THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

MỘT TRONG NHỮNG NGUỒN THU CHỦ LỰC
CỦA NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Là một trong những khoản thu quan trọng của ngân sách Nhà nước, thuế thu nhập cá nhân đã được áp dụng từ lâu ở các nước phát triển, mọi người dân trong nước và người nước ngoài có thu nhập phát sinh ở Việt Nam không phân biệt nghề nghiệp và địa vị xã hội là đối tượng nộp thuế của sắc thuế này. Đây là sắc thuế trực thu, tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các khoản thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ gia cảnh, và là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân nhằm góp phần vào sự phát triển của đất nước. Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng trên nguyên tắc công bằng và khả năng nộp thuế khi không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp vừa đủ để nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết. Trong điều kiện giảm dần các loại thuế xuất nhập khẩu do yêu cầu tự do hóa thương mại, thuế thu nhập cá nhân ngày càng trở thành sắc thuế đóng vai trò chủ đạo trong cải cách công tác thu ngân sách Nhà nước, đồng thời là thước đo chất lượng phát triển của nền kinh tế.

Đánh giá vai trò của thuế thu nhập cá nhân đối với nền kinh tế xã hội, không thể phủ nhận rằng, cùng với sự phát triển kinh tế, số thu từ thuế thu nhập cá nhân ngày càng tăng, tiến tới trở thành một trong những nguồn thu chủ lực cho ngân sách Nhà nước.

Công cụ điều tiết thu nhập
bảo đảm công bằng xã hội

Nền kinh tế ngày càng phát triển, thuế thu nhập cá nhân cũng có sự gia tăng nhanh chóng, tỷ lệ thuận với thu nhập bình quân đầu người.

Bên cạnh đó, do việc thực hiện tự do hóa nền kinh tế thương mại, nên nguồn thu từ các loại thuế xuất-nhập khẩu bị ảnh hưởng. Vì vậy, thuế thu nhập cá nhân ngày càng trở nên quan trọng với ngân sách Nhà nước.

Do việc thực hiện tự do hóa nền kinh tế thương mại, nên nguồn thu từ các loại thuế xuất-nhập khẩu bị ảnh hưởng. Vì vậy, thuế thu nhập cá nhân ngày càng trở nên quan trọng với ngân sách Nhà nước.

Không những thế, thuế thu nhập cá nhân còn góp phần thực hiện công bằng xã hội và được coi như công cụ giúp điều tiết vĩ mô, kích thích tiết kiệm, đầu tư theo hướng nâng cao năng lực hiệu quả xã hội.

Thông qua việc điều tiết thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao, thuế thu nhập cá nhân góp phần quan trọng trong việc tăng các chế độ phúc lợi xã hội.

Đây cũng là một loại thuế “công cụ” để phát hiện thu nhập bất hợp pháp như: nhận hối lộ, tham ô, kinh doanh hàng quốc cấm, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…   

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

  • Một trong những nguồn thu chủ lực cho ngân sách Nhà nước.
  • Góp phần quan trọng trong việc tăng các chế độ phúc lợi xã hội.
  • “Công cụ” để phát hiện thu nhập bất hợp pháp.
  • Khắc phục hạn chế của các loại thuế khác khi sử dụng cách tính lũy thoái.
  • Giúp hạn chế thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với hệ thống thuế, thuế thu nhập cá nhân khắc phục hạn chế của các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu dùng khi sử dụng cách tính lũy thoái.

Cụ thể, các loại thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu dùng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo nhiều hơn do khi tiêu thụ cùng lượng hàng hóa, mọi người đều phải chịu tiền thuế như nhau, nhưng thuế thu nhập cá nhân tính theo phương pháp lũy tiến từng phần sẽ góp phần bảo đảm tính công bằng của hệ thống thuế.

Đây còn là sắc thuế giúp hạn chế thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp, khi có trường hợp doanh nghiệp kê khai cao hơn thực tế các chi phí phải trả cho cá nhân để trốn thuế, thì các cá nhân được kê khai tăng thêm sẽ phải nộp thêm thuế thu nhập cá nhân với phần phát sinh. Do đó, góp phần khắc phục hạn chế thất thu về thuế.

Cần luôn luôn sửa đổi
theo sự phát triển của nền kinh tế và xã hội

Lý thuyết thì như vậy, nhưng trong thực tế, việc áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân còn nhiều vướng mắc, bất cập, cần được luôn luôn sửa đổi cho phù hợp với thực tế nền kinh tế và sự tiến bộ của xã hội.

Mới đây, tại Dự thảo báo cáo kết quả thực hiện đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luât của Bộ Tư pháp cho biết, căn cứ Kết luận số 19-KL/TW, Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 và trên cơ sở Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Quyết định số 2114/QĐ-TTg, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiên cứu, rà soát các nhiệm vụ lập pháp, bảo đảm chất lượng, tiến độ; triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng thời giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các nhiệm vụ lập pháp trình Chính phủ xem xét, quyết định báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, trong 12 nhiệm vụ hoàn thành nghiên cứu, rà soát và được đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành có Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện đang được lập đề nghị để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm tiếp theo của nhiệm kỳ Quốc hội (khóa XV).   

Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện đang được lập đề nghị để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm tiếp theo của nhiệm kỳ Quốc hội (khóa XV).

Nhìn lại lịch sử ngành thuế thì Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 20/11/2007, có hiệu lực từ ngày 1/1/2009, và Luật này đã được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2012 và năm 2014).

Đây là luật thuế được ban hành hoàn toàn trong giai đoạn đổi mới, chính điều này đã nói lên sự cần thiết và sự tiến bộ trong công tác ban hành và điều hành chính sách pháp luật ở nước ta giai đoạn hiện đại.

Đánh giá của Bộ Tư pháp cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã góp phần quan trọng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, bảo đảm huy động một cách hợp lý thu nhập dân cư; khuyến khích minh bạch các nguồn thu nhập của cá nhân trong lao động, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng.

Việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có tính đến các bước đi phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội và thông lệ quốc tế, nhờ đó đã huy động kịp thời các nguồn lực cho ngân sách nhà nước giải quyết tốt hơn các vấn đề của xã hội.

Đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế-chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chính vì thế, với kết quả nghiên cứu, rà soát, Dự thảo báo cáo của Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026). Như vậy, còn có một chặng đường rất dài để có thể áp dụng Luật thuế sửa đổi quan trọng này vào thực tiễn.

Vai trò rất quan trọng trong
tiến trình tái cấu trúc ngân sách nhà nước

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 15 năm đưa Luật vào cuộc sống, có thể thấy Luật thuế thu nhập cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình tái cấu trúc ngân sách nhà nước cũng như trong lộ trình chống tham nhũng của đất nước hiện nay.

Báo cáo thực hiện thu ngân sách Nhà nước năm 2022 của Cục thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cơ quan thuế tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, tăng cường quản lý nợ đọng thuế, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Theo đó, với số thu được giao, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đã thu 14 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ. Đáng lưu ý, trong số thu đó, đóng góp từ thuế thu nhập cá nhân đạt 2.384,1 tỷ đồng, vượt 74% dự toán trung ương giao, và tăng 84% so cùng kỳ, tương ứng tăng 1.088 tỷ đồng.

Tăng chủ yếu từ thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng bất động sản (tăng 92%, tương ứng tăng 803 tỷ đồng) do năm 2022 số hồ sơ chuyển nhượng tăng, đồng thời cơ quan Thuế tăng cường tuyên truyền đến người nộp thuế thực hiện kê khai thuế theo đúng giá giao dịch thực tế, và phối hợp với cơ quan Công an xác minh giá chuyển nhượng thực tế đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản, qua đó người nộp thuế đã khai giá chuyển nhượng sát với giá thị trường.

Trên cả nước, Tổng thu ngân sách Nhà nước do cơ quan Thuế quản lý đạt 1.515.410 tỷ đồng, đạt 129% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,6% so cùng kỳ năm 2021.

Trên bình diện cả nước, báo cáo của Tổng cục Thuế mới đây cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước do cơ quan Thuế quản lý đạt 1.515.410 tỷ đồng, đạt 129% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,6% so cùng kỳ năm 2021.

So với dự toán, có tới 18/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành. Trong số các khoản thu lớn hoàn thành đạt và vượt dự toán như khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 114,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 117,8%; Khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 121,8%, thuế thu nhập cá nhân đã đóng góp mức 138,7%, và nếu so với cùng kỳ thì thuế thu nhập cá nhân đã tăng tới 28,3%.

Như vậy, có thể nói, cùng với các khoản thu khác, số thu từ thuế thu nhập cá nhân đã góp phần rất quan trọng vào tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 của toàn ngành Thuế.

Item 1 of 3

Ngày xuất bản: 24/2/2023
Chỉ đạo: NGỌC THANH-VIỆT ANH
Thực hiện: SÔNG TRÀ
Trình bày: KHÁNH GIANG-MINH ĐỨC
Ảnh: Báo Nhân Dân