Chuyện đời, chuyện nghề người làm báo

"Vua săn giải" báo chí: Giải thưởng lớn nhất là sự ghi nhận của bạn đọc

Được mệnh danh là “vua” săn giải với khoảng hơn 40 giải báo chí các cấp trong tay; trong đó có tới 9 giải Báo chí Quốc gia, nhưng nhà báo Võ Mạnh Hùng (Báo Điện tử VietnamPlus) cho rằng, sự tưởng thưởng lớn nhất anh nhận được chính là sự ghi nhận và đánh giá từ bạn đọc.

Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Võ Mạnh Hùng về quan điểm làm việc, sự cô đơn khi thực hiện những tuyến bài điều tra và những giá trị nghề báo đã mang lại.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng nhận giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2023.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng nhận giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2023.

Từng trốn ra… mộ ông bà “xin” vì bị cấm thi vào trường báo

PV: Hãy bắt đầu bằng chuyện đã cũ. Anh đến với báo chí như thế nào?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ mình đến với nghề Báo là quyết định đầy thử thách! Những năm học cấp 3, sở thích của tôi là hội họa. Hồi đó, mẹ tôi thường dẫn tôi tới học nghề của một bác chuyên vẽ và điêu khắc trong xã. Bà bảo: Con cứ theo được nghề này là sau này sướng! Tôi thì nghĩ, nếu chấp nhận phương án an toàn ở quê thì mình sẽ rất khó phát triển. Phải đi ra ngoài để tìm cơ hội. Do học khối C, nên khi đó tôi cân nhắc và quyết định sẽ thi Báo chí với… rất nhiều sự mông lung. Tôi muốn thử sức với tâm thế học hỏi.

Thế nhưng, khi nói với bố mẹ thì bị phản đối gay gắt vì cho rằng nghề Báo rất nguy hiểm. Nhà lại neo người. Rồi học xong ra trường liệu có tìm được việc không. Phần khác còn là lý do kinh tế. Nếu tôi đi học ở Hà Nội, mỗi tháng bố mẹ sẽ phải lo thêm 500.000 đồng tiền ăn, ở. Đó là một khoản không hề nhỏ với gia đình tôi giai đoạn những năm 2007-2008. Trong khi, phương án học và làm nghề vẽ, đắp tượng… vẫn an toàn hơn, rõ tương lai hơn.

Bị phản đối, lúc đó tôi thực sự rất buồn. Hôm sau, tôi lên nghĩa trang thắp hương cho ông bà, xin phù hộ. Rồi xúc động và tủi thân nên cứ nằm ở đó luôn. Gia đình không thấy nên túa đi tìm. Khi tôi về, nghe hàng xóm động viên thì bố mẹ mới xuôi xuôi, đồng ý cho tôi đi thi Báo chí.

PV: Bản thân tôi, phải đến năm thứ 3 học ngành Báo chí mới bớt mông lung. Anh thì sao?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Thực lòng thì trong năm đầu tiên học ngành Báo, bản thân tôi cũng rất mông lung. Sang năm hai, tôi nghĩ cứ thế này không ổn. Phải thay đổi. Thế là mỗi sáng thức dậy, thay vì ăn sáng, tôi dành tiền, đi khắp các quầy báo để tìm mua một vài tờ báo uy tín về tham khảo. Đến cuối năm thứ 2 thì tôi bắt đầu viết, gửi bài đi cộng tác, sau đó thấy tên mình trên mặt báo và có những đồng nhuận bút đầu tiên. Lúc này, tôi mới thực sự thấy… đam mê.

Tôi nhận ra cứ chịu khó viết bài gửi đi cộng tác, viết tốt sẽ tự kiếm được tiền, tự chủ được cuộc sống của mình. Cũng sẽ đỡ phần vất vả cho bố mẹ. Đến năm thứ 3, tôi xin từ chối khoản trợ cấp từ bố mẹ, bởi có tháng tôi nhận được 3-4 triệu nhuận bút. Từ đó, tôi luôn quyết tâm sẽ đi theo nghề Báo. Mọi thứ thật ra bắt đầu rất đơn giản thế thôi.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng trong chuyến điều tra về tình trạng buôn bán, tuồn lậu thịt thú rừng vào Việt Nam, tại Lào.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng trong chuyến điều tra về tình trạng buôn bán, tuồn lậu thịt thú rừng vào Việt Nam, tại Lào.

PV: Giai đoạn tiếp theo đã diễn ra thế nào?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Tôi kiến tập tại Báo Công an Nghệ An, rồi thực tập tại Báo Lao động và Xã hội. Ra trường, tôi xin về thử việc ở Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN). Chỉ 2 ngày sau khi vào cơ quan mới, tôi đã đăng ký đề tài về tình trạng phá rừng tại Hà Giang.

PV: Có vẻ như đó là một đề tài khá nóng với một sinh viên mới chân ướt, chân ráo đi làm?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Lúc đó, trong đầu tôi chỉ nghĩ mình cần phải làm điều gì đó để phản ánh thực trạng phá rừng nóng bỏng tại Hà Giang. Thực tế, sau khi bài báo được đăng tải đã có những tác động tích cực khi Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm. Từ đó, tôi bắt đầu tin rằng: Nếu mình theo đuổi đề tài bằng trách nhiệm, đam mê thì hiệu quả sẽ đến.

Nhà báo Võ Mạnh HÙng trong chuyến tác nghiệp tìm hiểu về tình trạng hồ thủy điện "nuốt" rừng tại tỉnh Quảng Nam.

Nhà báo Võ Mạnh HÙng trong chuyến tác nghiệp tìm hiểu về tình trạng hồ thủy điện "nuốt" rừng tại tỉnh Quảng Nam.

PV: Nhưng, giai đoạn đầu chắc chắn sẽ rất khó khăn? Trước hết là về thu nhập? Vì tôi biết, thời điểm đó để được ký hợp đồng với VietnamPlus nói riêng, TTXVN nói chung là rất khó?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Đúng vậy! Thời sinh viên, tôi còn có thể kiếm được 3-4 triệu/tháng từ nhuận bút. Nhưng giai đoạn thử việc ở VietnamPlus thì khó khăn hơn nhiều. Tôi trải qua gần 3 năm không có lương. Để duy trì cuộc sống; cũng là để có tiền học tiếp, tôi viết cộng tác thêm với các báo; rồi mở một quán ăn nhỏ. Nhưng quán ăn cũng chỉ được vài tháng là phải… đóng cửa. Tôi cố gắng chắt chiu, lấy đó làm cơ sở để triển khai các chuyên đề khác tại cơ quan.

PV: 3 năm này, có lúc nào anh nghĩ tới việc nghỉ hay không?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Nói thực, ít nhất trong 3 năm đầu, tôi luôn xác định mình phải vừa làm, vừa học hỏi. Tôi cũng muốn trở thành một thành viên của VietnamPlus. Nếu tôi bỏ cuộc, thì những đồng tiền, tâm huyết bố mẹ bỏ ra cho tôi học hành sẽ vô ích. Bỏ cuộc nghĩa là phản bội niềm tin của gia đình, phản bội chính mình. Do đó, tôi chưa từng nghĩ tới việc sẽ nghỉ ngang.

Bỏ cuộc nghĩa là phản bội niềm tin của gia đình, phản bội chính mình. Do đó, tôi chưa từng nghĩ tới việc sẽ nghỉ ngang.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng

Nhà báo Võ Mạnh Hùng trong 1 chuyến tác nghiệp.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng trong 1 chuyến tác nghiệp.

Bị kiện ngay khi vừa lên nhận giải Báo chí quốc gia…

PV: Nổi bật với khả năng thực hiện các tuyến bài điều tra về đề tài môi trường, lý do anh lựa chọn lĩnh vực này là gì?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Nói tới môi trường là nói đến sự sống. Nhưng môi trường sống thời gian qua lại có quá nhiều gam màu đen tối. Điều đó thôi thúc tôi phải vào cuộc. Một trong những bài báo đầu tiên của tôi thời sinh viên là về thực trạng “thuốc bắc tẩm bụi” ở quê nhà. Sau này, tôi dành nhiều thời gian để viết về nạn phá rừng khắp cả nước; tình trạng ô nhiễm sông ngòi; việc khoáng sản bị khai thác vô tội vạ, gây ảnh hưởng tới người dân.

Những cảnh tượng, sự cố, thảm họa môi trường khiến tôi luôn trăn trở và quyết tâm làm điều tử tế. Vì thế, tôi chọn cách dấn thân, sử dụng ngòi bút trách nhiệm và tử tế của người làm báo để đấu tranh chống lại các hành vi gây hại tới môi trường, với hy vọng để không xảy ra một “Formosa thứ hai”, qua đó góp phần bảo vệ môi trường cho đất nước!

Cảnh tượng khai thác khoáng sản kinh hoàng được ghi lại qua ống kính của ekip nhà báo Võ Mạnh Hùng.

Cảnh tượng khai thác khoáng sản kinh hoàng được ghi lại qua ống kính của ekip nhà báo Võ Mạnh Hùng.

PV: Nhưng, làm điều tra nói chung, điều tra về môi trường nói riêng không hề đơn giản?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Đầu tiên phải kể đến các nguy cơ về an toàn. Tôi vẫn nhớ năm 2017, tôi thực hiện loạt bài phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép tại Hưng Yên. Khi tới nơi, việc tiếp cận hiện trường rất khó khăn khi xung quanh khu khai thác là một vườn chuối rộng được các đối tượng canh phòng cẩn mật và có nuôi cả chó béc-giê.

Một số đồng nghiệp đã khuyên tôi từ bỏ vì quá nguy hiểm. Nhưng tôi vẫn quyết tâm rồi tiếp cận thành công, ghi nhận bằng hình ảnh, video. Sau đó, tôi báo thông tin với cơ quan chức năng. Nhưng khá đáng buồn, thời điểm đó tôi lại không nhận được sự hợp tác. Ngay sau đó, tôi bị khoảng 10 tay anh chị vây quanh, cầm theo hung khí, uy hiếp tôi không được đưa thông tin về vụ việc ngay tại hiện trường. Thực sự, tôi rất hoang mang.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng tìm hiểu về tình trạng sạt lở tại Hà Giang.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng tìm hiểu về tình trạng sạt lở tại Hà Giang.

Dù trước đó, tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi kết nối được sự “hỗ trợ bí mật” của lãnh đạo địa phương, để bảo đảm an toàn, nhưng khi rời khỏi điểm nóng vẫn rất lo. Trên đường về cơ quan, vẫn có 1 chiếc xe tải biển 89 bám sát và chỉ chịu dừng lại khi chúng tôi vào tới địa phận Hà Nội. Một số tay anh chị dọa tôi rằng: Nếu vẫn cố tình phản ánh, họ sẽ tìm cách “xử” tôi về sau.

PV: Đây gần như là một cú sốc, buộc anh phải cân nhắc sẽ tiếp tục viết hay dừng lại?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Khi trở về, nhất là lúc chuẩn bị viết bài, thú thực tôi cũng lo và trăn trở. Không phải là mình có nên viết hay không mà phải viết như thế nào. Cái cốt lõi nhất tôi tâm niệm là không được thỏa hiệp. Càng bị đe dọa, mình càng phải cố gắng làm đúng và làm tới cùng. Thế là tôi bắt đầu viết. Đến tận lúc ấn nút gửi bài đi, tôi vẫn run. Cả 1 tháng trời sau đó, mỗi lần có việc ra ngoài, tôi đều… bịt kín người, nhìn trước ngó sau vì sợ gặp… sự cố. Tôi khá chắc chắn rằng, không ai dám vỗ ngực nói, làm điều tra thì không sợ hãi.

Tác phẩm Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau! của ekip Võ Mạnh Hùng.

Tác phẩm Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau! của ekip Võ Mạnh Hùng.

Tác phẩm "Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa 'phá môi trường lấy kinh tế."

Tác phẩm "Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa 'phá môi trường lấy kinh tế."

Trở lại với câu hỏi về những nguy cơ khi làm về các vấn đề nóng, nhạy cảm, tôi nghĩ một vấn đề hầu như ai cũng sẽ phải đối mặt là… bị kiện.

Vụ kiện đầu tiên tới với tôi vào năm 2014 khi tôi viết về một doanh nghiệp khá lớn xả thải gây ô nhiễm môi trường. Tiếp đó, đáng nhớ hơn là năm 2017, tôi biết tin mình bị kiện ngay khi vừa lên… nhận giải Báo chí Quốc gia. Đúng ngày 21/6. Một lần khác, doanh nghiệp thuê luật sư lên cơ quan, gặp tận lãnh đạo của tôi để phản ánh rằng thông tin tôi viết ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng của họ. Tôi nhớ, khi đó, lãnh đạo đã hỏi: Em có làm đúng không? Tôi đáp: Anh yên tâm, em làm đúng! Anh bảo: Nếu làm đúng thì em cứ yên tâm triển khai.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng nhận Giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2021.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng nhận Giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2021.

Nói đi cũng phải nói lại. Toàn bộ quá trình tác nghiệp, gặp gỡ các bên đều được tôi thực hiện chuẩn chỉ, có bằng chứng đầy đủ và xác đáng. Ngay cả khi viết, tôi cũng chỉ đưa ra 1 phần thông tin. Phần còn lại giữ để… phòng thân. Khi đã vượt qua một lần, chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm, sẽ tự tin hơn để xử lý linh hoạt và hiệu quả hơn trong những trường hợp tiếp theo.

PV: Rõ ràng, làm điều tra, ngoài sự dấn thân, còn phải cần hiểu biết về pháp luật? Tôi thì luôn nghĩ, pháp luật sẽ giúp cho người làm báo nhìn mọi thư rõ ràng, không cảm tính nữa?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Tôi cho rằng, vũ khí bảo vệ phóng viên điều tra chính là hiểu và làm đúng pháp luật. Bởi, nếu mình làm sai thì trời cũng không bảo vệ mình được đâu. (Cười).

Cá nhân tôi, trước khi thực hiện đề tài nào cũng sẽ phải tìm hiểu rất kỹ về các quy định pháp luật liên quan. Càng kỹ ở khâu này, mình càng chắn chắn về con đường của mình đi. Hơn nữa, hiểu biết pháp luật còn giúp bài viết của mình luôn đúng.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng trong chuyến điều tra về buôn bán động vật hoang dã.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng trong chuyến điều tra về buôn bán động vật hoang dã.

Cần bổ sung thêm, nhà báo, đặc biệt trong lĩnh vực điều tra cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mọi mặt. Vừa qua, khi thực hiện loạt bài Chảy máu lãng phí tài nguyên khoáng sản, tôi đã chuẩn bị 60 bộ câu hỏi, gửi tới tất cả các đơn vị có liên quan để có được thông tin chất lượng nhất.

PV: Nói về luật, gần đây, nhiều người đang muốn công nhận tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng công cụ duy nhất bảo đảm cho phóng viên nói chung, phóng viên điều tra nói riêng là sự hiểu biết, đặc biệt là về luật. Khi mình hiểu vấn đề, mình sẽ có cách tiếp cận đúng, ứng xử đúng dựa trên những viện dẫn quy định của luật pháp. Kết hợp với các kỹ năng khác như nhập vai, khai thác thông tin… thì nhà báo sẽ có đủ cơ sở để tự bảo vệ mình, thay vì trông đợi luật hóa việc tác nghiệp là thi hành công vụ. Vấn đề cốt lõi vẫn phải là làm điều tra thì phải đúng pháp luật. Cứ làm đúng và có đủ dữ liệu là cách an toàn nhất.

Tác giả trong chuyến công tác tìm hiểu về vấn đề đất đai, sạt lở tại tỉnh Hà Giang.

Tác giả trong chuyến công tác tìm hiểu về vấn đề đất đai, sạt lở tại tỉnh Hà Giang.

PV: Tôi cũng hay nghe một khái niệm mà dân điều tra hay nói: Viên đạn bọc đường. Nhưng tôi lại nghĩ, sẽ không có viên đạn nào đâu, nếu người làm sòng phẳng và tử tế?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Tôi cũng cho rằng, sẽ không có viên đạn nào cả nếu người làm báo có ý thức từ đầu. Tôi đã từng trải qua nhiều lần nghe những điều hứa hẹn, mua chuộc. Điển hình như khi làm về Ma trận vàng đen, một ông trùm buôn lậu đã hứa hẹn sẽ cho tôi 1.000 tấn than mỗi tháng nếu về làm cùng. Tất nhiên, khi đó ông ta vẫn nghĩ tôi là… dân buôn. Nếu lúc đó nhận lời, thì tôi cần gì đi làm báo nữa. (Cười). Nhưng phải hiểu, thứ nhất đây có thể là một lời hứa cho vui.

Thứ hai, quan trọng hơn, điều sai trái sẽ dẫn mình tới con đường tội lỗi. Một lần sai sẽ dẫn tới nhiều lần sai. Và nếu mình sai, nghĩa là mình đã thất bại và phản bội chính mình, chính cơ quan mình đang làm việc. Người làm báo phải ý thức được điều này, chứ đừng nói đến chuyện bọc đường hay không.

Tôi đã trải qua nhiều lần bị mua chuộc, nhất là hoàn cảnh, điều kiện gia đình rất khó khăn.

Nhưng tôi không lung lay. Vì lung lay là đánh mất mình. Mặt khác, nếu lung lay, thỏa hiệp thì những loạt bài mình làm sẽ bị “tắc nghẽn,” sự thật bị che mờ. Thực sự tôi không đành lòng, không cho phép. Đổi lại, tôi chọn “đường thẳng” để đi, chọn về phe sự thật. Khó khăn phía trước, tôi cố gắng làm thêm để nuôi gia đình, nuôi nghề. Nhiều khi, tôi cũng thương vợ lắm.

Vũ khí bảo vệ phóng viên điều tra chính là hiểu và làm đúng pháp luật. Bởi, nếu mình làm sai thì trời cũng không bảo vệ mình được đâu.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng

Nhà báo dũng cảm cần lãnh đạo tòa soạn dũng cảm

PV: Anh có nhắc tới cuộc đối thoại với lãnh đạo cơ quan anh. Họ ủng hộ anh khi anh bị kiện? Điều này làm tôi nhớ đến quan điểm: Nhà báo dũng cảm rất cần những lãnh đạo tòa soạn dũng cảm?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Bản thân tôi luôn nghĩ có 2 điều khiến tôi quyết tâm tới cùng. Đầu tiên là sự tin tưởng, ủng hộ của lãnh đạo tòa soạn. Mình đã thuyết phục lãnh đạo cho mình đi làm loạt bài đó, nếu mình làm sai thì mình sẽ phụ lòng tin của lãnh đạo. Hơn thế, sự đồng thuận của lãnh đạo cơ quan cũng sẽ giúp cho tác phẩm báo chí không bị “chết yểu” ngay khi mới ở dạng ý tưởng. Và tôi may mắn vì được làm việc ở VietnamPlus, nơi các sếp, các anh chị đã rất ủng hộ những tuyến đề tài của tôi. Đó có lẽ là hạnh phúc của người làm nghề.

Thứ hai, tôi nhiều lần trực tiếp chứng kiến cảnh người dân rơi nước mắt khi cầu cứu. Họ rơi nước mắt khi thực trạng không được giải quyết thấu đáo, dẫu có cơ quan báo chí tới và… rời đi. Nếu một phóng viên của TTXVN tiếp tục dừng bước thì sẽ đi ngược với niềm tin của người dân. Nên tôi phải cố gắng hơn nữa.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng (áo đen bên phải) và phóng viên Nguyễn Hoài Nam tác nghiệp tại tỉnh Quảng Trị.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng (áo đen bên phải) và phóng viên Nguyễn Hoài Nam tác nghiệp tại tỉnh Quảng Trị.

PV: Anh có nghĩ, khi làm điều tra, anh sẽ rất cô đơn hay không, ngay cả với đồng nghiệp của mình. Bởi, điều tra đòi hỏi một quy trình rất khác so với các thể loại khác?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Cô đơn chứ. Nhiều khi đề tài sẽ không được báo cáo công khai giữa các cuộc họp. Không phải ai mình cũng có thể chia sẻ được việc mình đang làm. Rồi cô đơn trước sức ép dư luận. Có nhiều khi bài đăng tải rồi lại càng… cô đơn khi phải nghe ngóng phản ứng xung quanh ra sao.

Ngoài ra, tôi cũng cô đơn từ chính gia đình của mình. Người nhà tôi thương tôi, lo lắng cho tôi nên luôn phản đối những chuyến đi vì cho rằng nguy hiểm. Tôi cũng từng có nửa tháng nằm viện sau khi đi tác nghiệp, chỉ có vợ chăm mà không nói với ai vì sợ mọi người lo.

PV: Và anh đã trả lại cho gia đình, cho vợ như thế nào?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Vợ tôi không dưới 50 lần khuyên chồng bỏ việc, tìm lĩnh vực khác để làm. Cô ấy bảo, tôi hay ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Nhưng tôi phải cám ơn gia đình, cám ơn vợ tôi vì vẫn ở bên cạnh ủng hộ. Những dịp được nhận giải, tôi mời bố mẹ, vợ con tới chung vui như một cách tri ân.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng cùng vợ, con trai và người thân tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia năm 2023.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng cùng vợ, con trai và người thân tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia năm 2023.

PV: Nói về giải thưởng, mặc dù là nhà báo thế hệ 9X, nhưng anh là kỷ lục gia khi có trong tay hơn 40 giải thưởng lớn, trong đó có 9 giải báo chí Quốc gia. Nhưng giải thưởng có lẽ không phải đích đến?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Được giải rất… sướng. Nhưng tôi nghĩ đó không phải là mục đích sau cùng của tôi. Ví dụ, nếu xét về vật chất thì giá trị giải thưởng 100 triệu chia ra, nhận về cũng chả đáng bao nhiêu. Động lực giúp tôi làm tiếp là sự tưởng thưởng của bạn đọc. Đó là một bức thư, một lời nhắn nhủ từ người dân mỗi khi một vụ việc có kết quả.

Tôi nhớ mãi kỷ niệm vào năm 2022, khi tôi thực hiện xong loạt bài ô nhiễm tại miền trung và có kết quả, hàng chục người dân đã tổ chức họp rồi… gọi điện cho tôi để cám ơn. Đó chính là động lực lớn nhất cho người cầm bút, chứ không phải “kho báu” là giải thưởng này kia.

PV: Tôi còn nghĩ, một sự tưởng thưởng khác với anh chính là khi nhiều chính sách được thay đổi từ chính những loạt bài công phu anh và ekip thực hiện?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng một loạt bài chỉ thành công, có ý nghĩa khi góp phần giải quyết điểm nóng và thay đổi chính sách. Điều đáng mừng là, các loạt bài chuyên đề do tôi trực tiếp triển khai, đăng tải trên Báo Điện tử VietnamPlus, cùng với nguồn tư liệu, ý kiến, giải pháp ghi nhận từ lãnh đạo các bộ, ngành; từ lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước và các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân - mà tôi trực tiếp gửi chuyển đến lãnh đạo các bộ, ngành, cũng đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết điểm nóng; giúp cơ quan soạn thảo các dự án luật tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện luật để trình Chính phủ, Ban Thường vụ Quốc hội; được các Đại biểu Quốc hội tán thành và thống nhất biểu quyết thông qua như: Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên Nước 2023, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024…

Kỷ lục gia... săn giải báo chí

Nhà báo Võ Mạnh Hùng, quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong giới báo chí, anh được mệnh danh là kỷ lục gia... săn giải.

Anh đã có hơn 40 lần được giải báo chí quốc gia, trung ương và các bộ, ngành. Trong đó: 9 lần đoạt Giải Báo chí Quốc gia (trong đó 5 giải A, 2 giải B, 2 giải C); 2 lần đoạt Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng; trong đó 1 giải A và 1 giải C; 2 lần đoạt Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại, trong đó 1 giải Nhất, 1 giải Ba năm 2020; 2 lần nhận giải B Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cùng các giải thưởng báo chí về các lĩnh vực như tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai, phát triển bền vững, động vật hoang dã; giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam.

Anh cũng vinh dự nhận nhiều Bằng khen của Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vì đạt Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ VII, năm 2020.

Anh cũng là 1 trong số 21 tổ chức, cá nhân trên cả nước được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao “Chứng nhận Chương trình Vinh danh Công tác Bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020” vì có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020; được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2016, vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường từ năm 2014-2016...

Ngày xuất bản: 11/6/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: SƠN BÁCH, THÀNH ĐẠT
Trình bày: BÌNH NAM