THÀNH CÔNG CỦA THỦY LỢI

LÀ TẦM NHÌN TRONG QUY HOẠCH

Trải qua chặng đường hình thành và phát triển, ngành thủy lợi đã có nhiều điểm nhấn, mốc son đáng nhớ. Từ một ngành phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là chính, đến nay thủy lợi đang đồng hành vì sự phát triển “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội, bảo đảm môi trường và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.

Nhân dịp 77 năm ngày truyền thống ngành thủy lợi (28/8/1945 – 28/8/2022) Báo Nhân Dân có cuộc  phỏng vấn Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, về những vấn đề đang đặt ra đối với công tác thủy lợi, cả về quy hoạch, xây dựng và quản lý, khai thác.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, nước ta vốn là một nước nông nghiệp, nên có thể nói thủy lợi có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được coi là một trong những giải pháp hàng đầu đối với sự phát triển của đất nước. Thứ trưởng có thể đánh giá khái quát về ngành thủy lợi trong gần 80 năm qua?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong gần 80 năm qua, sự phát triển của ngành thủy lợi luôn gắn liền với sự phát triển của đất nước.

Có thể tạm chia quá trình phát triển của ngành thủy lợi làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn sau hòa bình lập lại 1954 đến trước năm 1975: Thời kỳ này, thủy lợi được coi là biện pháp hàng đầu để bảo vệ và phát triển sản xuất nông nghiệp;

- Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2010: Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, công tác thủy lợi ưu tiên cho các tỉnh thành phố mới giải phóng, phía bắc thì tập trung vào hoàn chỉnh thủy nông và phát triển xây dựng cũng như khai thác các công trình đã có từ trước;

- Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, tập trung nghiên cứu quy hoạch và khai thác các công trình đáp ứng yêu cầu thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, ứng phó chủ động với thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Gắn với mỗi giai đoạn, ngành thủy lợi đều hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Nói đến thủy lợi là phải nói đến ba lĩnh vực chính: Quy hoạch - Xây dựng - Quản lý vận hành và khai thác… Trăn trở lớn nhất của những người làm thủy lợi hiện nay là công tác quy hoạch cho thủy lợi, phòng, chống thiên tai “đi trước hay đi sau” các quy hoạch khác?

Phóng viên: Vậy hiện nay thủy lợi đang “đi trước" hay "đi sau” thưa thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong thực tiễn hiện nay thì thủy lợi đang đi sau, khi các công trình, dự án xong rồi mới quay lại yêu cầu thủy lợi cấp nước, như vậy là thủy lợi đi sau.

Trong bối cảnh an ninh nguồn nước như hiện nay thì thủy lợi chưa chắc đã đáp ứng được, ví dụ nếu không tính tổng thể khi quy hoạch thì thủy lợi không đáp ứng được cấp nước, xử lý tiêu nước…

Cho nên vấn đề đặt ra là thủy lợi phải đi trước. Đối với các quy hoạch phát triển lớn thì thủy lợi đi trước sẽ rất chủ động cho phát triển, phải có nước mới làm được các thứ khác. Như vậy, trả lời được câu hỏi thủy lợi đi trước hay đi sau, cần khẳng định rằng, trong quy hoạch quốc gia thì thủy lợi phải đi trước.

Phóng viên: Để thủy lợi đi trước thì những vấn đề đặt ra là gì thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Hiện tại, mỗi năm chúng ta sử dụng khoảng 101 tỷ m3 nước, trong đó, khoảng 65% nguồn nước từ bên ngoài, 35% nước trong nước.

Như vậy có những vùng sử dụng nguồn nước nước ngoài cho tốt, có những vùng phải sử dụng tối đa 35% lượng nước nội sinh.

Mặt khác ở nước ta mưa thì nhiều nhưng không đồng đều, cả về không gian và thời gian.

Như vậy bài toán của thủy lợi là phải cân bằng nước, phải liên vùng liên tỉnh… bảo đảm cho phát triển từng vùng kinh tế.

Hiện nay các công trình thủy lợi có năng lực phục vụ hiệu quả chưa cao; lý do là các công trình xây dựng quá lâu rồi, quy hoạch từ ngày xưa không còn phù hợp, đồng thời đầu nguồn nước thay đổi, sản xuất thay đổi, thủy lợi phải đa mục tiêu, ngoài cấp nước cho cây lúa, thì phải cấp cho cây trồng cạn, cho nuôi trồng thủy sản, cho khu công nghiệp, cấp nước cho sinh hoạt, và phải tiêu nước cho khu đô thị…

Công nhân Công ty Bắc Nam Hà đang vận hành máy bơm công suất 32 nghìn m3 nước/giờ tại Trạm bơm Hữu Bị, Nam Định. Ảnh: Văn Lúa

Công nhân Công ty Bắc Nam Hà đang vận hành máy bơm công suất 32 nghìn m3 nước/giờ tại Trạm bơm Hữu Bị, Nam Định. Ảnh: Văn Lúa

Vậy nên trước mắt, đối với hạ tầng cũ, cố gắng khắc phục được hỏng hóc, làm sao phải khai thác hiệu quả các công trình hiện có, khai thác theo hướng đa mục tiêu…

Vấn đề nữa là biến đổi khí hậu, rất bất định, các nền số liệu thủy văn không còn giá trị ở nhiều nơi, do biến đổi khí hậu, do tác động của con người… vậy phải dự báo và dự tính các kịch bản để đáp ứng được yêu cầu đặt ra với ngành thủy lợi, trong đó đặc biệt là quy hoạch thủy lợi phải bảo đảm cả phòng, chống thiên tai.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, như vậy công tác quy hoạch có phải là yếu tố tiên phong mang tính quyết định cho sự phát triển của ngành?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực tiễn cho thấy, công tác lập quy hoạch thủy lợi và phòng, chống thiên tai đã trải qua nhiều thời kỳ với nhiệm vụ khác nhau, từ khi thủy lợi được coi là biện pháp hàng đầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, tập trung trị thủy và giải quyết tiêu nước, chống úng ở miền Bắc những năm 1954-1975, đến giai đoạn ưu tiên lập quy hoạch cho các vùng ở phía Nam, đồng thời tập trung vào hoàn chỉnh thủy nông vùng phía Bắc những năm sau 1975, tập trung nghiên cứu quy hoạch các lưu vực sông để đáp ứng yêu cầu phục vụ đa mục tiêu, ứng phó chủ động với các thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng từ sau năm 2010 trở lại đây.

Đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập, phê duyệt và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được 50 quy hoạch liên quan đến thủy lợi và phòng, chống thiên tai.

Cho đến nay, công tác quy hoạch lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thủy lợi đã đáp ứng được yêu cầu của các giai đoạn phát triển; hệ thống hạ tầng đã từng bước được đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ an toàn cho người dân, hạ tầng và sản xuất.

Tuy nhiên quá trình lập và triển khai các quy hoạch cũng đã bộc lộ một số vấn đề: Trước đây tồn tại nhiều loại hình quy hoạch ngành nước khác nhau và ở nhiều cấp, như quy hoạch tài nguyên, thủy điện, thủy lợi, cấp nước, tiêu nước, phòng chống lũ, đê điều... dẫn tới chồng chéo, khó quản lý và triển khai thực tiễn. Mặt khác, các quy hoạch thủy lợi được thực hiện cho đến nay chủ yếu phục vụ đơn mục tiêu, chủ yếu tập trung tưới, tiêu cho lúa, chưa quan tâm nhiều đến tưới cho cây trồng cạn, cấp nước sinh hoạt và các yêu cầu cho đa mục tiêu khác. Đặc biệt tầm nhìn và dự báo trước đây còn nhiều hạn chế.

Phóng viên: Vậy công tác Quy hoạch phải đặt ra những vấn đề gì để đáp ứng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đặt ra mục tiêu phát triển đất nước “nhanh và bền vững”, trong đó nhấn mạnh đến công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai: "Chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả và bền vững tài nguyên”.

Trong khi biến đổi khí hậu, sự biến đổi của nguồn nước, thiên tai cực đoan đang tác động tiêu cực đến công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai, cần có sự đánh giá, nhận diện đầy đủ và dự báo được các khả năng xảy ra để chủ động ứng phó trong mọi tình huống.

Vấn đề phát triển thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế như: xây dựng thủy điện, chuyển nước lưu vực, thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển hạ tầng, khai thác tài nguyên quá mức ở trong nước gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống thiên tai và thủy lợi, đòi hỏi phải có một quy hoạch mang tính tổng thể, đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng khác để giải quyết các thách thức.

Ngoài ra, hệ thống các công trình thủy lợi và phòng, chống thiên tai được xây dựng qua các thời kỳ đã bị xuống cấp, không bảo đảm được năng lực thiết kế, chủ yếu phục vụ đơn mục tiêu..., cần phải nâng cấp, tu bổ, hiện đại hóa để thích ứng với những biến động nguồn nước, thiên tai, đồng thời bảo đảm yêu cầu phục vụ đa mục tiêu, nhất là việc tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng, hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Như vậy, bài toán đặt ra hiện nay là quy hoạch thủy lợi và phòng, chống thiên tai, đi sau hay phải đi trước các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi tỉnh, liên tỉnh, quy hoạch vùng? Theo tôi, đã là ngành “phục vụ” để cho các ngành khác phát triển bền vững thì quy hoạch thủy lợi và phòng, chống thiên tai phải đi trước một bước.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, trong công tác quy hoạch thủy lợi và phòng, chống thiên tai, điều khó khăn nhất là gì?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Chúng ta cần xác định các tồn tại, thách thức và dự báo các tác động đến công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Trong đó, khó nhất chính là tầm nhìn trong quy hoạch.

Chúng ta phải dự báo được xu thế và kịch bản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Trong đó xu thế phát triển, xu thế nguồn nước và các tác động cụ thể như: Dự báo định hướng phát triển kinh tế-xã hội; dự báo xu thế nguồn nước; những tác động của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến tính bền vững của hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi; sự thay đổi cơ cấu sản xuất, dự báo các vấn đề hạ thấp lòng dẫn và sụt lún đất. Bên cạnh đó, chúng ta phải đánh giá được xu thế các tiến bộ khoa học, công nghệ và khả năng ứng dụng...

Đây là những thách thức trong công tác quy hoạch thủy lợi hiện nay đòi hỏi chúng ta phải có đánh giá chính xác, và đây cũng là cái khó nhất, nếu đánh giá đúng thì có quy hoạch đúng và ngược lại...

Như vậy bài toán đầu vào, các kịch bản phát triển cần phải tính toán kỹ lưỡng.

Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 đưa ra 4 kịch bản: Kịch bản nền, Kịch bản phát triển nhanh và bền vững, Kịch bản phát triển cao, Kịch bản cực đoan.

Phóng viên: Vậy thứ trưởng có thể cho biết rõ các giải pháp chính để đáp ứng được các kịch bản trên?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Có hai giải pháp chính là giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, đối với tưới, cấp nước, phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn... Yêu cầu bảo đảm cấp nước tới tần suất 85% cho khoảng 3,2 triệu héc-ta lúa, 90 đến 95% cho cây trồng cạn trên diện tích đến năm 2050 ước thêm 600 nghìn héc-ta; cấp đủ cho chăn nuôi, thủy sản tập trung; tạo nguồn cấp cho sinh hoạt, đô thị, công nghiệp... cấp nước cho đồng bào vùng cao, các đảo đông dân cư, kiểm soát mặn, cải thiện ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống thủy lợi.

Tổng nhu cầu nước hiện tại khoảng 101 tỷ m3/năm, cân bằng nước cho thấy còn thiếu khoảng 8,3 tỷ m3/năm. Dự báo đến năm 2030 theo các kịch bản sẽ cần từ khoảng 111 tỷ đến 128 tỷ m3/năm, đến năm 2050 cần từ 130 tỷ đến 155 tỷ m3/năm; lượng nước thiếu tương ứng với hai giai đoạn này từ 8,6 đến 12,7 tỷ m3/năm và từ 10,6 đến 12,7 tỷ m3/năm.

Như vậy cần xây dựng mới các hồ chứa nước thủy lợi, đập dâng, trạm bơm và nâng cao dung tích trữ của các hồ chứa nước hiện có, để tạo nguồn và bổ sung nguồn nước. Bên cạnh đó cần kết nối, điều hòa, chuyển nước, đưa nước đi xa nhằm đáp ứng yêu cầu dùng nước cho các khu vực khó khăn về nguồn. Nghiên cứu, xây dựng các công trình khắc phục hạ thấp mực nước dòng chính, kiểm soát nguồn nước cửa các sông lớn.

Mặt khác, cần nâng cấp, cải tạo các hệ thống thủy lợi, khắc phục tình trạng công trình xuống cấp, không đảm bảo năng lực thiết kế và yêu cầu thực tiễn; cải thiện ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi.

Ngoài ra, tập trung xây dựng và triển khai 3 chương trình cấp nước sạch nông thôn; cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất trên các đảo đông dân cư; và phát triển hệ thống hồ chứa nhỏ, phân tán để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới cây trồng cạn tại các vùng thiếu nước, vùng trung du, miền núi (Trung du miền núi Bắc Bộ, Trung Bộ, Đông Nam Bộ) và ven biển (Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long).

Cán bộ, công nhân Công ty Bắc Hưng Hải đang kiểm tra hệ thống cống bơm. Ảnh: Văn Lúa

Cán bộ, công nhân Công ty Bắc Hưng Hải đang kiểm tra hệ thống cống bơm. Ảnh: Văn Lúa

Đối với phòng, chống lũ, ngập lụt và các loại hình thiên tai khác, cần nâng cấp, củng cố hệ thống đê sông (gần 1.400 km đê sông ở các vùng miền, nhất là các vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ từ Hà Tĩnh trở ra) khắc phục tình trạng thiếu cao trình, chất lượng xuống cấp... bảo đảm phòng, chống lũ với tần suất đã quy định.

Củng cố, nâng cấp hệ thống bờ bao, đê bao phù hợp bảo vệ dân sinh, hạ tầng đô thị, sản xuất tập trung... ở các vùng chủ động né tránh lũ chính vụ (miền Trung, Tây Nguyên) hoặc chủ động sống chung với lũ (Đồng bằng sông Cửu Long. Nạo vét, cải tạo các luồng, tuyến, khu vực phân lưu, cửa sông… bảo đảm thoát lũ thuận lợi trên các sông lớn, phòng chống xói lở lòng dẫn, bờ sông, cửa sông.

Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình kiểm soát lũ đầu kênh, ven sông lớn, công trình kiểm soát triều vùng cửa sông. Củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển (hơn 3.400 km đê biển và đê cửa sông) từ Quảng Ninh đến Kiên Giang theo tiêu chuẩn thiết kế nhằm bảo vệ người dân và hạ tầng trước các thiên tai từ biển.

Cập nhật, xác định các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ; xây dựng, củng cố các công trình bảo vệ dân cư, hạ tầng và sản xuất tại các khu vực có nguy cơ cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp làm việc tại Bắc Kạn. Ảnh: backan.gov.vn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp làm việc tại Bắc Kạn. Ảnh: backan.gov.vn

Ngoài giải pháp công trình như trên thì chúng tôi còn xây dựng giải pháp phi công trình như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan.

Củng cố, kiện toàn các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, cơ quan quản lý đê điều, phòng chống thiên tai các cấp. Điều tiết hiệu quả các hồ chứa thượng nguồn theo quy trình vận hành liên hồ chứa phục vụ đa mục tiêu. Xây dựng, triển khai giải pháp quản lý rủi ro hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất...

 Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chặt chẽ hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, bãi sông, không gian thoát lũ...

Ngoài ra các biện pháp từ xa như: Bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng; bố trí dân cư và sản xuất hợp lý, thích ứng với điều kiện nguồn nước, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế…

Phóng viên: Thứ trưởng có thể chỉ rõ những mục tiêu trong quy hoạch thủy lợi trong thời gian tới?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Có 4 mục tiêu cụ thể đưa ra đến mức gần như cam kết thực hiện được mới đưa vào, thứ nhất là đối với nước tưới, cấp nước đến năm 2030, 70% diện tích cây trồng cạn được tưới; bảo đảm cấp đủ nước cho khoảng 10,5 triệu con gia súc vào năm 2030 và 13 triệu con năm 2050; bảo đảm cấp thoát nước chủ động cho từ 1,35 đến 1,4 triệu héc-ta nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung.

Đồng thời, tạo đủ nguồn nước cấp cho sinh hoạt nông thôn, cấp tạo nguồn cho khu đô thị, công nghiệp, khu kinh tế... từ những công trình thủy lợi. Bên cạnh đó bảo bệ, kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm nước , bảo đảm chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi.

Ngoài ra, đối với tiêu, thoát nước và một số loại hình thiên tai khác, cần chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước tại các vùng thường xuyên thiếu hụt nước.

Mục tiêu dài hạn và mục tiêu trung hạn đến 2030 giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở những vùng khó khăn trong cả nước như: đồng bằng sông Cửu long, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), Mường Nhé (Điện Biên), các đảo đông dân cư. Chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tại các vùng cửa sông, ven biển.

Phóng viên: Xin thứ trưởng cho biết điểm mới và hiệu quả của quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi tầm nhìn đến năm 2050 là gì?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Tính toán, cập nhật các dự báo về nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu; cập nhật, dự báo dài hạn các tác động của các hoạt động khai thác nguồn nước, phát triển kinh tế xã hội tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế và nội địa.

Kế thừa, cập nhật các kết quả nghiên cứu mới của các tổ chức quốc tế và trong nước liên quan đến biến đổi khí hậu, nguồn nước, thiên tai, xói lở, sụt lún đất…

Các phương án, giải pháp quy hoạch khắc phục được các tồn tại của các quy hoạch trước và giải quyết được cơ bản các vấn đề khó khăn nổi bật đối với các lĩnh vực phục vụ, bảo vệ. Cụ thể: Nâng mức đảm bảo và quy mô tưới, cấp nước: Nâng tần suất đảm bảo tưới lúa (lên 85%), cây trồng cạn (90-95%); tăng diện tích tưới cây trồng cạn (đến 2050 thêm khoảng 600 nghìn ha); nâng năng lực tưới, cấp nước các vùng khó khăn; cấp chủ động cho chăn nuôi, thủy sản; tạo nguồn cấp cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ; nâng cao năng lực tiêu thoát nước cho gần 3,5 triệu ha với mức đảm bảo tiêu gia tăng do biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng (tăng 15-20% so với hiện tại); tăng khả năng thích ứng với thiên tai: Đảm bảo chống lũ bảo vệ bởi hệ thống đê sông và công trình chống lũ; củng cố nâng cao năng lực bảo vệ của hệ thống đê biển; hạn chế thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất gây ra.

Do đó trong Quy hoạch chúng tôi đề xuất các giải pháp lớn như: Các công trình giải quyết vấn đề hạ thấp mực nước trên các sông lớn; các công trình kiểm soát nguồn nước ở cửa sông; các hệ thống công trình kết nối nguồn nước, chuyển nước và đưa nước đi xa.

Phóng viên: Thưa thứ trưởng, tháng 8 này, ngành Thủy lợi hướng đến kỷ niệm 77 năm ngày ra đời (28/8/1945 – 28/8/2022), Thứ trưởng có nhắn gửi gì đến với những người làm thủy lợi.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực tế chứng minh, trong 77 năm qua, công tác thủy lợi đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Trải qua 77 năm năm, mạng lưới thủy lợi nước ta ngày càng được mở rộng và hiện đại hóa, đóng góp đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng và đất nước nói chung.

Trong thời gian tới, ngành thủy lợi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, tập trung xây dựng kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời phối hợp với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội triển khai đồng bộ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu trong thời kỳ mới.

Tôi tin tưởng rằng, với trí tuệ, tinh thần đoàn kết cũng như bề dày truyền thống của ngành thủy lợi, chúng ta sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Item 1 of 3

Ngày xuất bản: 24/8/2022
Thực hiện: QUỐC VIỆT - VĂN LÚA
Trình bày: DIỆU THU