Thời điểm vàng

phát triển kinh tế tập thể

Lâm Đồng là tỉnh đi đầu phát triển mạnh mẽ HTX nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Thu hoạch chè tại đồi chè Cầu Đất, TP Đà Lạt. Ảnh: MAI VĂN BẢO

Lâm Đồng là tỉnh đi đầu phát triển mạnh mẽ HTX nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Thu hoạch chè tại đồi chè Cầu Đất, TP Đà Lạt. Ảnh: MAI VĂN BẢO

Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, được kỳ vọng tạo động lực để kinh tế hợp tác phát triển tương xứng với lợi thế so sánh và tiềm năng của nó.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm…

Những điểm nghẽn
trong mô hình hợp tác xã,
nhìn từ Saigon Co.op

Sau 33 năm hoạt động (1989-2022), từ một HTX có số vốn ít ỏi, đến nay Saigon Co.op phát triển trở thành nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, với gần 1.000 điểm phân phối, doanh thu trung bình hơn 33 nghìn tỷ đồng/năm. Ảnh: DƯƠNG MINH ANH

Sau 33 năm hoạt động (1989-2022), từ một HTX có số vốn ít ỏi, đến nay Saigon Co.op phát triển trở thành nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, với gần 1.000 điểm phân phối, doanh thu trung bình hơn 33 nghìn tỷ đồng/năm. Ảnh: DƯƠNG MINH ANH

Đã từng đứng trước lựa chọn “thay đổi hay là chết”, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã có cuộc chuyển mình từ mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu cũ sang mô hình mới một cách thành công. Saigon Co.op lại đang đứng trước những lựa chọn đổi mới để bảo đảm tự chủ trong sản xuất, kinh doanh.

Trở lại thời điểm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế Việt Nam chuyển dịch mạnh từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch HĐQT đầu tiên của Saigon Co.op, nhớ lại: Mô hình HTX kiểu cũ đã bộc lộ không ít khiếm khuyết, buộc phải giải thể hàng loạt. Để tìm lối ra, cấp ủy cơ sở đã xin chủ trương cấp ủy cấp trên và UBND Thành phố cho chuyển đổi Ban Quản lý HTX Mua bán Thành phố trở thành Liên hiệp HTX Mua bán Thành phố (nay là Saigon Co.op).

Nhờ sự chuyển đổi kịp thời ấy, dù lĩnh vực hoạt động có mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt, Saigon Co.op vẫn giữ được kết quả kinh doanh khả quan. Trong khi nhiều chuỗi phân phối, bán lẻ chìm trong thua lỗ, thậm chí có thương hiệu phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất thì thị phần của thương hiệu này vẫn chiếm khoảng 40% ngành bán lẻ tiêu dùng cả nước.

Số lượng thành viên của Saigon Co.op tăng từ 19 HTX ban đầu lên 26 HTX, với tổng số lao động hiện tại gần 20 nghìn người, tăng hơn 18 lần. Thu nhập bình quân của người lao động từ năm 2001 đến nay tăng mỗi năm bình quân hơn 5%. Tổng số vốn hoạt động hiện tại được đăng ký là 32 nghìn tỷ đồng, tăng 138 lần so thời điểm năm 2001 (23,1 tỷ đồng).

Lý giải về sự tăng trưởng này, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức nhìn nhận, đó là nhờ phát huy tối đa vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động HTX. Đảng ủy Saigon Co.op luôn lãnh đạo HĐQT, Ban giám đốc thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trên cơ sở giữ vững bản chất HTX. 

Thí dụ như việc: thực hiện chiến lược hàng hóa và chiến lược giá cho toàn hệ thống theo từng vùng miền; thực hiện các giải pháp tổ chức khai thác nguồn hàng nhằm tạo ưu thế về hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh doanh; quảng bá, chăm sóc và phát triển khách hàng; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin; hoạt động phối hợp, hỗ trợ kinh doanh giữa Saigon Co.op và các HTX thành viên;… 

Bưởi da xanh của nông dân tỉnh Bình Phước được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước. Ảnh: VIỆT ANH

Thu hoạch sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: THẢO LY

Bưởi da xanh của nông dân tỉnh Bình Phước được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước. Ảnh: VIỆT ANH

Thu hoạch sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: THẢO LY

Thông qua nhiều thương hiệu bán lẻ: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, Cheers, Finelife..., Saigon Co.op đã thực hiện phân phối những nhu yếu phẩm, hàng bình ổn giá phục vụ người dân, đặc biệt là trong các đợt cao điểm lễ, Tết, thiên tai, dịch bệnh… Cùng với việc phục vụ 1 triệu lượt khách/ngày, hoạt động hợp tác quốc tế của Saigon Co.op còn thể hiện thành công khi xuất khẩu gần 1.000 sản phẩm hàng Việt Nam sang thị trường các nước.

Với phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối của Saigon Co.op luôn đạt hơn 90%. Nhà bán lẻ này cũng ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với các cơ sở sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo cơ hội quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh. Các HTX trên cả nước cũng được Saigon Co.op tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ hàng hóa trong hệ thống siêu thị với sản lượng và doanh thu tăng trưởng từ 10%-15% mỗi năm…

Tuy đạt được những thành tựu nổi bật, nhưng Saigon Co.op cũng đang gặp phải những thách thức mang tính đặc thù.

Saigon Co.op hiện có 26 HTX thành viên với vốn điều lệ hơn 3.200 tỷ đồng, trong đó, vốn tích lũy của Saigon Co.op trong quá trình hoạt động hơn 3.180 tỷ đồng (chiếm 99,19%), vốn góp từ 26 HTX thành viên hơn 25,5 tỷ đồng (chiếm 0,8%), vốn công trợ của Nhà nước 198 triệu đồng (chiếm 0,01%).

Do quy mô, doanh thu của các hệ thống bán lẻ trực thuộc Saigon Co.op chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều so với đóng góp của các HTX thành viên, cho nên tổng giao dịch hàng hóa nội bộ chiếm tỷ trọng rất thấp. Điều này dẫn đến việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Saigon Co.op cho phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012 đang gặp vướng mắc, cần có sự hướng dẫn từ các cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy số vốn góp vào Saigon Co.op không nhiều, nhưng với nguyên tắc đối nhân theo Luật HTX quy định, các HTX thành viên lại là người có quyền quyết định cao nhất đối với những chủ trương, chính sách, định hướng phát triển lớn và nhân sự chủ chốt của Saigon Co.op tại các kỳ đại hội thành viên. Điều này gây nên rủi ro tiềm ẩn, khó kiểm soát đối với các tổ chức Liên hiệp HTX khi cần quyết định những vấn đề quan trọng tại đại hội thành viên.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Saigon Co.op Quách Cường.

Mặt khác, tổng doanh thu của Saigon Co.op đạt khoảng 33.000 tỷ đồng/năm, trong đó, chủ yếu đến từ các mô hình bán lẻ hiện đại; riêng đối với hoạt động cung ứng hàng hóa cho các HTX thành viên qua các năm chỉ chiếm bình quân dưới 1,5% tổng doanh thu của đơn vị.

Saigon Co.op là một trong những đơn vị tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phước tạp. Ảnh: VIỆT ANH

Saigon Co.op là một trong những đơn vị tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phước tạp. Ảnh: VIỆT ANH

Điều này cũng đang là thách thức lớn đối với đặc thù mang tính lịch sử của Saigon Co.op khi Điều 5, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định “tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của Liên hiệp HTX cho khách hàng không phải thành viên không được vượt quá 50% tổng giá trị cung ứng. Đây là một điểm nghẽn “cốt tử” trong Luật Hợp tác xã có thể “bóp chết” mô hình kinh tế tập thể hiện hữu của Saigon Co.op.

Ngoài ra, tại Khoản d Điều 20, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP cũng quy định, tổng mức đầu tư của việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp không được vượt quá 50% vốn điều lệ của Liên hiệp HTX được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất. Quy định này đã “cướp” mất đi cơ hội mở rộng quy mô, mạng lưới kinh doanh, hay hoạt động đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài…

Cần cơ chế, chính sách

mang tính mở đường

Lâm Đồng hiện có bốn Liên hiệp HTX nông nghiệp, với 25 HTX thành viên; 375 HTX nông nghiệp, với 8.452 thành viên. Ảnh: THẢO LY

Lâm Đồng hiện có bốn Liên hiệp HTX nông nghiệp, với 25 HTX thành viên; 375 HTX nông nghiệp, với 8.452 thành viên. Ảnh: THẢO LY

Lâm Đồng được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Qua thực tế, địa phương xác định, phát triển HTX nông nghiệp công nghệ cao là hoàn toàn đúng hướng. Tuy nhiên, cần kịp thời có giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn” để HTX thuộc lĩnh vực này phát triển như kỳ vọng.

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, phát triển HTX nông nghiệp là hoàn toàn đúng hướng. Nhiều HTX đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng nên có doanh thu khá cao, khẳng định được vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp…

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, tuy đạt được những kết quả nổi bật, nhưng hiện nay các HTX cũng gặp không ít khó khăn trong mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc HTX nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu Đà Lạt rất phù hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và giấc mơ “vựa rau quốc tế Đà Lạt” hoàn toàn không xa vời, khi nhiều cánh cửa hội nhập đã mở. Tuy nhiên, chúng ta phải “gỡ” những rào cản nội tại về quỹ đất, chính sách vay vốn, quy định tài sản thế chấp trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. HTX đang mở rộng đầu tư một số lĩnh vực. Tiền đầu tư không khó, chỉ khó về quỹ đất.

Ngày càng có nhiều HTX nông nghiệp ở Lâm Đồng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ảnh: THANH HOA

Ngày càng có nhiều HTX nông nghiệp ở Lâm Đồng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ảnh: THANH HOA

Cũng nói về những khó khăn, Thạc sĩ Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX Thủy canh Việt (TP Đà Lạt), tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, diện tích canh tác, sản lượng và chất lượng sản phẩm giờ không lo, bởi nhờ liên kết sản xuất và ứng dụng công nghệ cao. Thế nhưng, điều nhiều HTX băn khoăn hiện nay đó là khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển, chưa tiếp cận được vốn vay tín chấp theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; việc hỗ trợ của nhà nước trong quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử còn hạn chế...

Đánh giá của ngành nông nghiệp Lâm Đồng cho thấy, tuy đạt được những kết quả nổi bật, nhưng hiện nay các HTX cũng gặp không ít khó khăn trong mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, năng lực trình độ quản lý và nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh của HTX còn hạn chế. Nhiều HTX cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, nhưng theo quy định thì hầu hết không đủ điều kiện để được tiếp nhận đầu tư, hỗ trợ (đất xây dựng, vốn đối ứng, doanh thu...).

Việc chuyển đổi đất để xây dựng trụ sở và các công trình khác (sân phơi, kho chứa, kho sấy nông sản...) còn gặp nhiều khó khăn… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đang đề nghị tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, nhằm tháo gỡ những "điểm nghẽn", tồn tại để phát triển HTX bền vững.

Kinh tế tập thể, trước hết phải là hoạt động tập thể

Thu hoạch tôm nuôi ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN

Thu hoạch tôm nuôi ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN

Nếu sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm sẽ không khắc phục được những khó khăn, hạn chế (thiếu vốn, thiếu đất, thiếu thị trường…), hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Cánh cửa mở ra cơ hội và cây cầu bắc tới tương lai duy nhất cho kinh tế hộ phải là kinh tế tập thể. Đây là giải pháp tích lũy nội lực hiệu quả nhất.

Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX luôn nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước. Điều này được thể hiện rõ nhất khi Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổng kết thực tiễn, xây dựng đề án báo cáo Trung ương để có Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, thông qua Luật Hợp tác xã năm 2003.

Gần 20 năm, đến nay đã có thêm nhiều nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước tiếp tục khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan. Mới đây nhất, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới được ban hành.

Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 HTX (gấp 2,5 lần) so năm 2001; thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động.

Tuy nhiên, kinh tế hợp tác trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế so sánh, tiềm năng của nó. Tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm… Đó có thể là do một số mô hình kinh tế hợp tác chưa phù hợp kể cả trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hay thương mại dịch vụ. Sự hỗ trợ của Nhà nước chưa thật sự liên tục, hiệu quả. Năng lực thực tế của người đứng đầu HTX, sức ì của một nền sản xuất nhỏ, thủ công hay tư duy kinh doanh chậm đổi mới, những bất cập về thị trường,…

Cá tra, cá basa là thế mạnh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CTV

Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: THẢO LY

Cá tra, cá basa là thế mạnh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CTV

Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: THẢO LY

Ngành sản xuất cá tra, cá basa là một thí dụ. Với kim ngạch xuất khẩu hằng năm khoảng 3 tỷ USD, mặt hàng thủy sản này của Việt Nam gần như thống lĩnh gần như hoàn toàn thị trường toàn cầu.

Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu trong dài hạn, tuy nhiên chất lượng và tính hợp chuẩn của sản phẩm với các thị trường là thách thức lớn nhất mà ngành cá tra, cá basa Việt Nam phải vượt qua.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).

Hay câu chuyện trong sản xuất lúa gạo. Mặc dù là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng về giá trị thì rất khiêm tốn, vì gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình thấp…

Cũng từ câu chuyện ngành nông nghiệp Việt Nam, chúng ta có thể tham khảo cách thức mà New Zealand đã tiến hành để đưa quả kiwi lên vị trí số một thế giới. Hơn 3.000 nông trại trồng kiwi ở quốc đảo này đã được tập hợp lại để hình thành chuỗi giá trị-cung ứng với chất lượng cao dưới sự điều phối của Công ty TNHH Quốc tế Zespri, từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Chuỗi được hình thành bởi sự phân công, liên kết chặt chẽ từ khâu giống, trồng trọt, thu hoạch và phân phối.

Sau hơn 10 năm xây dựng thương hiệu, New Zealand trở thành nước xuất khẩu kiwi uy tín nhất thế giới. Đây là minh chứng điển hình cho xu hướng lựa chọn chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và bền vững. Làm được như vậy, chính vì họ đã tổ chức tập thể hoạt động xuất khẩu khi chỉ cho phép các nhà sản xuất trong nước xuất khẩu ra toàn thế giới qua những đầu mối duy nhất được luật định thí dụ như Tổ chức Zespri đối với quả kiwi, hay Fonterra đối với sữa…

Nông dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thu hoạch vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: ĐỒNG THÚY

Nông dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thu hoạch vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: ĐỒNG THÚY

Dù được xem là quốc gia nông nghiệp với nhiều lợi thế, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam còn rất yếu kém. Nếu cứ để các nông dân tự phát trồng và tiêu thụ thì các mặt hàng như: thanh long, cá tra, cá basa, dưa hấu, hành tím… nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung sẽ không có hiệu quả cao và bền vững, người nông dân luôn đối đầu với rủi ro thị trường cũng như giá trị thu lại thấp.

Để đưa mỗi nông dân trở thành một thương nhân, mỗi HTX phát triển thành một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, các đơn vị liên quan, đặc biệt các sàn thương mại điện tử cần tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã về việc đào tạo, tập huấn, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Về phía các HTX, cần có một tư duy đổi mới để có thể tận dụng được hết mức các lợi ích của thương mại điện tử; bởi kinh doanh qua sàn thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán mà cần có sự đầu tư vào khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển, hay làm hình ảnh quảng bá để cải tiến cách làm và phát triển sản xuất kinh doanh một cách tối ưu.
Ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam).

Theo nhìn nhận từ ông Cao Thăng Bình, chuyên gia nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, kinh tế tập thể trước hết phải là hoạt động tập thể. Sản xuất càng phát triển, nhu cầu hợp tác lại càng cao, vậy nên rất khó để người nông dân có thể tự mình xây dựng được quy trình, quy phạm, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình, hay xây dựng thương hiệu, thương mại hóa để nâng cao giá trị nông sản.

Thương mại điện tử giúp HTX tiếp cận với các khách hàng một cách dễ dàng hơn. Ảnh: CTV

Thương mại điện tử giúp HTX tiếp cận với các khách hàng một cách dễ dàng hơn. Ảnh: CTV

Đó là chưa kể đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác. Do đó, người nông dân rất cần có HTX được tổ chức chặt chẽ, hoạt động theo nhu cầu thiết thực của các thành viên.

Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, đặt mục tiêu:
* Đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Bảo đảm hơn 60% số tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị…
* Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Bảo đảm hơn 90% số tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất ba tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 HTX lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận.

Sửa luật theo hướng đa dạng hình thức liên kết, hợp tác

Nông dân xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chè. Ảnh: TRẦN HẢI

Nông dân xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chè. Ảnh: TRẦN HẢI

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012), nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW (Nghị quyết số 20) ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Báo Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, Luật Hợp tác xã năm 2012 có những hạn chế, bất cập nào kìm hãm sự phát triển của kinh tế tập thể cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn phát triển?

Luật Hợp tác xã năm 2012 tạo nên khung khổ pháp luật thúc đẩy HTX kiểu mới phát triển trong 10 năm qua về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, Luật Hợp tác xã năm 2012 có những tồn tại, hạn chế như:

Chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 13-NQ/TW chưa được thể chế đầy đủ trong luật năm 2012 và các văn bản thi hành luật này. Một số quy định của luật còn chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác, như: Luật các Tổ chức tín dụng; Luật Đất đai;...

Các chính sách và việc bố trí nguồn lực hỗ trợ cho kinh tế tập thể (KTTT), HTX còn chưa được chú trọng: Kinh phí thường lồng ghép vào nhiều chương trình khiến cho nguồn lực hạn hẹp, thấp hơn nhiều so với nhu cầu hỗ trợ phát triển KTTT; số lượng HTX được thụ hưởng ở mức thấp so với tổng số HTX.

HTX Mây tre đan Bao La, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: VIỆT ANH

HTX Mây tre đan Bao La, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: VIỆT ANH

Về quy định của luật này, chủ yếu điều chỉnh về tổ chức, hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX quy mô nhỏ, sản xuất phân tán, chưa điều chỉnh được toàn bộ về tổ chức, hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX quy mô lớn, sản xuất tập trung trong một số lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, quỹ tín dụng nhân dân…

Qua rà soát, đánh giá, có 55 nội dung được quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2012 đang gây khó khăn, trở ngại đối với tổ chức và hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, như: thủ tục đăng ký, tổ chức lại, chuyển đổi, sáp nhập, chia tách, giải thể HTX; quy định tỷ lệ vốn góp của thành viên không queá 20% vốn điều lệ của HTX; 30% vốn điều lệ của liên hiệp HTX; hạn chế tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên, HTX thành viên và ra thị trường...

Trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: THANH HOA

Trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: THANH HOA

Vậy quan điểm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 như thế nào, thưa ông?

Thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở nước ta đã đưa ra trong Nghị quyết số 20. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật Hợp tác xã năm 2012. Tạo khung khổ pháp lý thuận lợi để KTTT, HTX phát triển,trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển HTX ở nước ta, lấy HTX là trung tâm để xây dựng khung pháp lý chung. Kế thừa tối đa các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 còn phù hợp và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam.

Sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 theo hướng đa dạng các hình thức liên kết, hợp tác, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các loại hình KTTT theo cơ chế thị trường, bảo đảm tôn trọng bản chất, mục tiêu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX; từng bước sáp nhập các HTX để tăng quy mô, thành lập các liên hiệp HTX, liên đoàn HTX, tập đoàn kinh tế HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, kinh doanh quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia và địa phương.

Mô hình chăn nuôi bò vàng của Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Phong, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Ảnh: CTV

Mô hình chăn nuôi bò vàng của Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Phong, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Ảnh: CTV

Hướng tới xóa bỏ “tiền kiểm” và tăng cường “hậu kiểm”, khắc phục kịp thời tình trạng buông lỏng quản lý đối với phát triển KTTT, HTX thời gian qua. Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, liên hiệp HTX phải phù hợp với đặc điểm tổ chức sản xuất, cơ chế quản trị và ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của khu vực KTTT; nâng cao chất lượng công tác thông tin, báo cáo; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, hạn chế thấp nhất tình trạng HTX, liên hiệp HTX, liên đoàn HTX giải thể, phá sản.

Xác định rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam (bao gồm Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) là tổ chức đại diện, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển KTTT, HTX, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần KTTT; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và các điều kiện, nguồn lực thực hiện để hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo thăm HTX sản xuất chế biến chè Đá Hen, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: THANH HOA

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo thăm HTX sản xuất chế biến chè Đá Hen, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: THANH HOA

Cụ thể hơn, sẽ cần tập trung vào những chính sách gì để đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với kinh tế tập thể?

Các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần cụ thể hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 20 đã nêu, đó là Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể. Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển KTTT trên phạm vi toàn quốc để thống nhất, tập trung nguồn lực, phù hợp với yêu cầu phát triển của KTTT và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị thiết kế lạivới tám nhóm chính sách cụ thể: chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tài chính; chính sách tín dụng; chính sách khoa học-công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách bảo hiểm xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hợp tác xã (HTX) liên tục phát triển ở các nước phát triển và đang phát triển; đến nay có hơn 3 triệu HTX, đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm đời sống cho hơn một nửa dân số thế giới.
Chẳng hạn, Cộng hòa Liên bang Đức, hầu hết nông dân là thành viên HTX, sản xuất từ 30% - 90% sản lượng lương thực, thực phẩm, chiếm 35% thị phần tín dụng nông thôn; Hà Lan có 25,5 triệu thành viên HTX, gấp 1,5 lần dân số, đóng góp 18% GDP; Nhật Bản, HTX có 65 triệu thành viên, gần 50% hộ gia đình ở Nhật Bản sử dụng dịch vụ của hợp tác xã; Trung Quốc có 30.287 HTX, thu hút hơn 80% hộ nông dân tham gia thành viên; Thái Lan có 6.626 HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp, đóng góp 13% GDP; Hoa Kỳ có 50.000 HTX, chiếm 25% thị phần nông sản chế biến và tiêu thụ,...

Báo cáo năm 2021 của Liên đoàn Hợp tác xã quốc tế (ICA).

Thu hoạch chè ở Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: CTV

Thu hoạch chè ở Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: CTV

Sơ chế vải thiều xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: ĐẶNG GIANG

Sơ chế vải thiều xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: ĐẶNG GIANG

Sản xuất lúa gạo là thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: QUỐC DŨNG

Sản xuất lúa gạo là thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: QUỐC DŨNG

Item 1 of 3

Thu hoạch chè ở Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: CTV

Thu hoạch chè ở Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: CTV

Sơ chế vải thiều xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: ĐẶNG GIANG

Sơ chế vải thiều xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: ĐẶNG GIANG

Sản xuất lúa gạo là thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: QUỐC DŨNG

Sản xuất lúa gạo là thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: QUỐC DŨNG

Ngày xuất bản: 8/8/2022
Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: LƯU HƯƠNG GIANG, TRẦN VĂN, TRẦN TRUNG HIẾU, DƯƠNG MINH ANH, MAI VĂN BẢO, THẢO LY, VIỆT ANH, THANH HOA
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG