TIỂU ĐOÀN BÌNH CA
TRỞ VỀ TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ
Đầu tháng 10/1954, anh Vũ Huy Hậu, Chính trị viên Tiểu đoàn 18 (Bình Ca), Trung đoàn 102 (Thủ Đô), Đại đoàn 308 (Quân tiên phong) được giao nhiệm vụ chọn 214 người, thành lập 35 tổ, phần lớn do cán bộ đại đội, trung đội làm tổ trưởng, trang bị toàn tiểu liên Tuyn (loại súng chiến lợi phẩm ta thu được của Pháp), dưới danh nghĩa đơn vị cảnh vệ, vào Hà Nội trước 2 ngày để cùng canh gác với lính Pháp tại 35 vị trí quan trọng, trước khi Pháp rút khỏi Hà Nội, tạo thuận lợi cho bộ đội ta chính thức tiếp quản thành phố ngày 10/10/1954. Tin vui này làm toàn thể cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn rất phấn khởi.
Tiểu đoàn 18 vốn là đơn vị gồm các anh em Tự vệ Thành Hà Nội. Sau 30 ngày đêm lăn lộn chiến đấu quyết tử để bảo vệ thành phố quê hương, ngày 14/1/1947, đơn vị được lệnh rút ra trước, về tập kết ở Hạ Bằng, Thạch Thất, Sơn Tây để chính thức thành lập tiểu đoàn mang phiên hiệu 42. Sau đó, tiểu đoàn hành quân lên Việt Bắc trấn giữ Bình Ca - cửa ngõ phía tây của An toàn khu (ATK). Thu đông năm 1947, quân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn lên “Thủ đô Kháng chiến” của ta. Đại tướng - Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp ra chỉ lệnh: "Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên”. Tiểu đoàn đã chấp hành xuất sắc chỉ lệnh của vị chỉ huy tối cao. Kết thúc chiến dịch Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen: "Trận Bình Ca, Tiểu đoàn 42 đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng, bắn chìm pháo thuyền, ghi một chiến công đầu tiên, mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô”. Lời khen này đã được thêu lên lá cờ truyền thống của đơn vị. Cùng với lời khen, Đại tướng tặng cho Tiểu đoàn danh hiệu Bình Ca với phiên hiệu 18 thuộc Trung đoàn Thủ Đô.
Sau 8 năm kháng chiến, tiểu đoàn đã tham gia nhiều chiến dịch, nhất là sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, đứng trong đội ngũ Trung đoàn Thủ Đô, Đại đoàn 308 Quân tiên phong, Tiểu đoàn 18 Bình Ca lại là đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên trở về tiếp quản Hà Nội. Vui mừng hơn cả là những anh em đã từng chiến đấu ở Liên khu I năm xưa, nay trở thành những người chiến thắng thực hiện được lời hẹn ước thiêng liêng “Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù”, cùng đồng đội ca khúc khải hoàn trong “Ngày về” vẻ vang.
Binh sĩ hai bên tập trung tại chân cầu Long Biên trong thời điểm chuyển giao quyền lực.
Binh sĩ hai bên tập trung tại chân cầu Long Biên trong thời điểm chuyển giao quyền lực.
Theo hiệp định Trung Giã, Pháp sẽ đón chúng tôi vào 8 giờ sáng 8/10 tại cầu Đuống. Đúng giờ quy định, chúng tôi đã có mặt ở phía bắc cầu Đuống. Viên quan ba Pháp và đoàn tùy tùng ra đón chúng tôi. Sau thủ tục đón tiếp, anh Vũ Huy Hậu cùng viên Quan ba Pháp dẫn đoàn qua cầu về Hà Nội. Đầu cầu phía nam có một số phóng viên quay phim, chụp ảnh và một tiểu đội lính Pháp đứng bồng súng chào. Đoàn xe đón chúng tôi gồm 35 xe GMC và 3 xe bọc thép hộ tống. Lúc ấy trời lất phất mưa. Thực chất họ không muốn để nhân dân hai bên đường nhìn thấy xe nhà binh chở bộ đội Việt Minh. Nhưng chúng tôi ngồi trên xe, nhô đầu ra ngoài, khi về đến Gia Lâm nhân dân nhìn thấy bộ đội, ùa ra đường rất đông hoan hô chào đón. Tên Quan ba Pháp không hài lòng, cho xe phóng nhanh về Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Trụ sở của Ban Liên hiệp đình chiến Trung ương. Tại đây, một số sĩ quan quân đội Pháp và phóng viên đứng chờ sẵn để đón chúng tôi. Họ đứng tập trung một chỗ, nét mặt có vẻ căng thẳng, chỉ có một phóng viên nữ đi lại chụp một vài kiểu ảnh. Theo hướng dẫn của Ban Liên hiệp đình chiến, đơn vị chúng tôi tập hợp đội ngũ chỉnh tề trên một bãi rộng trong nhà thương. Một số người Pháp cũng có mặt ở đây để đón bộ đội ta về các cơ sở của họ. Trước thái độ e dè và ngại ngùng của những người Pháp, đồng chí Doãn Thạch Khôi nói một câu tiếng Pháp: “vive la paix” (vi-vơ la pe - Hòa bình muôn năm!) và bắt tay người Pháp, làm cho không khí của những người Pháp ở đây bớt căng thẳng.
Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân.
Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô.
Các đơn vị bộ đội thuộc Đại đoàn 308 tiến vào khu vực ngã năm Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), sáng 10/10/1954 trong tiếng reo vui của hàng vạn người dân Thủ đô.
Các đơn vị bộ đội thuộc Đại đoàn 308 tiến vào khu vực ngã năm Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), sáng 10/10/1954 trong tiếng reo vui của hàng vạn người dân Thủ đô.
Các đơn vị bộ binh của Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Gai vào Thủ đô, sáng 10/10/1954.
Các đơn vị bộ binh của Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Gai vào Thủ đô, sáng 10/10/1954.
Tiểu đoàn 18 Bình Ca lại là đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên trở về tiếp quản Hà Nội. Vui mừng hơn cả là những anh em đã từng chiến đấu ở Liên khu I năm xưa, nay trở thành những người chiến thắng thực hiện được lời hẹn ước thiêng liêng “Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù”, cùng đồng đội ca khúc khải hoàn trong “Ngày về” vẻ vang.


Sau cuộc tiếp xúc, các tổ lên xe do Pháp đưa về 35 vị trí theo sự bố trí của Ban Liên hiệp đình chiến, gồm các nơi như: Phủ Toàn quyền, Nhà máy Điện, Nhà máy Nước, Nhà máy Đèn Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Cảnh sát Bắc Việt, Tòa Thị chính, Nhà tù Hỏa Lò, Tòa án Tối cao...
Tiểu đoàn Bình Ca tiến về tiếp quản Thủ đô (ảnh Tư liệu)
Tiểu đoàn Bình Ca tiến về tiếp quản Thủ đô (ảnh Tư liệu)
Hai ngày đêm “chung sống” với binh lính Pháp ở 35 vị trí cùng canh gác, các chiến sĩ “cảnh vệ” của Tiểu đoàn Bình Ca đã phải trải qua những thử thách khá phức tạp, có nơi căng thẳng. Lực lượng Pháp ở Hà Nội lúc này còn 2 tiểu đoàn, nhiều tên hiếu chiến, thù địch và bọn Việt gian phản động, âm mưu phá hoại hòng trao trả ta một thành phố xơ xác, tan hoang; gây mất an ninh, ổn định cuộc sống của nhân dân.
Binh lính Pháp phần đông chán ghét chiến tranh, nhưng cũng có những người mượn rượu giải sầu, say khướt, sinh ra những hành động gây gổ, vô kỷ luật, như ở Sở Công chính Hàng Vôi, một vài tên lính Âu-Phi say rượu, đòi tước vũ khí của đồng chí Nghệ, tổ trưởng ở đây. Chúng nói: “súng Tuyn là của Pháp, phải trả chúng”. Đồng chỉ Nghệ đã phải đấu tranh quyết liệt với chúng để giữ lại vũ khí và gọi tên chỉ huy của chúng tới, yêu cầu dẹp bỏ những chuyên quấy phá đó đi. Ở Nhà máy Nước trưa 8/10, có 2 chiếc xe tải của Pháp chở đầy những bao vải trắng căng phồng, bốc xuống để cạnh bế nước. Nghi có thể các bao vải đựng chất độc bọn chúng định ném xuống giếng nước, đồng chí Khôi, tổ trưởng tiếp quản ở đây bàn với công nhân nhà máy phối hợp đấu tranh, không cho chúng đầu độc nguồn nước của thành phố.
5 giờ sáng 9/10, chúng phải cho 2 xe tải đến bốc các bao vải lên xe, rời khỏi nhà máy. Ở trại pháo binh (phố Đội Cấn), bọn chúng định phá doanh trại, lấy một số đồ đạc mang đi, đồng chí Thanh tổ trưởng đã kịp ngăn chặn, không cho chúng phá hay lấy đồ đạc. Đặc biệt ở Sở Cảnh sát Bắc Việt (nay là Sở Công an Hà Nội, số 89 phố Trần Hưng Đạo) khi anh em đến đây đã thấy bọn chúng căng một khẩu hiệu ở lan can tầng 2, chữ bằng giấy vàng dán trên nền vải đỏ: “Có đi vào Nam hay là ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ” (đồng chí Lý Bá Sơ là giám đốc một trại giam của ta). Đồng chí Niết, tổ trưởng ở đây yêu cầu phía Pháp phải gỡ băng khẩu hiệu xuống rồi mới vào tiếp quản.
Bọn phản động còn dùng gái để lôi cuốn, dụ dỗ anh em ta. Sáng 9/10, đồng chí Nguyễn Văn Phiên ở tổ tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt, vừa bước ra cổng thì một phụ nữ từ đâu chạy tới, ôm chầm lấy, khóc nức nở: “Anh ơi! Anh đi lâu thế mà chẳng nói gì với em. Anh định bỏ em à? Anh ơi...”. Nhân dân hiếu kỳ xúm lại xem khá đông. Anh Phiên ngớ người không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Một người dân bèn hỏi: “Chị quê ở đâu?”. Cô ta đáp “em ở Hải Dương, cùng làng với anh ấy”. Người dân lại quay sang hỏi anh Phiên quê ở đâu. Phiên trả lời: “Tui ở Nghệ An, không quen biết chi o nớ!”. Mọi người ồ lên cười “Thế thì chị kia nhận nhầm chồng rồi! Đi chỗ khác mà tìm”. Chị ta xấu hổ lủi nhanh.
Ở Sở Cảnh sát Bắc Việt còn có người lính Âu-Phi thiện cảm với bộ đội ta. Tối 8/10, cả tổ chúng tôi ngồi quây quần bên nhau ca hát thì anh ta đến chơi và nói chuyện. Một lúc sau bị tên sĩ quan gọi lên, tát cho một cái rồi cấm không cho tiếp xúc với bộ đội Việt Nam. Trong chúng tôi có người biết một ít tiếng Pháp, qua câu chuyện anh ta kể, chúng tôi biết anh là một tù binh Đức, bị Pháp bắt trong chiến tranh Thế giới II, đưa sang Việt Nam để phục vụ cho quân đội Pháp. Ở quê hương anh ta còn một bà mẹ và em gái; anh ta muốn trốn ở lại với bộ đội Việt Nam để mong sớm được hồi hương. Tuy bị cấm nhưng đêm hôm ấy, anh ta cũng lẻn đến, ném vào chỗ chúng tôi 2 bao thuốc lá. Ngày 9/10 khi quân Pháp tập hợp để rút xuống Hải Phòng, điểm quân thì thấy thiếu người lính bồi bếp. Sĩ quan chỉ huy cho tìm kiếm khắp nơi và phát hiện anh ta nấp trong một cái tủ trên tầng hai tòa nhà. Anh ta bị chúng lôi xuống, đánh đập rồi bị tống lên xe ô-tô chở đi.
Những người lính trẻ được hân hoan chào đón.
Những người lính trẻ được hân hoan chào đón.


Lính Pháp qua cầu Long Biên để rút khỏi Hà Nội.
Lính Pháp qua cầu Long Biên để rút khỏi Hà Nội.
Lính Pháp qua cầu Long Biên để rút khỏi Hà Nội.
Lính Pháp qua cầu Long Biên để rút khỏi Hà Nội.
Trong 2 ngày tiếp quản, theo kế hoạch thì anh nuôi nấu cơm và quân Pháp sẽ chở đến các nơi, nhưng nhiều khi họ “quên”. Ở Sở Cảnh sát Bắc Việt, người Pháp thấy anh em ta không có cơm ăn, họ đem cho bánh mì nhưng chúng ta không nhận, vì kỷ luật khi vào tiếp quản không được mua bán hay nhận quà của bất cứ ai. Do đó các đồng chí chấp nhận nhịn đói chứ nhất định không nhận quà của địch.
Chiều 9/10, những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội, trên đường phố của Thủ đô không còn bóng dáng những tên xâm lược. Điện, nước và mọi sinh hoạt vẫn bảo đảm. Nhân dân được sống trong hòa bình và hạnh phúc. Ngày 10/10, đại quân của Đại đoàn 308 hùng dũng vào tiếp quản Thủ đô, cả Hà Nội rực rỡ cờ hoa. Ở nơi đại quân đi qua thì rừng người, rừng cờ hoa nô nức đón chào những người con yêu quý của mình, sau 8 năm xa cách nay đã mang chiến thắng trở về.
Người dân ngoại thành Hà Nội trong ngày giải phóng Thủ đô.
Người dân ngoại thành Hà Nội trong ngày giải phóng Thủ đô.
Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10/10/1954.
Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10/10/1954.
Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô.
Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô.
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân