Nhân tố quyết định mọi thắng lợi:

SỨC MẠNH TỪ CƠ SỞ

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, các tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên đã phát huy tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh tập thể vượt qua muôn vàn khó khăn. Chính sự thống nhất về ý chí, hành động, sự gương mẫu của từng đảng viên đã biến các phường, xã trở thành những pháo đài vững chắc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trước “cơn bão” Covid-19.

ĐẢNG VIÊN ĐI TRƯỚC…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về công tác dân vận, như sau: “Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể, địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn... Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm. Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. (Theo Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tập 6, tr 232 - 234).

Và ngay trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, chúng ta mới chứng kiến sự thành công rõ ràng từ công tác dân vận, mà biểu hiện rõ nhất là các tấm gương cán bộ, đảng viên, sự hy sinh sức khỏe và cả tính mạng của họ để nhân dân được an toàn.   

Phó Chủ tịch (nay là Chủ tịch) Ủy ban nhân dân quận 11 Nguyễn Trần Bình đang chăm sóc người dân, động viên lực lượng tuyến đầu trong mùa dịch 2021

Phó Chủ tịch (nay là Chủ tịch) Ủy ban nhân dân quận 11 Nguyễn Trần Bình đang chăm sóc người dân, động viên lực lượng tuyến đầu trong mùa dịch 2021

Phó Chủ tịch (nay là Chủ tịch) Ủy ban nhân dân quận 11 Nguyễn Trần Bình đang chăm sóc người dân, động viên lực lượng tuyến đầu trong mùa dịch 2021

Phó Chủ tịch (nay là Chủ tịch) Ủy ban nhân dân quận 11 Nguyễn Trần Bình đang chăm sóc người dân, động viên lực lượng tuyến đầu trong mùa dịch 2021

Nhớ lại thời điểm đang chỉ đạo chiến dịch tiêm ngừa quy mô rất lớn tại Nhà thi đấu Phú Thọ (nơi đây dược chọn làm một trong các điểm tiêm ngừa Covid-19 cho cán bộ, công nhân viên Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Trần Bình (khi ấy là Phó Chủ tịch), hiện là Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 11, nói:

"Thời điểm đó, mỗi ngày quận tiêm trên 17.000 mũi, cao điểm đến trên 20.000 mũi. Để đáp ứng sẵn sàng trong điều kiện vaccine hạn chế, quận đã chỉ đạo các bộ phận theo chức năng nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng dữ liệu và kế hoạch tiêm chủng cho từng đối tượng để khi có vaccine là triển khai ngay, trong thời gian ngắn nhất".

Những người làm báo trong lần dịch Covid-19 bùng phát lần 4 vừa qua không xa lạ với đồng chí Nguyễn Trần Bình, vì anh hầu như có mặt tại tất cả các điểm nóng bùng dịch, các đơn vị tiêm chủng và địa điểm tiêm ngừa tập trung.

Trong bộ áo gi-lê đỏ quen thuộc, trên áo ghi chữ “Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Quận 11”, anh đã lăn xả để vừa tập trung xử lý những vấn đề phát sinh, vừa đôn đốc theo dõi tiêm chủng. Ngoài ra, cá nhân anh Bình còn cùng các đồng chí trong Ban Chỉ đạo cáng đáng mọi thứ từ thu dung, điều trị, phân phối an sinh, chăm lo người tử vong, hỗ trợ gia đình nghèo, xe cấp cứu, oxy y tế…

Thế nên khi Nguyễn Trần Bình không may nhiễm bệnh và nhập viện, chúng tôi và rất nhiều người luôn quan tâm lo lắng, sốt ruột về sức khỏe của anh. Trong những ngày đó, chúng tôi đã không dám gọi điện thoại mà chỉ cần thấy messeger của anh sáng đèn, là an tâm. Còn khi nào thấy Bình đưa biểu tượng ngón tay cái lên, là tạm bớt lo vì biết anh đang ổn. Rồi đến khi Nguyễn Trần Bình nhắn tin trở lại: “Âm tính”, thì chúng tôi mới thở phào.

Còn tại Quận 6, trong suốt 160 ngày chống dịch, hàng trăm cán bộ, đảng viên là F0 của quận vẫn phải vừa tự điều trị, vừa chiến đấu trên mặt trận an sinh xã hội. Họ thật sự là những cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì dân.

Đó là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Phường 5 (hiện chuyển sang phường 12) Nguyễn Thị Kim Trang xăng xái chăm lo cho bà con xóm lao động ngay sau khi hết vai trò của… một F0.

Vừa nhận lại kết quả âm tính, Trang đã “tái xuất” làm nhiều bà con đã xúc động: “Cô Trang vì giúp bà con mà bị bệnh, giờ cô Trang hết bệnh lại ra giúp dân. Khu này có mấy chục ca F0 được Đảng ủy phường và cô Trang phát thuốc nên hết bệnh, giờ bà con tin, quý các… đảng viên F0 lắm!”.

Trên thực tế, trong hơn 160 ngày căng thẳng, các đảng viên từng là F0 như Nguyễn Thị Kim Trang đã xông pha - điều này làm cho hình ảnh người cán bộ trong mắt quần chúng nhân dân thêm tin cậy, gần gũi.

Những đảng viên F0 đã khỏi bệnh của quận 6 hầu như có mặt ở mọi tổ dân phố, và bản thân họ đã là tấm gương để công tác an sinh sau dịch thêm hiệu quả. Thí dụ như đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Linh (Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 13) với sáng tạo mô hình “F0 khỏi bệnh giúp dân đi chợ” thu hút 13 F0, lớn nhất 67 tuổi, nhỏ nhất 18 tuổi.

Bản thân đảng viên Ngọc Linh cùng các F0 ngay trong những ngày nóng bỏng đã thành lập kênh hotline để hỗ trợ, hướng dẫn đặt đơn hàng qua zalo.

Hay như cá nhân đồng chí Nguyễn Ngân Hiệp (Hội Chữ thập đỏ phường 3) ngay sau ngày kết thúc cách ly đã lao vào tâm dịch với suy nghĩ: “Tôi đã cảm nhận thế nào về F0. Khi Quận ủy có chủ trương đưa thuốc điều trị F0 tại nhà, tôi cùng với các anh, chị y tế xuống từng nhà F0, chở từng bình oxy đến từng phòng. Đây là việc làm mỗi người phải làm, là đảng viên càng phải tiên phong”.

Trên mặt trận khác, Bí thư Đảng ủy Phường 1 Nguyễn Thị Nhàn (nay chuyển sang Phường 13) sau khi hết bệnh đã xung phong làm công việc mà ít người muốn trải qua.

Chị Nhàn tâm sự: “Nhìn cảnh các gia đình mong tro cốt người thân trở về, chúng tôi không cầm được nước mắt. Là Bí thư Đảng ủy, tôi hiểu từng nhà nên quyết định đưa các hũ tro cốt của bà con về thật sớm. Vì vậy, trong suốt những ngày tháng ấy, ngày nào chúng tôi cũng “bận”. Có ngày đi hai ba chuyến, rất đau lòng. Chúng ta làm việc này ngoài lương tâm còn là trách nhiệm, là làm theo các Nghị quyết. Bởi Nghị quyết nào rồi cũng hướng đến quần chúng nhân dân”.

Các đảng viên từng là F0 ở quận 6 đang đưa tro cốt người mất do Covid-19 về gia đình

Các đảng viên từng là F0 ở quận 6 đang đưa tro cốt người mất do Covid-19 về gia đình

Theo Ban Dân vận Quận ủy Quận 6, trong đợt bùng phát dịch 2021, các đảng viên là F0 của quận 6 đã phát huy hết lòng hết sức. Họ đã đóng góp không chỉ nhiệt huyết mà còn là sức khỏe bản thân và trọn vẹn thời gian dành cho công tác chống dịch.

Có thể kể đến đảng viên F0 Đoàn Anh Phúc (Chi bộ khu phố 1, phường 12) tuy còn rất trẻ nhưng đã sống vô cùng nghĩa khí khi tận tâm cõng các F0 từ trong hẻm sâu ra xe cứu thương; hay đảng viên cao tuổi F0 Nguyễn Thị Thơm (Chi bộ khu phố 8, phường 12) ngay khi khỏi bệnh đã giúp 20 người bệnh khác trong xóm khẩu trang, vitamin, nhu yếu phẩm; và đó còn là đảng viên F0 Trần Anh Khôi (Hội Chữ thập đỏ phường 5) chuyên khuân vác túi an sinh, quà vận động, thuốc A, B đến tận từng ngõ hẻm, từng căn nhà có người bệnh…

Đây không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, của tổ chức đảng nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội mà còn là phẩm chất của những người đảng viên, dù trải qua sinh tử khi là F0 vẫn dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Họ đã sống, chiến đấu đầy ý thức trách nhiệm với khát vọng cống hiến hết lòng, hết sức vì nhân dân mà phục vụ…

Trong vườn hoa nghìn việc tốt dâng Bác, giữa đại dịch, các cán bộ, đảng viên tiêu biểu đã có nhiều cách giúp dân độc đáo, hội tụ các yếu tố “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đó là nơi lòng nhân ái được trải rộng, ấm áp và chan hòa cho cả người gieo và người nhận.

Đảng viên lão thành, Anh hùng lao động Dương Tú Trinh (thứ hai từ phải sang), nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh trích lương hưu mua thuốc tặng Trạm Y tế phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh để chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đảng viên lão thành, Anh hùng lao động Dương Tú Trinh (thứ hai từ phải sang), nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh trích lương hưu mua thuốc tặng Trạm Y tế phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh để chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sẽ khó quên hình ảnh những cán bộ không quản ngày tháng khó nhọc, nguy hiểm để chăm sóc y tế cho dân; vẫn còn đó kỷ niệm đong đầy hình ảnh những đảng viên rất cao tuổi, các đảng viên trong lực lượng vũ trang chia sẻ từng gói an sinh cho những cảnh đời bất hạnh, những gia đình nghèo, những cháu mồ côi; là các cán bộ phường, xã không quản ngại gian nguy trong phòng, chống dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ... kết nối dân qua zalo.

Nhìn lại những ngày, tháng mà Thành phố Hồ Chí Minh từng trải qua, không chỉ có các đảng viên ở cơ sở với nhiều hành động thực tế, nhiều tấm lòng hướng về bà con nhân dân; mà ngay đến cấp ủy trên cơ sở, khi ấy đã có nhiều quyết đoán mang tính quyết định, kéo giảm tử vong, chữa trị cho nhiều người bệnh, cứu nhiều F0 nguy kịch.

Thí dụ như Bí thư Quận ủy Quận 7 Võ Khắc Thái đã liên hệ một đơn vị cung cấp oxy công nghiệp có bồn oxy dành cho… nhà máy đóng tàu. Loại bồn này chỉ cần làm thêm hệ thống để chuyển từ oxy lỏng qua oxy khí là có thể dùng cho F0 nặng.

Tăng cường xin xỏ từ chiếc đầu cắm để nối hệ thống oxy, đến đồng hồ…, Quận 7 đã hoàn thiện chiếc bồn oxy 32 tấn cùng hệ thống oxy trung tâm (được lắp đặt gấp rút trong 2 ngày) đủ dùng cho hàng chục F0 một lúc cần máy thở oxy dòng cao. Điều này thể hiện ý chí quyết đoán của cá nhân Bí thư và hệ thống chính trị của quận.

Hay như Bí thư Quận ủy Quận 6 Lê Thị Hờ Rin (hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy) từ đầu tháng 8/2021 đã chỉ đạo các Bí thư Đảng ủy 14 phường trong Quận 6 “phải đưa thuốc kháng viêm, kháng đông vào toa thuốc cho các F0 tại nhà dùng”.

Chỉ vài ngày sau đó, tất cả các phường đều đã có trong tay và phát 2 loại thuốc trên cho các F0 có triệu chứng sớm của suy hô hấp, cùng với các loại thuốc hạ sốt, vitamin...

Đây cũng là quận dầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh phải đưa ra quyết định không thể chần chừ, dù việc này chưa được ngành y tế hướng dẫn. Và chỉ sau 6 ngày đêm theo dõi, con số tử vong tại Quận 6 đã giảm hẳn, số người âm tính tăng liên tục.

(Sau đó, từ 17/8 đến 27/8/2021, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu ban hành các văn bản “hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0” (phiên bản 1.3 đến 1.5) - PV).

Những việc làm ấy vừa bảo đảm tính mạng cho nhân dân trong dịch bệnh, vừa củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐẠI DỊCH

Trong gian khó, nhiều quần chúng đã thật sự trưởng thành, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì công việc chung, vì sức khỏe của người dân thành phố. Nhiều tấm gương tiêu biểu đã vinh dự được bước chân vào hàng ngũ của Đảng trong những ngày không thể nào quên.

Như chúng ta biết, ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu được điều trị kịp thời, thì có thể chữa khỏi. Trong bối cảnh năm 2021 khi dich bệnh Covid-19 lên đỉnh điểm, nguy cơ tử vong ở những người có bệnh nền, trong đó có bệnh ung thư, rất cao. Vì vậy, điều trị ung thư trong dịch bệnh Covid-19 càng nan giải. Và ngay trong tâm dịch, Trung tâm Chẩn đoán, Điều trị Ung bướu thuộc Bệnh viện Quân y 175 đã có những giải pháp phù hợp để hỗ trợ người bệnh.

Đại úy, Ths.BS Phạm Thành Luân, Bác sĩ điều trị khoa Điều trị Ung bướu, nhớ lại:

"Những người bệnh cần xạ trị cũng được phân nhóm nguy cơ rủi ro tiến triển để có thái độ xử trí phù hợp. Ưu tiên các trường hợp cấp cứu, kể cả cho những tình huống người bệnh là F0. Còn các người bệnh hóa trị cũng được phân thành những nhóm nguy cơ khác nhau để được tiếp cận điều trị phù hợp nhất. Do đang tổ chức khám, chữa bệnh trong hoàn cảnh có dich bệnh nên chúng tôi đã triển khai đầy đủ các phương pháp xét nghiệm phục vụ sàng lọc và chẩn đoán Covid-19. Nói gọn hơn là vừa phòng, chống dịch, vừa cứu chữa người bệnh khỏi nguy cơ tử vong, vừa tránh lây nhiễm cho bản thân… là các áp lực mà cán bộ chiến sĩ trong đơn vị phải chịu đựng. Qua đây, chỉ riêng khoa tôi có ít nhất 5 quần chúng trẻ được kết nạp Đảng là Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Hiển, Hồ Thị Hồng, Nguyễn Thế Ngọc, Trương Thị Duyên. Họ đã khẳng định bản thân qua trui rèn trong tâm dịch”.

Gặp lại nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Dã chiến số 6 Phạm Công Khánh sau hai năm, chúng tôi vui mừng được biết bác sĩ Khánh đã được kết nạp Đảng vào ngày 19/2/2022, tức là sau giãn cách chỉ vài tháng. Điều đó là do chi bộ của anh đã ghi nhận thành tích chi viện cho "tiền tuyến" của Khánh (một thành viên của Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó).

Khi ấy, anh đã nói dối người thân về công việc mình đang dấn thân!

Tại thời điểm đó, Bệnh viện dã chiến số 6, từ  1 tầng, đã nâng lên 3 tầng, có cả khu cấp cứu và hồi sức thật sự với quy mô “khủng”.

Trước những rủi ro nghề nghiệp cùng khối lượng công việc lớn, dưới áp lực chạy đua với thời gian để tiếp nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày…; vượt lên trên tất cả, bằng sức mạnh của một tập thể luôn đoàn kết và vững mạnh từ hậu phương ra tiền tuyến, các chiến sĩ áo trắng như Khánh luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bởi nếu không hoàn thành, hậu quả là không thể khắc phục: sinh mạng con người không thể lấy lại được.

Cũng như vậy, năm  2021, với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Chữ Thập đỏ Thành phố cùng Hội Chữ thập đỏ các cấp đã huy động được 500.000 lượt tình nguyện viên tham gia, giúp đỡ trên 1,3 triệu lượt người tại các khu phong tỏa, các khu cách ly, đưa các bé sơ sinh có mẹ mất do Covid-19 về quê với người thân; đưa các thai phụ có hoàn cảnh khó khăn về quê sinh nở; vận chuyển các suất cơm cho các bệnh viện; vận chuyển vật tư y tế, lương thực, thực phẩm, nông sản cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch…

Qua đại dịch, toàn hệ thống hội đã có khoảng 480 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên thành F0; có 38 người ra đi mãi mãi…

Phó Chánh văn phòng Hội Chữ Thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh Võ Ngọc Đài Trang tâm sự: “Tôi vừa làm cán bộ hội, vừa tham gia mạng lưới hơn nửa triệu lượt tình nguyện viên. Nhiều anh, chị em bị nhiễm bệnh, nhiều người mất hết sức đau lòng. Nhưng chúng tôi đã sống ý nghĩa khi luôn sẵn sàng hỗ trợ những người dễ bị tổn thương, luôn mang sự hỗ trợ nhân đạo phù hợp và kịp thời tới các cộng đồng dễ bị tổn thương, chúng tôi đã nỗ lực hằng ngày để bảo đảm rằng, không có ai bị bỏ lại phía sau".

Ngay trong đại dịch, đã có nhiều quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng vì sự đóng góp tiêu biểu của họ.

Đó là Đỗ Văn Cảnh, Phó Bí thư chi đoàn cơ quan, kết nạp Đảng ngày 26/3/2021.

Cảnh là nhân viên điều dưỡng tiếp nhận máu của Trung tâm hiến máu nhân đạo Thành phố trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố. Trong thời gian dịch Covid-19, bị giãn cách không đi tiếp nhận máu tại các điểm lưu động nhưng có tham gia tiếp nhận máu tại Trung tâm hiến máu và tham gia cùng địa phương lấy mẫu xét nghiệm test nhanh Covid-19 cho người dân.

Nhân viên điều dưỡng tiếp nhận máu của Trung tâm hiến máu nhân đạo Thành phố (trực thuộc Hội Chữ Thập đỏ Thành phố); trong thời gian dịch Covid-19, bị giãn cách không đi tiếp nhận máu tại các điểm lưu động nhưng có tham gia tiếp nhận máu tại Trung tâm hiến máu và tham gia cùng địa phương lấy mẫu xét nghiệm test nhanh covid-19 cho người dân

Nhân viên điều dưỡng tiếp nhận máu của Trung tâm hiến máu nhân đạo Thành phố (trực thuộc Hội Chữ Thập đỏ Thành phố); trong thời gian dịch Covid-19, bị giãn cách không đi tiếp nhận máu tại các điểm lưu động nhưng có tham gia tiếp nhận máu tại Trung tâm hiến máu và tham gia cùng địa phương lấy mẫu xét nghiệm test nhanh covid-19 cho người dân

Hay đó là Dương Hoàng Hải, chuyên viên Ban Xã hội Chăm sóc sức khỏe Hội Chữ Thập đỏ Thành phố, được kết nạp đảng ngày 3/2/2023. Trong suốt thời gian dịch Covid-19, Hải  đã cùng với toàn thể cán bộ, công nhân viên cơ quan và các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ vận chuyển, tặng lương thực thực phẩm cho người dân khu vực bị cách ly phong tỏa trên địa bàn thành phố”.

Trong những tháng ngày gồng mình chống chọi với dịch bệnh, hàng nghìn bạn trẻ tình nguyện ở thành phố mang tên Bác đã không ngại nguy hiểm, vất vả, xung phong nơi tuyến đầu. Và nhiều gương mặt tiêu tiểu trong đó đã được kết nạp Đảng ngay trong mùa dịch.

Theo Ban Tổ chức Quận ủy Phú Nhuận, trong năm 2021, Quận ủy đã ban hành công văn về Kết nạp đảng viên đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch nhằm hướng dẫn cơ sở tập trung công tác kết nạp đảng đối với những quần chúng có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19.

Quận đã kết nạp 45 đảng viên công tác trong tuyến đầu chống dịch. Nhiều quần chúng đã đón nhận niềm vui này khi đang dốc sức cùng với các lực lượng tuyến đầu chăm lo sức khỏe cho người dân trong giai đoạn khó khăn nhất của thành phố.

Có lẽ buổi sáng ngày 6/6/2021 là khoảng thời gian không thể nào quên đối với chiến sĩ dân quân Trương Thành Sơn thuộc Ban Chỉ huy quân sự phường 13, quận Phú Nhuận  khi đồng chí được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Là đoàn viên chi đoàn dân quân, chiến sĩ chiến dịch tình nguyện Hành quân xanh phường 13, trong quá trình tham gia sinh hoạt đoàn và thực hiện nhiệm vụ của người dân quân tự vệ, đồng chí Trương Thành Sơn đã năng động, tham gia tích cực và hoàn tốt mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đồng chí Sơn đã xung kích tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị.

“Tôi rất vinh dự, hạnh phúc khi được kết nạp Đảng. Được kết nạp ngay trong những ngày cả thành phố đang bị dịch Covid-19 khiến tôi càng phải nỗ lực hơn để xứng đáng là người đảng viên, xứng đáng là người lính Bộ đội Cụ Hồ” - đồng chí Trương Thành Sơn chia sẻ.

Từ tháng 5 đến tháng 11/2021, Quận ủy Tân Bình đã kết nạp 101 quần chúng vào Đảng, trong đó có 52 đảng viên đang tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương.

Anh Nguyễn Hoàng Nam (bìa phải) với công việc tình nguyện trong mùa dịch

Anh Nguyễn Hoàng Nam (bìa phải) với công việc tình nguyện trong mùa dịch

Anh Nguyễn Hoàng Nam (Tân Bình) được kết nạp Đảng trong mùa dịch

Anh Nguyễn Hoàng Nam (Tân Bình) được kết nạp Đảng trong mùa dịch

Từ tháng 5 đến tháng 11/2021, Quận ủy Tân Bình đã kết nạp 101 quần chúng vào Đảng, trong đó có 52 đảng viên đang tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương.

Xem lại những tấm ảnh do chính mình chụp tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình, anh Nguyễn Hoàng Nam, sinh năm 1992 vẫn còn nhiều xúc động về những ngày không thể nào quên.

Là nhân viên Nhà Văn hóa Lao Động thuộc Liên đoàn Lao động quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Hoàng Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 năm 2021 bắt đầu diễn biến phức tạp, anh đã xung phong ở lại cơ quan thực hiện “ba tại chỗ”, hăng hái tham gia đội tình nguyện viên của địa bàn.

Không chỉ thế, anh Nguyễn Hoàng Nam còn tình nguyện tham gia hỗ trợ người dân tại các điểm tiêm vaccine cộng đồng trên địa bàn quận, tham gia đội “ATM Oxy” của quận để hỗ trợ các ca F0 đang điều trị tại nhà bất kể ngày đêm. “Có những ngày công việc quá nhiều, người tôi như rã rời. Nhưng khi nhớ lại những hình ảnh đau thương của các bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến, hình ảnh người dân phải tự cách ly đang cần hỗ trợ lương thực, tôi lại quên đi tất cả, tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ” - anh Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.

Anh Nam tâm sự thêm, những việc làm của mình dù có vất vả nhưng không thể sánh được với đội ngũ y, bác sĩ đang túc trực ngày đêm tại các bệnh viện dã chiến. “Họ mới là những người hùng thật sự trong trận chiến không tiếng súng vừa qua”.

Chính vì sự dấn thân, luôn hết mình trong công việc, anh Nguyễn Hoàng Nam đã được kết nạp Đảng vào tháng 9/2021, khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường.

“Giây phút đó trong tôi có một cảm giá khó tả. Vừa sung sướng vừa tự hào” - anh Nguyễn Hoàng Nam xúc động.

Anh Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ thêm, giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch cũng chính là những ngày tháng thử thách bản lĩnh đối với một người trẻ như anh. Và anh, cũng như nhiều thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, không ngại khó khăn đã vượt qua được thử thách ấy để góp phần đưa thành phố trở lại cuộc sống bình thường.

Ngày xuất bản: 06/02/2024
Chỉ đạo thực hiện: NGUYỄN NGỌC THANH, LÊ NAM TƯ
Tổ chức thực hiện: TẤN VŨ, HỒNG VÂN
Nội dung: MINH ANH-MẠNH HẢO
Trình bày: BẢO MINH