Từng là phóng viên, cán bộ truyền thông doanh nghiệp, biên tập viên và hiện là giảng viên, Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc là một trong số ít gương mặt nữ dẫn dắt đào tạo báo chí-truyền thông theo hướng tích hợp công nghệ đồng thời đề cao năng lực tư duy, khả năng phản biện và tính minh bạch của nghề báo trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI). Nhân dịp 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo Nhân Dân có buổi trò chuyện sâu với chị về hành trình nghề, trách nhiệm người dạy, và lý tưởng giữ lửa nghề báo.
Cần tạo dư địa để nhanh chóng đưa vào những nội dung mới, không thể chờ đợi việc thay đổi theo quy trình
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, cơ duyên nào đã đưa chị đến với nghề báo-một nghề đòi hỏi không chỉ kỹ năng mà còn là lý tưởng sống?
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc: Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống giáo dục và nghiên cứu. Bố tôi là cựu chiến binh, giảng viên lĩnh vực triết học, ngôn ngữ học và văn hóa học, ông ngoại là nhà thư pháp, nhà nghiên cứu Hán Nôm. Từ nhỏ, tôi đã tiếp xúc với không khí học thuật và tinh thần phụng sự. Tôi thấy yêu và mến mộ ngành nghề này. Từ duyên, dần dà, nó trở thành sự nghiệp, niềm yêu thích, và đôi khi tôi nghĩ nó là lý tưởng cá nhân và là cơ hội, để thông qua nghề nghiệp, tôi đóng góp nhiều hơn cho xã hội bằng việc truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm, truyền đi năng lượng tích cực đến thế hệ trẻ.
Phóng viên: Từng trải qua cả vai trò phóng viên, truyền thông doanh nghiệp và giảng viên, chị rút ra được gì từ những trải nghiệm thực tế đó?
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc: Tôi cảm thấy may mắn mình vì có cơ hội trải qua nhiều môi trường làm việc, nhiều vị trí, vai trò khác nhau. Tôi có hơn 10 năm giảng dạy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trước đó làm phóng viên Tạp chí Tư vấn Tiêu dùng-Thời báo Kinh tế Việt Nam và cán bộ truyền thông Tập đoàn Hòa Phát. Khi mới vào nghề, tôi luôn nỗ lực làm nhiều hơn cả các công việc được giao, dù là đi thực tế viết bài ở công trường dự án nhà máy thép, phỏng vấn công nhân, tham gia tổ chức sự kiện và tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn, và sau này là xây dựng tạp chí, website nội bộ, quan hệ báo chí… Những trải nghiệm thực tiễn ấy giúp tôi trưởng thành, định hình bản lĩnh, từ đó có tâm thế vững vàng đứng trên bục giảng; xây dựng bài giảng trực quan, sinh động, có nhiều câu chuyện thực tiễn để kể với sinh viên.

Phóng viên: Chị là người đầu tiên giảng dạy học phần “Sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện”. Điều gì khiến chị theo đuổi hướng đi đó?
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc: Trước đây và bây giờ cũng vậy, tôi may mắn được trưởng thành trong một môi trường đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, và được hỗ trợ từ nhiều người thầy giỏi, đồng nghiệp cùng chí hướng. Khi nền báo chí-truyền thông có những chuyển mình, cơ quan giao nhiệm vụ, chúng tôi nhanh chóng nghiên cứu nội dung và cách thức đưa vào giảng dạy những nội dung quan trọng của báo chí đa nền tảng, truyền thông số để sinh viên sớm tiếp cận và thực hành nghề hiệu quả.
Phóng viên: Trong kỷ nguyên GenAI, điều gì khiến chị quan tâm hàng đầu với tư cách là người làm công tác đào tạo?
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc: Khi quy trình tác nghiệp, nền tảng phát hành và hành vi tiếp nhận thông tin đều đang thay đổi, nhất là dưới tác động của mạng xã hội và công cụ GenAI, các trường đào tạo báo chí không thể đứng ngoài cuộc. Chúng tôi phải chủ động cập nhật và đưa những nội dung mới vào chương trình học một cách linh hoạt, kịp thời-không thể chờ đợi theo quy trình cũ.
Tôi cho rằng, vai trò của người thầy vẫn rất quan trọng trong thời đại số. Họ không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn định hướng tư duy, khơi gợi sự tò mò, và nhắc nhở sinh viên về những nguyên tắc đạo đức, ranh giới pháp lý khi tác nghiệp trên mạng xã hội hay sử dụng GenAI.
Về nội dung giảng dạy, cần mạnh dạn tích hợp các chuyên đề mới như: sử dụng GenAI trong sản xuất tin bài, kỹ năng kiểm chứng thông tin số, hay tư duy kinh doanh sản phẩm truyền thông… Song song đó, nhà trường và tòa soạn nên giới thiệu các nguồn học liệu mở, uy tín-để sinh viên tự học, tự trang bị và làm giàu năng lực cá nhân trong một môi trường truyền thông đầy biến động.
Phóng viên: GenAI đang tác động toàn diện vào nghề báo. Chương trình đào tạo tại Swinburne Việt Nam của chị thích ứng ra sao?
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc: Trong lĩnh vực đào tạo, tôi cho rằng rèn luyện tư duy phân tích, tư duy phản biện của nhà báo, nhà truyền thông càng quan trọng. Khi robot tham gia vào quá trình viết báo, và các công cụ GenAI hỗ trợ rất nhiều trong chu trình sản xuất nội dung thì các nhà báo tương lai càng cần nắm chắc các vấn đề liên quan đến đạo đức và pháp lý. Tất nhiên, chương trình đào tạo cũng cần tích hợp nội dung về các công nghệ mới, chúng tôi đưa vào chương trình đào tạo các môn Chiến lược truyền thông xã hội, Thiết kế truyền thông hình ảnh, Kinh doanh truyền thông, tăng cường nhiều giờ thực hành tại các studio, lab truyền thông và tại doanh nghiệp, cơ quan.
Và trên hết là bảo đảm người làm báo, làm truyền thông tương lai hiểu rõ công cụ mà họ sử dụng, tránh rơi vào tình trạng lệ thuộc hoặc sử dụng sai mục đích, hay vi phạm đạo đức, nguyên tắc nghề nghiệp.
Tôi luôn tâm niệm: “Nhà báo, nhà truyền thông không cần chạy đua với máy móc, mà phải làm chủ nó, cộng tác với nó một cách hiệu quả, minh bạch và chịu trách nhiệm”.
Tôi coi GenAI là cơ hội lớn cho những ai nắm bắt công nghệ nhanh và biết khai thác đúng mục đích. Nhưng tư duy phân tích, phản biện và đạo đức nghề nghiệp vẫn là nền tảng không thể thay thế
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc điều phối tọa đàm trong Hội thảo “Truyền thông đa phương tiện: Con người, Dữ liệu và Công nghệ truyền thông” (ICMC23), tháng 11/2023.
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc điều phối tọa đàm trong Hội thảo “Truyền thông đa phương tiện: Con người, Dữ liệu và Công nghệ truyền thông” (ICMC23), tháng 11/2023.
Giảng viên Ngô Bích Ngọc và sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong chương trình huấn luyện thuộc Chiến dịch truyền thông WikiGap (2018) - Tăng cường thông tin về phụ nữ trên nền tảng Wikipedia, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường mạng và xã hội. Chiến dịch do Bộ Ngoại giao Thụy Điển khởi xướng.
Giảng viên Ngô Bích Ngọc và sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong chương trình huấn luyện thuộc Chiến dịch truyền thông WikiGap (2018) - Tăng cường thông tin về phụ nữ trên nền tảng Wikipedia, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường mạng và xã hội. Chiến dịch do Bộ Ngoại giao Thụy Điển khởi xướng.
Giảng viên Ngô Bích Ngọc dẫn đoàn sinh viên lớp Báo mạng điện tử K38 đi thực tế chính trị-xã hội tại Xã Tú Lệ, Huyện Văn Chấn, Tỉnh Yên Bái.
Giảng viên Ngô Bích Ngọc dẫn đoàn sinh viên lớp Báo mạng điện tử K38 đi thực tế chính trị-xã hội tại Xã Tú Lệ, Huyện Văn Chấn, Tỉnh Yên Bái.

Trung thực, khai phóng, trách nhiệm trong nghề báo
Phóng viên: Trong mắt chị, thế hệ nữ sinh báo chí-truyền thông hôm nay có gì khác biệt?
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc: Các bạn nữ bây giờ rất tự tin và cởi mở. Các em dám nêu chính kiến, đặt câu hỏi và phản biện, thậm chí đề xuất góc tiếp cận mới cho những vấn đề xã hội vốn được xem là “khó”.
Điều tôi ấn tượng nhất là tinh thần chủ động: nhiều sinh viên tự tìm cơ hội thực tập, tham gia dự án truyền thông cho doanh nghiệp hoặc tổ chức phi lợi nhuận, thậm chí xây dựng thương hiệu cá nhân ngay từ năm nhất, năm hai. Bên cạnh thế mạnh chuyên môn, các em còn dành sự quan tâm đến môi trường, bình đẳng giới, sức khỏe tâm thần, công bằng thông tin những chủ đề cho thấy trách nhiệm xã hội rất rõ ràng.
Tuy nhiên, chính sự nhạy cảm ấy cũng dễ khiến các em tổn thương trước áp lực học tập, lựa chọn nghề nghiệp và kỳ vọng từ bên ngoài. Là giảng viên, tôi không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn lắng nghe, đồng hành, giúp các em hiểu bản thân và phát triển năng lực vững vàng từ bên trong.
Phóng viên: Được biết chị từng học tập và làm việc tại nhiều quốc gia, cũng như tham dự các diễn đàn quốc tế lớn. Những trải nghiệm đó có ý nghĩa như thế nào đối với hành trình học thuật của chị?
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc: Những trải nghiệm đó giúp tôi hình thành tư duy mở, sẵn sàng đón nhận sự đa dạng, sự khác biệt và nhanh chóng đáp ứng với tình hình mới, yêu cầu mới dù là trong công việc, hay trong cuộc sống. Kết nối với nhiều bạn bè, đồng nghiệp ở nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều ngành nghề khác nhau cũng giúp tôi cảm nhận cuộc sống của mình rất sinh động.
Nhà báo không cần chạy đua với máy móc, mà phải cộng tác với nó một cách hiệu quả, minh bạch và chịu trách nhiệm.
Phóng viên: Trong vai trò giảng viên, chị không chỉ giảng dạy mà còn chủ trì nhiều hội thảo quốc tế, hợp tác với các tổ chức toàn cầu. Chị kỳ vọng điều gì từ những hoạt động học thuật ấy đối với sinh viên và ngành báo chí trong nước?
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc: Nghiên cứu là nhiệm vụ quan trọng của mỗi giảng viên và mỗi trường đại học. Hướng đến tự do trong học thuật, thông qua các hội thảo, chúng tôi mong muốn tạo ra những diễn đàn thảo luận mở, đặt ra những câu hỏi mang tính thời sự và góp tiếng nói vào diễn đàn học thuật quốc tế. Khi chủ nhiệm các hội thảo quốc tế tập trung vào mối quan hệ của truyền thông, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo như ICMC 2023, ICMC 2024-2025, chúng tôi mong muốn tạo ra những môi trường học thuật như thế. Hợp tác với các tổ chức như Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)…, các đại sứ quán, tổ chức nghiên cứu quốc tế, các doanh nghiệp … cũng giúp tôi tạo cơ hội học tập đa dạng cho sinh viên, thiết kế những trải nghiệm học tập gắn với phát triển bền vững, vì cộng đồng-những điều thiết yếu để đào tạo thế hệ nhà báo, nhà truyền thông vừa nhạy bén, vừa có trách nhiệm xã hội

Phóng viên: Có kỷ niệm nào với nghề khiến chị nhớ mãi không?
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc: Trong một sự kiện gần đây, khi tôi có dịp trò chuyện với bà Rana Flowers- Trưởng đại diện UNICEF tại VN, bà chia sẻ truyền thông cần làm nhiều hơn nữa để đóng góp cho xã hội, còn rất nhiều trẻ em, người thiểu số, phụ nữ chịu thiệt thòi, tiếp cận giáo dục thấp, bất bình đẳng trong phát triển. Bà bảo hãy gửi email đề xuất cho tôi nhé! Tôi cảm ơn lời nhắc của bà và tin tưởng rằng mình được đào tạo là để tiếp tục tinh thần trao truyền, tiếp nối.
Điều quan trọng với tôi là giúp sinh viên hiểu giá trị trung thực và trách nhiệm xã hội của báo chí, bất kể công nghệ thay đổi ra sao
Phóng viên: Nếu chị phải chọn một điều làm kim chỉ nam cho hành trình nghề nghiệp của mình, đó sẽ là gì?
Giảng viên và sinh viên Khoa Truyền thông đa phương tiện trong Lễ khai giảng năm 2025.
Giảng viên và sinh viên Khoa Truyền thông đa phương tiện trong Lễ khai giảng năm 2025.
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc: Tôi chọn ba chữ: trung thực, khai phóng, trách nhiệm. Trung thực với sự thật, khai phóng trong tư duy nghề và có trách nhiệm với mỗi việc mình làm. Tôi vẫn luôn xem mình là “học trò” trong nghề báo - không ngừng học hỏi, làm mới bài giảng và lắng nghe sinh viên. Cuộc sống, công nghệ sẽ còn thay đổi nhiều, nhưng nếu giữ được ba điều đó, chúng ta sẽ không mất phương hướng.
Phóng viên: Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, chị muốn nhắn nhủ điều gì tới lớp phóng viên trẻ?
Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc: Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Nhiều mục tiêu chỉ có thể hoàn thành khi truyền thông đồng hành và dẫn dắt. Vì vậy, các bạn trẻ hãy xem đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Khó khăn của mỗi thế hệ không bao giờ dễ vượt qua, nhưng các bạn có thể biến áp lực thành động lực: học không ngừng, trải nghiệm không ngừng, bồi đắp tri thức và kỹ năng để xây dựng nền tảng vững chắc. Khi nền tảng đủ mạnh, các bạn sẽ sẵn sàng tạo ra những đột phá xứng đáng với tương lai nghề báo.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Ngô Bích Ngọc!
Xuất bản: 6/2025
Tổ chức sản xuất: Hồng Vân
Nội dung: Thuỳ Linh
Trình bày: Kiều Giang
Ảnh: NVCC