THỦ ĐÔ HÀ NỘI
TRONG THỜI KỲ TIẾP QUẢN
(7/1954-1/1/1955)

Đêm 20, rạng sáng ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết. Pháp và các nước tham gia Hội nghị Giơ ne-vơ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương nhưng Hà Nội vẫn còn nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Ở Hà Đông, Sơn Tây, quân Pháp vẫn chốt giữ các vị trí quan trọng và co cụm về thị xã, do đó lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch phá hoại các thành phố, thị xã về mọi mặt, chống địch cưỡng ép di cư, tiếp quản Hà Nội thắng lợi có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến chống Pháp xâm lược, giành lại độc lập, tự do của dân tộc ta.
Đơn vị tiếp quản Bắc Bộ Phủ, dưới sự chứng kiến của sĩ quan Ấn Độ thuộc Ủy ban Quốc tế Giám sát đình chiến. Ảnh tư liệu
Đơn vị tiếp quản Bắc Bộ Phủ, dưới sự chứng kiến của sĩ quan Ấn Độ thuộc Ủy ban Quốc tế Giám sát đình chiến. Ảnh tư liệu
Lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay tại Lễ chào cờ trên sân Cột Cờ, Hà Nội, tháng 10/1954. Ảnh tư liệu
Lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay tại Lễ chào cờ trên sân Cột Cờ, Hà Nội, tháng 10/1954. Ảnh tư liệu
Ngày 3/7/1954, Ban Bí thư ra chỉ thị “Về việc bảo hộ những thành phố mới giải phóng”, trong đó đặc biệt coi trọng việc bảo vệ, tính mạng, tài sản của nhân dân, xây dựng chính quyền, phục hồi và phát triển sản xuất, bảo hộ công thương nghiệp. Đối với thủ đô Hà Nội cần phải đảm bảo guồng máy của toàn thành phố hoạt động bình thường, không bị gián đoạn; điện, nước, vệ sinh và các mặt sinh hoạt, sản xuất của mọi tầng lớp nhân dân ổn định. Do đó, để đảm bảo thắng lợi cho công cuộc tiếp quản thành phố, Trung ương Đảng đã chỉ định Đảng ủy tiếp quản. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bí thư Thành ủy kiêm Bí thư Đảng ủy tiếp quản. Ngày 17/9/1954, Ủy ban quân chính được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Hàng trăm cán bộ các ngành của Trung ương được chọn đi học các lớp tiếp quản ở Việt Bắc và Liên khu III, đã tăng cường cho bộ máy tiếp quản thành phố. Nhân dân các liên khu III và IV hăng hái phấn khởi cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt, vật liệu xây dựng... cho đồng bào Thủ đô ổn định mọi mặt sinh hoạt và đời sống ngay sau ngày giải phóng Thủ đô.
Nhân dân Thủ đô đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô.
Nhân dân Thủ đô đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô.
“Tiếng sấm Điện Biên Phủ”, và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã nhân lên trong lòng mỗi người niềm tự hào sâu sắc về sức mạnh vĩ đại của dân tộc. Trong 80 ngày ta chuẩn bị tiếp quản, quân đội Pháp, đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã tìm mọi cách phá hoại thành phố. Nhân dân Hà Nội có tự vệ làm nòng cốt, đã đấu tranh mạnh mẽ với địch, giữ lại máy móc, hồ sơ, nguyên vật liệu ở nhiều nhà máy, công sở như Nhà máy Điện, Nước Yên Phụ, cảng Phà Đen, ga Hà Nội, ga Gia Lâm, Sở Xe điện, Kho Bưu điện, Sở Vệ sinh, các bệnh viện Bạch Mai, Phủ Doãn, Đồn Thủy, Sở Y tế Bắc Việt, các trường Đại học Y, Đại học Việt Nam.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Hà Nội đã được cán bộ Thành ủy cung cấp thông tin kịp thời cho phái đoàn của Chính phủ ta đang đấu tranh trên bàn hội nghị Phù Lỗ buộc địch phải chuyển giao thành phố theo nguyên tắc trật tự, an toàn, không có sự gián đoạn hoạt động; mọi tài sản bị phá hoại, bị tháo dỡ đi, phía Pháp phải bồi hoàn đầy đủ. Ngày 30/9/1954, đại diện Chính phủ của hai bên đã ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về mặt quân sự; ngày 2/10/1954, ký tiếp hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính.
Những em nhỏ háo hức đón chào đoàn quân chiến thắng.
Những em nhỏ háo hức đón chào đoàn quân chiến thắng.
Lực lượng Công an tiếp quản Ty Cảnh sát thành phố (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm).
Lực lượng Công an tiếp quản Ty Cảnh sát thành phố (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm).
Tiếp quản nhà tù Hỏa Lò.
Tiếp quản nhà tù Hỏa Lò.
Quân đội Việt Nam tiếp quản bốt Hàng Trống (Trung tâm chỉ huy của cảnh sát Pháp ở Hà Nội).
Quân đội Việt Nam tiếp quản bốt Hàng Trống (Trung tâm chỉ huy của cảnh sát Pháp ở Hà Nội).
Thị xã Sơn Tây đã được tiếp quản từ ngày 3/8/1954, nên ta có thêm điều kiện thuận lợi về mọi mặt để chuẩn tiếp quản Thủ đô. Từ ngày 2 đến ngày 5/10/1954, đồng chí Trần Danh Tuyên, Phó Bí thư Thành ủy dẫn đầu Đội hành chính, trật tự vào trước thành phố để chuẩn bị tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình lợi ích công cộng. Ngày 6/10/1954, địch rút khỏi quận lỵ Văn Điển và thị xã Hà Đông, đồng thời, ta vào tiếp quản hai vị trí quan trọng này. Đại đoàn 308 và trung đoàn 57 đóng quân ở Hà Đông chuẩn bị vào tiếp quản Hà Nội. Ban Cán sự Đảng ngoại thành đã tổ chức các Đội tiếp quản để chuẩn bị mọi mặt và giúp bộ đội vào tiếp quản các quận ngoại thành. Ngày 8/10, Đại đoàn 308 và trung đoàn 57 Đại đoàn 304 nhận nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô đã hành quân về đến ngoại thành, đóng quân trên vành đai Đê La Thành, từ Nhật Tân - Bưởi đến Ngã Tư Sở - sân bay Bạch Mai, Vĩnh Tuy. Ở phía Bắc, địch rút khỏi Yên Viên sang bên tả ngạn sông Đuống. Các đơn vị của Tiểu đoàn Bình Ca qua cầu Đuống, cầu Long Biên, vào nội thành để chuẩn bị tiếp quản 35 vị trí quân sự phía Pháp bàn giao. Chiều ngày 8/10, dưới trời mưa tầm tã, tại chân Cột Cờ, binh lính Pháp cuốn cờ tam tài đánh dấu sự cáo chung của chế độ thực dân kiểu cũ tồn tại gần 100 năm trên đất nước Việt Nam. “Tướng Mát-xông, Tư lệnh các đơn vị triệt thoái đứng dưới chân cột cờ sơn trắng, buồn rầu giơ hai tay đỡ lấy lá cờ, gấp lại làm tư, rồi trịnh trọng giao cho viên quan năm Đác-giăng-xơ... Ngay tối 8/10, quân Pháp đã chuyển các bộ phận nặng như pháo binh, xe tăng sang bên Gia Lâm, chỉ còn để lại trong Hà Nội hai tiểu đoàn bộ binh và một số xe thiết giáp, xe vận tải”
Sáng 9/10/1954, bộ đội phối hợp với các đội công tác ngoại thành, tiếp quản chính quyền 4 quận lỵ của địch: Quảng Bá, Cầu Giấy, Quỳnh Lôi, Ngã Tư Sở, cuối cùng là trụ sở Đại lý Hoàn Long ở ấp Thái Hà; đồng thời các tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ Đô vào tiếp thu các khu vực quân sự trong nội thành: Quần Ngựa, ga Hà Nội, Bạch Mai, Đồn Thủy, Thành Hà Nội.
Binh sĩ hai bên tập trung tại chân cầu Long Biên tại thời điểm chuyển giao quyền lực.
Binh sĩ hai bên tập trung tại chân cầu Long Biên tại thời điểm chuyển giao quyền lực.
Đúng 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang phía Gia Lâm, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố. Đêm 9/10/1954, một đơn vị công binh thức suốt đêm để treo cờ Tổ quốc lên đỉnh Cột Cờ. Thủ đô Hà Nội lại trở về ta trong niềm tự hào, vui trào nước mắt của toàn quân, toàn dân đón chào hòa bình.
Sáng 10/10/1954, theo kế hoạch của Bộ Tổng tư lệnh chuẩn y, ba cánh quân - mỗi cánh quân có một tiểu đoàn, từ các cửa 6, tiến vào tiếp quản thành phố. Phía Đông Nam, xe ô-tô của Ủy ban quân chính Thành phố dẫn đầu đoàn pháo binh, bộ binh, từ sân bay Bạch Mai, qua Ngã Tư Vọng lên phố Bạch Mai, Phố Huế tiến vào Hàng Bài. Phía Tây Bắc, Trung đoàn Thủ Đô giương cao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” từ khu vực Quần Ngựa tiến vào trung tâm. Trung đoàn 36 và 88 từ khu Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách khoa) hành binh lên phố Huế. Cả ba mũi gặp nhau tại Hồ Gươm. Ở Gia Lâm, quân Pháp rút khỏi sân bay, Cảng hàng không Gia Lâm về Bần Yên Nhân. Khu chu vi Hà Nội đã được tiếp quản theo đúng kế hoạch.
15 giờ chiều, tại sân Cột Cờ thiêng liêng, hàng vạn nhân dân Hà Nội và các vùng phụ cận tham dự lễ chào cờ mừng chiến thắng do Ủy ban quân chính tổ chức. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban quân chính xúc động đọc thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đảng bộ, nhân dân Thủ đô: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung, làm cho Hà Nội trở thành một Thủ đô yên ổn, vui tươi và phồn thịnh.
Nhân dân Thủ đô vui mừng đón đoàn quân giải phóng ngày 10/10/1954.
Nhân dân Thủ đô vui mừng đón đoàn quân giải phóng ngày 10/10/1954.
Khúc ca khải hoàn của đoàn quân chiến thắng đã được Đại tướng, Tổng Tư lệnh viết những dòng cảm khái, tự hào xúc động về thời khắc vinh quang và thiêng liêng của dân tộc: “Những chiến sĩ quyết tử đã bảo vệ từng góc phố, từng ngôi nhà, rồi ra đi kháng chiến trường kỳ với lời thề chiến thắng trở về. Và không chỉ có người ra đi nhớ về Hà Nội, người ở lại cũng trông đợi từng ngày người ra đi mau chóng trở về. Chiến thắng Đông xuân 1953 - 1954 và đại thắng ở Điện Biên Phủ đã mang lại cuộc trùng phùng lịch sử. Sáng 11/10, chúng tôi về tới Hà Nội - Thủ đô vẫn giống như những ngày Cách mạng tháng Tám khi Bác và chúng tôi từ chiến khu trở về. Chính phủ và Trung ương Đảng trở về Hà Nội, Bác Hồ gặp lại đồng bào ở Quảng trường Ba Đình, nơi 9 năm trước Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử. Nụ cười của Bác Hồ trên lễ đài sẽ sáng mãi trang sử mới của Hà Nội nối tiếp Đông Đô, Thăng Long xưa”.
Bộ đội dạy thiếu nhi Thủ đô những bài ca kháng chiến sau ngày Hà Nội giải phóng (10/1954).
Bộ đội dạy thiếu nhi Thủ đô những bài ca kháng chiến sau ngày Hà Nội giải phóng (10/1954).
Công cuộc tiếp quản Thủ đô đã hoàn thành tốt đẹp. Ta đã tiếp thu tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch và 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học. Sinh hoạt của nhân dân được bình ổn, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm. Bộ máy của các cơ quan chức năng về kinh tế, chính trị, xã hội, y tế, giáo dục hoạt động đều, giao thông, liên lạc, bưu điện giữa Hà Nội với các tỉnh được thông suốt.
Ngày 12/10/1954, Tại Sơn Tây, Hội đồng Chính phủ họp dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn và quyết định những công việc quan trọng của Chính phủ trong giai đoạn mới. Ngày 15/10/1954, Bác Hồ về ở và làm việc tại Nhà thương Đồn Thủy nay là Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Ngày 16/10/1954, Người tiếp đoàn đại biểu của nhân dân Hà Nội và ân cần dặn dò nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, gương mẫu cho cả nước noi theo, xây dựng thành phố tươi đẹp, phồn vinh.
Ngày 17/10/1954, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ do đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bí thư Đảng ủy tiếp quản chủ trì họp phiên đầu tiên kiểm điểm tình hình tiếp quản và quyết định: tiếp tục hoàn thành công tác tổ chức, quản lý tốt thành phố sau 8 năm bị địch chiếm đóng, khôi phục mọi mặt hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, ổn định kinh tế, giá cả, đời sống nhân dân; mở cửa các trường học; phát triển nền văn hóa, văn nghệ, cách mạng phục vụ đại chúng. Công an Hà Nội đã làm tốt mọi mặt công tác an ninh trật tự, củng cố bộ máy tổ chức từ thành phố đến các quận nội ngoại thành. Âm mưu của địch lợi dụng cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam để phá hoại chế độ dân chủ nhân dân đã bị thất bại.
Bác Hồ tiếp các đại biểu nhân dân Thủ đô (16/10/1954)
Bác Hồ tiếp các đại biểu nhân dân Thủ đô (16/10/1954)
Ngày 4/11/1954, Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội được thành lập do bác sĩ Trần Duy Hưng làm chủ tịch. Ngày 1/1/1955, nhân dân Hà Nội thay mặt nhân dân cả nước chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ ra mắt đồng bào. Cuộc kháng chiến anh dũng của Đảng bộ, quân dân Thủ đô suốt tám năm bị thực dân dân Pháp chiếm đóng đã giành thắng lợi trọn vẹn. Công cuộc tiếp quản Thủ đô thắng lợi mở ra trang sử mới trong lịch sử thủ đô Hà Nội cũng như lịch sử dân tộc. Từ đây, quyền độc lập, tự chủ vĩnh viễn xác lập trên đất nước ta. Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước trong thời kỳ mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thủ đô Hà Nội là “tiền đồn” của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á; là tấm gương sáng cho nhân dân các nước đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới vì hòa bình độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi to lớn, có ý nghĩa dân tộc và ý nghĩa thời đại sâu sắc của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt nguồn từ đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính của Đảng ta; từ tinh thần chiến đấu anh dũng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” với ý chí kiên trung, bất khuất “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của toàn thể cán bộ, đảng viên và quân dân Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây.
Cán bộ, đảng viên, bộ đội, dân quân, du kích, chiến đấu anh dũng trên chiến trường hay bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, vẫn một lòng một dạ với cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ kính yêu. Thắng lợi của sự nghiệp giải phóng Thủ đô còn bắt nguồn từ sự phối kết hợp chiến đấu chặt chẽ của bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích, tạo nên sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân, đưa tới ngày toàn thắng của dân tộc ở nơi đầu não của bộ máy thực dân xâm lược.
Quân đội Pháp bàn giao cho cán bộ Trung đoàn Thủ đô tiếp quản khu Ba Đình, ngày 9/10/1954. Ảnh: Tư liệu
Quân đội Pháp bàn giao cho cán bộ Trung đoàn Thủ đô tiếp quản khu Ba Đình, ngày 9/10/1954. Ảnh: Tư liệu
Bộ đội từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN
Bộ đội từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN
Tám năm kháng chiến chống Pháp xâm lược, giải phóng Thủ đô đã để lại những bài học sâu sắc:
Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội.
Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội.
1. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào Đảng bộ Hà Nội cũng phải vận dụng sáng tạo đường lối của Trung ương Đảng vào điều kiện cụ thể, đặc thù của Hà Nội để từ đó hoạch định chủ trương, đề ra kế hoạch phù hợp với thực tiễn cách mạng. Tiến hành chiến tranh du kích ở địa bàn đô thị lớn là trung tâm kinh tế-chính trị-quân sự của Liên bang Đông Dương, được quân đội Pháp bảo vệ bằng mọi giá, cuộc chiến đấu của quân dân Thủ đô không chỉ đơn thuần là đấu tranh quân sự mà phải biết phối kết hợp chặt chẽ quân sự với chính trị, địch vận, kết hợp hoạt động bí mật với công khai, bán công khai, đánh địch ngay tại đầu não của bộ máy chiến tranh Đông Dương. Tổn thất hy sinh trong những năm kháng chiến gian lao mà anh dũng quật cường đã giúp Đảng bộ Hà Nội rèn luyện bản lĩnh và trưởng thành, vượt qua những thử thách tưởng như không thể vượt qua nổi, để từng bước giành thắng lợi, tiến tới giải phóng Thủ đô.
Đoàn xe chở các chiến sỹ Đại đoàn 308 Quân Tiên phong tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân.
Đoàn xe chở các chiến sỹ Đại đoàn 308 Quân Tiên phong tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân.
2. Trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng, với sự nghiệp giải phóng dân tộc, mỗi cán bộ đảng viên đã nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, nêu cao ý chí quyết tâm, đi đầu trước mọi mặt khó khăn gian khổ, lời nói đi đôi với việc làm. Chính vì vậy, cán bộ đảng viên được nhân dân tin yêu, sẵn sàng che chở, bảo vệ, hăng hái thực hiện chủ trương của Đảng, hy sinh bảo vệ Đảng. Đảng gắn bó máu thịt với quần chúng và phát huy được sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Đó là nguồn gốc để Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo và tổ chức quân dân Thủ đô chiến đấu với đội quân tinh nhuệ của thực dân Pháp, có Mỹ giúp sức trang vị vũ khí hiện đại, nhưng đã giành thắng lợi vẻ vang.
Đoàn xe chở các chiến sỹ Đại đoàn 308 Quân Tiên phong tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân.
Đoàn xe chở các chiến sỹ Đại đoàn 308 Quân Tiên phong tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo quân dân thành phố kháng chiến trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng Đảng bộ Hà Nội đã kiên định trong chủ trương, biện pháp nhằm xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị hóa, biến chất, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng, giữ tư tưởng, tổ chức; kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái vững ý chí chiến đấu và mục tiêu giải phóng Thủ đô, góp phần vào sự nghiệp chung của dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Bác sỹ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội trong đội ngũ tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954.
Bác sỹ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội trong đội ngũ tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954.
4. Cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của quân dân Hà Nội luôn luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp và sâu sắc của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ Hà Nội phát huy tốt vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; làm tròn trọng trách của Thủ đô đối với cả nước.
Nữ sinh trường Trưng Vương chào mừng thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 chủ lực tiến về giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN
Nữ sinh trường Trưng Vương chào mừng thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 chủ lực tiến về giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN
5. Mối quan hệ mật thiết, tự nhiên trong lịch sử, giữa Hà Nội với các thành phố Sài Gòn-Gia Định, Hải Phòng, Nam Định, giữa Hà Nội với các tỉnh thành ở Mặt trận Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV đã được Đảng bộ Hà Nội và Đảng bộ các tỉnh bạn phát huy trong cuộc kháng chiến, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh địch cả ở vùng tự do và vùng địch chiếm đóng. Mỗi bước thắng lợi của quân dân Hà Nội đều gắn bó hữu cơ, chặt chẽ với quân dân của các tỉnh thành trong cả nước.
Những bài học lịch sử quý giá trên vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay, để Đảng bộ, quân dân Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giữ vững ý chí chiến đấu, củng cố niềm tin trên con đường còn nhiều gian khó, chông gai nhưng nhất định thắng lợi; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng đã giao phó cho Đảng bộ; xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, hoàn thành tốt các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XV đã đề ra; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam yêu quý.
Sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là bản thiên anh hùng ca bất tử. Mãi mãi lưu truyền cho đời sau trang sử vàng của Thủ đô, của dân tộc, về sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân và lòng yêu nước nồng nàn, hy sinh oanh liệt. “Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”.

Nội dung: Bài viết trong Sách "Thiên sử vàng của quân dân Thủ đô anh dũng"
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân