Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, là nước xuất khẩu café lớn thứ 2 thế giới. Nhưng với dịch vụ xây dựng tổng hợp, liệu việc xuất khẩu có khả thi hay không? Những điều tưởng chừng như không thể lại trở thành có thể khi mới đây, sau 12 năm thực hiện chiến lược xuất khẩu xây dựng sang thị trường nước ngoài mà chưa có nhiều kết quả khả quan, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (viết tắt là “Hòa Bình”) thông báo chính thức nhận được Thư trúng thầu 5 dự án nhà ở xã hội tại đất nước Kenya xa xôi với tổng mức đầu tư 72 triệu USD.

Từ doanh nghiệp xây dựng 8 lần liên tiếp được bình chọn “Thương hiệu Quốc gia”…

Năm 1987, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT hiện nay khởi nghiệp Hòa Bình từ một văn phòng xây dựng nhỏ bé với số lượng nhân viên ít ỏi là 20 người, ban đầu chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân cho một số Việt Kiều.

Năm 2000, Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình được thành lập với số vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 11 tỷ đồng.

Năm 2006, doanh nghiệp được đại chúng hóa và cổ phiếu Hòa Bình chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh với mã HBC.

Đến năm 2017, công ty được đổi tên thành CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Hiện tại, vốn điều lệ của HBC đang ở mức 2.741 tỷ đồng, cao gấp gần 250 lần so với số vốn ban đầu.

Item 1 of 3

Tập đoàn xây dựng Hòa Bình những ngày đầu thành lập

Tập đoàn xây dựng Hòa Bình những ngày đầu thành lập

Lễ đón nhận chứng chỉ ISO 9001

Lễ đón nhận chứng chỉ ISO 9001

Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập

Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập

Với những đóng góp bền bỉ cho ngành xây dựng trong suốt hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, cùng ba tiêu chí “Chất lượng – Đổi mới sáng tạo – Năng lực tiên phong”, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là Nhà thầu tổng hợp duy nhất 8 lần liên tiếp được bình chọn “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam”. Đây là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn và duy nhất của Chính phủ do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương phối hợp với các bộ ngành thực hiện.

Các tòa nhà Saigon Center, Sky Oasis Residence, The Operra Residence tại TP. Hồ Chí Minh do Hòa Bình xây dựng.

Các tòa nhà Saigon Center, Sky Oasis Residence, The Operra Residence tại TP. Hồ Chí Minh do Hòa Bình xây dựng.

Hòa Bình có thế mạnh về năng lực và uy tín thương hiệu, là bảo chứng chất lượng cho những dự án tầm cỡ, quy mô ở trong nước như Saigon Centre, German House, Celadon City, Empire City, Midori Park The View, Khu đô thị Ecopark, Gamuda The Two Residence,…

Chia sẻ với Hòa Bình trong Thư khen từ Chủ đầu tư Phú Hưng Thái tại dự án The Peak Mid Town, ông Tseng Fan Chih - Giám đốc Công ty Phú Hưng Thái cho biết: “Chúng tôi đã nhận được sự đánh giá rất cao và sự thỏa mãn từ phía khách hàng về chất lượng sản phẩm - đây là yếu tố quan trọng nhất nhằm đảm bảo uy tín của chúng tôi đối với khách hàng. Để đạt được những thành tựu này, không thể không kể đến sự ủng hộ, hợp tác và đồng hành của Hòa Bình. Đặc biệt phải kể đến sự nỗ lực không ngừng của Ban Chỉ huy công trình dù gặp nhiều khó khăn vẫn luôn cố gắng để đạt mục tiêu, và luôn nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất”.

Các kỹ sư của Hòa Bình trên công trường.

Gặt hái được nhiều thành công nhưng Hòa Bình cũng gặp nhiều khó khăn, sóng gió trong thời gian qua. Năm 2023, Hòa Bình đặt kế hoạch doanh thu 10.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trải qua một năm khó khăn đối với ngành bất động sản lẫn ngành xây dựng, kết quả đến hết năm, doanh thu của Hòa Bình chỉ đạt hơn 7.500 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch.

Ông Lê Văn Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - cho biết Tập đoàn đạt doanh thu như trên là do năm 2023 "quá khốc liệt", nhiều chủ đầu tư mất thanh khoản khiến Hòa Bình cũng thành "nạn nhân". Sau quá trình cấu trúc tập đoàn, doanh thu của Hòa Bình đã tăng lên đáng kể. Do đó, ông Nam khẳng định đến nay Hòa Bình đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và phấn đấu "khôi phục vị thế" với mục tiêu doanh thu 2024 là 10.800 tỷ đồng.

Có thể nói, từ năm 2017 đã có rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng, trong khi nguồn nhân lực trong ngành vẫn cứ tăng liên tục. Thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã gây bất lợi rất lớn cho các nhà thầu, thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Có lẽ chính những áp lực cạnh tranh cũng là một trong những nguyên nhân khiến Hoà Bình càng thôi thúc khát khao tìm một không gian phát triển rộng lớn hơn, đó chính là đi ra thế giới.

Trong dịp kỷ niệm 35 năm thành lập vào tháng 9/2022, công ty đã công bố kế hoạch giai đoạn phát triển trong 10 năm tới (2022-2032) với mục tiêu chiến lược là phát triển ra thị trường nước ngoài, duy trì tốc độ phát triển doanh thu 5 năm tăng 5 lần, đến năm 2032 doanh thu xấp xỉ 20 tỷ USD, lợi nhuận gần 1 tỷ USD.

Ban lãnh đạo tập đoàn xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu phát triển ra thị trường nước ngoài, đến năm 2032 doanh thu đạt xấp xỉ 20 tỷ, lợi nhuận 1 tỷ USD.

Ban lãnh đạo tập đoàn xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu phát triển ra thị trường nước ngoài, đến năm 2032 doanh thu đạt xấp xỉ 20 tỷ, lợi nhuận 1 tỷ USD.

…đến doanh nghiệp tiên phong chinh phục thị trường xây dựng quốc tế

Những ngày đầu năm 2024, Hòa Bình liên tiếp đón những tin vui. Sau dự án Nhà ở Xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên tại Hải Phòng, doanh nghiệp thông báo chính thức nhận được Thư trúng thầu 5 dự án Nhà ở Xã hội tại của Bộ đất đai, Công trình công cộng, Nhà ở và Phát triển Đô thị Kenya.

Các dự án trên được triển khai dành cho lực lượng cảnh sát, quân đội và sinh viên trường Đại học Kỹ thuật của Kenya. Hòa Bình là tổng thầu thiết kế và thi công các nhà ở cùng cơ sở hạ tầng cho các đơn vị gồm Trường Đào tạo đơn vị dịch vụ tổng hợp Embakasi, Trụ sở cảnh sát Ruiru, Trụ sở chính cho Trường Đào tạo đơn vị dịch vụ tổng hợp Buruburu, Trường Đào tạo cảnh sát quốc gia Kiganjo, Trường Đại học kỹ thuật Kenya. 5 dự án với quy mô 3.400 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 72 triệu USD.

Đây là thành công bước đầu của Hòa Bình tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là châu Phi nhưng cũng là mồ hôi, công sức 12 năm nghiên cứu, tìm thị trường phù hợp với chiến lược xuất khẩu dịch vụ xây dựng.

Theo ông Hải, việc chinh phục thị trường xây dựng nước ngoài của Hòa Bình như câu chuyện của cây tre.

“Cây tre khi được cắm xuống đất chỉ mọc lên vài centimet trên mặt đất và nó dành toàn bộ sức lực cho việc cắm rễ hàng trăm mét dưới lòng đất trong suốt 4 năm đầu tiên, khi gốc rễ đã đủ chắc thì từ năm thứ 5 nó mới bứt phá với tốc độ 30cm mỗi ngày và chỉ mất 6 tuần để đạt chiều cao 15m”, ông Hải thổ lộ.

Thị trường xây dựng thế giới năm 2022 có giá trị lên đến 14.393 tỷ USD, dự báo năm 2032, con số ấy sẽ tăng lên đến 25.928 tỷ USD (theo The Business Research Company). Trong khi năm 2023, thị trường xây dựng ở Việt Nam chiếm 7,5% GDP (425 tỷ USD), tức khoảng 32 tỷ USD (theo Báo cáo của Bộ Xây dựng), chỉ tương đương xấp xỉ 1/450 giá trị tổng sản lượng ngành xây dựng thế giới.

Chia sẻ về lý do luôn đau đáu đem bằng được thương hiệu Hòa Bình ra thị trường quốc tế, ông Hải bộc bạch: “Thị trường ngành xây dựng ở rất nhiều nước hiện cầu lớn hơn cung, còn Việt Nam thì ngược lại - cung lớn hơn cầu. Hầu hết các công ty xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng chỉ hoạt động từ khoảng 50 đến 70% công suất, rất nhiều kỹ sư xây dựng thất nghiệp”.

Ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam có sự bùng nổ mạnh sau một thời gian dài lên đến 50 năm do bị chiến tranh cũng như cấm vận và nay đang ngày càng lớn mạnh.

“Trong thời kỳ bùng nổ, chúng ta đã có cơ hội học hỏi, tích hợp tinh hoa từ những nước tiên tiến nhất và nhờ vậy, hiện nay, chúng ta đang sở hữu công nghệ kỹ thuật tiên tiến, máy móc trang thiết bị hiện đại trong xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng”, ông Hải chia sẻ.

Với những năng lực cạnh tranh cốt lõi và lợi thế chuỗi cung ứng cùng nguồn nhân lực trong ngành xây dựng dồi dào, tuy còn nhiều thách thức cần vượt qua nhưng đây có thể nói là điều kiện cần và đủ để Hòa Bình nói riêng và Việt Nam nói chung xuất khẩu ngành xây dựng ra nước ngoài.

Hướng tới thị trường xây dựng châu Phi

Mới đây, như ông Lê Viết Hải từng chia sẻ, Hòa Bình đang làm việc với một nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến mở một công ty liên doanh tại đất nước thứ 3.

Đại diện đối tác tại Kenya chụp hình kỷ niệm cùng đại diện Tập đoàn xây dựng Hòa Bình

Đại diện đối tác tại Kenya chụp hình kỷ niệm cùng đại diện Tập đoàn xây dựng Hòa Bình

Dự kiến, liên doanh này sẽ hướng đến các thị trường quốc tế, đặc biệt thời gian đầu có thể tập trung tại thị trường Châu Phi. Theo phân tích báo cáo từ Mordor Intelligence, thị trường xây dựng châu Phi ít cạnh tranh hơn nhưng đồng thời thể hiện tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới.

“Châu Phi hiện có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xem là thị trường xây dựng lớn nhất, tiềm năng nhất ở tất cả các châu lục trong những thập niên tới. Trước mắt, Hòa Bình sẽ tập trung vào phân khúc nhận thầu xây dựng các dự án nhà ở xã hội, sau đó tiến đến thi công các dự án cao cấp hơn", vị thủ lĩnh của Xây dựng Hòa Bình cho hay.

“Ngành xây dựng ở châu Phi mấy chục năm nay không tích cực học hỏi, thiếu chiến lược tích lũy vốn, thiếu thốn máy móc thiết bị thi công, thiếu công nghệ kỹ thuật, thiếu hệ thống quản lý dự án xây dựng, thiếu cả hệ thống quản lý doanh nghiệp hiệu quả. Vì vậy, Hòa Bình còn xác định một sứ mệnh vô cùng quan trọng - qua hoạt động kinh doanh, chúng tôi sẽ có sự trao đổi, chia sẻ tinh hoa văn hóa giữa hai quốc gia, hai châu lục, từ đó thúc đẩy sự tiến bộ của người Á và người Phi”, ông Lê Viết Hải cho biết thêm.

Tại châu Phi, Hòa Bình tự tin sẽ vượt qua được các công ty ở địa phương và các công ty đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Châu Âu ở phân khúc xây dựng nhà ở.

Tại châu Phi, Hòa Bình tự tin sẽ vượt qua được các công ty ở địa phương và các công ty đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Châu Âu ở phân khúc xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi căn bản, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối diện nhiều thách thức khi tiếp cận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Phi như bất ổn an ninh-xã hội tại một số nước, khoảng cách địa lý, những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán kinh doanh, sự cạnh tranh gay gắt của các nước khác….

Nói về điều này, ông Hải chia sẻ: “Chúng tôi hoàn toàn tin rằng mình sẽ vượt qua được các công ty ở địa phương và các công ty đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Châu Âu ở phân khúc xây dựng nhà ở. Lâu nay, những chính sách của các nước lớn trong lĩnh vực xây dựng làm ở Châu Phi là họ không chuyển giao công nghệ. Hòa Bình nhất định sẽ thực thi một chính sách khác, chúng tôi cam kết sẽ giúp cho lục địa này đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực xây dựng”.

GIẢI THƯỞNG TIÊU BIỂU CỦA TẬP ĐOÀN XÂY DỰNG HÒA BÌNH

Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba

Ghi nhận những đóng góp, thành tích mà Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đạt được, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2022; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2017; và Huân chương Lao động hạng Ba năm 2011.

Thương hiệu Quốc gia 

Hòa Bình là nhà thầu xây dựng duy nhất vinh dự được chọn tham gia chương trình này 8 lần liên tiếp qua các năm 2008, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018, 2020, 2022.

Top 10 – Sao vàng Đất Việt 

Giải thưởng “SAO VÀNG ĐẤT VIỆT”; do Ủy ban Trung ương Hiệp hội Các doanh nghiệp trẻ Việt Nam tổ chức. Hòa Bình vinh dự liên tiếp đạt danh hiệu Top 100 Thương hiệu Việt Nam qua các năm: 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2013, 2015, 2022, Top 10 năm 2018.

Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tiêu biểu

Giải thưởng do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và trao tặng Hòa Bình các năm 2011, 2013, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2022.

Cúp vàng Chất lượng Xây dựng 2018

Cúp vàng Chất lượng Xây dựng Việt Nam do Bộ Xây dựng phối hợp cùng 5 bộ, ngành khác tổ chức. Hòa Bình vinh dự được trao giải thưởng này vào năm 2010, 2014.

Doanh nghiệp bền vững 2018, 2019 – Top 100

Đây là giải thưởng do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam thực hiện. Các doanh nghiệp phải trải qua 131 tiêu chí của Bộ chỉ số CSI, các tiêu chí này được điều chỉnh tiệm cận với Bộ tiêu chuẩn GRI của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu.

Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất - 2016, 2017, 2018, 2019

Bảng xếp hạng do Forbes Việt Nam thực hiện. Các doanh nghiệp được đánh giá dựa trên các tiêu chí như tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ sinh lời ROE và tăng trưởng EPS, mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững.

Top 1 Nhà thầu Xây dựng Uy tín Việt Nam 2020, 2022

Đây là giải thưởng do Vietnam Report thực hiện. Uy tín của các công ty được đánh giá dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia trong ngành. Trong 2 năm 2018,2019 Hòa Bình đứng trong Top 10 Nhà thầu Xây dựng Uy tín

Với những đóng góp bền bỉ cho ngành xây dựng trong suốt hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, cùng ba tiêu chí “Chất lượng – Đổi mới sáng tạo – Năng lực tiên phong”, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là nhà thầu xây dựng duy nhất vinh dự được chọn tham gia chương trình này 8 lần liên tiếp qua các năm 2008, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018, 2020, 2022.

NGÀY XUẤT BẢN: 9/3/2024
CHỈ ĐẠO: KIM PHƯƠNG BÌNH
THỰC HIỆN: LÊ TRẦN LONG-THU HÀ-GIANG BÁCH
TRÌNH BÀY: HOÀI THU