy mô các khoản chi phí này cũng giảm từ 9,1% (năm 2016) xuống còn 3,8% (năm 2022).

Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng “chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được” đạt gần 89%, mức cao nhất kể từ năm 2013 đến nay. 

PCI 2022 cũng cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra cũng giảm từ 13,46 (năm 2017) xuống còn 6,69% (năm 2022); tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh kiểm tra trên 3 lần/năm giảm từ 22,22% (năm 2017) xuống còn 7,39% (năm 2022), chỉ còn 1 cuộc/năm/doanh nghiệp; tình trạng cán bộ thanh, kiểm tra lợi dụng công vụ nhũng nhiễu doanh nghiệp cũng giảm từ 18,92% (năm 2017) xuống còn 9,59% (năm 2022).

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra đã giảm đáng kể, từ 20,9% năm 2021 xuống còn 14% năm 2022. Thậm chí, có tới 93% ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định. 

Nhìn chung, việc cải thiện môi trường kinh doanh và vị trí thứ hạng của các địa phương dù có sự nỗ lực cố gắng nhưng sẽ ngày càng có thêm nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường. Để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cải cách môi trường kinh doanh đang có xu hướng chùng xuống, chưa được như Chính phủ chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Chính vì vậy, để “giữ lửa” cho đà cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn, bền vững hơn thì yếu tố quan trọng nhất là phải luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư.

Ngày xuất bản: 20/4/2023
Chỉ đạo thực hiện: THU HÀ
Nội dung: MINH DŨNG
Trình bày: BẢO MINH
Ảnh: TRẦN HẢI, VCCI và CTV