
Thực tiễn hoạt động báo chí đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các cơ quan quản lý nhà nước về việc thiết lập, “tu bổ” hành lang pháp lý về báo chí. Trên tinh thần cởi mở, đổi mới, đại diện nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đã kiến nghị, đóng góp vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm bổ sung để các vấn đề mang tính cốt lõi hoàn thiện hơn, phù hợp thực tiễn hơn.
Dự thảo sửa đổi lần này xoay quanh bốn nhóm chính sách lớn, bao gồm: quản lý hoạt động báo chí, nâng chất lượng đội ngũ; phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động trên không gian mạng…
Tháo gỡ “điểm nghẽn” kinh tế báo chí
Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí hiện hành là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hiện thực hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, đồng thời xử lý các bất cập đang tồn tại.
Một trong những vấn đề đang được quan tâm chính là câu chuyện về kinh tế báo chí. Phần lớn các cơ quan báo chí đều cho rằng, Luật Báo chí (sửa đổi) cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, rõ ràng để báo chí có thể chủ động, sáng tạo trong phát triển mô hình kinh tế riêng, bảo đảm mục tiêu độc lập tài chính, đồng thời giữ vững tôn chỉ, đạo đức nghề nghiệp của nền báo chí cách mạng. Dĩ nhiên, không quá kỳ vọng Luật có thể giải quyết một cách triệt để bài toán này nhưng đó sẽ là nền tảng, căn cứ cần thiết để các cơ quan báo chí tiếp tục lộ trình phát triển trước nhiều sức ép hiện nay.
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, hiện nay các nguồn thu của báo chí đều đang gặp thách thức và lực cản lớn. Ông đặt ra vấn đề, không có thực lực thì khó phát triển và nếu không có cơ chế phù hợp sẽ không thể phát triển nền kinh tế báo chí vững mạnh.
Ông Phùng Công Sưởng khẳng định: “Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần tháo gỡ các điểm nghẽn để thật sự “mở đường”cho báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập. Đặc biệt là ở các vấn đề: kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí…”.
Ngoài ra, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong còn quan tâm đến vấn đề liên kết báo chí, "hệ sinh thái" báo chí. Báo chí không thể phát triển nếu không được nhìn nhận như một "hệ sinh thái" truyền thông đa nền tảng.

"Hệ sinh thái" mà ông Sưởng đặt ra cũng là giải pháp mà chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group, đề cập đến. Cụ thể, bàn tới vấn đề này, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, dự thảo luật đưa ra điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển mô hình tổ hợp truyền thông thì nên cho họ quyền phát triển "hệ sinh thái" theo nhu cầu của mình. Cần có quy định chặt chẽ, cụ thể để các cơ quan báo chí sau này phát triển tự do kinh doanh, tự do liên kết. Tất nhiên, hoạt động tự doanh của cơ quan báo chí có thể phát triển nhưng cần kiểm soát để không xa rời hoạt động cốt lõi. “Vì vậy, tôi đề xuất đưa vào dự thảo luật làm sao mở điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động phát triển "hệ sinh thái" báo chí, khai thác các nguồn lực dữ liệu riêng, tạo ra nguồn lực phát triển riêng”, ông Lê Quốc Vinh cho hay.
Bảo vệ được bản quyền của tác phẩm báo chí
Trao đổi về một trong những vấn đề rất thiết thực đối với người cầm bút, bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc TTXVN cho biết, tại Điều 39 Dự thảo Luật quy định: “Cơ quan báo chí phải thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khi đăng, phát tác phẩm báo chí”. Điều này mới chỉ quy định về trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc thực hiện quy định về quyền tác giả, trong khi đối tượng cần bảo vệ là bản quyền đối với tác phẩm báo chí. Do đó, tác phẩm báo chí khi được đăng tải bởi các cơ quan báo chí hay các nền tảng, nhà mạng thì những đơn vị này đều cần thực hiện nghĩa vụ về bản quyền đối với các tác phẩm báo chí đó.
Bà Nguyễn Thị Sự đề nghị, cần quy định rõ hơn trong Dự thảo Luật về nội dung này cũng như có các điều khoản xử lý mạnh mẽ hơn đối với hành vi vi phạm bản quyền, cũng là bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tác giả - các nhà báo.
Đồng quan điểm, thậm chí còn đưa ra giải pháp để xử lý được cả hai “nút thắt” về câu chuyện bản quyền và bài toán kinh tế báo chí, ông Nguyễn Tiến Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục Việt Nam góp ý, Điều 20: Loại hình hoạt động và nguồn thu của cơ quan báo chí, đề nghị bổ sung nội dung quy định: “Doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, doanh nghiệp khác và cá nhân kinh doanh có khách hàng sử dụng sản phẩm báo chí có trách nhiệm thỏa thuận với cơ quan báo chí hoặc đại diện do cơ quan báo chí ủy quyền để thống nhất về vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí; Trong trường hợp không có thỏa thuận, doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh phải có giải pháp kỹ thuật chặn truy cập của khách hàng truy cập và sử dụng sản phẩm của cơ quan báo chí, trừ trường hợp có thỏa thuận thông báo miễn phí chính thức từ cơ quan báo chí”.
Ông Bình cho rằng “chỉ cần trong điều luật đặt ra vấn đề này” thì các cơ quan báo chí sẽ có cơ sở đàm phán với các nền tảng và nhà mạng để cân bằng lợi ích hợp pháp và bảo vệ được bản quyền của tác phẩm báo chí.

Cần có khung pháp lý mới phù hợp không gian mạng
Khung pháp lý phù hợp không gian mạng đang được đặt ra trong bối cảnh môi trường số trở thành môi trường hoạt động chính của báo chí. Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty luật TNHH Trương Anh Tú (TAT Law Firm) cho rằng, cần làm rõ thêm một số nội dung để tránh vướng mắc khi triển khai sau này
Đặc biệt, về nội dung liên quan đến xuất - nhập khẩu báo chí, ông Tú lưu ý: “Dự thảo nên làm rõ hơn về khái niệm xuất bản hiện đại, khi mà các ấn phẩm không còn chỉ tồn tại ở dạng vật lý, mà đã có thể xuyên biên giới dưới hình thức kỹ thuật số. Không gian mạng đang là kênh lan tỏa chính của báo chí, nên cần cập nhật tư duy quản lý phù hợp”.
Luật sư Trương Anh Tú cũng đề xuất, cần làm rõ vai trò của “trang thông tin điện tử tổng hợp”. Luật cần xác định rõ các trang này không phải là tổ chức hoạt động báo chí. Việc quy định các trang điện tử tổng hợp, mạng xã hội chỉ được sử dụng tin bài từ báo chí khi có thỏa thuận là hoàn toàn hợp lý, góp phần bảo vệ bản quyền, trong bối cảnh báo chí chính thống đang bị thu hẹp số lượng ấn phẩm trong khi các trang tổng hợp đăng tải lại nội dung báo chí một cách tràn lan…

Cũng quan tâm đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet thẳng thắn, có nên đưa quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp vào Luật Báo chí (sửa đổi) nữa hay không khi mà trước đây, do điều kiện kỹ thuật, công nghệ, các cơ quan báo chí phải nhờ các trang thông tin điện tử tổng hợp phân phối các nội dung, còn hiện nay, các thông tin đều đã được lan tỏa, phân phối trên nền tảng số?
Rõ ràng, việc công khai, minh bạch thông tin cũng như việc đóng góp ý kiến rộng rãi đã thể hiện tinh thần trách nhiệm từ cơ quan soạn thảo và sự “vào cuộc” tích cực của các cơ quan báo chí trong việc kiến tạo “đường ray” cho báo chí phát triển.