Kể những câu chuyện về Việt Nam hôm nay, cũng là cách báo chí Việt Nam đóng góp chung vào các vấn đề toàn cầu. Ảnh: UNDP

Kể những câu chuyện về Việt Nam hôm nay, cũng là cách báo chí Việt Nam đóng góp chung vào các vấn đề toàn cầu. Ảnh: UNDP

Với vai trò địa chính trị đặc biệt quan trọng, những câu chuyện trong lãnh thổ Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành các bài học kinh nghiệm tham khảo, hoặc thậm chí là giải pháp cho những vấn đề toàn cầu.

1. Chris Humphrey là nhà báo đang giữ chức trưởng văn phòng đại diện của Thông tấn Đức (DPA) và là một cây viết của tờ The New York Times (Mỹ) và The Guardian (Anh). Sau mười năm sống ở Việt Nam, anh quyết định sẽ viết một cuốn sách về đất nước này. Dự kiến, đó sẽ là một góc nhìn mới về Việt Nam trong kỷ nguyên năng động và hội nhập. Chris mời tôi viết một chương trong sách, cùng với một vài học giả trong nước.

Đó là một chương sách về cộng đồng dân tộc thiểu số của Việt Nam. Lý do tôi được mời khá dễ hiểu. Tôi là một người dân tộc Tày, và là một người đã viết nhiều, xây dựng nhiều dự án cộng đồng tại các vùng núi phía bắc. Nhưng lý do tôi nhận lời lại có phần "trúc trắc".

Nhuận bút không cao (điều này hiển nhiên khi bạn sống bằng nghề viết). Chủ đề rất khó và đòi hỏi công sức lớn. Trên tất cả, kỹ năng viết tiếng Anh của tôi khá tệ hại. Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi nhận lời mời là từ chối. Nhưng sau vài cuộc trao đổi, tôi nhận ra ở đó có một trách nhiệm: Tôi có nghĩa vụ nói rõ hơn với bạn bè thế giới về bối cảnh tại Việt Nam.

Có một chi tiết của buổi nói chuyện gợi lên cảm giác bổn phận đó. Trong mắt của những nhà quan sát quốc tế như Chris, tình trạng tảo hôn, và rộng hơn là nữ quyền ở các cộng đồng dân tộc thiểu số có một thủ phạm, là việc “bắt vợ” hoặc hôn nhân dàn xếp. Đó là khi các cô gái trẻ bị cưỡng ép vào những cuộc hôn nhân mà họ không mong muốn.

Không thể than phiền nếu một nhà báo phương Tây nghĩ như vậy. Tác phẩm văn học nổi tiếng nhất lấy bối cảnh Tây Bắc của nước ta, được giảng dạy trong sách giáo khoa, Vợ chồng A Phủ, cũng mang mô-típ hôn nhân cưỡng ép đó.

Song, tôi giải thích lại với Chris về một thực tế đáng sợ hơn nhiều lần: các bạn gái nhỏ tại các vùng núi ngày nay có xu hướng tảo hôn chủ động, tự nguyện nhiều hơn là bị bắt vợ. Mạng xã hội dễ tạo ra những rung cảm nhất thời; tập quán cộng đồng tôn trọng quyền tự quyết của người chưa thành niên; chỉ sau một cú “thả tim”, hẹn nhau ở đồi chè trong đêm, họ có thể tuyên bố thành vợ chồng chỉ sau 48 tiếng kể từ khi kết bạn facebook.

Nếu diễn đạt theo motif của Vợ chồng A Phủ hay các bài báo quốc tế về nạn bắt vợ, hôn nhân sắp đặt, buôn bán cô dâu Việt,… chúng ta có xu hướng đơn giản hóa vấn đề. Ta xây dựng lên một cô gái có đầy đủ ý chí tự do (như Mỵ của Tô Hoài). Cô ấy chỉ bị cưỡng ép bởi thế lực bên ngoài, vậy điều cần làm chỉ là thực thi pháp luật văn minh. “Báo chí chúng ta có xu hướng thích motif này, vì nó thơ hơn”, tôi nói với Chris.

Nhưng, cái thực tế rằng họ tự nguyện, thậm chí quyết liệt xông vào những cuộc hôn nhân đó, đòi hỏi một cách tiếp cận phức tạp hơn: Ý chí tự do và nhận thức về lựa chọn thậm chí còn chưa hình thành ở những đứa trẻ này, đã bị làm cho méo mó bởi cộng đồng, bởi thông tin trên mạng xã hội. Thực trạng này cần được giải quyết trên cả ba "mặt trận": pháp luật, kinh tế và giáo dục.

Vậy là tôi nhận lời viết bài báo có lẽ là phức tạp nhất trong đời, hoàn toàn bằng tiếng Anh. Vì, tôi không đành lòng để cách hiểu “họ đều có ý chí tự do, chẳng qua bị cưỡng ép” xuất hiện trước công chúng thế giới thêm một lần nữa.

Rừng và ruộng bậc thang - nền tảng để Mù Cang Chải trở thành thiên đường du lịch Tây Bắc. Ảnh: Vũ Chiến

Rừng và ruộng bậc thang - nền tảng để Mù Cang Chải trở thành thiên đường du lịch Tây Bắc. Ảnh: Vũ Chiến

2. Nghĩa vụ của một phóng viên được xã hội trả công - để đi, tìm hiểu, đọc và viết - không chỉ là để nói cho công chúng Việt Nam biết những thực tế trong xã hội chúng ta. Nghĩa vụ của nhà báo còn bao gồm cả việc đại diện cho hình ảnh quốc gia, khẳng định với thế giới các thực tế trong nước, thậm chí khơi lên các chương trình nghị sự có lợi cho sự thấu hiểu xuyên biên giới.

Trong suốt lịch sử, Việt Nam luôn đề cao sự thấu hiểu và đoàn kết với bạn bè thế giới. Tinh thần đó vẫn đang được nhấn mạnh nhiều lần trong công cuộc xây dựng Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong cuộc xây dựng sự thấu hiểu đó, luôn phải có vai trò của những người làm báo tận tụy.

Trong bài viết của mình cho cuốn sách của Chris Humphrey, tôi nêu một thí dụ về vấn đề quốc tế hình thành trong lãnh thổ Việt Nam. Một người nộp thuế ở Australia sẽ biết rằng, chính phủ của anh ta có tài trợ những chương trình phát triển giáo dục và sinh kế ở vùng biên giới phía bắc Việt Nam. Chúng ta có thể đăng các bài báo tiếng Anh có tính chất lễ tân, bày tỏ sự cảm ơn dành cho họ. Hoặc chúng ta có thể làm nhiều hơn thế: Thực hiện các bài báo điều tra nghiêm túc, cho thấy rằng người nộp thuế Australia thực ra đang giải quyết vấn đề của… Australia.

Có bằng chứng cho thấy, ma túy tiêu thụ tại Australia đã được sản xuất tại Tam giác Vàng, đi qua Lào và ra đại dương thông qua biên giới với Việt Nam. Với vị trí địa lý chủ chốt, các cộng đồng dân tộc thiểu số sống dọc biên giới Việt Nam có thể trở thành nạn nhân, bị lôi kéo vào các đường dây tội phạm xuyên quốc gia. Khi thay đổi sinh kế và tăng cường nhận thức của vùng đất này, Việt Nam và các nước đang chung tay giải quyết một vấn đề quốc tế, có tính chất khu vực.

Còn rất nhiều vấn đề quốc tế lớn, mà Việt Nam là đại diện hoặc đóng vai trò trọng yếu. Khi chính quyền và người dân các tỉnh miền Tây vật lộn với biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn, họ thực chất đang nghiên cứu giải pháp cho cả thế giới - bởi Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất thế giới.

Tương tự, với bài toán chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ lên cao, những nỗ lực xoay xở nội tại của nền sản xuất tại Việt Nam cũng tạo tác động và gợi lên những ý tưởng. Đó đều là những vấn đề mà thế giới cần được biết, vì lợi ích chung của nhân loại.

Báo chí Việt Nam và người làm báo Việt Nam, bởi thế, không chỉ gánh trách nhiệm “tiếp thị”, “quảng cáo” hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Họ phải cùng tham gia vào các chương trình nghị sự toàn cầu, thúc đẩy các giải pháp cho những vấn đề tầm khu vực, hoặc cung cấp dữ liệu cho bạn bè thế giới để cùng tìm giải pháp. Người dân thế giới cần các nhà báo Việt Nam làm công việc của mình.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất thế giới. Ảnh: Báo Nhân Dân

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất thế giới. Ảnh: Báo Nhân Dân

3. Cuối năm 2024, tôi thực hiện một phim tài liệu ngắn về một chuỗi dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Những dự án này đều do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn.

Trong đó, có một dự án khá dễ hiểu: Mùa lũ tại miền Tây, bà con một vài tỉnh sẽ quây cánh đồng lại bằng lưới để trữ cá. Trước kia, khi cá tự nhiên còn về nhiều theo lũ, họ đánh bắt tự do, mạnh ai nấy khai thác. Nay cá đã ít, bà con quyết tâm tập hợp cả xóm lại, đồng lòng không đánh bắt nữa. Cá con về theo lũ thì cứ quây lại, để nó trên cánh đồng ngập nước, chờ cho nó lớn rồi cùng bắt. Tôi gọi đó là cái “giant fish pond” (ao nuôi cá khổng lồ).

Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội đem phim ngắn đó đi chiếu ở một hội nghị quốc tế tại Nam Á. “Hội trường thích lắm, thích nhất là cái giant fish pond”, tôi nhận tin nhắn. Ai mà nghĩ là, một ý tưởng đơn giản như thế, một hình ảnh chất phác như thế lại có thể khiến các học giả thế giới thích thú? Và tôi mơ mộng nghĩ, biết đâu, việc phản ánh về một sáng kiến nhỏ ở miền Tây, lại có thể thay đổi phương thức sản xuất một vùng đất nào đó ở Ấn Độ hay Sri Lanka?

Lũ ở miền Tây. Ảnh: Báo Dân trí

Lũ ở miền Tây. Ảnh: Báo Dân trí

Báo chí Việt Nam phải cùng tham gia vào các chương trình nghị sự toàn cầu, thúc đẩy các giải pháp cho những vấn đề tầm khu vực, hoặc cung cấp dữ liệu cho bạn bè thế giới để cùng tìm giải pháp. Người dân thế giới cần các nhà báo Việt Nam làm công việc của mình.

Ngày xuất bản: tháng 6 năm 2025
Trình bày: VŨ ANH TUẤN
Ảnh: Báo Nhân Dân, Báo Dân trí