Một hợp tác xã nhỏ nơi vùng chiêm trũng Quảng Bình đã trở thành khởi nguồn cho một làn sóng thi đua trong nông nghiệp lan rộng khắp miền bắc. Góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho phong trào thi đua này là những nỗ lực truyền cảm hứng của báo chí cách mạng - không chỉ truyền tin, mà thổi lửa vào phong trào, khơi dậy niềm tin và tạo dựng động lực đổi thay.

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ở nước ta, trong khi quân và dân miền nam căng mình chiến đấu thì nhân dân miền bắc bước vào công cuộc khôi phục kinh tế, đi lên chủ nghĩa xã hội và dồn sức người sức của chi viện cho mặt trận miền nam.

Với hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế miền bắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh miền bắc vừa được giải phóng, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá, nền kinh tế nông nghiệp còn nhiều lạc hậu, việc vừa bảo đảm nguồn lương thực cho nhân dân miền bắc, vừa dồn sức người sức của chi viện cho miền nam thân yêu không hề dễ dàng.

Trong bối cảnh đó, báo chí cách mạng đã trở thành ngọn cờ đầu trong việc khơi dậy tinh thần đoàn kết và ý chí vượt khó của người nông dân. Báo chí không chỉ thực hiện nhiệm vụ truyền tải chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mà còn là công cụ cổ vũ, động viên, truyền cảm hứng để những người nông dân vượt qua khó khăn, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương (ngoài cùng bên phải) cấy lúa cùng bà con xã viên Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Lý Ninh, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tháng 1-1962. Ảnh tư liệu

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương (ngoài cùng bên phải) cấy lúa cùng bà con xã viên Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Lý Ninh, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tháng 1-1962. Ảnh tư liệu

Cơn gió cách mạng từ một hợp tác xã nhỏ

Ở vùng chiêm trũng Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nơi đất đai thấp hơn mực nước biển khoảng 0,8m và thường xuyên ngập úng, cuộc sống người dân vốn khó khăn, gắn chặt với ruộng đồng nghèo khổ. Trước thực trạng ấy, năm 1958, Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới nhằm đổi thay bộ mặt nông thôn.

Phụ nữ Hợp tác xã Ngô Đồng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình mở hội cấy mùa đúng thời vụ, đúng kỹ thuật, tăng năng suất lao động (năm 1970). (Ảnh: Thái Khải/TTXVN)

Phụ nữ Hợp tác xã Ngô Đồng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình mở hội cấy mùa đúng thời vụ, đúng kỹ thuật, tăng năng suất lao động (năm 1970). (Ảnh: Thái Khải/TTXVN)

Từ tiền đề thành công của các hợp tác xã Mỹ Phước và Hạ Đông I, tháng 11/1959, Hợp tác xã Đại Phong ra đời, hợp nhất từ 7 hợp tác xã nhỏ, trở thành hợp tác xã lớn nhất huyện với 446 hộ dân và 925 lao động. Chỉ sau 4 tháng, Đại Phong đã biến điều không tưởng thành hiện thực: gần 200 mẫu đất hoang được khai phá, hoàn thành 40.000m³ công trình thủy lợi, mở rộng diện tích canh tác và đưa vào sản xuất hai vụ lúa mỗi năm.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương thăm trại chăn nuôi bò sữa. Ảnh tư liệu

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương thăm trại chăn nuôi bò sữa. Ảnh tư liệu

Những thành tựu ban đầu nhanh chóng biến Đại Phong từ một hợp tác xã nhỏ thành biểu tượng cách mạng nông nghiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ quan trọng cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”.

Và phong trào thi đua “Gió Đại Phong” ra đời, thổi bùng niềm tin, truyền cảm hứng và mở đường cho một cuộc cách mạng nông nghiệp sâu rộng, với báo chí cách mạng là cánh tay nối dài lan tỏa tinh thần ấy đến hàng triệu nông dân trên khắp miền bắc. Vai trò của báo chí trong giai đoạn này đặc biệt nổi bật khi đồng hành và khuếch đại sức ảnh hưởng của Đại Phong.

Báo Nhân Dân là một trong những đầu báo tiên phong trong việc lan tỏa hình mẫu Đại Phong. Bài báo Ba lần đuổi kịp trung nông của nhà báo Hà Đăng, đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 9/1/1961 đã tạo tiếng vang lớn, mở đầu cho phong trào thi đua Gió Đại Phong. Sau khi bài báo được đăng tải, báo Nhân Dân đã nhận được điện thoại từ Bác Hồ, khen đây là một điển hình tốt.

Ngày 11/1/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Một hợp tác xã gương mẫu" đăng trên Báo Nhân Dân, chia sẻ: “Trong khoảng 3 năm, từ một hợp tác xã nghèo khó phát triển đến 455 hộ sinh hoạt ngang với mức sống của trung nông và đang có đà tiến lên nữa”. Đồng thời khẳng định: “Có kết quả đó là vì: Họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ không sợ khó sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để tiến lên”.

Đến ngày 15/4/1961, dưới bút danh T.L, Người tiếp tục viết: “Khắp cả miền bắc đã có ngót 1.000 hợp tác xã nhận thi đua: Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong…”, như một lời hiệu triệu rộng khắp. Người khẳng định: “Đó là phong trào tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta”.

Loạt bài “Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong!” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đăng trên Báo Nhân Dân (từ ngày 26 đến ngày 28/2/1961)

Loạt bài “Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong!” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đăng trên Báo Nhân Dân (từ ngày 26 đến ngày 28/2/1961)

Loạt bài “Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong!” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đăng trên Báo Nhân Dân (từ ngày 26 đến ngày 28/2/1961) càng làm rõ vai trò lịch sử của phong trào này: “Nền sản xuất nông nghiệp nước ta đã từ tay trung nông chuyển về tay hợp tác xã… Sự chuyển biến đó có ý nghĩa lịch sử, đem lại một cơ sở chính trị vững chắc và một năng lực sáng tạo vô tận”.

Ông nhấn mạnh tư duy mới của người nông dân: “Người xã viên Đại Phong… không chỉ nghĩ đến con trâu, cái cuốc mà đã bắt đầu nghĩ đến ca-nô, máy kéo”.

Không chỉ có Báo Nhân Dân, hàng loạt cơ quan báo chí khác cũng tham gia lan tỏa tinh thần Đại Phong mạnh mẽ. Từ các báo lớn như Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Cứu quốc, Tiền phong, Phụ nữ, Độc lập, Tổ quốc cho đến Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã, tất cả đều coi Đại Phong là chủ đề trọng tâm, thường xuyên đưa tin, phóng sự, bài viết cổ vũ phong trào.

Những khẩu hiệu như “Trai Đại Phong”, “Gái Đại Phong”, “Xã viên Đại Phong” nhanh chóng trở thành biểu tượng của tinh thần thi đua yêu nước, lan rộng khắp miền bắc.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nói chuyện với các đại biểu nông dân về công tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp (năm 1957). Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nói chuyện với các đại biểu nông dân về công tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp (năm 1957). Ảnh tư liệu

Báo chí không chỉ ghi nhận thành tích cụ thể về sản xuất mà còn khắc họa sống động hình ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh “bám đồng, lội ruộng”, sát cánh cùng nông dân trong từng công việc đồng áng. Chính nhờ một phần vào sức mạnh của truyền thông, Đại Phong từ một địa phương ít ai biết đã trở thành điểm đến học hỏi của cán bộ, kỹ sư và cả các đoàn khách quốc tế.

Ngọn cờ cổ vũ thi đua trên mặt trận nông nghiệp

Ngay từ trước khi Đại Phong trở thành biểu tượng cách mạng trong nông nghiệp, báo chí cách mạng đã đặt nền móng vững chắc, tạo tiền đề và đòn bẩy cho những phong trào cổ vũ nông nghiệp mạnh mẽ sau này.

Khi tờ Tấc Đất ra đời vào ngày 7/12/1945 và đăng tải bài “Gửi nông gia Việt Nam” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thổi bùng làn sóng mới về vai trò quan trọng của người nông dân và ý nghĩa lịch sử của nông nghiệp đã được thổi bùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành Nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23/5/1957. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành Nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23/5/1957. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp, báo chí tiếp tục là lực lượng tiên phong cổ động, tuyên truyền các chính sách giảm tô, khuyến khích tăng gia sản xuất, củng cố hậu phương vững mạnh. Ngày 24/9/1949, trong bài viết “Việt Bắc quyết thắng”, Bác khẳng định mỗi nông dân là một chiến sĩ xung phong trên mặt trận nông nghiệp. Thực hiện lời dạy đó, báo chí cách mạng đã sát cánh cùng nông dân, biến hậu phương thành pháo đài vững chắc, bảo đảm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, góp phần quyết định cho thắng lợi chung của dân tộc.

Trên mặt trận nông nghiệp, mỗi đồng bào nhà nông phải một chiến xung phong. Chiến trước mặt trận thì xung phong giết giặc bằng súng đạn. Chiến nhà nông thì xung phong giết giặc bằng cày cuốc, nghĩa phải xung phong tăng gia sản xuất, để giúp cho bộ đội đủ ăn đủ mặc để đánh giặc.
Bác trong bài “Việt Bắc quyết thắng”

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có chỉ đạo trực tiếp việc sử dụng báo chí để thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất. Trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 24/9/1952, Bác đã nhấn mạnh yêu cầu cán bộ cao cấp phải viết bài cổ động thi đua đăng báo Đảng như một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Tinh thần chỉ đạo cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu của Bác đã giúp báo chí trở thành cầu nối hiệu quả giữa Đảng và nhân dân.

Bước vào giai đoạn 1953-1956, khẩu hiệu “Người cày có ruộng” trở thành hiện thực sống động nhờ sự cổ vũ tích cực từ báo chí. Các đầu báo như Báo Nhân Dân, Cứu Quốc, cùng hệ thống báo địa phương, đã nhiệt thành đưa tin, phản ánh những tấm gương tiên tiến, giúp lan tỏa phong trào thi đua sản xuất rộng khắp miền bắc, tạo sức mạnh tổng hợp cho công cuộc tái thiết và phát triển.

Chính từ những hiệu ứng tích cực ấy, báo chí đã không chỉ dừng lại ở việc tường thuật mà còn chủ động kiến tạo không gian để nông dân và cán bộ cùng giao lưu, học hỏi, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

 Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân.

 Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân.

Ngày 1/4/1958, Báo Nhân Dân cho ra mắt chuyên trang phát hành 2 kỳ mỗi tuần viết riêng cho bạn đọc nông thôn. Trong lời nhắn gửi đến bạn đọc, Báo Nhân Dân nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của chuyên trang là “giúp các bạn biết rõ mọi mặt đời sống và công tác ở thành thị và nông thôn”. Với mong muốn “nhiều bà con sẽ mua báo và đọc báo. Mỗi thôn, mỗi tổ đổi công, tổ nông hội, hợp tác xã, tổ phụ nữ, tổ thanh niên, …. nên có một tờ báo. Các đồng chí đảng viên, các đoàn viên thanh niên lao động hãy hăng hái cổ động cho tờ báo của Đảng và đọc báo cho bà con nông dân nghe”.

Đặc biệt, trong thời kỳ miền bắc khôi phục kinh tế sau chiến tranh, báo chí đã phát huy tối đa vai trò của mình trong tuyên truyền về phục hồi sản xuất và phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Các phong trào như “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên hải”, “Ba đảm đang” hay “Thủy lợi hóa nông nghiệp” được báo chí tích cực tuyên truyền.

Những bài viết trên Nhân Dân và Quân đội nhân dân thường xuyên đăng tải các gương điển hình, từ đó khơi dậy tinh thần thi đua giữa các địa phương và hợp tác xã. Nhiều cây bút uy tín như Hữu Thọ, Phan Quang, Hà Đăng, Hải Như đã thực hiện những loạt bài phóng sự sâu sắc, phản ánh chân thực về tình hình hợp tác hóa ở nhiều địa phương như Thái Bình, Hải Dương, Sơn Tây.

Phong trào Thanh niên "Ba sẵn sàng" của Thái Bình: Người lên đường chiến đấu, người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn, (tháng 8/1964), sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Phong trào Thanh niên "Ba sẵn sàng" của Thái Bình: Người lên đường chiến đấu, người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn, (tháng 8/1964), sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Những bài báo như Hợp tác hóa ở Thái Bình, Vài nét về phong trào, Mấy kinh nghiệm tốt trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Hải Dương (Nhân Dân, ngày 10/4/1959) của Hà Đăng, Phát động tư tưởng tốt, lập hợp tác xã tốt của Hữu Thọ (Nhân Dân, ngày 15/5/1959), Mấy ý kiến về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Sơn Tây, điều tra của Phan Quang, Thanh Sơn và Hồng Thái (Nhân Dân, ngày 21/5/1959) đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hợp tác xã, tạo nền móng cho Đại Phong sau này.

Những năm sau đó, trong bối cảnh địch tăng cường đánh phá miền bắc, các phong trào thi đua sản xuất trong nông nghiệp vẫn diễn ra sôi nổi và rộng khắp. Tháng 2/1969, Tạp chí Học tập có bài “Tình hình hợp tác hóa nông nghiệp ở Vĩnh Phúc”, cho biết: “Yên Trường thực hiện ba mục tiêu trong nông nghiệp: lúa đạt hơn 5 tấn một héc-ta, bông đạt 1,37 tấn một héc-ta, lợn đạt 3,4 con lợn một héc-ta gieo trồng, lao động đạt 1 lao động làm 0,91 héc-ta gieo trồng”.

 Bác Hồ đã tặng cho xã Vĩnh Kim chiếc máy cày Zero-25K do nước bạn Tiệp Khắc tặng để khen thưởng và cũng để người dân dùng tăng gia sản xuất.

 Bác Hồ đã tặng cho xã Vĩnh Kim chiếc máy cày Zero-25K do nước bạn Tiệp Khắc tặng để khen thưởng và cũng để người dân dùng tăng gia sản xuất.

Trong suốt những năm tháng hào hùng ấy, báo chí cách mạng đã chắp cánh cho các phong trào tiên phong trong nông nghiệp, đưa nó vượt khỏi địa phương, trở thành nguồn cảm hứng, cổ vũ cho phong trào thi đua sản xuất người nông dân miền bắc. Từ những bài viết đầy cảm hứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đến hàng loạt phóng sự, xã luận của các tờ báo lớn, các phong trào sản xuất, những tấm gương điển hình đã được nhân rộng, trở thành động lực thi đua mang tính lịch sử.

Ngày nay, dù bối cảnh nông thôn đã đổi thay, dù công nghệ truyền thông đã mở ra những nền tảng mới, từ báo chí dữ liệu, podcast đến mạng xã hội, vai trò của báo chí cách mạng vẫn giữ nguyên cốt lõi: là cầu nối giữa chính sách và người dân, là tiếng nói dẫn dắt đổi mới tư duy, là nguồn động lực cho phát triển bền vững. “Gió Đại Phong” không chỉ là một ký ức vàng son, mà là biểu tượng sống động cho sứ mệnh chưa dừng lại của báo chí cách mạng: tiếp tục đồng hành, cổ vũ và thổi luồng sinh khí mới cho nông thôn Việt Nam nơi mỗi trang báo không chỉ đưa tin, mà khơi dậy niềm tin.

Ngày xuất bản: 25/6/2025
Tổ chức: Nam Đông
Nội dung: Hải Yến
Trình bày: Bảo Minh