TẾT ĐỘC LẬP

Đi trong quá khứ, nghĩ về tương lai

Cột cờ Hà Nội (Ảnh: BND/MINH DUY)

Cột cờ Hà Nội (Ảnh: BND/MINH DUY)

Nhà hát Lớn Hà Nội nhìn từ trên cao (Ảnh: BND/LÊ VIỆT)

(Ảnh: BND/TRẦN HẢI)

Lễ duyệt binh Ngày Quốc khánh năm 1975 (Ảnh: TTXVN)

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh (Ảnh: BND/TRẦN HẢI)

Nhà hát Lớn Hà Nội nhìn từ trên cao (Ảnh: BND/Lê Việt)

(Ảnh: BND/TRẦN HẢI)

Lễ duyệt binh Ngày Quốc khánh năm 1975 (Ảnh: TTXVN)

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh (Ảnh: BND/DUY LINH)

Theo phong tục của người Việt, chỉ một số ngày đặc biệt trong năm mới được gọi là Tết. Bên cạnh các Tết cổ truyền như: Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, Thanh Minh, Trung Nguyên (rằm tháng bảy), Trung Thu… thì 2/9 hằng năm là ngày Tết Độc Lập của dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự chấm dứt 80 năm nô lệ ngoại bang, mở đầu kỷ nguyên Hồ Chí Minh, kỷ nguyên của tự do, độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngày 2/9 cách đây đúng 76 năm, hàng chục vạn đồng bào ta từ thành thị đến nông thôn đã đổ về Hà Nội đón Tết Độc Lập đầu tiên.

“Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa. Cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ những mặt hồ… Các nhà máy, các cửa hiệu buôn to, nhỏ đều nghỉ việc. Chợ búa không họp. Mọi hoạt động buôn bán, sản xuất của thành phố tạm ngừng. Đồng bào thủ đô già, trẻ, gái, trai đều xuống đường. Mọi người đều thấy mình cần phải có mặt trong ngày hội lớn đầu tiên của đất nước” (theo Những năm tháng không thể nào quên, hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Hữu Mai thể hiện).

Năm 1945, tổng dân số nước ta sau sự kiện đau thương hơn 2 triệu người bị chết đói, chỉ có khoảng 20 triệu. Còn thủ đô Hà Nội đương nhiên nhỏ hơn hiện nay rất nhiều, nên với số lượng ước tính khoảng nửa triệu người tham dự Tết Độc Lập cho thấy hào khí, tầm vóc lớn lao đặc biệt của ngày hội của cả dân tộc phải trải qua bao đau thương, lầm than đã kiêu hãnh“rũ bùn đứng dậy sáng loà” (Đất nước, thơ Nguyễn Đình Thi).

Ngày còn nhỏ, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9 mẹ tôi thường sai tôi mang cờ ra treo trước cửa nhà từ hai ba hôm trước. Lá cờ phải mới, phải phẳng phiu, lồng vào cây gậy tre vàng óng, cứng cáp. Bà dặn đi dặn lại, hễ thấy gió quấn vào cán cờ thì phải gỡ ra ngay, sao cho lá cờ luôn hiện đủ ngôi sao vàng năm cánh. Cả khu tập thể quân đội Nam Đồng cũ kỹ được "mặc" tấm áo mới bằng cờ tổ quốc. Treo cờ giống như thực hiện một nghi lễ trang nghiêm và bình dị, như bày bàn thờ đón Tết.

Nhớ nhất là ngày 2/9/1975 - Quốc khánh lần thứ 30 khi non sông gấm vóc đã thu về một mối. Đất nước ta, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua cuộc trường chinh tròn ba thập kỷ đến ngày toàn thắng. Một lễ duyệt binh lớn chưa từng có tổ chức tại Quảng trường Ba Đình.

Nhà báo Hữu Việt khi còn nhỏ. Với ông, ký ức về Ngày Quốc khánh năm 1975 luôn thiêng liêng đặc biệt. (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Hữu Việt khi còn nhỏ. Với ông, ký ức về Ngày Quốc khánh năm 1975 luôn thiêng liêng đặc biệt. (Ảnh: NVCC)

Chúng tôi, những học sinh cấp II (trung học cơ sở bây giờ) một số trường ở Hà Nội được tuyển chọn kỹ lưỡng để tham gia đội hình, đội ngũ thiếu nhi cổ động trong ngày Quốc khánh; phải tập mốt hai mốt nhiều ngày dưới cái nắng tháng 8 như đổ lửa. Những ngày cuối cùng, việc tập luyện diễn ra tại quảng trường Ba Đình, trên bãi cỏ rộng thênh thang phía trước Lăng Bác.

Thích nhất là được tập vào ban đêm, trời mát và được nô đùa dưới ánh sáng rạng rỡ như ban ngày toả ra từ những cột đèn cao áp (trái ngược hẳn với tình trạng phổ biến lúc bấy giờ là điện mất liên miên, hoặc có cũng như không vì điện lưới quá yếu, bóng đèn điện trong nhà chỉ đủ sáng khò khè, thua cả đèn dầu).

Muôm muỗm, cào cào, châu chấu và cả cà cuống nữa không biết từ đâu bay ra nhiều vô kể, chúng cố bay thật cao đến chỗ ngọn đèn rồi không chịu được sức nóng rơi xuống bãi cỏ. Đêm nào đi tập về chúng tôi cũng ních đầy túi chiến lợi phẩm, ngạt ngào ký ức tuổi thơ đến tận bây giờ.

Đúng ngày 2/9, chúng tôi có mặt từ 3 giờ sáng. Sau khi xếp xong đội hình, đám học sinh đang tuổi ăn tuổi ngủ dựa vào nhau gà gật. Thế rồi trời bỗng sáng rất nhanh như có phép mầu. Từ lễ đài xuất hiện các bác lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị khách quốc tế. Trên đường Hùng Vương, rầm rập bước quân đi. Các chú bộ đội thuộc nhiều quân, binh chủng, vũ khí sáng quắc, oai nghiêm diễu qua lễ đài. Tiếng ô tô, xe tăng, xe bọc thép gầm rú. Chưa bao giờ chúng tôi được tận mắt thấy nhiều vũ khí hiện đại và những chiến sĩ oai hùng như vậy.

Chúng tôi vẫy cờ, hét khản cả tiếng, nước mắt không hiểu vì sao tự dưng trào ra.

Lễ diễu binh và diễu hành kết thúc, nhưng chúng tôi chưa chịu về nhà ngay mà hoà vào dòng người xem đứng chật cứng hai bên đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Văn Miếu, Hàng Bột (bây giờ là phố Tôn Đức Thắng) hò reo… Các chiến sĩ diễu binh tiếp tục hành tiến qua nhiều con phố thủ đô. Hễ quãng phố nào có đông người dân, viên chỉ huy lại hô đội hình chuyển từ đi đều sang đi nghiêm (tức là duỗi thẳng chân, văng về phía trước) rất đẹp mắt.

Bây giờ nhớ lại, trái tim non nớt của chúng tôi vẫn rạo rực như ngày nào!

Khi đã trưởng thành, đi làm báo, tôi có thêm kỷ niệm khó quên vào dịp Quốc khánh là tham gia tổ chức buổi hoà nhạc Điều còn mãi.

Buổi hoà nhạc mỗi năm chỉ diễn ra một lần duy nhất, vào đúng 2 giờ chiều ngày 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là ý tưởng của nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (bấy giờ là Tổng Biên tập báo Vietnamnet) và nhạc sĩ Dương Thụ.

Chọn mốc 2 giờ chiều bởi đó thời điểm Bác Hồ và các thành viên Chính phủ bắt đầu xuất phát từ Nhà hát Lớn để đến Quảng trường Ba Đình, ra mắt đồng bào cả nước và Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Chương trình Điều còn mãi muốn kể lại những câu chuyện lịch sử của đất nước và dân tộc bằng âm nhạc. Cái khó của lần đầu tổ chức là chưa hình dung ra cách thức, nội dung và tính xuyên suốt khi trình diễn cùng lúc cả khí nhạc và thanh nhạc những tác phẩm kinh điển có giá trị nghệ thuật cao, đã từng lay động trái tim hàng triệu người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Nhà báo Hữu Việt (cầm mic) tại buổi họp báo gới thiệu chương trình Điều còn mãi (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Hữu Việt (cầm mic) tại buổi họp báo gới thiệu chương trình Điều còn mãi (Ảnh: NVCC)

Vừa làm, vừa tranh luận, rồi cân đối, điều chỉnh. Một núi khổng lồ công việc từ tổ chức, hậu cần, trang trí, truyền thông, khánh tiết, lễ tân đến nội dung từng tiết mục, được tiến hành trong thời gian ngắn với nỗ lực thể hiện đầy đủ nhất ý tưởng ban đầu.

Chiều ngày 2/9/2009. Bước vào sảnh Nhà hát Lớn, khán giả được xem trưng bày bộ sưu tập những bức ảnh quý về thủ đô Hà Nội những ngày tháng 8 năm 1945 lịch sử. Rất đông các chính khách, văn nghệ sĩ, nhà văn hoá, nhà sử học, khách quốc tế...  đại diện cho nhân sĩ, trí thức thủ đô muốn tham dự buổi hoà nhạc, nhưng khán phòng chỉ có gần 600 chỗ ngồi!

Tại phòng gương, nhiều nhân chứng lịch sử hồi tưởng lại những kỷ niệm gắn với dấu mốc lớn của đất nước qua từng thời kỳ. Không ít tiếng cười và cả những phút trầm lắng, hoài niệm.

Buổi hoà nhạc Điều còn mãi lần thứ nhất vào lúc 2 giờ chiều ngày 2/9/2009 tại Nhà hát Lớn. (Ảnh: LÊ ANH DŨNG)

Buổi hoà nhạc Điều còn mãi lần thứ nhất vào lúc 2 giờ chiều ngày 2/9/2009 tại Nhà hát Lớn. (Ảnh: LÊ ANH DŨNG)

Đúng 2 giờ chiều, những âm thanh đầu tiên “Người về mang tới ngày vui” - Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Văn Cao), rồi Du kích sông Thao” (Đỗ Nhuận), Người Hà Nội  (Nguyễn Đình Thi), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý)... vang lên. Khán giả đã được sống lại những năm tháng lịch sử hào hùng của đất nước, được đắm chìm trong âm nhạc đỉnh cao, vừa hàn lâm vừa gần gũi.

Đặc biệt hơn đây là chương trình “thuần Việt”, từ chỉ huy dàn nhạc, nghệ sĩ trình diễn và tác phẩm, chứng tỏ những bước tiến dài của âm nhạc Việt Nam cả ở góc độ nghệ thuật lẫn thưởng thức.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì lý do sức khoẻ không đến dự buổi hoà nhạc nhưng ông đã gửi thư chúc mừng thay cho lời tiên đoán chương trình thành công: “Mong Điều còn mãi – tình yêu tổ quốc vang vọng mãi trong lòng và cổ vũ hành động của mỗi người Việt Nam chúng ta”.

Điều còn mãi (Ảnh: TTXVN)

Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh: BND/HÀ NAM)

Quảng trường Ba Đình (Ảnh: BND/TRẦN HẢI)

Quảng trường Cách mạng Tháng Tám nhìn từ trên cao (Ảnh: BND/LÊ VIỆT)

Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh: BND/HÀ NAM)

Quảng trường Ba Đình (Ảnh: BND/TRẦN HẢI)

Quảng trường Cách mạng Tháng Tám nhìn từ trên cao (Ảnh: BND/Lê Việt)

Ngày Quốc khánh năm nay, người dân thủ đô lần đầu tiên đón Tết Độc Lập theo cách đặc biệt. Tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, những người làm báo chúng tôi dạo nhanh qua những địa danh lịch sử gắn với sự ra đời của đất nước Việt Nam mới. Những khoảnh khắc đặc biệt này cần được ghi nhớ, lưu giữ lại đâu đó bằng hình ảnh, những trang viết hoặc bằng chính ký ức.

Bắt đầu từ Quảng trường Nhà hát Lớn (nay là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám), nơi một biển người xuất phát, mở đầu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Phủ Khâm sai (Bắc Bộ Phủ) còn lưu dấu dòng thác cách mạng ào lên cuốn phăng bè lũ tay sai nhơ nhớp.

Trại Bảo An binh xưa trên phố Hàng Bài (đối diện với rạp Tháng Tám), nơi diễn ra trận đấu trí can đảm và khôn khéo của đại diện Việt Minh, tránh được thế đối đầu đổ máu với quân Nhật có thể dẫn những hậu quả khôn lường. Nhà Khai Trí Tiến Đức nằm ở đầu phố Hàng Trống giao với Lê Thái Tổ, cách Báo Nhân Dân không xa, nay là Không gian văn hoá Việt. Trước kia đây là trụ sở Ban thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Đây, Quảng trường Ba Đình, nơi tổ chức Tết Độc Lập đầu tiên, nay là trung tâm chính trị quan trọng bậc nhất của đất nước. Là nơi thiêng liêng "ngày ngày Mặt trời đi qua trên lăng/thấy một Mặt trời trong lăng rất đỏ" (Viếng lăng Bác, thơ Viễn Phương), biểu tượng đẹp đẽ của vị anh hùng dân tộc vĩ đại, đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta ở tầm nhân loại, "tên Người là cả một niềm thơ" (Felix Pita Rodriguez, nhà thơ Cuba).

Ký ức hơn 45 năm trước ùa về, xao xuyến.

Lẽ ra những ngày này đường phố thủ đô sẽ rợp bóng cờ chào đón Tết Độc Lập. Nhưng thành phố vắng vẻ, thâm nghiêm trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Ta bỗng gặp lại một Hà Nội rất xưa, đang bước vào một cuộc chiến mới chống giặc dịch - kẻ thù vô hình đặc biệt nguy hiểm của cả nhân loại. Những địa danh lịch sử như nhắc chúng ta rằng, không có chiến thắng nào là dễ dàng cả, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua với sự nỗ lực toàn dân đoàn kết một lòng và một chính thể của dân, do dân và luôn chăm lo cho dân.

Điều này đã được lịch sử chứng minh trong quá khứ và cả những gì đang diễn ra hôm nay. Ngày bình an sẽ sớm trở về nhưng xin đừng quên điều ấy đến nhanh hay chậm nhiều phần phụ thuộc vào chính chúng ta.

2021

Tùy bút của HỮU VIỆT

Nhà giàn DK1/12. (Ảnh: TTXVN)

Mùa tường vi (Ảnh: BND/HÀ NAM)

Mùa hoa muồng hoàng yến (Ảnh: BND/CHÍ NAM)

Nhà giàn DK1/2. (Ảnh: BTL Vùng 2 Hải quân)

Mùa tường vi (Ảnh: BND/HÀ NAM)

Mùa hoa muồng hoàng yến (Ảnh: BND/CHÍ NAM)

Thiếu tá Đoàn Văn Duân, Chính trị viên tàu 490, Vùng 4 Hải quân

Trong ký ức của tôi về những năm tháng làm nhiệm vụ trên biển luôn có một phần thiêng liêng thuộc về ngày Quốc khánh 2/9. Những năm 2015-2016, tôi là chính trị viên tàu Trường Sa 12, con tàu một máy duy nhất trong hệ tàu Trường Sa đã trải qua mấy chục năm hoạt động trên biển, tất cả hệ thống đường ống bị rỉ sét nên nước dùng cho mọi hoạt động và dự trữ rất ít ỏi. Dịp 2/9, tàu thường làm nhiệm vụ chở hàng hậu cần ra các đảo: Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn… Đó là quãng thời gian gió đông bắc thổi mạnh, sóng biển dữ dội, nhưng dù điều kiện thiếu thốn trăm bề, lễ kỷ niệm luôn được chuẩn bị và tiến hành một cách chu đáo nhất. Ngày Quốc khánh giữa trập trùng sóng gió.

Trong bầu không khí thiêng liêng, toàn tàu làm lễ chào cờ, dâng hương thật trang nghiêm, sau đó là phần sinh hoạt truyền thống nâng cao tinh thần, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Tất cả mọi người đều xúc động ngước nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay. Mấy chục anh em trên tàu, mỗi người một quê hương, một hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả đều chung tình yêu và sự dâng hiến cho đất nước. Giây phút ấy, tôi nhớ về bố tôi, người thương binh trở về từ chiến trường, nhớ hai bác ruột của mình là liệt sĩ…

Đặc biệt, có những dịp Quốc khánh, tàu hải trình qua đảo Cô Lin, Len Đao…, chúng tôi tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền trên biển của đất nước, cảm xúc rưng rưng trào dâng trong trái tim mỗi người với khát vọng bừng tỏa, vươn khơi.

NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Năm ấy (1998) tôi 20 tuổi, là cô bé người Việt một thân một mình lặn lội cô đơn trên nước Úc xa xôi để bằng mọi giá hoàn thiện việc học tập. Không hiểu sao đã bao lần ra nước ngoài nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ sống mãi nơi đất khách quê người.

Hôm ấy, tôi hối hả đi học như mọi ngày mà không kịp để ý đó là ngày nào. Đang đi bộ trên một quả đồi trọc để đến trường bất giác tôi đứng sững lại, tai tôi bắt được một âm thanh quen thuộc của bài hát tôi đã hát bao lần: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…”

Ôi! Quốc ca của Tổ quốc tôi!

Tôi vốn sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, lại ở trong cái nôi của khu văn hoá nghệ thuật trước kia, là khu văn công Mai Dịch và Cầu Giấy. Nghe nhạc Tchaicopxki, Shostakovich, Bizet… , xem mọi người múa ballet, trao đổi về văn chương, nghệ thuật hàng ngày. Hay nhất là trẻ con khu văn công tụi tôi vừa được sống với không gian nghệ thuật, vừa được trải nghiệm cả thiên nhiên xung quanh. Những hàng dài phi lao, cánh đồng lúa trải dài, mùi thơm của cỏ cây, của những hàng rào dâm bụt, duối dại. Lũ 7x chúng tôi còn được nghe giọng ngâm thơ trên đài mà những năm sau này bất chợt được nghe, lại buồn man mác nhớ về khói lam chiều, nhớ nơi gọi là nhà. Nhớ cả nhạc hiệu của chương trình kể chuyện đêm khuya trên đài phát thanh nữa. Khi rời xa đất nước, nỗi nhớ ấy mới len lén chui vào từng mạch máu, sợi dây thần kinh của mình, nó ngạt ngào và xao xuyến khó tả.

Nhạc Quốc ca mà ai đó, cùng chung nỗi niềm thương nhớ quê hương như tôi, một người Việt Nam, đã bật lên thật đúng lúc, nhắc tôi hôm nay là ngày Quốc khánh 2/9. Âm nhạc rực rỡ ấy thẩm thấu, len lỏi vào nỗi cô đơn xứ người của tôi cảm giác thật ấm nóng khiến những dòng nước mắt trực trào ra hạnh phúc. Cảm xúc đó đã theo tôi trong những tháng năm sau này, những tháng năm phải vượt qua chính mình để học tập, trở về và làm việc.

Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật Đắk Lắk

Những ngày như hôm nay, cha tôi luôn sẽ mang những tấm huân chương trong tủ gỗ ra cặm cụi chà thật bóng và ngắm nghía cả buổi. Nhất định phải chính tay cha, vì ông sợ chúng tôi sẽ làm hỏng những chiếc huy hiệu lấp lánh ánh vàng.

Đối với cha, chúng vô cùng quý giá, mỗi chiếc huy chương, huân chương sao vàng lấp lánh có những dòng chữ khắc li ti tinh xảo chứa một câu chuyện dài, những trận chiến đấu khốc liệt mà cha có thể kể suốt mấy ngày không quên chi tiết nào.

Sau khi tẩn mẩn săm soi từng chiếc khuy, từng chiếc hộp cha lại xếp chúng vào tủ. Nâng niu như thể mạnh tay sẽ làm hư hỏng những kỷ vật quý giá. Suốt cả tuổi thơ cho đến ngày trưởng thành, tôi chứng kiến mỗi dịp ngày Quốc khánh 2/9, cha tôi lại lặp lại những cử chỉ nâng niu ấy, những câu chuyện về cuộc chiến khốc liệt mà ông từng tham gia.

Ông bảo hôm nay là ngày Tết Độc lập, ngày này phải ăn mừng. Chúng tôi luôn chờ đến ngày 2/9 mỗi năm, cha sẽ dành một khoản tiền trong số lương hưu để mua một con gà. Cả nhà tôi sẽ hân hoan đón Tết. Suốt những năm tháng khốn khó, chúng tôi chỉ mong đến ngày này. Và không hiểu vì sao cha tôi luôn xúc động đến thế.

Năm nay, ngày Tết Độc lập rất khác những năm xưa cũ. Khi đường phố không nhiều những rực rỡ cờ hoa, nhà nhà yên ắng vì tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thì lòng tôi lại cuộn nỗi nhớ về hình bóng cha đã đi xa, lúc ông cặm cụi ngắm nghía những tấm huân chương lấp lánh sao vàng, kỷ vật về một thời hào hùng!

Ngày xuất bản: 2/9/2021
Tổ chức: HỒNG MINH
Nội dung: HỮU VIỆT, LỮ MAI
Thiết kế: NGUYỄN TRANG, ĐỨC DUY, PHAN ANH