Năm 2021 đang dần khép lại trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế-xã hội trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm qua, thị trường lao động trong nước đã trải qua nhiều thách thức, khó khăn chưa từng có. Đồng thời, đây cũng là năm chứng kiến sự vào cuộc không mệt mỏi của toàn hệ thống chính trị; sự linh hoạt, sáng tạo của người dân, người lao động và doanh nghiệp trong nỗ lực giúp thị trường lao động-việc làm chống chịu trước những tác động tiêu cực của đại dịch và sẵn sàng cho sự phục hồi mạnh mẽ ở giai đoạn “bình thường mới”.

Năm 2020: Những ảnh hưởng và chính sách ứng phó ban đầu

Thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021, thị trường lao động-việc làm có nhiều điểm khởi sắc so với trước đó. Sau 2 đợt dịch và giãn cách diện rộng khiến các hoạt động kinh tế có phần chững lại vào quý I và quý III/2020, thị trường lao động bắt đầu có một vài dấu hiệu phục hồi trong quý IV/2020.

Về mặt chính sách, năm 2020 ghi nhận sự ra đời kịp thời của những quyết sách chưa có tiền lệ, được nghiên cứu bài bản và ban hành ngay trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, bao gồm Nghị quyết 42/NQ-CPQuyết định 15/2020/QĐ-TTg về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Những điều chỉnh kịp thời về việc thực thi các chính sách này cũng là một trong những lý do thị trường có sự phục hồi đáng kể vào cuối năm.

Tình hình lao động, việc làm năm 2020. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tình hình lao động, việc làm năm 2020. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Bước vào năm 2021, mặc dù thị trường lao động-việc làm chưa hoàn toàn phục hồi so với thời điểm cuối năm 2019, song cuộc sống đã cơ bản trở lại bình thường.

Tháng 2/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 176/2021/QĐ-TTg về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, xác lập quan điểm và mục tiêu lâu dài cho việc xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, đồng bộ và hội nhập quốc tế. Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi của thị trường và thiết lập nền tảng cho dài hạn.

Tết Nguyên đán 2021: Cú sốc bất ngờ
với thị trường lao động

Công nhân Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng thực hiện phương án “Ba tại chỗ”. Ảnh: Công ty cung cấp.

Những chuyến xe miễn phí đưa công nhân từ vùng dịch về quê an toàn. (Ảnh: TRÌNH KẾ)

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

Công nhân Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng thực hiện phương án “Ba tại chỗ”. Ảnh: Công ty cung cấp.

Những chuyến xe miễn phí đưa công nhân từ vùng dịch về quê an toàn. (Ảnh: TRÌNH KẾ)

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương vào những ngày giáp Tết Nguyên đán “đã tác động đến tình hình lao động, việc làm của cả nước và ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý I” như Tổng cục Thống kê nhận định.

Tính đến hết quý I/2021, Tổng cục Thống kê cho biết, 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4%.

Diễn biến phức tạp của dịch đã ảnh hưởng ít nhiều đến nỗ lực triển khai Quyết định 176/2021/QĐ-TTg nói trên, khiến các giải pháp mang tính dài hạn liên quan đến phát triển lưới an sinh và bảo hiểm, kết nối thị trường lao động trong nước và quốc tế, nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành của thị trường chưa được triển khai đồng bộ và quyết liệt như dự kiến.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục có những chỉ đạo kịp thời để cả ngành lao động-thương binh và xã hội cùng nỗ lực hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ứng phó với đại dịch. Đặc biệt, hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc đã hoạt động hết công suất để phục vụ người lao động bị thất nghiệp; có sự trao đổi, kết nối, chia sẻ cập nhật thông tin thường xuyên; phối hợp hỗ trợ người lao động di chuyển liên tỉnh, về quê hoặc quay lại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đáng chú ý, ở thời điểm hết quý II/2021, thị trường lao động Việt Nam buộc phải chấp nhận sự tác động không còn mang tính tạm thời của đại dịch Covid-19, khi nhiều xu thế đã tồn tại trong nhiều năm bị đảo chiều. Trong khi số lao động có việc làm tiếp tục giảm, tỷ lệ lao động thiếu việc làm lại gia tăng. Lực lượng lao động không bắt kịp với xu hướng tăng trưởng trong 10 năm gần nhất. Bên cạnh đó, sau nhiều năm giảm liên tục, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức đã có xu hướng tăng trong năm 2020 và tiếp tục tăng trong quý II/2021.

Trước tình hình trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những nhận định đúng đắn và có quyết sách kịp thời bằng việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CPQuyết định 23/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành.

Đây là nhóm 12 chính sách hỗ trợ, bao phủ tương đối đầy đủ các đối tượng bị ảnh hưởng từ người lao động, người sử dụng lao động, các đối tượng phụ thuộc, yếu thế. Cùng với đó là sự đa dạng hóa hình thức hỗ trợ (bằng tiền mặt, tiền ăn, bằng việc miễn giảm các khoản đóng góp, cho vay…), bảo đảm góp phần phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động.

Đợt dịch thứ tư bộc lộ những điểm yếu
sâu sắc của thị trường

Công nhân ở Đồng Nai về quê trong bối cảnh Covid-19. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

Công nhân ở Đồng Nai về quê trong bối cảnh Covid-19. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

Nguy cơ dịch bệnh từ những khu nhà trọ công nhân. (Ảnh: ANH THƠ)

Nguy cơ dịch bệnh từ những khu nhà trọ công nhân. (Ảnh: ANH THƠ)

Từ tháng 7/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố phía nam. Nền kinh tế đi vào giai đoạn đặc biệt khó khăn, GDP quý III/2021 rơi xuống mức âm 6,02%. Thị trường lao động tiếp tục chịu thử thách từ những biến động mạnh mẽ ở cả phía cung và phía cầu. Một mặt, nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất phải đóng cửa; mặt khác, người lao động chưa được tiếp cận vaccine, không thể đi làm nên có xu hướng rời các thị trường lao động lớn để về quê. Những điểm yếu mang tính chiều sâu của thị trường bộc lộ sâu sắc hơn.

Thứ nhất, độ bao phủ của lưới an sinh xã hội cho người lao động còn thấp. Tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có khoảng 15,46 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 31,08% lực lượng lao động; khoảng 12,5 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 25,18%. Con số khiêm tốn này, đặc biệt của bảo hiểm thất nghiệp, khiến phần lớn người lao động luôn nằm trên ranh giới rủi ro về thu nhập trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Thứ hai, sự phát triển của lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp không đi kèm với quá trình đô thị hóa gây ra hệ lụy về việc người lao động rời bỏ nơi làm việc.

Cụ thể, người lao động từ các địa phương đi làm việc tại các khu công nghiệp đa phần phải thuê nhà tại các khu trọ biệt lập, không gắn liền với các hạ tầng vật chất cơ bản như bệnh viện, trường học hay các tiện nghi phục vụ cuộc sống khác. Chính vì vậy, khi công việc có sự gián đoạn, người lao động có thể lập tức về quê hoặc di chuyển sang địa bàn khác. Điều này được bộc lộ khá rõ nét trong quý III/2021.

Thứ ba, khả năng kết nối cung-cầu lao động tiếp tục là vấn đề nhức nhối cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cả người lao động. Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ giữa các địa phương, không có khả năng cập nhật thường xuyên và chưa phản ánh được mức độ dịch chuyển của lao động-việc làm, đã làm giảm hiệu quả của công tác giới thiệu việc làm, đặc biệt trong bối cảnh thông tin thị trường thay đổi thường xuyên và liên tục trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thứ tư, chất lượng lao động còn ở mức thấp, chưa có sự đồng đều giữa các vùng miền, ngành nghề. Hệ lụy tất yếu là thu nhập của đa số người lao động chỉ đủ duy trì cuộc sống, chưa có khả năng tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro. Khi rủi ro xảy đến, người lao động không đủ kỹ năng và trình độ cần thiết để thích ứng hay tìm kiếm các cơ hội việc làm mới sẽ buộc phải rời khỏi thị trường lao động.

Những điểm yếu trên khiến thị trường lao động bị tổn thương nặng nề bởi đại dịch.

Trong quý III/2021 lực lượng lao động của Việt Nam giảm sâu xuống mức 49,1 triệu người - thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cùng với đó là mức giảm sâu của lao động có việc làm và sự tăng cao đột biến của tỷ lệ lao động thiếu việc làm. Thu nhập bình quân tháng của người lao động cũng theo đó giảm nghiêm trọng so với quý II/2021 và cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê.

Nhận thức rõ được sức ép to lớn mà thị trường lao động đang phải hứng chịu trước ảnh hưởng của dịch, Chính phủ cùng các bộ, ban ngành, đặc biệt là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đã nỗ lực đề xuất, ban hành, triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ thị trường, bảo đảm sự hoạt động lành mạnh, liên tục của thị trường.

Cụ thể, ngay cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 28/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Chỉ trong vòng khoảng hơn 1 tháng sau đó, hơn 27 nghìn tỷ tiền mặt đã được chuyển tới hơn 11,3 triệu lao động; giảm mức đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 9,68 triệu lao động được hưởng chính sách.

Đến hết ngày 21/12/2021:
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ gần 12,8 triệu lao động, với kinh phí hỗ trợ hơn 30,31 nghìn tỷ đồng.Trong số này, có 11.707.938 người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 1.090.043 người đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
(Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Thêm vào đó, Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng về sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đã được ban hành để bổ sung thêm các trường hợp được hưởng trợ cấp cho phù hợp tình hình thực tế và tránh trục lợi chính sách.

Đến hết quý III/2021, thị trường lao động-việc làm Việt Nam cơ bản đi vào giai đoạn ổn định thích ứng với trạng thái bình thường mới. Chiến lược tiêm chủng được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc và đạt được những thành công ban đầu, thiết lập điều kiện cơ sở cho doanh nghiệp và người lao động quay lại sản xuất, kinh doanh.

Thiếu hụt lao động cục bộ
và câu chuyện phục hồi thị trường lao động

Các biến chủng của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện với khả năng lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, khiến tư duy chống dịch, phòng dịch cũng phải uyển chuyển không ngừng. Chính phủ Việt Nam đã mạnh dạn chuyển hướng từ chiến lược Zero-Covid sang chiến lược kiểm soát tỷ lệ trở bệnh nặng và tử vong, tạo điều kiện để nền kinh tế đi vào trạng thái bình thường mới.

Từ đầu tháng 10 trở đi, doanh nghiệp dần dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh để đón đầu nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, Tết cuối năm. Trong bối cảnh đó, vấn đề thiếu hụt lao động cục bộ trở thành một sức cản lớn cho việc phục hồi kinh tế-xã hội. Đây là hệ quả của xu thế dịch chuyển về quê một cách ồ ạt của người lao động từ quý III kéo dài sang quý IV, dẫn đến việc thiếu hụt lao động ở các khu kinh tế trọng điểm nhưng thừa lao động ở các vùng, miền khác.

Trong bối cảnh này, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để thiết lập kênh kết nối trực tuyến giữa Bộ và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương để thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ phục hồi thị trường lao động.

Đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì điều phối nhiều kênh kết nối giữa các địa phương thiếu và thừa lao động; chỉ đạo, tạo điều kiện để Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh thành phố kết nối trực tiếp với nhau, thường xuyên trao đổi thông tin lao động dịch chuyển, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối liên tỉnh, liên vùng.

Thêm vào đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã tích cực tham gia dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình Chính phủ với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực lao động-việc làm.

Mới đây nhất, ngày 13/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Chương trình tập trung vào 6 giải pháp chính gồm:

1. Nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động bảo đảm an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc.
2. Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động.
3. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động.
4. Hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động.
5. Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.
6. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Như vậy, Chương trình này của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã không chỉ cố gắng giải quyết các vấn đề bề nổi của thị trường, mà còn giải quyết cả những điểm yếu mang tính chiều sâu để tiếp sức và tăng sức bền cho thị trường lao động trong giai đoạn tiếp theo.

Nếu được triển khai một cách quyết liệt ngay từ quý I/2022, Chương trình chắc chắn sẽ là cầu nối phù hợp và hiệu quả để thị trường lao động vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, hướng tới việc phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại tới năm 2022 như đã nêu tại Quyết định 176/QĐ-TTg hồi đầu năm của Thủ tướng.

Trước những diễn biến phức tạp và biến đổi không ngừng của dịch Covid 19, thị trường lao động đã trải qua 2 năm khó khăn, đặc biệt là giai đoạn cuối quý I và quý III/2021. Sức bền của thị trường đã thực sự bị thử thách với đại dịch Covid-19 khi các chỉ số đo lường tình hình lao động-việc làm liên tục chuyển biến xấu, thậm chí “hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập”.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc sát sao không mệt mỏi của các cơ quan từ Trung ương tới địa phương, thị trường lao động đã liên tục được tiếp sức, được hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để vận hành hiệu quả nhất trong bối cảnh phải bảo đảm an toàn dịch tễ.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tình hình lao động - việc làm quý IV/2021 đã có dấu hiệu khởi sắc so với quý III. Mặc dù chưa thể phục hồi như thời gian trước dịch, năng lực chống chọi bền bỉ của thị trường lao động trong năm qua chắc chắn đã góp một phần không nhỏ vào mức tăng 5,22% của GDP quý IV/2021. Thêm vào đó, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá so sánh tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020).

Những kết quả đạt được nói trên, cùng với các chương trình, hành động cụ thể, quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong năm vừa qua, là nền tảng để nhận định thị trường lao động-việc làm đã duy trì được sức bền rất tốt trước đại dịch và hoàn toàn có khả năng phục hồi và phát triển như kỳ vọng trong giai đoạn tiếp theo.
 

Sản xuất linh kiện điện tử tại công ty 4P Hưng Yên. (Ảnh: DUY LINH)

Sản xuất linh kiện điện tử tại công ty 4P Hưng Yên. (Ảnh: DUY LINH)

Ngày xuất bản: 29/12/2021
Chỉ đạo sản xuất: Ngọc Thanh-Việt Anh
Tổ chức sản xuất: Lê Ngân
Nội dung: Ths. Chu Thị Lê Anh-Ths. Vũ Thị Hằng
Trình bày: Phương Nam-Biện Diệu
Ảnh: Báo Nhân Dân