
Khoảng đầu tháng 6/1997, nhà báo Hữu Thọ họp Hội đồng chấm giải báo chí về, đi thẳng vào Ban Thư ký-Biên tập, Báo Nhân Dân. Giọng phấn khích, ông nói với tất cả những người có mặt: “Hội đồng chấm giải vừa nhất trí trao giải A cho loạt bài “Hành trình đến với cộng đồng”. Chỉ riêng việc nó dám khoác ba-lô lang thang mấy tuần trong rừng, đến từng hang đá của các tộc người sắp bị diệt vong đã xứng đáng trao giải!”. Dừng một lát, ông như tự nói với riêng mình: “Nếu như rất khó có thể làm đồng nghiệp ngả mũ vì tài năng, thì chúng ta luôn có thể khiến đồng nghiệp ngả mũ vì mồ hôi ta đổ ra cho mỗi bài viết!”.
Vào thời điểm đó, nhà báo Hữu Thọ đang là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nhưng những tâm huyết thôi thúc ông trở về 71 Hàng Trống, nơi ông gắn bó gần cả cuộc đời để chia sẻ. Với số đông năng lực còn hạn chế như chúng tôi hồi đó, câu nói ấy của ông đủ mở ra một định hướng nghề, định hướng cuộc đời!
Khi chúng tôi vào Báo Nhân Dân, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhà báo Hữu Thọ đã là một cây đa, cây đề trong làng báo. Dù đang là Phó Tổng Biên tập, cái uy của ông lúc đó đã lớn đến mức nhiều lãnh đạo ban chuyên môn, phóng viên lâu năm thấy ông từ xa là bất chợt chuyển sang rón rén, thều thào. Sợ hơn cả Tổng Biên tập Hà Đăng khi ấy. Với loạt bài về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, ông là một trong những nhân tố đóng góp thúc đẩy công cuộc Đổi mới của Đảng, của đất nước. Đám phóng viên trẻ chúng tôi vẫn liên tưởng ông với nhân vật Bố già, như từ đời bước thẳng vào phim, khỏi cần hóa trang. Người đương thời gọi ông là Người hay cãi, cũng là tên một cuốn sách của ông, xuất bản năm 1991. Ông hay cãi và ông luôn khuyến khích cấp dưới cãi mình. Hoặc là phải cãi đúng, nếu không, phải cãi hay! Ông thường bảo thế!
Có lần, vừa đi họp Quốc hội về, vào duyệt ma-két ở Ban Thư ký-Biên tập, ông quát: “Cả nước ủng hộ, giúp đỡ đồng bào bị bão lụt. Ủng hộ cũng là giúp đỡ, thừa chữ rồi!”. Cả kíp trực tê dại, đông cứng. Đơn giản vậy mà không ai nghĩ ra! Trước đây, cứ mỗi lần thiên tai, bão lũ, Báo Nhân Dân lại đăng tin tổng hợp, với dòng tít như thế. Đúng là kém thật, nhưng mắng ra như thế, thảm hại quá. Gom chút can đảm vụn, tôi lắp bắp: “Thưa chú, ủng hộ và giúp đỡ giống nhau nhưng có khác nhau. Ủng hộ hướng về tinh thần, giúp đỡ hướng về hành động”. Ông nhìn tôi qua phía trên cặp kính cận rồi bảo: “Cũng có lý, ủng hộ đôi khi chỉ là thái độ, cho giữ lại tít cũ”. Thật ra, ông quát là hoàn toàn chính xác. Nhưng có lẽ ông đã nương nhẹ cho những nỗ lực trong tuyệt vọng, hoặc là không nỡ làm mất tinh thần của chúng tôi.
Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ tại tọa đàm về nghề do Báo Nhân Dân hằng tháng tổ chức năm 2014. (Ảnh: DƯƠNG MAI)
Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ tại tọa đàm về nghề do Báo Nhân Dân hằng tháng tổ chức năm 2014. (Ảnh: DƯƠNG MAI)
Nếu như rất khó có thể làm đồng nghiệp ngả mũ vì tài năng, thì chúng ta luôn có thể khiến đồng nghiệp ngả mũ vì mồ hôi ta đổ ra cho mỗi bài viết!
---Nhà báo Hữu Thọ---
Với sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống, ông được nhiều người, trong đó có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước duy trì kết nối chỉ để thỉnh thoảng được nghe một lời khuyên - ngôn ngữ hiện đại gọi là tư vấn. Tôi được nghe kể lại, và cũng đôi lần được chứng kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Tổng Bí thư Đỗ Mười đều lắng nghe ý kiến của ông. Gần với lãnh đạo cấp cao của Đảng nhưng chưa bao giờ ông xa cách đồng nghiệp, cấp dưới và người dân. Những hiểu biết sâu sắc của ông hình thành từ sự kết nối đặc biệt ấy. Nên có những việc phức tạp, ông xử lý thật nhẹ nhàng, hiệu quả. Thời đó, Báo Nhân Dân có phóng viên thường trú là Hữu Vân, tốt tính, chu toàn, trách nhiệm. Một lần nhậu vui sau giờ làm việc, anh đã làm ảnh hưởng đến đoàn công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng đang nghỉ ở nhà khách Tỉnh ủy. Tin về 71 Hàng Trống. Cả báo điếng người. Chắc chắn phải kỷ luật rồi. Lúc đó, cũng đang ở Ban Thư ký-Biên tập, tôi nghe ông càu nhàu: “Ôi, cái thằng Hữu Vân nhìn người khác uống nó còn say. Có biết uống rượu đâu mà để nó uống. Thôi, để tôi báo cáo Văn phòng Tổng Bí thư cho nó rút kinh nghiệm”. Phóng viên Hữu Vân và cả Báo Nhân Dân rút kinh nghiệm một lần tới già, mà không có kỷ luật gì hết.
Lớp phóng viên hậu sinh chúng tôi thường tìm những tác phẩm báo chí tiêu biểu của thế hệ trước, để học hỏi và nếu có thể thì... chê bai đôi chút, chỗ này chỗ khác để cố chứng tỏ mình cũng có thể làm nên chuyện. Đọc lại tác phẩm của nhà báo Hữu Thọ là một công việc nặng nhọc vì ông viết khỏe và viết kỹ, không thể đọc nhanh. Ngắm chồng bản thảo của ông, bất chợt nhớ cảm giác ngồi trước chồng sách giáo khoa vào trước mỗi kỳ thi. Nhà báo Hải Đường, một cây bút kỳ cựu của Báo Nhân Dân rất phục nhà báo Hữu Thọ ở phẩm chất viết khỏe, viết nhanh, chỉ 40 phút là xong một bài báo cho chuyên mục “Chuyện làm ăn”, hoặc “Bàn góp sự đời”. Thực tế còn hơn thế nhiều! Mỗi chuyên mục, ông thường để sẵn bài. Mỗi khi đăng gần hết, nhắc ông. Vài giờ sau, ông gọi sang lấy, mỗi lần năm, sáu bài về đánh máy đăng dần. Trong tuyển tập các tác phẩm đoạt giải báo chí Hội Nhà báo và Giải Báo chí quốc gia của các phóng viên Báo Nhân Dân, ông có sáu tác phẩm, trong đó năm tác phẩm đoạt giải Nhất liên tiếp. Đây là điều rất đặc biệt. Có lẽ mỗi khi tìm được đề tài hay, ông luôn đi đến tận cùng vấn đề và thể hiện thật trọn vẹn. Làm được vậy là rất rất khó, dù chỉ một lần.
Quyết liệt là vậy, nhưng thật ngỡ ngàng khi biết điều ông tâm đắc nhất là: Làm gì cũng phải có một đường lùi. Bài báo “Qua 10 hợp tác xã khoán sản phẩm cây lúa - Nhiều nơi muốn khoán sản phẩm đến người lao động”, đoạt Giải thưởng báo chí Bông lúa vàng năm 1981, giải Nhất, thể loại Điều tra. Đây là một trong những đỉnh cao sự nghiệp của ông, đóng góp quan trọng thúc đẩy sự ra đời Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa VI, ngày 5/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, thường gọi là Nghị quyết khoán 10. Đọc lại bài báo, thông tin tỉ mỉ, thuyết phục, nhưng thấy rõ bao nhiêu chủ kiến của tác giả đều được ẩn sau những ý kiến của người dân, chủ nhiệm hợp tác xã, bí thư huyện ủy... Biết ông tâm huyết với khoán hộ, biết ông gần gũi với Bí thư Kim Ngọc mà cảm xúc, lời lẽ trong bài báo cứ nén chặt lại, khách quan tối đa. Bảy năm sau khi Báo Nhân Dân đăng loạt bài về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, sáu năm sau khi bài báo được trao giải, cũng chính là một sự thừa nhận rộng rãi, Nghị quyết khoán 10 ra đời, mở đường cho đổi mới kinh tế. Chắc hẳn là khi viết bài báo đó, nhà báo Hữu Thọ đã hình dung được rằng, từ nhận thức đến hành động là cả một hành trình dài với không ít thử thách, gian nan, ngang trái.
Đã thành công và trở thành lãnh đạo Báo Nhân Dân rồi Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, ông vẫn là con người máu lửa với nghề báo. Điều này dường như là một nhược điểm đối với một nhà chính trị. Mỗi khi máu nghề, ông lại như quên vị trí của một nhà lãnh đạo, một nhà chính trị. Mà máu nghề trong ông, đâu có hiếm!
Khi nghe tôi nhắc kỷ niệm về loạt bài “Hành trình đến với cộng đồng”, nhà báo Minh Toản, giờ là Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong xúc động nhớ lại: Hồi đó, anh đi theo dấu của bốn nhóm tộc người Rục, A Rem, Mã Liềng, Ma Coong đang gần bị diệt vong ở vùng sâu Quảng Bình. Hơn hai tuần lội rừng, đoạn nào không đi được thì đi nhờ xe zin-130 bên quân đội. Lấy xong tư liệu thì sụp vì kiệt sức, sốt rét rừng. Thuốc thang mãi mới hồi hồi, anh viết bài khi chưa nguôi cơn sốt rét. Nhắc lại câu nói của nhà báo Hữu Thọ, anh bồi hồi: Chính nhờ những giám khảo công tâm, trọng nghề, trọng lao động như thế, anh em mình mới giữ được lửa nghề đến tận bây giờ!
Một số ấn phẩm của nhà báo Hữu Thọ do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và tái bản.
Một số ấn phẩm của nhà báo Hữu Thọ do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và tái bản.
Đã vài lần được nghe nhà báo Hữu Thọ khen Nguyễn Thế Thịnh, đủ để nhớ chết tên cũng là bút danh của anh. Cùng nhớ về ông, nhà báo Nguyễn Thế Thịnh chia sẻ: Có lần bác Thọ nói với anh Phan Khắc Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin và anh Đỗ Quý Doãn lúc đó là Vụ trưởng: Quảng Bình nhà ông lớp sau này có Nguyễn Thế Thịnh làm báo được lắm! Với anh Thế Thịnh, dù đã đoạt nhiều Giải Báo chí quốc gia, sự ghi nhận của nhà báo Hữu Thọ là một đỉnh cao nghề nghiệp.
Suốt bao năm qua, nhà báo Hữu Thọ đã đồng hành cùng đất nước, cùng đồng nghiệp. Đời làm báo lắm khúc gian truân, tôi thường nhớ đến ông và tin rằng ông sẽ hiểu, sẽ đồng ý với mình. Có một người đồng hành vong niên như ông, thật ấm lòng để vững bước!
Xuất bản: Tháng 6/2025
Trình bày: NGỌC BÍCH