Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury và Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyazkov, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Bangladesh và Cộng hòa Bulgaria từ ngày 21 đến 26/9. Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hoạt động đối ngoại các cấp, không ngừng đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, nhất là đối với những người bạn, đối tác tin cậy, truyền thống trên thế giới.

Bangladesh – đất nước thân thiện

Bangladesh là một quốc gia nhỏ ở Khu vực Nam Á với những công trình kiến trúc đặc sắc, nhiều bờ biển cát trắng tự nhiên và là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của châu Á.

Sau đại dịch, nền kinh tế Bangladesh đã vượt qua nhiều thách thức, dần phục hồi và duy trì tốt đà tăng trưởng. Năm 2022, theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, Bangladesh được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới xét về quy mô nền kinh tế và thứ 25 trên thế giới theo sức mua tương đương.

Năm 2022, theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, Bangladesh được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới xét về quy mô nền kinh tế và thứ 25 trên thế giới theo sức mua tương đương.

Về đối ngoại, Chính phủ Bangladesh tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại “làm bạn với tất cả, không ác ý với ai” với trọng tâm là coi trọng và duy trì quan hệ láng giềng, truyền thống tốt đẹp với các nước trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ, duy trì chính sách ngoại giao cân bằng với các nước lớn nhằm phục vụ phát triển đất nước, nhất là sau khi rời Nhóm các nước kém phát triển vào năm 2026.

Hiện nay, Bangladesh mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với tất cả các nước thành viên và đang đề xuất thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại theo lĩnh vực với ASEAN.

Thủ đô Dhaka của Bangladesh. (Nguồn: travelingeast.com)

Thủ đô Dhaka của Bangladesh. (Nguồn: travelingeast.com)

Nửa thế kỷ kết giao bền chặt của Việt Nam và Bangladesh

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/2/1973, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Bangladesh tiếp tục được củng cố và ngày một phát triển.

Việt Nam và Bangladesh có nền tảng lịch sử tương đồng, cùng trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh giành độc lập với sự tin cậy chính trị, tình cảm hữu nghị được vun đắp qua nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Hoạt động trao đổi đoàn cấp cao được duy trì đều đặn. Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ chính thức với Đảng Cộng sản Bangladesh và Đảng Công nhân Bangladesh.

Về kinh tế, trao đổi thương mại giữa hai nước tăng nhanh giai đoạn 2010-2014 (từ 288 triệu USD lên gần 800 triệu USD) và duy trì ở mức khả quan trong những năm gần đây (1,465 tỷ USD năm 2022; 555 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023).

Bangladesh hiện có 18 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 930.000 USD, đứng thứ 101/142 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam và Bangladesh duy trì sự trao đổi, hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc; hai nước thường thuộc nhóm có đồng quan điểm, nhất là trong các vấn đề như bảo đảm quyền con người, bình đẳng giới, phát triển bền vững. Hai nước cũng thường ủng hộ nhau ứng cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc. Cả Việt Nam và Bangladesh đều trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Bangladesh, do Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury dẫn đầu, đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-24/7/2017. (Ảnh: quochoi.vn)

Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Bangladesh, do Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury dẫn đầu, đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-24/7/2017. (Ảnh: quochoi.vn)

Về quan hệ nghị viện, mối quan hệ tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bangladesh ngày càng được duy trì và củng cố. Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2017, Chủ tịch Quốc hội Bangladesh luôn dành tình cảm đặc biệt với đất nước và con người Việt Nam, đánh giá cao vai trò lập pháp của Quốc hội Việt Nam, sự hợp tác giữa hai Quốc hội tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế.

Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin và cùng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao cả trên kênh Đảng, Chính phủ và giao lưu nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin ngày 7/9, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 và các hội nghị liên quan. (Ảnh: DƯƠNG GIANG)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin ngày 7/9, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 và các hội nghị liên quan. (Ảnh: DƯƠNG GIANG)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin khẳng định, hai nước tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài thông qua áp dụng sản xuất xanh, sạch, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, sản xuất giày da; tích cực thúc đẩy doanh nghiệp hai nước kết nối, gia tăng đầu tư; trao đổi, sớm lập đường bay thẳng, tạo thuận lợi về thị thực nhằm đẩy mạnh giao lưu nhân dân và mở rộng hợp tác du lịch; đồng thời đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, quản lý thiên tai, chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Bangladesh bày tỏ mong muốn, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư sang Bangladesh; khẳng định tạo điều kiện để Việt Nam mở rộng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh; phối hợp chặt chẽ bảo đảm an ninh lương thực; trong đó triển khai tốt Bản ghi nhớ về thương mại gạo giai đoạn 2022-2027.

Hai Chính phủ khẳng định sẽ tích cực hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, đóng góp vào xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng.

Xứ sở Hoa hồng Bulgaria

Bulgaria tọa lạc ở khu vực đông nam châu Âu, sở hữu phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thu hút khách du lịch với những thung lũng xanh tốt, những cánh đồng màu mỡ. Ở đất nước châu Âu này, có những vùng trồng bạt ngàn hoa hồng. Bulgaria là một trong những nơi sản xuất tinh dầu hoa hồng lớn nhất trên thế giới và quốc gia này được mệnh danh là Xứ sở Hoa hồng.

Từ năm 1990, Bulgaria tiến hành cải cách chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Các ngành kinh tế quan trọng của nước này bao gồm điện, khí đốt, lọc dầu, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, sản xuất máy móc-thiết bị, các kim loại cơ bản (sắt, đồng, kẽm…).

Trong thời gian qua, Bulgaria đã thành công trong việc giảm nợ công (từ 100% xuống còn 22%). GDP bình quân đầu người đạt 11.300 USD.

Về chính sách đối ngoại, Bulgaria ưu tiên hội nhập toàn diện vào Liên minh châu Âu (EU), đang phấn đấu gia nhập Khối Schengen và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (dự kiến tháng 1/2024); tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, các nước láng giềng, cân bằng quan hệ Đông-Tây, các nước lớn ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó, Bulgaria coi hợp tác với Việt Nam là một ưu tiên.

Thủ đô Sofia của Bulgaria. (Ảnh: 33traveltips.com)

Thủ đô Sofia của Bulgaria. (Ảnh: 33traveltips.com)

Việt Nam-Bulgaria hơn 70 năm gắn bó, đồng hành

Bulgaria thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam kể từ ngày 8/2/1950. Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra vào tháng 8/1957 đã đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Bulgaria khi đến thăm Công viên Tự do ở thủ đô Sofia, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria từ ngày 13-17/8/1957. (Ảnh: TTXVN) 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Bulgaria khi đến thăm Công viên Tự do ở thủ đô Sofia, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria từ ngày 13-17/8/1957. (Ảnh: TTXVN) 

Trong chặng đường dài hơn 70 năm qua, quan hệ hai nước phát triển tích cực, nhất là trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao; hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao.

Hai bên phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương.
Bulgaria ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021); đồng thời ủng hộ ứng cử của Việt Nam vào ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018; ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025).

Cộng đồng người Việt Nam tại Bulgaria hiện có hơn 1.000 người, tập trung chủ yếu ở thủ đô Sofia. Đây là cộng đồng đoàn kết, luôn hướng về quê hương, đất nước, có cuộc sống tương đối ổn định, quan hệ tốt với chính quyền, tuân thủ luật pháp nước sở tại. Với nhiều người Việt Nam đã học tập, làm việc tại Bulgaria, ký ức về những năm tháng sống trên nước bạn vẫn in sâu trong tâm trí.

Quốc hội hai nước đã trao đổi nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao. Năm 2012, Quốc hội hai bên ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác. Hai bên duy trì tiếp xúc, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như IPU, ASEP.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Phó Tổng thống Bulgaria Iliana Iotova trong chuyến thăm chính thức Bulgaria từ ngày 25-27/10/2021. (Ảnh: TTXVN)

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Phó Tổng thống Bulgaria Iliana Iotova trong chuyến thăm chính thức Bulgaria từ ngày 25-27/10/2021. (Ảnh: TTXVN)

Trong chuyến thăm chính thức Bulgaria hồi năm 2021 của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, tại các buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ Bulgaria, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm tốt đẹp và sự giúp đỡ quý báu mà Chính phủ và nhân dân Bulgaria đã dành cho Việt Nam trong suốt hơn 70 năm qua, đồng thời mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Bulgaria đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, nhất là những lĩnh vực mà Bulgaria có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như dược phẩm, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin...; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như quốc phòng-an ninh, giáo dục-đào tạo, văn hóa-nghệ thuật và đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như lao động, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch...

Từ trái qua phải: Tòa nhà Quốc hội Bangladesh, Tòa nhà Quốc hội Việt Nam và Tòa nhà Quốc hội Bulgaria.

Từ trái qua phải: Tòa nhà Quốc hội Bangladesh, Tòa nhà Quốc hội Việt Nam và Tòa nhà Quốc hội Bulgaria.

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Bangladesh và Cộng hòa Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị Việt Nam-Bangladesh và quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Bulgaria phát triển tốt đẹp.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội nước ta tới Bangladesh và là lãnh đạo cao nhất của ta thăm Bangladesh kể từ năm 2018. Chuyến thăm, diễn ra đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, góp phần củng cố và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả, thực chất giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực; khẳng định cam kết của Quốc hội Việt Nam trong hợp tác với Quốc hội Bangladesh sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội bạn năm 2017; đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác hai Quốc hội đi vào thực chất và bền vững. Đây là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất giữa hai nước nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường thăm chính thức Bangladesh và Bulgaria. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường thăm chính thức Bangladesh và Bulgaria. Ảnh: TTXVN

Với Bulgaria, đây là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 15 năm kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng năm 2008. Chuyến thăm nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Bulgaria nói chung; quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước nói riêng; thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực...

Ngày xuất bản: 21/9/2023
Chỉ đạo thực hiện: BÍCH HẠNH - TRƯỜNG SƠN
Nội dung: MINH HẰNG - NGUYỄN HÀ – ĐOÀN HIẾU
Trình bày: PHƯƠNG NAM - MINH ĐỨC