KIM HẠNH

Bây giờ công nghệ đã cung cấp rất nhiều công cụ có sẵn và thuận tiện cho nghề nghiệp báo chí đến nỗi dễ cảm thấy những phương tiện này trở nên quá đỗi bình thường.

Đầu tiên là cái điện thoại di động. Tôi vẫn chưa biết sử dụng hết những tính năng của nó. Tôi cũng sử dụng Google Translate như một phiên dịch viên miễn phí tại gia mà tôi hài lòng với khả năng diễn đạt ngày càng nhuần nhuyễn của nó.

Đến trí tuệ nhân tạo thì còn lợi hại hơn nhiều.

Tôi nhớ lại, những năm cuối 1970, đi công tác xa tôi luôn luôn phải chú ý, nhất là xem nơi mình đến công tác có... máy fax hay không. Rồi phải lo mang theo máy chụp hình nhỏ gọn và lo sạc pin máy ghi âm. Bây giờ nói vậy nghe nhiêu khê buồn cười. Hướng dẫn nghề nghiệp cho phóng viên trẻ, tôi từng làm những công việc có phần lọ mọ như kiểm tra sổ tay của phóng viên, xem cách họ ghi chép khi đi thực tế, sắp xếp lịch công tác thế nào, nhất là với những bạn mà tôi thấy có nhiều triển vọng.

  

Còn bây giờ, nhiều nhân viên trẻ lại hướng dẫn cho tôi các thao tác kỹ thuật để tối ưu hóa tính năng của các phần mềm và tôi thường xin “kết bạn” với họ để trao đổi tài liệu, thông tin, ngay cả trao đổi các vấn đề quốc tế với họ, dù họ không giỏi ngoại ngữ bao nhiêu.

Cũng hôm trước tôi vừa đọc một tin vui vui là: Một số giảng viên đại học đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để soạn bài giảng và sinh viên đã kiện nhà trường (đó là đại học Northeastern Hoa Kỳ) để đòi lại học phí.

Đúng là bây giờ chỉ với 20 USD một tháng, ta có thể thuê ChatGPT lo liệu hết việc nghĩ và viết luôn bài giảng hay bài báo trọn gói. Con AI này nó còn hăng hái gợi ý, bạn có muốn tôi soạn luôn dàn ý, viết bài, đặt tựa, tiểu tựa cho bạn không? Trí tuệ nhân tạo bây giờ có thừa trí tuệ để tạo ra những bài báo “ChatGPT tạo” chứ không cần đến người làm báo tạo ra bài nữa. Và nếu người này lão luyện, tinh vi, thì biên tập viên và tòa soạn cũng rất khó phát hiện họ có nhờ AI, nhờ đến đâu hay hoàn toàn nhờ AI viết.

Tôi thuộc về những người làm báo hơi “cổ điển” vì cho rằng AI không thể thay mình trong những việc mà nhà báo nhất thiết phải làm như: Có mặt tại hiện trường, đối mặt thảo luận với nhân vật, trải nghiệm mọi tình huống thực tế, thể hiện cảm xúc thật của mình khi cần, nên việc soạn ra nội dung tin bài, dàn ý và cả đặt tựa, tiểu tựa... thì AI làm sao làm thay mình được? Có thể nhờ nó kiểm tra dữ liệu, số liệu và lỗi chính tả cho mình thì gần với thực tế hành nghề báo chí hơn?

Bây giờ, có điện thoại di động thì ngồi đâu cũng check email được, chụp hình, ghi âm, lưu phát tài liệu, phát wifi để vận hành internet được, coi như là có một văn phòng di động sẵn sàng bên cạnh mình.

Nhà báo Kim Hạnh.

Nhà báo Kim Hạnh.

Tôi thường đi công tác tỉnh, thường phải ngồi xe ô-tô đường dài và tôi may mắn không bị say xe, cũng không buồn ngủ, nên cứ tự phát wifi bằng điện thoại cho laptop là an tâm có một khoảng thời gian rất dài để nghĩ và viết, không bị chuyện sự vụ lắt nhắt quấy rầy.

Không biết bây giờ có “tuyệt chủng” chưa, loại nhà báo siêng đọc, siêng nghĩ và siêng viết nhưng lại lười “vọc” máy, lười “thử” các thao tác mới, thật mê say đủ những chiêu mới về công nghệ? Vì lười thực hành nên lắm khi tôi rầu rĩ vì bị lúng túng, tắc nghẽn ở một số thủ thuật mà mình đã biết, đã được dạy qua mà mình quên cũng nhanh.

Tôi cũng vốn có thói quen hay ghi chép từ lúc mới làm nghề. Có lẽ điều đầu tiên tôi “khoái chí” khi biết đến AI là thấy nó giúp mình chuyển được voice thành text và tôi vận dụng khá dễ chịu trong nhiều trường hợp như khi đi bộ tập thể dục hằng ngày hay thậm chí ngồi trên xe di chuyển, hoặc đang ngồi trong cuộc họp mà chán theo dõi nội dung, thì có thể nói nho nhỏ những ý nghĩ của mình vô máy, nhờ máy giúp chuyển thành bài ghi sơ lược, vì thường khi ý nghĩ vút qua đầu nhanh hơn tay mình ghi chép.

Rồi tôi cũng tự “sáng chế” ra những bí quyết nho nhỏ cho cách ghi chép đột xuất kiểu này, như là “đóng băng cảm xúc” mà tôi thường hào phóng hướng dẫn cho các bạn trẻ trong cơ quan.

Tôi thuộc về những người làm báo hơi “cổ điển” vì cho rằng AI không thể thay mình trong những việc mà nhà báo nhất thiết phải làm như: Có mặt tại hiện trường, đối mặt thảo luận với nhân vật, trải nghiệm mọi tình huống thực tế, thể hiện cảm xúc thật của mình khi cần, nên việc soạn ra nội dung tin bài, dàn ý và cả đặt tựa, tiểu tựa... thì AI làm sao làm thay mình được?

Tôi thực lòng “kính nể” các bạn trẻ nhanh nhạy, sử dụng được các thủ thuật nhịp nhàng và... phức tạp để làm clip, làm video, livestream... và điều này đã nhân lên khả năng tác nghiệp của nhà báo rất nhiều.

Chúng ta cũng biết rằng thông tin là nguyên liệu quý nhất và cơ bản nhất cho nghề viết, thì vấn đề chuẩn hóa nguồn tin và xác minh thông tin cũng là điều mà trí tuệ nhân tạo cũng không giúp ích gì được nhiều. Chúng ta phải bằng các mối quan hệ của mình, cũng như kinh nghiệm thu thập tích lũy lâu năm mà làm việc này.

Tôi cũng biết mình phải học AI ở những lĩnh vực khó học, đa dụng hơn như khai thác dữ liệu lớn, tìm kiếm dữ liệu nâng cao, các phần mềm kiểm chứng xác minh nguồn tin, hay sử dụng các phần mềm biên tập như Canva, Capcut, Premiere..., các cách trình bày chuyên nghiệp và khoa học hơn bằng các infographic, các dạng biểu đồ... và nhất là rèn luyện phương pháp tư duy, suy luận.

Trong tâm trạng xã hội hiện giờ cũng có nhiều lao xao về khả năng kinh hoàng của AI, có thể nói là... vô tận. Một số bạn trẻ thuộc Gen Z cho rằng AI đã mạnh đến thế thì mình học đại học làm gì nữa, cũng đâu kiếm được việc. Cuộc tranh luận đang đi đến chỗ dù AI là công cụ cao cấp đến đâu, còn học đại học nghiêm túc mới là đánh dấu trình độ học vấn và tri thức của con người. Nên vẫn cần theo dõi tiến bộ của công nghệ để không bị lạc hậu quá, chứ cũng không thể hoàn toàn phụ thuộc vào nó?

Muôn đời AI không thay được trải nghiệm thực tế, lao động sáng tạo và phương pháp làm việc của cá nhân. Chắc chắn rằng dù công nghệ có tiến xa tới đâu thì nó cũng chỉ là thư ký, người hỗ trợ chứ không phải là ông chủ của nhà báo.

Ngày xuất bản: Tháng 6/2025
Trình bày: ĐĂNG NGUYÊN
Ảnh: Báo Nhân Dân, TƯ LIỆU