Một nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Giang Tô. Than chiếm 58% tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc năm 2019. (Ảnh: AP)

Một nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Giang Tô. Than chiếm 58% tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc năm 2019. (Ảnh: AP)

Chính thức ra đời năm 2021, sau đúng 10 năm thí điểm, thị trường giao dịch quyền phát thải carbon (gọi tắt là “thị trường carbon”) của Trung Quốc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được đánh giá là công cụ hữu hiệu để nước này hiện thực hóa “2 mục tiêu carbon” hướng tới phát triển xanh, bền vững.

Thị trường carbon và chiến lược
“2 mục tiêu carbon”

Ở Trung Quốc, “2 mục tiêu carbon” là cách gọi tắt của các mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon và trung hòa carbon mà nước này xác định. Cụ thể, tháng 9/2020, Chính phủ Trung Quốc đề ra mục tiêu phấn đấu đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060.

Chiến lược “2 mục tiêu carbon” có ý nghĩa đề cao lối sống xanh, thân thiện môi trường, carbon thấp; góp phần đẩy nhanh tiến trình giảm phát thải, thúc đẩy đổi mới công nghệ xanh, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Trung Quốc đã thành lập Ban chỉ đạo công tác “2 mục tiêu carbon”, ban hành hệ thống chính sách đồng bộ nhằm quán triệt, thực hiện quan điểm phát triển mới hướng tới “2 mục tiêu carbon” trong các cấp, các ngành và toàn xã hội; nhất là việc thúc đẩy điều chỉnh cơ cấu ngành nghề công nghiệp và cơ cấu năng lượng, phát triển các loại năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nỗ lực bảo đảm đồng bộ cả phát triển kinh tế và chuyển đổi xanh.

Minh họa về cơ chế vận hành của thị trường carbon. (Ảnh: Lusetanhui)

Minh họa về cơ chế vận hành của thị trường carbon. (Ảnh: Lusetanhui)

Thị trường giao dịch quyền phát thải carbon được Trung Quốc xác định là một trong những công cụ chính sách cốt lõi để hiện thực hóa "2 mục tiêu carbon", sự phát triển của thị trường này đã phát huy vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, chuyển đổi xanh nền kinh tế. Tính đến nay, thị trường carbon ở Trung Quốc đã trải qua 3 giai đoạn phát triển như sau:

Giai đoạn thứ nhất: từ năm 2002 đến 2012, các chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs), được tạo ra bởi các dự án của Cơ chế phát triển sạch (CDM), một cơ chế hợp tác được thành lập theo Nghị định thư Kyoto, bắt đầu tham gia các giao dịch quốc tế.

Giai đoạn thứ hai: từ năm 2013 đến 2020, việc thí điểm giao dịch quyền phát thải carbon lần lượt được triển khai ở một số địa phương. Ngoài giao dịch bằng hạn ngạch carbon, mức giảm phát thải tự nguyện được chứng nhận quốc gia (CCER) cũng có thể được sử dụng để bù đắp lượng khí thải carbon, từ đó hình thành thị trường chứng chỉ giảm phát thải trong nước.

Giai đoạn thứ ba: từ năm 2021 đến nay, thị trường giao dịch quyền phát thải carbon toàn quốc chính thức ra đời, hiện nay mới chỉ tập trung ở ngành điện, với tổng lượng phát thải khí C02 đạt khoảng 4,5 tỷ tấn/năm, là thị trường giao ngay carbon có quy mô lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

Biểu tượng về mục tiêu trung hòa carbon ở một cơ sở điện lực Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Biểu tượng về mục tiêu trung hòa carbon ở một cơ sở điện lực Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Theo tính toán của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, lượng phát thải carbon của nhóm doanh nghiệp đầu tiên được đưa vào phạm vi thị trường carbon toàn quốc đã vượt quá 4 tỷ tấn. Đây là thị trường carbon có quy mô lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị giao dịch thành công trên thị trường carbon toàn quốc vượt con số 10 tỷ nhân dân tệ, với tổng hạn ngạch phát thải tương đương 223 triệu tấn. Tính đến ngày 14/7/2023, tổng giá trị giao dịch thành công lũy kế đạt 11,03 tỷ nhân dân tệ, với tổng hạn ngạch phát thải tương đương khoảng 240 triệu tấn.

Sản phẩm duy nhất có thể giao dịch tại thị trường carbon toàn quốc là hạn ngạch phát thải carbon. Trong giai đoạn ban đầu, các giao dịch giao ngay hạn ngạch được tiến hành giữa các đơn vị phát thải trọng điểm trong ngành sản xuất điện, các tổ chức và cá nhân tạm thời chưa được phép tham gia.

Ngành sản xuất điện được đưa vào thị trường giao dịch carbon đầu tiên, trong ảnh là nhà máy điện Pingliang của Tập đoàn Huaneng. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Ngành sản xuất điện được đưa vào thị trường giao dịch carbon đầu tiên, trong ảnh là nhà máy điện Pingliang của Tập đoàn Huaneng. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Đại diện Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết, đưa sản xuất điện trở thành ngành đầu tiên giao dịch tại thị trường carbon toàn quốc, là bởi đây là ngành có lượng phát thải carbon tương đối lớn, đồng thời có cơ chế quản lý khá hoàn thiện, với cơ sở dữ liệu tương đối tốt. Sau khi thị trường carbon ngành sản xuất điện vận hành ổn định, sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi ngành nghề, để phát huy vai trò quan trọng của cơ chế thị trường trong kiểm soát phát thải khí nhà kính, thúc đẩy đổi mới công nghệ xanh, carbon thấp, thu hút đầu tư cho lĩnh vực khí hậu…

Các dấu mốc quan trọng

Cơ chế vận hành
thị trường carbon Trung Quốc

Thời gian giao dịch của thị trường carbon Trung Quốc được quy định như sau: ngoại trừ các ngày lễ theo quy định của pháp luật và ngày đóng cửa do các tổ chức giao dịch thông báo, thời gian giao dịch theo hình thức thỏa thuận niêm yết là từ thứ hai đến thứ sáu (từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút sáng và 13 giờ đến 15 giờ chiều); thời gian giao dịch theo hình thức thỏa thuận số lượng lớn là từ 13 giờ đến 15 giờ chiều thứ hai đến thứ sáu. Thời gian giao dịch theo hình thức đấu thầu một chiều sẽ được tổ chức giao dịch thông báo riêng.

Quầy giao dịch carbon của Tập đoàn Lưới điện quốc gia Trung Quốc tại thành phố Lan Châu, Cam Túc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Quầy giao dịch carbon của Tập đoàn Lưới điện quốc gia Trung Quốc tại thành phố Lan Châu, Cam Túc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Thị trường giao dịch carbon bao gồm thị trường giao dịch hạn ngạch carbon (thị trường chính) và thị trường giao dịch tín chỉ carbon (thị trường phụ trợ). Chủ thể giao dịch của thị trường giao dịch hạn ngạch carbon là các doanh nghiệp kiểm soát phát thải, đối tượng giao dịch là hạn ngạch carbon, doanh nghiệp có lượng khí thải carbon thực tế lớn hơn hạn ngạch carbon ban đầu có thể mua từ doanh nghiệp có hạn ngạch carbon dư thừa. Chủ thể giao dịch trên thị trường giao dịch tín chỉ carbon là doanh nghiệp kiểm soát phát thải và doanh nghiệp giảm phát thải tự nguyện, với đối tượng giao dịch là tín chỉ carbon; các doanh nghiệp kiểm soát phát thải có thể sử dụng tín chỉ carbon để hoàn tất thanh toán hạn ngạch, nhưng thông thường sẽ bị giới hạn ở mức 5% đến 10% tổng hạn mức phát thải mà doanh nghiệp kiểm soát phát thải cần thanh toán.

Quy trình vận hành của thị trường carbon gồm 3 khâu chính: Dự kiến phân bổ hạn ngạch (căn cứ vào sản lượng và các dự liệu khác của năm trước đó), phê duyệt hạn ngạch cuối cùng (dựa trên kết quả xác minh lượng phát thải thực tế của năm trước) và thanh toán hạn ngạch (các doanh nghiệp kiểm soát phát thải hoàn thành việc thanh toán hạn ngạch trong năm, nếu không đủ hạn ngạch, có thể thanh toán bằng việc mua hạn ngạch hoặc tín chỉ carbon của doanh nghiệp khác).

Có thể thấy, thị trường carbon là một công cụ chính sách nhằm kiểm soát lượng phát thải thông qua cơ chế thị trường. Sự vận hành của thị trường này chủ yếu liên quan đến việc tính toán, báo cáo và xác minh dữ liệu phát thải carbon cũng như các khâu xác định và thanh toán hạn ngạch, giám sát và quản lý giao dịch trên thị trường.

Đầu tiên, các đơn vị phát thải chính được đưa vào thị trường, hàng năm phải tính toán và báo cáo các dữ liệu phát thải carbon và chịu sự xác minh dữ liệu do các cơ quan nhà nước tiến hành. Kết quả xác minh là cơ sở để xác định hạn ngạch phát thải. Dựa trên nhu cầu phát thải trong sản xuất cũng như trình độ công nghệ của doanh nghiệp và yêu cầu giảm phát thải, cơ quan chức năng sẽ cấp một hạn ngạch phát thải nhất định, làm mức phát thải mà đơn vị đó có được trong khoảng thời gian nhất định. Hạn ngạch này có thể lớn hơn, hoặc nhỏ hơn nhu cầu phát thải thực tế, đơn vị phát thải có thể căn cứ nhu cầu của mình, tiến hành giao dịch mua, bán thông qua thị trường carbon.

Trung Quốc phát triển hàng loạt dự án điện mặt trời, để thực hiện “2 mục tiêu carbon”. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Trung Quốc phát triển hàng loạt dự án điện mặt trời, để thực hiện “2 mục tiêu carbon”. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Sau khi giao dịch xong, trước thời điểm chu kỳ tuân thủ kết thúc, các đơn vị này phải cung cấp một hạn ngạch bằng hoặc lớn hơn lượng phát thải, nhằm thực hiện cam kết của mình. Để bảo đảm sự vận hành hiệu quả của thị trường carbon toàn quốc, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống báo cáo và giám sát dữ liệu phát thải carbon toàn quốc, hệ thống đăng ký quyền phát thải toàn quốc, hệ thống giao dịch quyền phát thải carbon toàn quốc…

Các hệ thống này ghi nhận các dữ liệu phát thải carbon của các đơn vị phát thải trọng điểm, cũng như các thông số về sở hữu, thay đổi, thanh toán và hủy bỏ hạn ngạch phát thải carbon trên thị trường carbon toàn quốc, đồng thời cung cấp dịch vụ thanh toán để bảo đảm sự giao dịch tập trung, thống nhất của thị trường carbon toàn quốc. Theo đánh giá, thị trường carbon toàn quốc đã vận hành ổn định, lành mạnh; giá cả giao dịch ổn định và có chiều hướng đi lên, các chủ thể tích cực tham gia giao dịch, giúp cho ý thức giảm phát thải của doanh nghiệp ngày càng nâng cao.

Sàn giao dịch quyền phát thải tại thành phố Thiên Tân. (Ảnh: tjbh.com)

Sàn giao dịch quyền phát thải tại thành phố Thiên Tân. (Ảnh: tjbh.com)

Triển vọng thị trường
carbon Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, thị trường carbon của nước này có quy mô lớn, được đánh giá là còn nhiều không gian và triển vọng rộng mở để phát triển trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, tác dụng của việc giao dịch carbon thể hiện ở việc thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm phát thải, tối thiểu hóa chi phí giảm phát thải; nâng cao sự tích cực của doanh nghiệp trong giảm phát thải, tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực; đổi mới công cụ môi trường, thúc đẩy phát triển xanh; tăng nguồn thu thuế cho nhà nước, bù đắp cho các khoản chi bảo vệ môi trường... Do vậy, tăng cường và hoàn thiện cơ chế giao dịch carbon, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện "2 mục tiêu carbon" và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế ở Trung Quốc.

Điều này chủ yếu thể hiện ở việc thúc đẩy các ngành nghề tiêu thụ nhiều năng lượng và có lượng phát thải lớn, chuyển đổi sang ngành nghề carbon thấp. Dự báo, việc phát triển thị trường giao dịch carbon sẽ kích thích đổi mới tài chính và phát triển các ngành nghề mới, kéo theo hàng loạt hình thái ngành nghề mới như tài chính carbon, dịch vụ carbon..., tạo thêm động lực phát triển, đem lại cơ hội việc làm và nguồn thu từ thuế.

Ngày 16/7/2021, thị trường carbon toàn quốc Trung Quốc chính thức khởi động. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Ngày 16/7/2021, thị trường carbon toàn quốc Trung Quốc chính thức khởi động. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Hiện nay, thị trường carbon toàn quốc ở Trung Quốc đã bước vào chu kỳ tuân thủ thứ 2 kéo dài 2 năm. Theo quy hoạch đến năm 2025, 8 ngành nghề lớn là điện lực, vật liệu xây dựng, gang thép, kim loại màu, lọc hóa dầu, hóa chất, giấy và hàng không sẽ dần được đưa vào thị trường carbon ngay sau khi đủ điều kiện. Nhiều hội nghị toàn quốc đã được triệu tập nhằm thảo luận các vấn đề như ranh giới xác định carbon trong các ngành nghề, xác định hạn ngạch carbon, công nghệ xác minh dữ liệu carbon…

Theo ông Liu Jie, Tổng Giám đốc Sàn giao dịch năng lượng môi trường Thượng Hải, với việc các doanh nghiệp có lượng phát thải lớn trong các ngành trọng điểm, tiến tới tất cả các ngành nghề tham gia thị trường carbon toàn quốc, dự kiến tổng lượng hạn ngạch phát thải ở Trung Quốc có thể đạt tới 6,5 đến 7 tỷ tấn, chiếm khoảng 60% tổng lượng phát thải trên phạm vi cả nước, số lượng doanh nghiệp tham gia lên tới hơn 8.000. Điều này mở ra triển vọng lượng giao dịch sẽ tiếp tục mở rộng, giá cả ổn định và tăng dần trong thời gian tới.

Sàn giao dịch carbon Quảng Châu ký kết thỏa thuận hợp tác với đối tác Haluo. (Ảnh: cnemission.com)

Sàn giao dịch carbon Quảng Châu ký kết thỏa thuận hợp tác với đối tác Haluo. (Ảnh: cnemission.com)

Đánh giá vai trò của thị trường giao dịch carbon đối với việc tái cơ cấu ngành nghề, ông Li Heng, Tổng Giám đốc Công ty Năng lượng xanh ZhongJianCai cho rằng, hiện nay, ngành xi măng đang đối mặt bài toán khủng hoảng thừa, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, việc đưa ngành này vào thị trường carbon toàn quốc sẽ giúp đào thải các doanh nghiệp, dây chuyền lạc hậu, đưa chuỗi ngành nghề quay trở lại quỹ đạo kinh doanh hiệu quả.

Chuyên gia Tu Guangshao đến từ Viện tài chính cao cấp thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải cho rằng, để thực hiện “2 mục tiêu carbon”, cần thúc đẩy sự liên kết và tương tác giữa thị trường giao dịch carbon với thị trường tài chính, thị trường vốn, nhằm tạo ra một chuỗi hoàn chỉnh từ định giá thị trường giao dịch carbon, đến quản lý đầu tư tài sản carbon và thị trường tài chính carbon…

Một khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực giao dịch carbon do Sàn giao dịch năng lượng môi trường Thượng Hải tổ chức. (Ảnh: sohu.com)

Một khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực giao dịch carbon do Sàn giao dịch năng lượng môi trường Thượng Hải tổ chức. (Ảnh: sohu.com)

Các giao dịch viên carbon tham gia một lớp tập huấn. (Ảnh: cnemission.com)

Các giao dịch viên carbon tham gia một lớp tập huấn. (Ảnh: cnemission.com)

Item 1 of 2

Một khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực giao dịch carbon do Sàn giao dịch năng lượng môi trường Thượng Hải tổ chức. (Ảnh: sohu.com)

Một khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực giao dịch carbon do Sàn giao dịch năng lượng môi trường Thượng Hải tổ chức. (Ảnh: sohu.com)

Các giao dịch viên carbon tham gia một lớp tập huấn. (Ảnh: cnemission.com)

Các giao dịch viên carbon tham gia một lớp tập huấn. (Ảnh: cnemission.com)

Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: HỮU HƯNG
Trình bày: NGÔ HƯƠNG
Nguồn thông tin: Baidu.com, Chinanews.com, Financialnews.com.cn, Greentechcloud.cn, Carbon-metaverse.com, Legaldaily.com.cn
Ngày xuất bản: 8/9/2023