Thành phố




Hồ

Chí

Minh

Việt Nam là quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, nằm trong 40 quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới, và là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần huy động lượng vốn lớn cho phát triển. Tại thông báo số 47-TB/TW kết luận về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại Thành phố Đà Nẵng.

 Dự kiến, mô hình Trung tâm tài chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, hàng hóa phái sinh.

Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trên với thị trường vốn, thị trường chứng khoán dồi dào, bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng.

 Việc đặt Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp thúc đẩy thị trường tài chính tại Việt Nam, tạo sức bật trong tăng trưởng, và giúp Việt Nam nâng cao vị thế về kinh tế, chính trị trên thế giới.

Biến tiềm năng thành động lực

Thành phố Hồ Chí Minh – Nơi từng được mệnh danh là “Hòn ngọc viễn đông”, đến nay vẫn giữ được vị thế lớn mạnh của thành phố mang tên Bác. Là đô thị đặc biệt với hơn 10 triệu dân; Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam và đầu tầu kinh tế của cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp vào khoảng 26% tổng thu ngân sách cả nước, 36% GDP. Là nơi có hệ thống tài chính ngân hàng thương mại được thành lập đầu tiên ở nước ta như trung tâm giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh”.

Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh

Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp giáp với vùng biển phía Đông, thuận lợi liên kết vùng và giao thương quốc tế. Đây là nơi có nhiều trung tâm công nghiệp lớn; thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng phát triển và nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ cao.

Việt Nam chưa chính thức có trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tổ chức Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc đã công bố về chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) ấn bản lần 37, theo đó Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 98 trong 119 thành phố xếp hạng, tăng 7 bậc so với năm ngoái.

Với những tiềm năng sẵn có, vượt trội, Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ điều kiện để đặt Trung tâm Tài chính quốc tế của Việt Nam.

Cầu cảng Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Thành Đạt)

Cầu cảng Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Thành Đạt)

Xây dựng Trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh – Cần chính sách đặc thù

Thành phố Hồ Chí Minh với tiềm lực sẵn có là trung tâm kinh tế của cả nước; đồng thời được chuẩn bị khá bài bản từ nhiều năm. Dù có tiềm lực sẵn có và được chuẩn bị khá bài bản từ nhiều năm nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, đó là hệ thống pháp lý, pháp luật về tài chính, chứng khoán … chưa đồng bộ, còn nhiều điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để trung tâm tài chính quốc gia ở Hồ Chí Minh phát triển nhanh, có tầm vóc trong khu vực và trên thế giới thì cần phải xây dựng những trụ cột vững vàng cho Trung tâm tài chính này.

 PGS. TS Trần Hoàng Ngân

 PGS. TS Trần Hoàng Ngân

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trước tiên phải tập trung xây dựng thể chế một cách đồng bộ, ổn định,  thông thoáng nhưng phải đảm bảo tính minh bạch, công bằng. Ông nhấn mạnh, pháp luật trong hoạt động của trung tâm tài chính, hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng phải phù hợp với các luật pháp quốc tế; và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, nhất là các thành viên tham gia trong trung tâm này.

Về việc mở rộng hệ sinh thái cho trung tâm tài chính quốc tế, Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, hệ sinh thái này rất đa dạng, không chỉ là tổ chức ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm mà còn có cả các cơ quan kế toán, tư vấn luật, đào tạo....

Theo kinh nghiệm nghiên cứu của ông về các trung tâm mới mở như Singapore, Dubai, Thượng Hải, đều có một cơ chế riêng biệt để thu hút các đại bàng hay các tổ chức tài chính có tên tuổi trên thế giới để mở chi nhánh tham gia thành viên vào thị trường của mình.

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp, đồng tình với ý kiến này, ông cho rằng hiện chỉ có khoảng 51 chi nhánh các ngân hàng nước ngoài đang mở chi nhánh, phòng giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Và có170 công ty fintech theo báo cáo của Fintech News năm 2023. Cần phải thu hút thêm các tổ chức tài chính lớn của khu vực và trên thế giới, ví dụ như GPMorgan Chase & Co (Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ), … đến và đặt dưới dạng như trụ sở khu vực.

Với những điều kiện trên, lượng vốn tài chính huy động sẽ lớn; giúp mở rộng quan hệ kết nối tài chính quốc tế; và chuyển giao công nghệ trong các hoạt động tài chính này cho Việt Nam. Có như vậy, Trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh mới có hệ thống tài chính đồng bộ gồm hệ thống ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán và các định chế tài chính để hoạt động thông suốt, chặt chẽ và phát triển. Một cơ chế đặc thù với những chính sách ưu đãi như đất đai, về thuế khóa … rất quan trọng để có thể hút dòng vốn đầu tư và các “đại bàng” đến làm tổ, Ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Trần Hoàng Ngân lưu ý thêm, thời điểm này, khi đang chờ Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế chính sách cho trung tâm tài chính quốc tế, thì cần phải nâng cao chất lượng của các thị trường tài chính hiện hữu trong nước hiện nay như thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và áp dụng chuẩn hóa bộ chuẩn mực Basel vào hoạt động kinh doanh và quản trị ngân hàng, thị trường ngoại hối …

Ông Trần Hoàng Ngân gợi ý, ngay từ bây giờ cần nghiên cứu để tạo điểm nhấn cho trung tâm tài chính như sàn giao dịch về tiền ảo, tài sản số hay là giao dịch về hàng hóa có thế mạnh như là cà phê, lúa gạo, hạt tiêu… Thành lập sàn giao dịch cổ phiếu cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để thu hút được các quỹ đầu tư bảo hiểm trên thế giới.

Hạ tầng và nguồn nhân lực – Yếu tố nền tảng

Một vấn đề khác cần được quan tâm và đã được nêu ra tại Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, đó là tập trung đầu tư cho hạ tầng, gồm hạ tầng kết nối, hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông ... Nếu một trong những hạ tầng này chưa phát triển, sẽ kéo theo sự trì trệ của cả hệ thống trung tâm tài chính.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư kỹ lưỡng cho hệ thống hạ tầng giao thông như sân bay Long Thành, đường vành đai 4, đường sắt cao tốc bắc-nam, các tuyến đường sắt đô thị metro … tuy nhiên vẫn đang trong thời gian hoàn thiện và tiếp tục đầu tư.

Hạ tầng giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển (Ảnh: Thành Đạt)

Hạ tầng giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển (Ảnh: Thành Đạt)

Để đáp ứng Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực thì về hạ tầng số cần có một số điểm chính, đó là kết nối viễn thông/Internet tốc độ cao và ổn định; trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại; đảm bảo an ninh an toàn mạng; và kết nối mạng quốc tế dung lượng lớn và đảm bảo dự phòng. Đồng thời tham khảo tham khảo hạ tầng số từ các tổ chức tài chính toàn cầu như WEF, ADB hay tham khảo từ các tổ chức về công nghệ như ITU ...”

-- Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty NNetNam--

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam

Về hạ tầng số, Theo Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty NetNam: “Để đáp ứng Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực thì về hạ tầng số cần có một số điểm chính, đó là kết nối viễn thông/Internet tốc độ cao và ổn định; trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại; đảm bảo an ninh an toàn mạng; và kết nối mạng quốc tế dung lượng lớn và đảm bảo dự phòng. Đồng thời tham khảo tham khảo hạ tầng số từ các tổ chức tài chính toàn cầu như WEF, ADB hay tham khảo từ các tổ chức về công nghệ như ITU ...”.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Chuyển đổi số (DTI) năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước trong chuyển đổi số quốc gia; Cơ sở hạ tầng số ở thành phố này phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện.

Nhưng theo Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, hệ thống trung tâm dữ liệu chủ yếu ở mức Tier 3 (Data Center Tier: tiêu chuẩn dùng để đo lường các tiêu chí như thiết kế, vận hành, xây dựng, quản lý và sự ổn định của Trung tâm dữ liệu), chưa đáp ứng yêu cầu về độ ổn định và bảo mật cho các giao dịch tài chính cấp quốc tế. Kết nối 5G đang mở rộng nhưng chưa phủ sóng hoàn toàn, gây hạn chế trong việc triển khai các dịch vụ tài chính theo thời gian thực. Cơ chế chia sẻ và liên thông dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức tài chính còn phân mảnh, làm giảm hiệu suất vận hành. Việc ứng dụng công nghệ blockchain, AI và dữ liệu lớn (big data) trong lĩnh vực tài chính vẫn ở giai đoạn đầu, chưa tối ưu hóa quy trình quản lý rủi ro và phân tích tài chính.

Để hạ tầng số đáp ứng được yêu cầu vận hành của một Trung tâm tài chính quốc tế, Tiến sĩ Trần Quý cho rằng “cần xây dựng hệ thống trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Tier 4. Đầu tư mạnh vào hạ tầng mạng tốc độ cao, đặc biệt là 5G, cáp quang băng thông rộng và công nghệ điện toán biên (edge computing) để tối ưu hóa xử lý dữ liệu thời gian thực. Xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu tài chính liên thông, ứng dụng mạnh AI và blockchain để nâng cao bảo mật, tự động hóa giao dịch, giảm thiểu rủi ro tài chính và gian lận”.

Cuối cùng, vấn đề nhân lực được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Đạt, Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Thương mại nhấn mạnh trong việc đào tạo, thu hút và đãi ngộ thích đáng đối với nhân lực chất lượng cao cho Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây có môi trường đào tạo tốt, tuy nhiên để có nguồn nhân lực cấp cao, cần phải được trang bị kỹ năng và khả năng thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính và môi trường công nghệ AI.

Hoạt động sản xuất trong nhà máy ở TPHCM (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Hoạt động sản xuất trong nhà máy ở TPHCM (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Kỳ vọng vào Trung tâm tài chính quốc gia - Biểu tượng mang tầm vóc thời đại

Theo kế hoạch Chính phủ đề ra, trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được thành lập, vận hành từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành trong 5 năm. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam đang được đưa ra thảo luận và lấy ý kiến của công luận. Đề án xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM dự kiến đặt tại khu vực quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hiện nay Việt Nam đang cần khoảng 368 tỷ đô la vốn để triển khai các dự án thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh nhận định, hiện nay Việt Nam đang cần khoảng 368 tỷ đô la vốn để triển khai các dự án thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 (theo số liệu của World Bank). Trung tâm tài chính quốc tế có thể là kênh huy động vốn hiệu quả, với số vốn gần 400 tỷ đô.

Theo nghiên cứu của McKinsey & Company (Công ty tư vấn quản trị toàn cầu), việc thiết lập các tổ chức tài chính quốc tế lớn có thể tăng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI)  từ 20 đến 30%. Cùng với đó, tỷ trọng đóng góp tài chính, bảo hiểm thông qua GDP sẽ tăng lên từ 5-6% (cao hơn so với hiện nay chỉ khoảng 3-5% một năm). Và ước tính các trung tâm tài chính lớn sẽ tạo ra khoảng 40 nghìn công việc chất lượng cao trong 10 năm đầu.

Ở khía cạnh khác, hiện nay Việt Nam có gần một triệu doanh nghiệp, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Khi Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế hình thành tại Việt Nam cũng sẽ mở ra cánh cửa rộng hơn đối với khối doanh nghiệp này bởi tính liên kết vùng tốt, tài chính dồi dào, chi phí logistics giảm; quan trọng hơn nữa là có nhiều cơ hội thấm sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu … giúp tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu.

Chính phủ quyết định chọn thành phố Hồ Chí Minh để phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam là một hướng đi, một quyết định vừa có cơ sở thực tiễn và có một tầm nhìn xa chiến lược lâu dài

--- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân---

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân khẳng định: “Chính phủ quyết định chọn thành phố Hồ Chí Minh để phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam là một hướng đi, một quyết định vừa có cơ sở thực tiễn và có một tầm nhìn xa chiến lược lâu dài”.

Việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng sẽ tạo tăng trưởng bứt phá cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Đây sẽ là biểu tượng mang tầm vóc thời đại của một đất nước Việt Nam đang vươn mình để sánh vai với các “cường quốc năm châu”.