Tuần 3-7/3, thị trường chứng khoán trong nước duy trì đà tăng mạnh và nối dài chuỗi 7 tuần tăng liên tiếp. Tâm lý tích cực lan rộng của khối nhà đầu tư trong nước và một số thông tin tích cực sẽ còn tạo ra xung lực tăng cho thị trường tuần mới. Tuy vậy, sau nhịp tăng dài, việc rung lắc sẽ không loại trừ và đây là cơ hội để nhà đầu tư đang “đứng ngoài” có thể nhập cuộc hoặc tái cơ cấu danh mục.

Sóng tăng lấy lại cuối tuần

Thị trường tài chính, chứng khoán toàn cầu tuần (3-7/3) vẫn trong trạng thái cũ của những tuần gần đây. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự khó lường và thay đổi liên tục từ chính sách thuế quan và thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh và để mất hết điểm số tăng kể từ ngày bầu cử Tổng thống Mỹ mới tháng 11 năm ngoái. Hiện chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng đã giảm về mức thấp, riêng S&P 500 đã mất 1,9% so với đầu năm.

Trái ngược, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua (3-7/3) tiếp tục hồi phục mạnh mẽ. Chỉ số VN-Index chững lại trong 3 phiên đầu tuần trước áp lực chốt lời tăng và tác động từ diễn biến xung quanh câu chuyện thuế quan mà Mỹ áp lên Mexico, Canada hay Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường hồi phục mạnh trong 2 phiên cuối tuần.

Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần ở 1.326,05 điểm, tăng +20,69 điểm, tương đương tăng +1,59% so với tuần trước. Mức tăng trong tuần vừa qua chủ yếu tập trung ở nhóm Bluechips với VN30 tăng mạnh +2,46%, trong khi Midcap chỉ tăng nhẹ +0,49%, thậm chí Smallcap còn giảm 0,92%. Một số nhóm cổ phiếu nổi bật như: Vingroup (+8,95%), Bán lẻ (+3,5%), Chứng khoán (+3,1%) … Ở chiều ngược lại, Dệt may (-2,16%), Thủy sản (-1,91%), Dầu khí (-1,42%)…

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng có sự hồi phục trong 2 phiên cuối tuần, nhưng chưa bù đắp so với mức giảm 3 phiên đầu tuần. HNX-Index đóng cửa giảm nhẹ -0,33%, chốt tuần tại 238,41 điểm.

Không chỉ có điểm số, thanh khoản toàn thị trường tuần qua cũng tăng khá tốt và ở mức tích cực. Giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường tuần qua đạt 24.019 tỷ đồng/phiên, tăng +13,6% so với tuần trước đó, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng tăng +7% lên 20.808 tỷ đồng.

Theo thống kê, thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua đã đạt mức cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây. Thanh khoản tuần đầu tháng 3 đã tăng +34,5% so với tháng 2. Mặc dù vậy, lũy kế từ đầu năm, thanh khoản toàn thị trường đạt 18.235 tỷ đồng, giảm -13,5% so với mức bình quân năm 2024.

Thị trường nhận được sự hậu thuẫn của nhiều thông tin tích cực trong nước là chính yếu. Thông tin về điều này, Chuyên gia của VNDIRECT cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo ngừng phát hành tín phiếu kho bạc sau một thời gian dài sử dụng công cụ này để điều tiết thanh khoản - một động thái thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống nhằm hạ lãi suất thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai thêm các hợp đồng cho vay OMO lên đến 91 ngày để hỗ trợ thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống ngân hàng. Sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm khá mạnh, lãi suất qua đêm về quanh 4%. Điều này đã thúc đẩy đà tăng của thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán.

Đến cuối tuần, thêm một thông tin khác là việc Vinpearl nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE - một động thái rất đáng chú ý sau một thời gian dài thị trường thiếu vắng những đợt IPO, niêm yết của các doanh nghiệp lớn, tiêu biểu. Sau thông tin này, cổ phiếu VIC đã tăng trần và nhóm Vingroup cũng khởi sắc hơn.

Trong khi đó, dòng tiền khối ngoại vẫn chưa khởi sắc trở lại, nhưng lực bán ròng đã giảm đáng kể. Khối ngoại bán ròng trong tuần quan chỉ còn hơn -1.043 tỷ đồng. Còn số này thấp hơn một nửa so với tuần cuối tháng 2. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại bán ròng -17.650 tỷ đồng.

Rung lắc có thể tới, nhưng xung lực tăng vẫn còn

Theo ông Đinh Quang Hinh –Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, với tâm lý tích cực đang lan rộng, thị trường tuần mới có thể duy trì xung lực đi lên và hướng tới vùng kháng cự mạnh 1.340-1.360 điểm. Đây là vùng kháng cự mạnh với lượng cung tích lũy lớn trong quá khứ, do đó rung lắc sẽ xuất hiện.

“Nhà đầu tư có thể cân nhắc hiện thực hóa lợi nhuận một phần và hạ tỷ trọng đòn bẩy về ngưỡng an toàn để phòng ngừa nhịp điều chỉnh ngắn hạn có thể xuất hiện tại vùng này. Đối với nhà đầu tư “lỡ sóng” hoặc đang có tỷ trọng thấp, nên kiên nhẫn chờ đợi giải ngân trong nhịp điều chỉnh để có vị thế và giá vốn tốt hơn” – ông Hinh khuyến nghị.  

Nhà đầu thể cân nhắc hiện thực hóa lợi nhuận một phần hạ tỷ trọng đòn bẩy về ngưỡng an toàn để phòng ngừa nhịp điều chỉnh ngắn hạn thể xuất hiện tại vùng này. Đối với nhà đầu “lỡ sóng” hoặc đang tỷ trọng thấp, nên kiên nhẫn chờ đợi giải ngân trong nhịp điều chỉnh để vị thế giá vốn tốt hơn,
Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VNDIRECT

Thị trường chứng khoán trong nước nhìn chung vẫn đang ở được dự báo trong trạng thái “lạc quan nội tại, quan ngại bên ngoài”. Trong khi bên ngoài vẫn phải ngóng chờ chính sách từ chính quyền Tổng thống Trump và những diễn biến chính ở thị trường chứng khoán Mỹ. Ở trong nước, tiền ngoại có thể vẫn tiến triển theo dạng bớt xấu, còn tiền nội vẫn là động lực chính.

Dù nhiều dự báo cho thấy, khả năng rung lắc có thể xuất hiện vì chốt lời gia tăng, nhưng thị trường không phải vì thế mà không còn xung lực tăng. Các tín hiệu tích cực hỗ trợ thị trường vẫn khá tốt. Đầu tiên có thể kể đến như yếu tố mùa vụ, thị trường có xác suất tăng trong tháng 3. Dòng tiền nội đang mạnh lên nhờ các chính sách mạnh mẽ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của Chính phủ. Nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất, tăng tín dụng và các biện pháp kích cầu về tài khóa… sẽ ủng hộ thị trường chứng khoán.

Chiều 6/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy nhà ở xã hội. Ảnh: TRẦN HẢI

Chiều 6/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy nhà ở xã hội. Ảnh: TRẦN HẢI

Bên cạnh đó, nội tại thị trường đang cho thấy sự trở lại của nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… Thông tin về hệ thống công nghệ thông tin mới, triển vọng nâng hạng, thúc đẩy tín dụng, tháo gỡ khó khăn, triển khai nhà ở xã hội … là những yếu tố hỗ trợ cho các nhóm dẫn dắt này.

Ngoài ra, về định giá, hiện tại chỉ số P/E của thị trường đã tăng từ mức 13,3 lần ở đầu tháng 2 lên mức 14,18 lần nhưng vẫn thấp hơn 16,5% so với mức bình quân 5 năm. Đây là lần thứ 2 chỉ số P/E về vùng thấp hơn so với mức bình quân 1 độ lệch chuẩn kể từ cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2024, thời điểm chỉ số VN-Index ở vùng 1.250 điểm.

Ngày xuất bản: 10/3/2025
Tổ chức thực hiện: Kim Phương Bình
Nội dung: Kim Cương-Giang Khôi
Đồ họa: Hoài Anh

Trình bày: Nhị Hà