Ảnh đăng trên Báo Nhân Dân.

Ảnh đăng trên Báo Nhân Dân.

Đa năng, sáng tạo, nhiều góc nhìn độc đáo, có tính phản biện cao và dễ dàng thích ứng với sự thay đổi của thế giới công nghệ, không ít Gen Z (nhóm bạn trẻ sinh trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2012) đã tạo được dấu ấn riêng trong hành trình làm báo. Không giàu kinh nghiệm như thế hệ đi trước, thế nhưng, phóng viên Gen Z luôn biết cách mang đến “làn gió mới” cho từng tác phẩm để không bị lẫn giữa tòa soạn đa sắc mầu.

Trưởng thành từ trải nghiệm thực tế

Năm 2020, ngay khi trở thành phóng viên chính thức của Tạp chí điện tử Tri thức (Znews), Nguyễn Duy Hiệu được điều chuyển từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Với Hiệu, đó là chuỗi thời gian rèn luyện đáng nhớ cùng nghề. Chưa kịp nhớ tên đường hay có dịp làm quen đồng nghiệp mới, Hiệu đã liên tục túc trực tại các “điểm nóng” trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội để ghi chép những câu chuyện, lưu lại các bức ảnh, thước phim. Áp lực nghề nghiệp và cảm giác lo âu trong giai đoạn thành phố Hồ Chí Minh “đóng cửa” đôi lúc khiến nam phóng viên trẻ thấm mệt.

Nặng nề nhất là chuỗi ngày theo chân các đội mai táng thiện nguyện hay có mặt tại khoa hồi sức cấp cứu thuộc các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Ở đó, mọi thứ nhuốm màu tang thương khiến Hiệu thấy lòng chùng xuống. “Tận mắt chứng kiến những điều chưa bao giờ tưởng tượng ra, cảm xúc tôi đôi lúc bấp bênh. Thế nhưng, tôi biết mình có mặt ở đó để làm gì nên tìm cách cân bằng mọi thứ, tập trung tối đa vào công việc. Tôi lắng nghe nhiều nguồn thông tin, đầu tư thời gian chọn lát cắt hay, nhân vật đặc biệt đưa vào từng bài viết, phóng sự ảnh trong suốt đợt dịch. Đó là khoảng thời gian đáng nhớ, giúp tôi nhanh nhạy hơn và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm”, Hiệu kể lại chuyện của 5 năm về trước.

“Những lễ tang lặng lẽ giữa dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh” là tên phóng sự khiến Hiệu xúc động nhất mỗi khi nhắc lại những ngày đầu vào thành phố làm việc. Miệt mài tác nghiệp và nỗ lực tạo nhiều tác phẩm mang phong cách riêng, Hiệu trở thành một trong số 73 phóng viên ảnh trên toàn thế giới tham gia chương trình “Global Moment in Time: Photojournalists Document Challenges and Opportunities in the COVID Era” (tạm dịch - Chương trình Khoảnh khắc toàn cầu: Nhiếp ảnh gia báo chí ghi lại thách thức và cơ hội trong kỷ nguyên COVID). Năm 2022, anh được trao Huy chương vàng tại giải thưởng Truyền thông Kỹ thuật số Châu Á do WAN-IFRA tổ chức ở hạng mục “Nhiếp ảnh liên quan đến Covid-19 xuất sắc nhất”. Hơn cả sự công nhận hay giải thưởng, Hiệu nói, món quà anh có được sau giai đoạn thử thách ấy là sự chín chắn, bình tĩnh hơn khi đối diện với khó khăn để làm nghề.

Nguyễn Duy Hiệu tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Duy Hiệu tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Mới đây, những bài viết, phóng sự ảnh của Hiệu về đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước cũng tạo được hiệu ứng tốt trên các nền tảng mạng xã hội. Nhận về nhiều lời khen, Hiệu khiêm tốn cảm ơn và chia sẻ: “Điều may mắn là Ban biên tập tin tưởng và luôn tạo cơ hội để những phóng viên trẻ như tôi sáng tạo hết mức, mang đến những góc nhìn mới lạ, khác biệt so với mặt bằng chung”. Chính việc được đề xuất giải pháp và thoải mái thể hiện góc nhìn, phản biện bảo vệ đề tài đã giúp một phóng viên Gen Z như Hiệu phát huy tối đa thế mạnh của người trẻ làm báo. Anh cũng tận dụng sức mạnh của các nền tảng mạng xã hội hỗ trợ cho việc tiếp cận, khai thác, lan tỏa đề tài hay học hỏi kinh nghiệm làm nghề của những đồng nghiệp đi trước.

Khi được tin tưởng, trao cơ hội

Sinh năm 2002, Phùng Tiên hiện là phóng viên trẻ nhất của Ban Báo chí chuyên sâu (Spotlight), báo VnExpress và đã sở hữu nhiều tác phẩm được đánh giá cao về sức lan tỏa, độ ảnh hưởng. “Vòng xoáy di cư” là tác phẩm báo chí độc lập đầu tiên của Tiên tại tòa soạn này. Cô mất hơn 1,5 tháng với tổng cộng 5 lần chỉnh sửa mới hoàn thiện. Tiên kể lại: “Trước kia, tôi luôn tự tin mình là người viết và chụp ảnh ổn. Với đề tài ấy, tôi nghĩ chậm nhất khoảng hai tuần sẽ xong. Nhưng đi vào thực tế, mọi thứ hoàn toàn khác. Những bài học bắt đầu xuất hiện. Bản thảo đầu tiên gửi đi, tôi được nhận xét “Bài giống nghiên cứu khoa học quá em ơi!”. Bản thứ hai, bài viết được công nhận đã có tính báo chí nhưng “mọi thứ không liên kết với nhau”. Đến bản thứ năm, bài viết mới được đăng. Từ thời điểm ấy, tôi biết, mình cần thay đổi để thích nghi với công việc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và kiến thức của bộ phận làm báo chuyên sâu”.

Bài viết đầu tiên đạt hơn 100 nghìn lượt xem với hơn 100 bình luận, Tiên vui lắm. Càng vui hơn khi nhận về nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn từ các anh chị đi trước để bài viết sau chỉn chu, ấn tượng hơn. Với mỗi phóng sự chuyên sâu, bên cạnh việc phát hiện đề tài hay, cách khai thác, phỏng vấn, thống kê dữ liệu là điều không hề đơn giản. Là người mới, chưa đủ kinh nghiệm lẫn kiến thức chuyên môn nên khi báo cáo đề tài, đôi lúc Tiên cảm thấy áp lực vì sợ không đủ sức đảm đương. Vậy mà, chỉ cần nghe cấp trên dặn dò “Cứ đi thử xem có câu chuyện nào đặc biệt không”, cô như có thêm động lực để mày mò, tìm cách hoàn thành công việc thật tốt. Nữ phóng viên Gen Z thổ lộ, khi được tin tưởng, người trẻ như cô nhận thấy bản thân phải cố gắng nhiều hơn để không phụ lòng tin.

Phóng viên Gen Z Phùng Tiên. Ảnh nhân vật cung cấp

Phóng viên Gen Z Phùng Tiên. Ảnh nhân vật cung cấp

Tiên chọn tập trung khai thác các đề tài xã hội với mong muốn có thể dùng con chữ, hình ảnh tạo nên những tác phẩm có tính lan tỏa, tác động tích cực đến một nhóm người cụ thể trong xã hội. Sau hơn một năm làm nghề, cô tự nhận mình đã biết cách “hạ cái tôi” và kiên nhẫn hơn khi gặp thử thách. Từng được đánh giá cao ở vai trò phóng viên chuyên thực hiện tin ảnh, phóng sự ảnh, khi chuyển sang lĩnh vực mới, Tiên hơi chủ quan trong việc quản lý thời gian. Thế nên, ngay khi bắt tay vào thực hiện sản phẩm chuyên sâu đầu tiên, mọi thứ trở nên nặng nề.

“Sống trong một đề tài quá nhiều ngày, thật sự ban đầu tôi cũng cảm thấy ì ạch, không ít lần muốn bỏ cuộc. Nhưng người hướng dẫn vẫn ở đó, kiên nhẫn giúp tôi nhận ra bản thân đang phát triển và chỉ cho tôi biết cần làm gì tiếp theo. Tôi bắt đầu học từ những người đi trước, bổ sung thêm các kiến thức còn thiếu với thái độ nghiêm túc và cầu thị hơn. Với một Gen Z làm báo như tôi, từ khóa quan trọng nhất là “trao cơ hội”. Nếu người trẻ được tạo môi trường để vừa học vừa làm, được thử sức trong các sự kiện lớn thì chắc chắn sẽ sớm trưởng thành”, Tiên chia sẻ.

Gen Z mong có thêm nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp

Trần Thúy Hường (22 tuổi), phóng viên báo Dân trí: >Mong muốn một môi trường làm nghề công bằng, được ghi nhận đúng mức và có cơ hội để học hỏi, phát triển lâu dài. Phóng viên Gen Z không ngại áp lực, không ngại vất vả, vì hiểu rằng nghề báo là một hành trình cần sự bền bỉ và bản lĩnh. Nhưng điều giúp tụi em gắn bó được với nghề chính là cảm giác mình đang đi đúng đường, rằng nỗ lực của mình được nhìn thấy, được trao cơ hội thử sức và luôn có những người thầy, người đi trước sẵn sàng chia sẻ, dìu dắt. Việc được cập nhật các xu hướng làm báo hiện đại, đa phương tiện cũng vô cùng cần thiết.

Ngô Thanh Chiêu (25 tuổi), cộng tác viên báo Sài Gòn giải phóng: Là một phóng viên trẻ, tôi nhận thấy bản thân cần phải nỗ lực gấp nhiều lần trong quá trình làm nghề. Học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước, rèn luyện tính kiên trì trong công việc, tiếp cận và làm quen với những công nghệ mới... Đặc biệt là luôn làm mới các sản phẩm để bắt kịp xu hướng nhưng vẫn giữ được bản sắc cá nhân. Tôi nhận thức rõ bản thân phải rạch ròi giữa công việc và cảm xúc, hạn chế nhảy việc, xây dựng lộ trình phát triển để có thể bám trụ và giữ lửa với nghề. Song song với trau dồi nghiệp vụ, thái độ trong công việc cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.

E-Magazine | Nhandan.vn
Nội dung: MỸ DUNG
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trình bày: Vân Thanh