Một gia tài mà nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải giữ gìn cẩn thận là những cuốn sổ tay, mẩu thư, ghi chép vội về nhân vật, sự kiện... Điều đặc biệt là bà cất giữ chúng bằng cách cho vào những chiếc bị cói, chừng ấy lần chuyển nhà là chừng ấy lần mang theo.

Hơn nửa thế kỷ làm báo, người ta vẫn nhớ đến cái tên Nguyễn Thị Ngọc Hải là nhà báo đầu tiên vén màn bí ẩn nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn trong cuốn “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời”, cùng hàng trăm bài phỏng vấn, ký chân dung về nhiều nhân vật đặc sắc.

“Viết sao cho người ta đọc”

Bên ly cà phê sữa đá Sài Gòn, hai tờ vé số mua giúp một phụ nữ rồi chia cho chúng tôi một tờ, bà kể, mấy hôm nay bà thấy mình bận rộn hơn và “có ích hơn hẳn” khi một số toà soạn đặt hàng viết bài dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

“Chủ yếu tôi viết những kỷ niệm với nghề, nhưng mỗi bài tôi chọn góc nhìn và câu chuyện riêng. Bao nhiêu năm nay làm nghề tôi cũng như vậy, luôn nhớ câu ông Phạm Xuân Ẩn nói là “viết sao cho người ta đọc” khi tôi hỏi về kinh nghiệm hồi ông làm việc cho những hãng tin nước ngoài tại Sài Gòn trước năm 1975”, bà nói.

Với phương châm làm báo bằng sự tò mò, chân thành, trong 10 năm bản thảo thành hình đến khi xuất bản là năm 2002, cuốn sách “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời” chứa biết bao tâm huyết của bà. Dù có thời điểm vị tướng tình báo từ chối thiện ý, nhưng bằng mong muốn được biết, được nghe, bà đã thuyết phục được bậc thầy tình báo. Đây là dấu ấn quan trọng trong cuộc đời viết lách của bà.

Cuốn sách “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời”.

Cuốn sách “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời”.

Cần phải nói thêm rằng công việc chính của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải là một chuyên viên báo chí của Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh từ sau năm 1975, khi bà rời vị trí Tổng Thư ký toà soạn Báo Phụ Nữ Việt Nam để vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.

Là cán bộ phụ trách công tác báo chí, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ bà… khó gần. Nhưng không. Trong nhận xét của nhiều nhà báo kỳ cựu, như nhà báo Võ Như Lanh, Nguyễn Thế Thanh… bà là một người “chơi được”, chịu lắng nghe và quý trọng tâm huyết, tính phản biện của đồng nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải trong một dịp phỏng vấn đại tướng Mai Chí Thọ và giáo sư Nguyễn Lân.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải trong một dịp phỏng vấn đại tướng Mai Chí Thọ và giáo sư Nguyễn Lân.

Khi nhắc đến thể loại phỏng vấn, đặc biệt là những nhân vật lừng lẫy như đại tướng Mai Chí Thọ, vị chỉ huy tình báo Trần Quốc Hương, bà vô cùng hào hứng.

Bà kể: “Tôi muốn kể cái hay với đời. Tôi nghĩ rằng người viết như một trung gian, ẩn mình, là vật cách điện để nhân vật trò chuyện với người đọc. Viết báo phải phỏng vấn trực tiếp, hiểu người đọc muốn gì và hiểu nhân vật có những gì. Tôi rất thích công việc này, nghĩ ra những câu hỏi mà nhân vật cho biết họ thích câu hỏi đó, họ hào hứng hẳn lên”.

Qua vài lần thực hành, bà nhận thấy mình hợp thể hiện câu chuyện theo loại hình phỏng vấn hoặc ký chân dung.

Với mỗi nhân vật, từ văn nghệ sĩ như nhà thơ Hoàng Cầm, cho đến doanh nhân như Đặng Lê Nguyên Vũ, hoặc nhân vật gây tranh cãi, bà luôn chọn góc nhìn riêng. “Nếu mình cứ sợ chung chung sẽ bỏ lỡ nhiều điều. Mình tìm những cái hay của họ, những điều tốt cho thời cuộc, tốt cho con người và người đọc cần phải biết vì sao như thế”, bà cho biết.

Nắm bắt khoảnh khắc lóe lên khi phỏng vấn

Trong đời nghề, từ những ngày đưa tin hậu phương miền bắc trong lửa khói chiến tranh cho đến ngày hoà bình, nhà báo quê Sơn Tây Nguyễn Thị Ngọc Hải hăng say viết nhiều nhân vật, “đóng” nhiều vai, bài viết nào cũng trọn vẹn và có nét riêng.

Có một kỷ niệm khiến bà nhớ mãi, đó là lần bà đưa một phóng viên trẻ của tờ The Washington Post đi thực địa ở huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) cùng bác sĩ Trần Văn Bản tìm hài cốt liệt sĩ. Bác sĩ Bản là nhân vật bà viết trong cuốn “Tôi chết bắt đầu một thế giới sống”.

Bà nhớ lại: “Việc tìm hài cốt, dù trước đó đã có phán đoán vị trí, nhưng cảnh lặn lội giữa đồng trong cơn nắng, có lúc chưa tìm ra dù là một lóng xương, cậu phóng viên nước ngoài đã khóc nức nở. Cuộc đời tôi, cũng như nhiều người Việt Nam trải qua chiến tranh đã khóc quá nhiều, vì vậy phải tỏ ra hài hước, động viên cậu ấy hoàn thành việc tác nghiệp”.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy.

Làm thế nào để những bài viết khác biệt? Hoặc có những người quá nổi tiếng, tưởng chừng chẳng còn gì để khai thác nhưng bà vẫn có thể mài sáng thêm viên ngọc trong tính cách, cuộc đời họ? Trong từng bài, với những câu hỏi xoáy sâu, bà tạo sự gợi mở, gửi đi thông điệp sau việc làm của nhân vật. Gấp bài báo lại ta như có nỗi bâng khuâng nào đó. Như khi phỏng vấn một người Việt từng ngồi tù vì trồng cần sa ở Australia, bà đã hỏi về cách đứng lên sau vấp ngã, về câu chuyện người trí thức dễ có cơ hội hoà nhập xã hội hơn so với người tù khác.

Theo bà, bài viết muốn có được độ rung cảm với nhân vật, dĩ nhiên bước đầu cần chuẩn bị những thông tin cơ bản. “Quá trình trò chuyện, có khi nhân vật nói ra những điều bất ngờ, hoặc có lúc họ trả lời vài câu thì toàn bộ dàn câu hỏi chuẩn bị sẵn vứt hết. Mình nghĩ câu hỏi khác để khai thác cái hay nhất vừa loé lên, để khoan sâu, hé ra cánh cửa mới”, bà nói.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải phỏng vấn người vợ của Norman Morrison - người tự thiêu trước Lầu Năm Góc năm 1965 để phản đối chiến tranh Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải phỏng vấn người vợ của Norman Morrison - người tự thiêu trước Lầu Năm Góc năm 1965 để phản đối chiến tranh Việt Nam.

Đó là kỹ thuật không ai truyền dạy nhưng có lẽ do bà viết nhiều, yêu công việc nên quen với nó, và xuất phát từ những trăn trở, đôi khi đau đớn với vấn đề nào đó. Bà trải lòng: “Phải có một cái giá nào đó cho nghề nghiệp, nếu không người viết sẽ không tiến bộ. Cái giá này là điều không bao giờ bạn đọc biết được”.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải luôn chú ý học hỏi những nhà báo, chuyên gia giỏi, đặc biệt là cách nhìn thấu vấn đề. Bà trân trọng bạn văn, bạn báo. Chính trong nghề nghiệp của mình, bà cho rằng phần lớn sự trọn vẹn của những tác phẩm là do mình làm việc một cách chuyên nghiệp, nghiêm cẩn và giữ sự háo hức thiết tha với nghề, với nhân vật, với cuộc đời.

Và bà tâm niệm làm báo cũng như cách sống trên đời này, luôn có trước có sau. “Không phải cứ xong việc là được, mà nghề báo đòi hỏi mạng lưới quan hệ. Và mình phải hiểu và dễ yêu con người. Người có 10 khuyết điểm nhưng chỉ cần một ưu điểm, tôi cũng muốn lan toả để lấn át cái khuyết. Đó là điều nhân văn rất lớn”, bà chia sẻ.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải gặp nhân vật đã từng phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải gặp nhân vật đã từng phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lý giải về tình yêu đối với từng bài viết, bà nhớ lại lời nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn từng nói “Cô đi phỏng vấn nhân vật cái gì? Cô là người đi xin tin”. Thật vậy, bà khiêm nhường, không chinh phục nhân vật một cách quá lố và hai bên tôn trọng nhau, nhìn thấy giá trị thật chứ không phải chỉ hỏi để lấy thông tin.

Vào những dịp giỗ chạp hoặc lễ tết, bà không quên ghé thắp hương cho ông Ẩn. Nhiều nhân vật sau bài viết đã trở thành bạn tốt, có người xúc động khi đọc, có chuyên gia như bà Phạm Chi Lan khi vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác thường nhắn cho bà như người chị em thân thiết.

Cởi mở với thế hệ trẻ, động viên bầy chim nhỏ làm nghề

Tre già măng mọc. Với nhiều thế hệ sinh viên báo chí, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đùa rằng mình là chuột bạch để các em tìm đến hỏi chuyện, làm bài tập, để cô giáo dẫn đi ăn vặt, tám chuyện nghề. Bà từng có thời gian thỉnh giảng tại Trường đại học Văn Lang và Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

Gần đây, bà chuyển sang dạy online, cô trò gặp nhau trên phần mềm Zoom với những slide bài giảng bà tự mày mò, với những dẫn chứng sinh động về tin tức thế giới và trong nước.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải trong một buổi dạy online cho sinh viên báo chí. Bà tự mày mò sử dụng phần mềm Zoom, tự làm slide bài giảng.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải trong một buổi dạy online cho sinh viên báo chí. Bà tự mày mò sử dụng phần mềm Zoom, tự làm slide bài giảng.

Đến tuổi nào đó, người ta sẽ rất sợ bị vứt ra bên lề cuộc đời, nhất là giai đoạn về hưu. Thế nên, bà luôn cập nhật những gì mới mà lúc nào đó sẽ cần, cả những câu nói, trích dẫn thời sự vắn tắt để bài viết hoặc bài giảng của mình không cũ kỹ.

“Mỗi lần ghi, bộ lọc trong đầu đã hoạt động, đã một lần lao động. Khi lấy ra làm bài, chép lại là hai lần lao động sẽ kỹ lưỡng hơn”, bà nói. Ngày nào bà cũng dành thời gian từ 4h sáng để đọc báo, nắm tin tức. Ngày nào không làm gì, trừ khi không khoẻ thôi, là bà sẽ thấy vô vị.

Bà nhắn nhủ, triết lý của nghề báo chính là câu hỏi “What’s new?” (Có gì mới). Với thế hệ trẻ, dù cho hiện nay nghề báo nhiều thách thức, bà cho rằng tình yêu nghề và tinh thần làm việc chuyên nghiệp, vào guồng, hiểu rằng cuộc đời có thành có bại sẽ dẫn dắt các em đến với những hoa trái mà nghề mang lại.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải làm nhân vật (bà gọi là làm chuột bạch) cho sinh viên báo chí thực hiện bài tập video.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải làm nhân vật (bà gọi là làm chuột bạch) cho sinh viên báo chí thực hiện bài tập video.

Bà muốn lắng nghe, khơi sâu trong bề nổi điều gì có thể sẽ làm cho thế hệ trẻ nản lòng, làm sao để cổ vũ các em. Chính vì vậy, bà không bao giờ “nói đạo lý”, chỉ âm thầm chia sẻ, không so sánh cách làm báo trước đây và bây giờ. Có lẽ thế nên giữa bà và các bạn trẻ có sự gần gũi, thấu hiểu mà không bị bức tường thế hệ ngăn trở.

Và hôm nay, trong dịp kỷ niệm đặc biệt của nền báo chí với bao thăng trầm thời cuộc, bà vẫn “suốt đời như đang chờ một ai đó” (tựa đề một bài báo của bà) để thuyết phục, để có được thông tin.

Tác phẩm tiêu biểu của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời (xuất bản 2002), Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo (2003), Tôi chết bắt đầu một thế giới sống (1997), Đại tướng Mai Chí Thọ (2005), Chuyện đời đại sứ (2014), Tò mò một cách chân thành (phỏng vấn 24 nhân vật nổi tiếng)… Cùng nhiều bài phỏng vấn, ký chân dung trên các ấn phẩm báo chí.

Hiện bà vẫn tiếp tục viết, xuất bản sách, tham gia tọa đàm và truyền cảm hứng cho thế hệ phóng viên trẻ. Một số tập tản văn thời sự của bà thu hút bạn đọc, như “Sốc” văn hóa, “Chuyện nhà tôi - Bao giờ bước tới bờ vui?”, “Chuyện nhà tôi - Mẹ già còn ở trên Phây?”.

Người làm báo trong biên chế với lương bổng và sự bảo đảm đầu ra cũng có nhiều lúc mỏi mệt, thế nhưng với nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, dù đây không phải là công việc chính nhưng bà tâm sự mình thường cố gắng nghĩ lớn hơn một chút để bền bỉ với nghề. Từ câu chuyện “bình thường như cân đường hộp sữa” như bài bị gác, đụng vấn đề gây tranh cãi, cho đến việc bà luôn giữ cho mình - tạm gọi là - một lý tưởng để viết, để sống với nghề, vui với anh em bè bạn.

Báo chí Việt Nam đã đi chặng đường dài với nhiều thăng trầm. Những dâu bể ấy được bà quan sát một cách bình tĩnh. Khi được hỏi về thách thức của nghề trong thời đại trí tuệ nhân tạo, bà không quá lo lắng vì “Nó tài năng vô biên nhưng... con người đẻ ra nó mà”.

Những khi thoát vai nhà báo nghiêm cẩn, bà là một cây hài giữa nhóm bạn, khi các bạn già lẫn trẻ đột nhiên xuất hiện dưới nhà mình và đòi… ăn cơm, nấu phở, gọi nhau bằng mụ này mụ kia, “cởi ruột cởi gan” bên những người hiểu mình.

Ngày xuất bản: 25/6/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH

Nội dung: YẾN TRINH
Trình bày: PHAN THẠCH