Tạo thuận lợi môi trường kinh doanh - "Bệ đỡ" cho doanh nghiệp

Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi được xem là “bệ đỡ” giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Từ đó tạo thêm việc làm, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Từ năm 2014 tới nay, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những trọng tâm chính sách kinh tế. Điều này thể hiện rõ qua việc Chính phủ liên tục ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP (giai đoạn năm 2014-2018) và Nghị quyết 02/NQ-CP (giai đoạn 2019-2022) và mới đây nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP 2023.

Những nghị quyết này yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiến hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Với sự quyết tâm đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt những kết quả khá tích cực, không chỉ thể hiện ở sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương mà còn thể hiện qua các chỉ số đạt được theo đánh giá của nhiều tổ chức thế giới.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam lại đang xuất hiện những “gam màu xám” khi theo thống kê từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong năm 2022, cả nước có hơn 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, đây được xem là con số kỷ lục từ trước đến nay. Song, lại có tới hơn 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc rút lui khỏi thị trường.

Riêng trong quý I/2023 có khoảng 57 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (quý I/2022 là gần 60,2 nghìn doanh nghiệp), nhưng có tới gần hơn 60,3 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường (tăng hơn 9.000 doanh nghiệp so quý 1/2023 là 51,3 nghìn doanh nghiệp). Bình quân mỗi tháng có hơn 20 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh những yếu tố tác động khách quan thì vẫn còn rất nhiều tồn tại từ chính các điều kiện kinh doanh, thủ tục rườm rà, thậm chí là chất lượng thực thi của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, còn chậm và chồng chéo... đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, tạo ra những điểm nghẽn trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Sản xuất lắp ráp ô-tô tại Nhà máy Ford Hải Dương.

Sản xuất lắp ráp ô-tô tại Nhà máy Ford Hải Dương.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mong muốn có những nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách thể chế để có một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và hiệu quả. Từ đó giảm gánh nặng chi phí không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá. Đây được coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tới.

Chỉ đạo thực hiện: THU HÀ
Nội dung: MINH DŨNG
Ảnh: TRẦN HẢI, VCCI và CTV
Trình bày: PHÙNG TRANG
Ngày xuất bản: 20/04/2023