Nghị quyết số 57-NQ/TW

Mở “luồng xanh”
cho đổi mới, sáng tạo

Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa mở “luồng xanh” cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số báo chí diễn ra mạnh mẽ hơn.

Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa mở “luồng xanh” cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số báo chí diễn ra mạnh mẽ hơn.

LÊ XUÂN TRUNG Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ

Cơn lốc chuyển đổi số của cả xã hội đang tạo sức ép ngày càng lớn đối với tiến trình đổi mới công nghệ làm báo. Và Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa mở “luồng xanh” cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số báo chí diễn ra mạnh mẽ hơn.

Để theo kịp cơn lốc khoa học-công nghệ đang phát triển nhanh đến chóng mặt trong vài năm nay, báo chí không những phải vươn mình để đủ sức nắm bắt, chuyển tải cuộc cách mạng mang tính thời đại này mà còn phải thay đổi tư duy, tự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nếu muốn tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số.

Không thể “đạp phanh” mãi

Nếu ví cơn lốc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số như một con tàu cao tốc thì tất cả chúng ta đều đang bị cuốn lên tàu dù muốn hay không. Chiếc điện thoại mà gần như mọi người luôn mang bên mình đã kết nối chúng ta với con tàu ấy.

Các cơ quan báo chí và các nhà báo không chỉ chứng kiến mà còn phải thẩm thấu, ghi nhận, phân tích, bình luận, dự báo… những sự thay đổi diễn ra trên không gian mạng. Bởi lẽ, bạn đọc đang cần biết, cần hiểu, cần cảm nhận rõ hơn những thay đổi mà họ không thể, không kịp, không rõ đang và sẽ diễn ra như thế nào.

Chẳng hạn, trí tuệ nhân tạo (AI) đang và sẽ được ứng dụng vào đời sống ra sao? Lợi - hại như thế nào? Bạn đọc phải tự mày mò, tìm hiểu hay đăng ký học các lớp đang rao rất hấp dẫn trên mạng?

Nhà báo và các cơ quan báo chí phải trả lời những câu hỏi đó và nhiều câu hỏi tương tự cho bạn đọc. Nếu nhà báo và các cơ quan báo chí không trả lời thì bạn đọc sẽ tìm kiếm ở những nơi khác. Thế là báo chí mất bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ, bạn đọc tiềm năng.

Muốn đáp ứng yêu cầu bạn đọc thời đại số, nhà báo phải sống trong cuộc sống số để biết bạn đọc đang cần gì. Tất nhiên, cơ quan báo chí phải làm việc trên môi trường số thì nhà báo mới có cuộc sống số. Và chuyển đổi số đã trở thành một yêu cầu không thể trì hoãn nếu các cơ quan báo chí không muốn bị đào thải.

Nhiều cơ quan báo chí nhận ra điều này hơi trễ vì họ đã từng thành công với cách làm báo truyền thống. Họ đã có cơ ngơi khang trang, bộ máy đã định hình, nguồn thu khá ổn… vậy thì cần gì phải đổi mới. Bởi đổi mới sẽ đối diện với vất vả và rủi ro cao. Khoảng chục năm qua, không ít cơ quan báo chí thay vì “đạp ga” đổi mới, chuyển đổi số, lại “đạp phanh” để bảo đảm an toàn. Trên diễn đàn, họ vẫn tuyên bố “đạp ga” nhưng thật ra trong nội bộ họ “đạp phanh” liên tục.

Có thể dẫn ra một thí dụ thỉnh thoảng được các nhà báo trao đổi trong các lớp nghiệp vụ chuyển đổi số. Khoảng 15 năm trước, có một tòa soạn đề xuất trang bị hệ thống công cụ số để hình thành tòa soạn số vì không thể làm báo điện tử bằng công cụ tự thiết kế quy mô nhỏ. Một công ty công nghệ đến chào hàng bốn công cụ hiện đại: Hệ thống quản trị các sản phẩm in truyền thống; Hệ thống quản trị các sản phẩm điện tử; Hệ thống quản trị các sản phẩm quảng cáo; Hệ thống lưu trữ dữ liệu thông minh.

Các thành viên tòa soạn khao khát có được toàn bộ hệ thống trên để hình thành một tòa soạn điện tử và tiến tới tòa soạn số. Kế hoạch được trình lên cấp có thẩm quyền. Sau nhiều lần thuyết minh và giải trình mục đích, yêu cầu, định hướng phát triển, năng lực điều hành, hiệu quả đầu tư… cấp có thẩm quyền nâng lên, đặt xuống và đồng ý. Tòa soạn thở phào và giấc mơ tòa soạn hiện đại theo kịp thời đại sắp thành hiện thực.

Đến ngày nhận được chủ trương đầu tư, tòa soạn chưng hửng: chỉ đầu tư món số một thôi, tức chỉ trang bị hệ thống quản trị các sản phẩm in truyền thống, ba món sau để lại tính tiếp. Lý do: đầu tư cả bốn món tốn kém quá mà chưa biết hiệu quả ra sao?

Vậy là, mọi thứ đã chuẩn bị cho tiến trình đổi mới, chuyển đổi số đành phải gác lại!

Cơi nới "tàu cũ" hay đầu tư "tàu mới"?

Câu chuyện tòa soạn ấy như một bài học cho các thế hệ làm báo tiếp theo. Họ luôn muốn đổi mới nhưng ngại đề xuất đổi mới, chỉ âm thầm làm những gì có thể cải tiến được đến đâu hay đến đấy. Họ chỉ cố cơi nới, chắp vá “tàu cũ” theo cách đầu tư từng phần của tòa soạn về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực để thực hiện các sản phẩm mới, chứ không dám đề nghị đổi mới tòa soạn hoàn toàn để thực hiện các sản phẩm điện tử.

Họ vẫn xác định báo in là sản phẩm chủ lực, còn báo điện tử cố làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, không thể đảo chiều thứ tự đó dù doanh thu báo in ngày càng giảm, doanh thu báo điện tử tăng dần lên.

Chỉ trong một giai đoạn ngắn, các báo điện tử phát triển quá nhanh, thu hút phần lớn bạn đọc và nguồn thu của báo in. Đến lúc tổng doanh thu quảng cáo của báo điện tử vượt qua tổng doanh thu quảng cáo của báo in, tòa soạn mới mạnh dạn xác lập chủ trương báo điện tử là sản phẩm chủ lực, cần đầu tư, không ưu tiên cho báo in nữa.

Con tàu báo điện tử của tòa soạn báo in sau nhiều năm “đạp phanh” đã bị bỏ xa trong làng báo điện tử. Tổng doanh thu đã giảm hơn hai phần ba mặc dù vẫn còn danh xưng thương hiệu lẫy lừng một thời. Nhiều cuộc họp mổ xẻ thực trạng và nguyên nhân được xác định: đầu tư công nghệ quá chậm và quá ít!

Sau khi tái cấu trúc nhân sự, tòa soạn ấy đã xác lập quyết tâm phải đầu tư một tòa soạn điện tử xứng tầm nhưng với chi phí hợp lý vì lúc này nguồn thu đã giảm quá nhiều, không còn đủ khả năng đầu tư toàn bộ hệ thống như từng đề xuất.

Họ cố xoay xở ưu tiên đầu tư hệ thống quản trị các sản phẩm điện tử và kết nối tự động với hệ thống quản trị các sản phẩm in truyền thống. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm liên thông nội dung và dữ liệu xuyên suốt giữa hai hệ thống này.

Vậy còn hai hệ thống quản trị các sản phẩm quảng cáo và lưu trữ dữ liệu thông minh thì sao?

Trong cái khó ló cái khôn! Vì chưa có hệ thống quản trị các sản phẩm quảng cáo, tòa soạn phải giao nhiệm vụ cho bộ phận công nghệ cố gắng tự xây phần mềm, tận dụng hệ thống quản trị các sản phẩm điện tử để quản trị và số hóa các hoạt động kinh tế báo chí. Tất nhiên, “của nhà trồng được” theo kiểu cơi nới khó mà kết nối và vận hành chuyên nghiệp được…

Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa mở “luồng xanh” cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số báo chí diễn ra mạnh mẽ hơn.

Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa mở “luồng xanh” cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số báo chí diễn ra mạnh mẽ hơn.

Không chỉ một nhiều tòa soạn đang hy vọng, Nghị quyết 57 sẽ mở "luồng xanh" thật sự để khai thông ý tưởng, quyết liệt thực hiện các giải pháp thần tốc, táo bạo đổi mới duy cách làm báo thời chuyển đổi số.

Quyết tâm từ Nghị quyết 57

Từ thông điệp và tinh thần của Nghị quyết 57, những tòa soạn của các cơ quan báo chí năng động, sáng tạo đang thể hiện quyết tâm xây dựng tòa soạn số đúng nghĩa để phát huy tối đa nguồn lực và phụng sự được bạn đọc trên các nền tảng số. Họ xác định những gì cần đổi mới sáng tạo cho hoạt động tòa soạn suy cho cùng cũng vì bạn đọc! Tòa soạn phải đổi mới thì mới đủ sức hiểu được cái mới của thực tiễn, truyền được cảm hứng cho đội ngũ làm báo và thúc đẩy, giám sát công cuộc đổi mới của cả xã hội.

Nhìn rộng ra, liệu Nghị quyết 57 có sẵn sàng mở ra cơ hội hình thành những cơ quan báo chí hoàn toàn mới với những tòa soạn mới, tư duy mới, đội ngũ nhà báo năng động, tinh thông công nghệ để đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ, bạn đọc tiềm năng?

Có thể tổ chức lại các cơ quan báo chí cũ trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” hoặc hình thành các tập đoàn báo chí-truyền thông đa phương tiện tự chủ tài chính để tạo bước phát triển đột phá về chất trong lĩnh vực báo chí-truyền thông ở nước ta. Ngay cả ở Cuba đang khó khăn nhiều mặt, họ cũng vừa quyết định cho ra đời một cơ quan truyền thông đa phương tiện (nhân sự trẻ, am hiểu công nghệ) để chiếm lĩnh trận địa thông tin trên không gian mạng.

Tất nhiên, có sinh ắt có diệt! Nếu cơ quan báo chí nào chậm đổi mới, chậm chuyển đổi số, mất dần bạn đọc, teo tóp nguồn thu thì có thể tự hoặc được kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình!

Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn tụt hậu và mất đi độc giả, khán thính giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí.

Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn tụt hậu và mất đi độc giả, khán thính giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí.

Những người làm báo hiện nay đang chứng kiến sự thay đổi mang tính lịch sử của đất nước không thể không tự làm mới mình để theo kịp sự thay đổi ấy.

Ngày xuất bản: tháng 6 năm 2025
Trình bày: VŨ ANH TUẤN
Ảnh: Báo Nhân Dân, Ban Tuyên giáo