Thế hệ mang sứ mệnh "vừa giữ lửa, vừa thắp sáng"

Giữa bối cảnh công nghệ phát triển chóng mặt, trào lưu quốc tế len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống, việc giữ gìn hồn cốt văn hóa lại càng trở nên cấp thiết. Để làm được điều đó, thế hệ trẻ chính là người mang sứ mệnh "Vừa giữ lửa, vừa thắp sáng", vừa giữ gìn vừa phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Khi thành niên được tạo điều kiện, khi chính sách đi trước, và khi cả xã hội cùng đặt niềm tin vào thế hệ trẻ - bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc không còn là việc của quá khứ, mà là một phần của tương lai.

MỞ ĐẦU

Trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, văn hóa luôn giữ vai trò cốt lõi, là “hồn cốt”, là sức mạnh mềm gắn kết cộng đồng, hun đúc bản lĩnh, khơi nguồn sáng tạo và truyền cảm hứng phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa không chỉ là di sản để gìn giữ mà còn là tài nguyên chiến lược để hội nhập, khẳng định bản sắc và vị thế dân tộc trên trường quốc tế.

Thế hệ trẻ – với tinh thần xung kích, năng động và sáng tạo – chính là lực lượng nắm giữ chìa khóa cho sự tiếp nối và phát triển của văn hóa dân tộc. Họ không chỉ là những người thụ hưởng thành quả văn hóa truyền thống, mà còn là chủ thể sáng tạo, là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa giá trị bản địa và tinh hoa toàn cầu. Tuy nhiên, trước những tác động sâu rộng của toàn cầu hóa, công nghiệp văn hóa, và sự lan tỏa mạnh mẽ của công nghệ số, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc đang đối mặt với không ít thách thức – đặc biệt là về nhận thức, cơ chế, chính sách và môi trường thực hành văn hóa của giới trẻ.

1. THỰC TRẠNG VAI TRÒ CỦA THẾ HỆ TRẺ TRONG BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA DÂN TỘC

Trong dòng chảy không ngừng của lịch sử dân tộc, mỗi thế hệ thanh niên Việt Nam đều gắn liền với một sứ mệnh. Nếu cha ông chúng ta từng xông pha trên chiến trường để bảo vệ đất nước, thì thanh niên hôm nay cũng đang đảm đương một nhiệm vụ không kém phần quan trọng – đó là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Giữa bối cảnh công nghệ phát triển chóng mặt, trào lưu quốc tế len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống, thì việc gìn giữ hồn cốt văn hóa lại càng trở nên cấp thiết. Và trong cuộc hành trình này, thế hệ trẻ chính là người mang sứ mệnh "vừa giữ lửa, vừa thắp sáng".

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một làn sóng mạnh mẽ từ giới trẻ trong việc quay trở về với văn hóa dân tộc (gần nhất là những ví dụ của Hòa Minzy với Bắc Bling) – không phải bằng cách sao chép nguyên trạng quá khứ, mà là làm mới, sáng tạo, kết nối văn hóa truyền thống với hơi thở đương đại. Rất nhiều bạn trẻ đã chọn khởi nghiệp từ chính những giá trị truyền thống. Họ không chỉ là người tiêu dùng văn hóa mà đã trở thành những người kiến tạo văn hóa. Từ những sản phẩm thời trang gắn với họa tiết thổ cẩm, từ các dự án phục dựng nghi lễ, lễ hội làng, đến việc phát triển game, phim hoạt hình, ứng dụng du lịch gắn với di sản văn hóa – tất cả đều cho thấy năng lực sáng tạo và tình yêu sâu sắc của thanh niên đối với cội nguồn dân tộc.

Một cảnh trong MV Bắc Bling của Hòa Minzy

Một cảnh trong MV Bắc Bling của Hòa Minzy

Chúng ta có thể nhắc tới nhiều gương mặt tiêu biểu. Như Vũ Thị Quỳnh Trang, một bạn trẻ ở Hà Nội đã gây ấn tượng khi phát triển một kênh TikTok chuyên kể chuyện về văn hóa dân gian Việt Nam bằng hoạt họa. Mỗi video của cô thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, giúp người trẻ tiếp cận kiến thức lịch sử và văn hóa một cách sinh động, hấp dẫn. Hay như Nguyễn Đình Huy, chàng trai 9X từ Huế đã xây dựng ứng dụng di động "Dạo Cố Đô" – một bản đồ tương tác với di tích Huế, kết hợp công nghệ thực tế tăng cường (AR) để tái hiện những công trình cổ xưa ngay trên điện thoại thông minh của người dùng.

Ở Lai Châu, các câu lạc bộ như CLB hát Then-đàn Tính thiếu nhi ở Than Uyên, CLB dân ca Thái hay CLB đàn tính xã Mường So do thanh niên khởi xướng và duy trì đã trở thành nơi truyền dạy, lan tỏa các giá trị âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Không ít bạn trẻ, dù sinh ra giữa vùng núi cao hay đô thị hiện đại, vẫn tìm về với chiêng, với hát ru, với những điệu múa xòe – như một cách khẳng định niềm tự hào nguồn cội.

Ở Đồng Nai, “Ngày hội Thanh niên dân tộc, tôn giáo” được tổ chức hằng năm với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo đoàn viên, thanh niên, tạo không gian để họ tìm hiểu, thực hành và giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống đến với bạn bè gần xa.

Tinh thần chủ động đó của giới trẻ đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Thanh niên phải tiên phong trong lao động, sản xuất, sáng tạo... tiên phong trong những việc khó, việc mới; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.”[2] Và trong thời đại hiện nay, việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc chính là một trong “những việc khó, việc mới” mà người trẻ cần dấn thân thực hiện. Đó không chỉ là hành động mang tính biểu tượng, mà còn là biểu hiện rõ ràng của lòng yêu nước, của ý thức dân tộc trong thế hệ hôm nay.

Tiết mục biểu diễn tại Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh Nghệ An. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Tiết mục biểu diễn tại Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh Nghệ An. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đáng tự hào ấy, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, vai trò của thanh niên trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nhiều bạn trẻ hiện nay còn thiếu nền tảng kiến thức văn hóa truyền thống. Trong hệ thống giáo dục phổ thông, nội dung về văn hóa dân tộc vẫn chưa được lồng ghép một cách sinh động và hấp dẫn. Nhiều thanh niên chưa có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các không gian văn hóa gốc như làng nghề, lễ hội, đình đền, các nghệ nhân dân gian... dẫn đến khoảng cách lớn giữa "hiểu biết" và "thấu cảm".

Thêm vào đó, sự du nhập mạnh mẽ của các trào lưu văn hóa ngoại lai đang khiến cho không ít bạn trẻ lệch chuẩn trong thẩm mỹ và hành vi. Một bộ phận thanh niên ngưỡng mộ văn hóa ngoại quốc đến mức bài xích những gì thuộc về truyền thống – cho rằng văn hóa dân tộc là “lỗi thời”, là “nhàm chán”, là “khó cảm”. Đây không chỉ là sự thiếu hụt tri thức, mà là sự hụt hơi trong giáo dục văn hóa, trong việc truyền cảm hứng về di sản.

Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn” cũng như nhấn mạnh lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946): “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Nếu không có văn hóa dẫn đường, thanh niên rất dễ bị cuốn vào những giá trị phù phiếm, nhất thời, xa rời cội rễ. Trong khi đó, nếu được đầu tư đúng mực, khơi gợi được niềm đam mê và tự hào văn hóa, thì thanh niên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành lực lượng đi đầu trong việc “kể lại câu chuyện văn hóa Việt” bằng ngôn ngữ của thời đại.

Xây dựng nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên mạnh mẽ, trí tuệ văn minh chính nền tảng vững chắc để Việt Nam không ngừng vươn lên, trở thành quốc gia phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm

Thực tế cũng cho thấy, nhiều bạn trẻ có ý tưởng sáng tạo từ văn hóa dân tộc nhưng lại gặp phải rào cản về cơ chế, tài chính, môi trường hỗ trợ. Thiếu các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp văn hóa, thiếu sân chơi sáng tạo chuyên nghiệp, thiếu hỗ trợ pháp lý và đào tạo kỹ năng – tất cả khiến cho nhiều dự án tiềm năng phải dừng bước giữa chừng. Nhiều thanh niên tâm huyết đã chọn cách làm văn hóa như "nghề tay trái", vì không thể sống được bằng đam mê văn hóa.

Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết gần đây đã nhấn mạnh vai trò sống còn của thế hệ trẻ trong tương lai dân tộc: “Xây dựng và nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên mạnh mẽ, trí tuệ và văn minh chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam không ngừng vươn lên, trở thành quốc gia phát triển.”[3] Muốn thế hệ ấy mạnh mẽ, trí tuệ, văn minh, thì văn hóa chính là chất keo gắn kết, là nền tảng để họ không đánh mất mình trong thời đại “trăm luồng sóng dữ”. Do đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên tham gia sâu hơn, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn trong bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc là nhiệm vụ không thể chậm trễ.

2. NHỮNG THÁCH THỨC CỦA TOÀN CẦU HÓA ĐỐI VỚI BẢO TỒN VĂN HÓA

Thế hệ thanh niên hiện nay đang ngã ba thời đại vừa đứng giữa cái cái mới, vừa đối mặt với hội phát triển nhanh chóng, lại vừa chịu áp lực phải gìn giữ những giá trị đã định hình dân tộc qua hàng nghìn năm.
Tổng Bí thư Tô Lâm

Toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu, một dòng chảy lớn cuốn theo các luồng tư tưởng, sản phẩm, phong cách sống và hệ giá trị từ khắp nơi trên thế giới. Nó mang lại cho nhân loại nhiều cơ hội phát triển vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ và giao lưu quốc tế. Nhưng đồng thời, toàn cầu hóa cũng đặt ra những thách thức lớn lao, đặc biệt với các quốc gia đang tìm cách gìn giữ bản sắc văn hóa trong thế giới phẳng. Và với một dân tộc có chiều sâu văn hóa như Việt Nam, với một thế hệ trẻ đang sống trong guồng quay hội nhập, những thách thức ấy trở nên phức tạp, đa tầng và nhiều chiều hơn bao giờ hết.

Đồng chí Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảo "Tương lai của thế hệ vươn mình"

Đồng chí Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảo "Tương lai của thế hệ vươn mình"

Sự xâm nhập mạnh mẽ của các giá trị ngoại lai, làm lu mờ bản sắc dân tộc

Thách thức đầu tiên, và cũng là sâu sắc nhất, chính là sự xâm nhập mạnh mẽ của các giá trị ngoại lai, làm lu mờ bản sắc dân tộc. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, văn hóa không còn bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, người trẻ có thể tiếp cận ngay lập tức với âm nhạc US-UK, phim ảnh Hàn Quốc, thời trang Nhật Bản, ẩm thực Trung Hoa, lối sống phương Tây... Những sản phẩm ấy thường được sản xuất chuyên nghiệp, truyền thông mạnh mẽ, bắt kịp thị hiếu và thị trường, nên dễ dàng chinh phục giới trẻ. Trong khi đó, các sản phẩm văn hóa nội địa – nhất là những giá trị truyền thống – lại chưa có hình thức thể hiện hấp dẫn, chưa có chiến lược lan tỏa hiện đại, nên nhanh chóng bị lép vế.

Không hiếm bạn trẻ thuộc làu các bộ truyện tranh Nhật Bản, các dòng nhạc quốc tế, những show truyền hình Hàn Quốc, nhưng lại không thể hát trọn vẹn một bài dân ca của quê hương, không nhận diện được các biểu tượng văn hóa Việt, hoặc không nhớ rõ Tết Nguyên đán có những phong tục gì. Trong sự "thất thế" ấy, văn hóa truyền thống đang bị đẩy lùi ra sau, chỉ còn tồn tại trong các lễ hội theo mùa, những tiết học giáo dục công dân, hoặc trong các bảo tàng và di tích – nơi mà giới trẻ thường ít lui tới.

Chuyển động của truyền thông và mạng xã hội

Thách thức thứ hai đến từ chính những chuyển động của truyền thông và mạng xã hội. Trong thời đại số, ai nắm được kênh truyền thông, người đó kiểm soát được thị hiếu và xu hướng. Mỗi ngày, thanh niên tiếp nhận hàng trăm video giải trí, tin tức, trào lưu từ khắp thế giới. Họ bị cuốn theo những xu hướng “viral”, đôi khi rất nhất thời và vô thưởng vô phạt, đôi khi lại có tác động định hướng mạnh mẽ tới lối sống, thị hiếu và hệ giá trị. Nếu văn hóa dân tộc không được đưa vào “dòng chảy chủ lưu” của mạng xã hội, không trở thành nội dung phổ biến trong hệ sinh thái số, thì nguy cơ bị quên lãng, bị thay thế là điều không thể tránh khỏi.

Sự đứt gãy trong truyền thừa các giá trị truyền thống giữa các thế hệ

Thách thức thứ ba, và cũng là điều chúng ta cần đặc biệt lưu tâm, đó là sự đứt gãy trong truyền thừa các giá trị truyền thống giữa các thế hệ. Trong quá khứ, văn hóa dân tộc được duy trì thông qua đời sống làng xã, qua những câu chuyện ông bà kể lại, qua những lễ hội được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng. Nhưng ngày nay, nhịp sống đô thị hóa, cơ cấu gia đình thu hẹp, thời gian dành cho văn hóa cộng đồng ngày càng ít đi. Thanh niên sống trong môi trường học tập và làm việc gấp gáp, chịu ảnh hưởng mạnh từ cá nhân hóa, từ thế giới ảo, nên ít có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các “người mang văn hóa” – tức là các nghệ nhân, thầy giáo, già làng, nhà nghiên cứu – những người nắm giữ tinh hoa truyền thống.

Sự đứt đoạn ấy khiến nhiều thanh niên lúng túng khi đối diện với những câu hỏi tưởng chừng đơn giản: “Nguồn gốc của Tết Trung thu là gì?”, “Vì sao người Việt cúng ông Công ông Táo?”, “Điệu múa xòe có ý nghĩa gì trong đời sống cộng đồng?”. Đó không chỉ là sự thiếu kiến thức, mà sâu xa hơn là mối liên kết tinh thần giữa cá nhân với cộng đồng đang mờ nhạt dần đi – một mối liên kết từng giúp văn hóa Việt Nam bền bỉ vượt qua bao cuộc xâm lăng, biến động và đồng hóa trong lịch sử.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh về văn hóa còn thì dân tộc còn, và lời nhấn mạnh ấy không phải là khẩu hiệu hô hào, mà là cảnh báo nghiêm khắc. Vì trong bối cảnh hiện nay, mất văn hóa không chỉ là đánh mất bản sắc, mà còn là đánh mất tương lai của chính mình trong quá trình hội nhập toàn cầu.

Bên cạnh đó, chính quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng cũng mang đến những áp lực không nhỏ lên di sản văn hóa. Đô thị hóa, du lịch đại trà, thương mại hóa lễ hội, xây dựng tùy tiện trong vùng di sản… đã làm biến dạng nhiều giá trị gốc. Nếu không có tiếng nói mạnh mẽ và hành động chủ động từ thế hệ trẻ – những người sẽ sống dài lâu nhất trong tương lai của đất nước – thì liệu ai sẽ là người lên tiếng bảo vệ những giá trị này?

Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã viết rất sâu sắc: “Thế hệ thanh niên hiện nay đang ở ngã ba thời đại – vừa đứng giữa cái cũ và cái mới, vừa đối mặt với cơ hội phát triển nhanh chóng, lại vừa chịu áp lực phải gìn giữ những giá trị đã định hình dân tộc qua hàng nghìn năm.”[4] Chính vì thế, thay vì chỉ dừng lại ở việc nhấn mạnh trách nhiệm, chúng ta cần xây dựng những cơ chế thực sự trao quyền, truyền cảm hứng và tạo môi trường để thanh niên dấn thân vào văn hóa như một con đường lập thân, lập nghiệp, cống hiến. Bởi chỉ khi văn hóa trở thành “tài sản sống” trong tâm hồn người trẻ, thì mọi thách thức của toàn cầu hóa mới thực sự được hóa giải từ bên trong.

3. YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THẾ HỆ TRẺ

Khi đứng trước những thách thức mang tính toàn cầu như đã phân tích, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc không thể chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu tuyên truyền hay phong trào ngắn hạn. Đó phải là một chiến lược dài hơi, đặt thanh niên ở vị trí trung tâm, và đi kèm với những cơ chế, chính sách cụ thể, nhất quán, mang tính hệ thống và khả thi. Bởi lẽ, thanh niên – với nguồn năng lượng dồi dào, tư duy đổi mới, khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ và xu hướng thế giới – chính là lực lượng có đủ tiềm năng để làm “người đổi mới trong gìn giữ”, là cầu nối giữa “giá trị cổ truyền” và “ngôn ngữ hiện đại”.

Muốn thế hệ trẻ có thể tham gia hiệu quả vào công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa, thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần nhìn nhận họ không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách, mà là chủ thể kiến tạo văn hóa trong thời đại mới. Việc xây dựng chính sách vì thế phải bắt đầu từ tư duy mới – tư duy trao quyền, khuyến khích sáng tạo và đồng hành cùng thanh niên thay vì “áp đặt từ trên xuống”.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã viết về sứ mệnh thanh niên:“Cần tạo dựng một hệ sinh thái chính sách, cơ chế hỗ trợ để thế hệ trẻ được tự do sáng tạo, phát triển toàn diện về nhân cách, tri thức, bản lĩnh, lý tưởng và văn hóa.”[5] Từ tinh thần ấy, có thể thấy rõ một số yêu cầu cấp thiết trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát huy vai trò trong bảo tồn và phát triển văn hóa:

Thứ nhất, chính sách cần đặt văn hóa và thanh niên vào trung tâm của chiến lược phát triển đất nước.

Văn hóa không thể là “phụ phẩm” của tăng trưởng kinh tế, và thanh niên không thể chỉ là “đối tượng truyền thông”.

Cần xác lập một định hướng chính sách coi văn hóa là động lực nội sinh của phát triển bền vững, trong đó thanh niên là lực lượng tiên phong.

Những văn kiện như Nghị quyết 33 của Trung ương Đảng hay Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật đã khẳng định rất rõ vai trò của văn hóa – nhưng để những định hướng này đi vào đời sống, phải có sự nhập cuộc tích cực của lớp trẻ, với chính sách đồng hành thực chất.

Thứ hai, chính sách giáo dục văn hóa cần được đổi mới mạnh mẽ, thiết thực và truyền cảm hứng.

Thay vì chỉ dạy văn hóa dân tộc dưới dạng lý thuyết trong các môn học khô cứng, hãy để thanh niên được sống trong văn hóa, được chạm vào các giá trị truyền thống bằng hoạt động thực tế: từ trải nghiệm tại di tích, tham gia lễ hội, học với nghệ nhân, đến các cuộc thi sáng tạo văn hóa, làm phim ngắn, kể chuyện di sản trên nền tảng số. Hãy đưa văn hóa ra khỏi sách vở, đưa di sản đến gần hơn với nhịp sống người trẻ.

Đồng thời, cần có chính sách đào tạo chuyên sâu cho thanh niên có năng lực và đam mê văn hóa – đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến bảo tồn di sản, mỹ thuật dân gian, âm nhạc truyền thống, nghiên cứu dân tộc học, hoặc sáng tạo nội dung văn hóa trên nền tảng số. Nếu không đầu tư cho lực lượng “truyền nhân” trẻ tuổi, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ đứt đoạn người kế thừa trong nhiều lĩnh vực văn hóa đặc thù.

Thứ ba, cần có chính sách hỗ trợ tài chính, pháp lý và khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa cho thanh niên.

Trong thực tế, rất nhiều bạn trẻ có ý tưởng sáng tạo về bảo tồn văn hóa – nhưng lại thiếu vốn đầu tư, thiếu kỹ năng quản lý, thiếu hiểu biết về pháp luật bản quyền, hoặc không có không gian làm việc. Do đó, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể cần phối hợp để hình thành Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn hóa dành riêng cho thanh niên, kèm theo các chương trình cố vấn (mentorship), kết nối thị trường, bảo hộ pháp lý và truyền thông để những ý tưởng hay không “chết yểu” giữa đường.

Đồng thời, cần xây dựng cơ chế “vườn ươm văn hóa” – nơi các nhóm thanh niên có thể thử nghiệm ý tưởng về sản phẩm văn hóa, từ game, phim, thời trang truyền thống, ứng dụng học tiếng dân tộc… đến các tour du lịch cộng đồng, lễ hội truyền thống phiên bản hiện đại. Chính tại những không gian thử nghiệm này, các giá trị văn hóa có thể được chuyển hóa thành sản phẩm cụ thể, vừa bảo tồn, vừa phát triển, vừa tạo ra giá trị kinh tế.

Thứ tư, chính sách cần khuyến khích truyền thông sáng tạo và số hóa văn hóa do thanh niên làm chủ.

Trong thế giới phẳng, ai kiểm soát được nội dung – người đó nắm giữ được tâm trí công chúng. Vì vậy, cần khuyến khích thanh niên trở thành nhà sáng tạo nội dung văn hóa, đồng thời hỗ trợ họ về kỹ thuật, nền tảng và dữ liệu.

Các cơ quan chức năng có thể phối hợp để mở thư viện số di sản, cấp quyền truy cập cho các bạn trẻ để sử dụng hình ảnh, tư liệu văn hóa trong sáng tạo nghệ thuật, thiết kế, làm phim hay phát triển sản phẩm truyền thông hiện đại.

Thứ năm, chính sách cần thúc đẩy môi trường văn hóa cởi mở, đa dạng và tôn vinh vai trò của thanh niên.

Một chính sách chỉ thực sự sống khi thanh niên cảm thấy mình được lắng nghe, được thấu hiểu và được công nhận. Hãy tổ chức những giải thưởng, lễ vinh danh dành cho thanh niên sáng tạo trong bảo tồn văn hóa. Hãy đưa những gương mặt trẻ tiêu biểu vào vị trí diễn giả, cố vấn, nhà sáng lập trong các diễn đàn văn hóa lớn. Đừng để thanh niên chỉ đứng ở hàng ghế người nghe – mà hãy để họ trở thành người kể chuyện, người kiến tạo và người truyền lửa văn hóa trong kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn:“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đó không chỉ là nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên, mà là sứ mệnh của toàn xã hội. Và trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc, việc “bồi dưỡng” ấy – chính là trao niềm tin, mở đường đi và chắp cánh cho những ước mơ văn hóa của thanh niên Việt Nam.

4. ĐỀ XUẤT CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

Từ thực trạng đã nêu và những yêu cầu cấp bách của thời đại, việc đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ tham gia bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc là điều không thể chậm trễ. Những giải pháp này không chỉ nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, mà còn phải biến tình yêu văn hóa thành hành động, sáng tạo và cống hiến thực chất của thanh niên – để từ đó, văn hóa dân tộc không chỉ được gìn giữ, mà còn được lan tỏa và tái sinh trong từng bước đi của đất nước trên con đường phát triển bền vững.

-  Đổi mới giáo dục văn hóa trong nhà trường – khơi nguồn từ sớm cho tình yêu văn hóa dân tộc

Cần một cuộc đổi mới sâu sắc trong cách thức giáo dục văn hóa dân tộc cho thanh thiếu niên. Thay vì chỉ truyền thụ kiến thức một chiều, hãy thiết kế các chương trình học có tính trải nghiệm, tích hợp các chuyến đi thực tế, giao lưu với nghệ nhân, hoạt động tại di tích, làng nghề. Ví dụ, học sinh học về ca trù không chỉ bằng sách giáo khoa, mà được nghe nghệ nhân trình diễn, học cách phát âm nhấn nhá. Học về văn hóa Tết không chỉ là học ngày lễ, mà được tham gia nấu bánh chưng, viết câu đối, dựng cây nêu.

Bên cạnh đó, cần đưa nội dung văn hóa dân tộc vào các cuộc thi sáng tạo như viết truyện tranh, làm video, thiết kế đồ họa hoặc làm game – để chính học sinh, sinh viên được thể hiện cách hiểu và cách kể lại văn hóa dân tộc bằng ngôn ngữ thời đại.

- Thành lập và phát triển các Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn hóa cho thanh niên

Một rào cản lớn hiện nay là phần lớn bạn trẻ yêu văn hóa nhưng lại thiếu nguồn lực để hiện thực hóa ý tưởng. Vì vậy, cần thành lập các quỹ hỗ trợ sáng tạo văn hóa dành riêng cho thanh niên, được vận hành bởi sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức văn hóa-xã hội. Các quỹ này sẽ tài trợ hoặc cho vay ưu đãi với lãi suất thấp cho các dự án: khởi nghiệp từ di sản, làm phim về văn hóa, thiết kế thời trang dân tộc, tổ chức tour du lịch trải nghiệm, hoặc sáng tạo sản phẩm giáo dục văn hóa dành cho thiếu nhi.

Đi kèm với nguồn vốn, cần có các trung tâm hỗ trợ pháp lý, tư vấn khởi nghiệp văn hóa, giúp thanh niên hiểu về quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu và phát triển bền vững trong thị trường.

- Xây dựng không gian sáng tạo văn hóa dành cho giới trẻ tại các đô thị và địa phương

Giới trẻ cần không gian để sáng tạo, để thử nghiệm, để "vấp ngã mà không bị loại bỏ". Hãy phát triển các trung tâm sáng tạo văn hóa cộng đồng, đặc biệt tại các đô thị lớn và các địa phương giàu di sản – nơi thanh niên có thể tiếp cận thiết bị công nghệ, dữ liệu di sản số hóa, phòng chiếu phim, không gian trình diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại, phòng trưng bày sản phẩm văn hóa của bạn trẻ...

Các mô hình như “Hub văn hóa trẻ”, “Vườn ươm di sản”, “Không gian sáng tạo cộng đồng” cần được nhân rộng và kết nối thành mạng lưới quốc gia, phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, các địa phương, tổ chức Đoàn và khối tư nhân.

- Khuyến khích số hóa, sáng tạo nội dung văn hóa trên nền tảng số

Một trong những con đường nhanh nhất để văn hóa dân tộc tiếp cận thanh niên là thông qua không gian số. Vì vậy, cần:

(1) Đầu tư cho việc số hóa di sản văn hóa phi vật thể và vật thể: thư viện ảnh, phim tài liệu, bản đồ di tích, ghi âm dân ca, bản vẽ hoa văn truyền thống, video hướng dẫn phong tục lễ hội…

(2) Xây dựng nền tảng mở (open platform) để thanh niên được sử dụng dữ liệu văn hóa phục vụ cho sáng tạo: làm video, thiết kế trò chơi, viết sách, sản xuất sản phẩm quảng bá…

(3) Khuyến khích các bạn trẻ làm TikTok, YouTube, podcast, trò chơi điện tử, ứng dụng di động về văn hóa Việt Nam – có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo kỹ năng kể chuyện sáng tạo, quảng bá nội dung, kết nối cộng đồng. Ví dụ, một chương trình như “Thanh niên kể chuyện di sản” có thể tổ chức theo hình thức cuộc thi làm video ngắn, podcast, hoạt hình… để chính thanh niên kể lại câu chuyện văn hóa bằng ngôn ngữ của mình – từ đó văn hóa không còn xa cách, mà trở thành một phần sống động trong đời sống số.

- Tăng cường truyền thông, tôn vinh những tấm gương thanh niên tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa

Sự lan tỏa không chỉ đến từ nội dung, mà còn đến từ cảm hứng cá nhân. Cần có các giải thưởng, danh hiệu uy tín như “Thanh niên văn hóa sáng tạo”, “Gương mặt trẻ bảo tồn di sản”, “Đại sứ văn hóa trẻ”... để tôn vinh những bạn trẻ tiên phong. Những gương mặt này cần được xuất hiện trên truyền hình, báo chí, trong các sự kiện lớn để truyền cảm hứng cho cộng đồng thanh niên cả nước.

Tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên, các trường đại học và doanh nghiệp có thể cùng đồng hành để xây dựng chương trình tìm kiếm và hỗ trợ những “hạt giống văn hóa” – những bạn trẻ dấn thân, sáng tạo, lan tỏa bản sắc dân tộc bằng nhiều hình thức mới mẻ.

- Thúc đẩy hợp tác quốc tế và giao lưu văn hóa do thanh niên làm chủ

Toàn cầu hóa không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới. Cần tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa thanh niên quốc tế, nơi các bạn trẻ Việt Nam mang theo nghệ thuật truyền thống, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ... đến bạn bè năm châu, đồng thời học hỏi và chọn lọc những tinh hoa từ các nền văn hóa khác.

Chúng ta cũng nên tổ chức các trại sáng tạo văn hóa ASEAN, các diễn đàn văn hóa thanh niên quốc tế, nơi thanh niên Việt Nam có thể vừa tự hào về di sản mình đang có, vừa rèn luyện kỹ năng hội nhập, quảng bá và tiếp thị văn hóa trong bối cảnh toàn cầu.

Tất cả những giải pháp trên sẽ không phát huy tác dụng nếu không đi kèm với một điều quan trọng nhất: niềm tin của xã hội vào thanh niên. Khi chúng ta tin rằng, giới trẻ không phải là lực lượng “chờ được giáo dục”, mà là chủ thể sáng tạo, đồng kiến tạo tương lai; khi văn hóa được xem là tài nguyên mềm, là vốn liếng khởi nghiệp của người trẻ – thì lúc ấy, hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mới thực sự vững chắc.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, là linh hồn của một quốc gia, là nền tảng tinh thần vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Trong hành trình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa ấy, thế hệ trẻ không đứng ngoài cuộc, mà chính là trung tâm, là lực lượng tiên phong, là “người thổi hồn” cho những giá trị truyền thống tiếp tục sống động trong đời sống hiện đại.

Tuy nhiên, như đã phân tích, bối cảnh toàn cầu hóa – với những cơ hội và thách thức đan xen – đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải kiến tạo một môi trường văn hóa mới, trong đó thanh niên không chỉ được khơi dậy tình yêu văn hóa mà còn được tiếp sức, được dẫn dắt, được bảo vệ và được trao quyền để cống hiến. Chúng ta không thể kỳ vọng thế hệ trẻ giữ gìn văn hóa nếu họ thiếu cơ hội tiếp cận, thiếu công cụ thực hành và thiếu niềm tin từ xã hội.

Những gương thanh niên khởi nghiệp từ di sản, sáng tạo nội dung văn hóa trên không gian số, tổ chức câu lạc bộ gìn giữ làn điệu dân ca, phục dựng các lễ hội làng... chính là minh chứng sống động cho khát vọng gìn giữ bản sắc. Nhưng để những ngọn lửa riêng lẻ ấy kết thành một ngọn đuốc lớn, soi sáng tương lai văn hóa dân tộc, thì rất cần những cơn gió chính sách mạnh mẽ, nhất quán, nhân văn và dài hạn.

Hơn ai hết, chúng ta – những người làm chính sách, những nhà văn hóa, nhà quản lý – phải nhận thức sâu sắc rằng: việc xây dựng thể chế, chính sách văn hóa cho thanh niên hôm nay chính là xây nền móng cho sự phát triển trường tồn của dân tộc mai sau.

Đồng chí Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảo "Tương lai của thế hệ vươn mình"

Đồng chí Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảo "Tương lai của thế hệ vươn mình"

Từ nhận thức ấy, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị trọng tâm như sau:

- Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần sớm ban hành các cơ chế chính sách chuyên biệt hỗ trợ thanh niên trong lĩnh vực văn hóa – bao gồm: tài chính, đào tạo, pháp lý, không gian sáng tạo, truyền thông và thị trường.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa nội dung giáo dục văn hóa dân tộc vào chương trình chính khóa một cách linh hoạt, hấp dẫn, thực tế – kết hợp trải nghiệm thực địa, giao lưu nghệ nhân, sáng tạo sản phẩm văn hóa.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Đoàn Thanh niên tổ chức các giải thưởng thường niên vinh danh thanh niên tiêu biểu trong bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; triển khai các trại sáng tác, diễn đàn văn hóa thanh niên, giao lưu quốc tế.

- Các địa phương cần tích cực xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo dành cho thanh niên – đặc biệt tại các thành phố lớn, các vùng có di sản phong phú, để tạo điều kiện thực hành văn hóa một cách sống động, không hình thức.

- Báo chí, truyền thông, mạng xã hội cần đồng hành bằng cách lan tỏa gương người trẻ dấn thân gìn giữ văn hóa, truyền cảm hứng, tạo hiệu ứng xã hội tích cực về một thế hệ thanh niên "có cội – có chí – có chất Việt Nam".

Khi thanh niên được tạo điều kiện, khi chính sách đi trước một bước, và khi cả xã hội cùng đặt niềm tin vào thế hệ trẻ – thì bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc không còn là việc của quá khứ, mà là một phần của tương lai.

[1] Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội

[2] Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-loi-can-dan-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-voi-the-he-tre-185240720131423061.htm

[3] Nguồn: https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-tuong-lai-cho-the-he-vuon-minh-phan-ii/57921.html

[4] https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-tuong-lai-cho-the-he-vuon-minh-phan-ii/57921.html

[5] Nguồn: https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-tuong-lai-cho-the-he-vuon-minh-phan-ii/57921.html

Ngày xuất bản: 05/04/2025

Trình bày: HỒNG VÂN-BẢO MINH
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN