Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay, trong bối cảnh thông tin thật, giả đan xen và sự thâm nhập rất sâu của AI trong đời sống... đã buộc các nhà báo gánh vác một sứ mệnh lớn lao: “Là người kiểm chứng thông tin, chứ không cần là người đưa tin sớm nhất như trước đây”. Để gánh vác được sứ mệnh đó, nền tảng tri thức và đạo đức nghề nghiệp, phẩm cách cá nhân vẫn mãi mãi, luôn luôn là yêu cầu bắt buộc của người làm báo.

Sự hội tụ đa phương tiện giúp VOV đáp ứng linh hoạt nhu cầu thông tin đa dạng

Trong hành trình 80 năm xây dựng và phát triển, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã luôn thể hiện vai trò là cơ quan truyền thông chủ lực, đa phương tiện hàng đầu tại Việt Nam. Nhìn lại hành trình 80 năm qua, theo đồng chí, VOV đã thể hiện vị thế tiên phong, chính thống trong truyền thông, thông tin về những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ như thế nào?

Trong 100 năm lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) tự hào và vinh dự là Cơ quan báo chí đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập vào ngày 7/9/1945. 80 năm trong hành trình một thế kỷ báo chí Cách mạng Việt Nam, Đài TNVN đã giành được nhiều thành tích vẻ vang; trong đó có những đóng góp đặc biệt xuất sắc.

Đài TNVN là phương tiện thông tin nhanh nhất, rộng khắp nhất để truyền bá những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, phản ánh kịp thời diễn biến tình hình trong nước và thế giới, là cầu nối giữa Trung ương và địa phương, giữa Chính phủ và nhân dân, kênh thông tin quan trọng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Đài phát sóng với 12 thứ tiếng nước ngoài và tiếng Việt có thể đến với nhiều khu vực quan trọng trên thế giới. Đài có các chương trình phát thanh bằng 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam. Ngay việc lấy tên Đài “Tiếng nói Việt Nam”, như nhà báo Trần Lâm, Tổng Biên tập đầu tiên của Đài khẳng định là một lựa chọn sáng suốt và đầy ý nghĩa lịch sử, có giá trị lâu dài đến hôm nay và mãi mai sau, là biểu tượng thiêng liêng của đất nước.

80 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã hoà trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như giai đoạn  đổi mới và vươn mình  hôm nay.

Khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, Đài Tiếng nói Việt Nam có nhiều cải tiến để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của nhân dân. Cũng như các cơ quan báo chí khác, từ phát thanh đơn tuyến với 1 kênh sóng tổng hợp phục vụ mọi đối tượng thính giả, Đài đã bước vào quá trình “phi đại chúng hóa” với việc ra đời thêm các kênh sóng chuyên sâu về nội dung để phục vụ công chúng chuyên biệt như: Thời sự chính trị (VOV1), Văn hóa - Xã hội (VOV2), Phát thanh Đối ngoại (VOV5). Đặc biệt, năm 1990, Đài TNVN đã ứng dụng công nghệ phát thanh hiện đại phát sóng FM hệ Âm nhạc giải trí (VOV3).

Đây là bước đột phá về công nghệ ở thời kỳ đó, đem đến cho công chúng bữa tiệc âm nhạc với chất lượng âm thanh đỉnh cao. Cũng từ thời điểm này Đài đã đổi mới sản xuất các chương trình phát thanh theo hướng hiện đại. Năm 1994, chương trình phát thanh trực tiếp theo phong cách hiện đại đầu tiên lên sóng, mở đầu triển khai sản xuất phát thanh trực tiếp cho hệ thống phát thanh cả nước. 

Từ năm 1995 đến nay, Đài đã phát triển thêm các loại hình báo điện tử, báo in, truyền hình và thành lập các cơ quan thường trú trong nước và nước ngoài giúp cho việc sản xuất tin tức nhanh, rộng khắp và gia tăng giá trị nội dung trên các nền tảng, trở thành một Cơ quan báo chí chủ lực, Tổ hợp truyền thông đa phương tiện, hiện đại, chuyện nghiệp.

Đài Tiếng nói Việt Nam là phương tiện thông tin nhanh nhất, rộng khắp nhất để truyền bá những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, phản ánh kịp thời diễn biến tình hình trong nước và thế giới, là cầu nối giữa Trung ương và địa phương, giữa Chính phủ và nhân dân.

Một trong những thế mạnh của Đài TNVN là Phát thanh đối ngoại - nhịp cầu quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, VOV đã phát sóng nhiều thứ tiếng nước ngoài như Pháp,  Anh, Trung  Quốc, Khơ-me, Lào... để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Đến thời kỳ chống Mỹ, Đài TNVN xây dựng Ban Phát thanh Đối ngoại để phù hợp với việc tổ chức, điều hành hoạt động và yêu cầu truyên truyền.

Trải qua quá trình sắp xếp, điều chỉnh đến nay, Đài TNVN đang phát sóng 13 thứ tiếng nước ngoài và tiếng Việt, phục vụ đối tượng là người Việt ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Các chương trình phát thanh đối ngoại không chỉ cung cấp thông tin chính thống về tình hình Việt Nam, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh đất nước hòa bình, năng động, giàu bản sắc văn hóa.

Đài TNVN cũng rất chú trọng đến mảng phát thanh tiếng dân tộc bởi không có loại hình báo chí nào mạnh bằng phát thanh khi thông tin chủ trương của Đảng và Nhà nước tới bà con dân tộc thiểu số. 12 chương trình phát bằng tiếng dân tộc thiểu số là món ăn tinh thần đồng bào và là nơi lưu giữ tiếng nói, chữ viết (qua trang web), văn hóa và âm nhạc các dân tộc thiểu số.

Là Cơ quan báo chí chủ lực, Đài TNVN luôn giữ được uy tín và vài trò dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ. Với nỗ lực vượt bậc trong công tác chuyên môn, các nhà báo của Đài TNVN đã khẳng định vị thế của mình trong các giải thưởng báo chí mang tầm quốc gia và khu vực.

Các phóng viên của Đài TNVN đã mang về hàng trăm giải thưởng tại các Giải Báo chí Quốc gia hằng năm; Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại; Giải báo chí Xây dựng Đảng “Búa liềm vàng”; Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng); Giải thưởng báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các giải quốc tế, khu vực như: Giải thưởng của Hiệp hội Phát thanh-Truyền hình châu Á Thái Bình Dương (ABU); Giải của Viện Phát triển Phát thanh Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (AIBD); Giải thưởng báo chí “Vì hành tinh, con người và hòa bình” do UNESCO và Hiệp hội phát thanh truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (ABU) tổ chức; Giải Global Media Peace Awards của Canada...

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, Đài TNVN là một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong việc truyền thông những chủ trương, quyết sách có tính cách mạng của Đảng và Nhà nước. Câu chuyện thực tế từ các địa phương, các bộ, ngành trong công cuộc chuyển đổi được chuyển tải trên các kênh, báo của Đài với nhiều nội dung phong phú. Các chuyên mục được mở ra để có thể tập trung phân tích sâu giá trị cốt lõi của từng vấn đề đặt ra.

Đài TNVN là một trong số ít các đơn vị báo chí đầu tiên ra mắt chuỗi Chương trình “Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình”, đa phương tiện, đa nền tảng để thông tin những tầm nhìn, khát vọng mới, thực hiện 2 mục tiêu 100 năm. Không khí cải cách mạnh mẽ trong đời sống chính trị, xã hội, kinh tế... được chuyển tải trung thực, toàn diện trên các kênh sóng, trang báo của Đài TNVN.

Việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của đất nước, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng được Đài TNVN hết sức quan tâm. Đài là một trong số ít cơ quan báo chí có thể tự hào về việc luôn luôn trân trọng những giá trị văn hóa, nghệ thuật, thể hiện qua những chương trình đã nằm sâu trong lòng công chúng nhiều thế hệ.

Chuyển đổi số được coi là yếu tố sống còn với báo chí, đặc biệt đối với các cơ quan phát thanh-truyền hình. Thưa Tổng Giám đốc, thực tế việc chuyển đổi số của Đài Tiếng nói Việt Nam được triển khai như thế nào để tiếp cận và thu hút công chúng ở nhiều nền tảng khác nhau trên không gian mạng?

Đài TNVN luôn xác định chuyển đổi số là yếu tố sống còn và không ngừng tăng cường tương tác để đến gần hơn với trái tim của công chúng. Chuyển đổi số trong báo chí nói chung và phát thanh nói riêng không chỉ chuyển đổi về công nghệ, về cách làm; mà quan trọng nhất, đó là chuyển đổi về mặt tư duy, từ cấp quản lý, lãnh đạo cho đến các khâu, các công đoạn của quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm báo chí. Đây là giải pháp mang tính đột phá, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các cơ quan báo chí nói chung và phát thanh nói riêng trong thời kỳ mới.

Chuyển đổi số chính là những gì mà những người làm phát thanh; bao gồm đội ngũ quản lý, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ sư, phát thanh viên và người lao động đang hằng ngày thực hiện để từng bước thay đổi tổng thể quá trình làm báo phát thanh theo hướng ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả. Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI năm 2024 do Đài TNVN tổ chức với chủ đề “Phát thanh Việt Nam - đa dạng trong chuyển đổi số” là sự khẳng định nỗ lực chuyển đổi số của ngành phát thanh.

  

Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ, chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, thực hiện tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, bảo đảm vai trò dẫn dắt định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng, đổi mới trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới cho ngành công nghiệp nội dung số. Đây chính là mục tiêu mà Đài Tiếng nói Việt Nam và những người làm phát thanh hiện đại hướng đến.

Đài Tiếng nói Việt Nam đã xây dựng Đề án nền tảng số phát thanh Quốc gia nhằm tạo lập hạ tầng số một cách hiệu quả và trong thời gian nhanh nhất. Việc đưa nội dung tác phẩm phát thanh lên các nền tảng số được chúng tôi xác định rất quan trọng và đã được triển khai nhiều năm nay.

Từ năm 2005, nắm bắt được xu thế phát triển, Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định đưa các hệ phát thanh lên internet theo hình thức trực tuyến. Năm 2012, khi tất cả các kênh phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam phát triển trang web riêng, thì đó là bước khởi đầu để các kênh phát thanh thực hiện chuyển đổi sang nền tảng số, để phát trực tuyến và lưu giữ chương trình phát thanh phục vụ các đối tượng nghe, xem và tương tác.

Hiện nay, các ban biên tập phát thanh đều đầu tư studio đa phương tiện hiện đại. Đài Tiếng nói Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực tiếp cận và thu hút công chúng ở nhiều nền tảng khác nhau trên không gian mạng.

Khi thực hiện Đề án này, những điều kiện để tập hợp và thống nhất các nguồn lực vào một mạng lưới trung tâm, hỗ trợ quá trình sản xuất được mở rộng. Hiệu quả sử dụng nguồn lực vì thế được nâng cao hơn rất nhiều.

Chuyển đổi số còn cho phép tạo ra hệ thống để thu thập số liệu của công chúng một cách phù hợp, liên kết các dữ liệu với nhau, làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Chỉ có như vậy, phát thanh mới thu hút được sự quan tâm của công chúng. Và đó chính là cơ sở phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Nhà báo CẦN và PHẢI trở thành chỗ dựa tin cậy của công chúng

Các cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn chưa từng có về phát triển kinh tế báo chí. Theo đồng chí, trong sự cạnh tranh hiện nay của mạng xã hội, Đài Tiếng nói Việt Nam gặp thách thức gì trong phát triển kinh tế báo?

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các mạng xã hội và các nền tảng thông tin xuyên biên giới. Các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok không chỉ cung cấp thông tin nhanh chóng mà còn tích hợp mạnh mẽ các chức năng tương tác, thu hút một lượng lớn người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Điều này khiến báo chí truyền thống đối mặt với sự giảm sút nghiêm trọng về lượng người theo dõi và quảng cáo, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì hoạt động và phát triển nội dung chất lượng.

Thực trạng tiếp cận thông tin của người dân cũng thay đổi đáng kể. Với sự phổ biến của thiết bị cầm tay, người dân ngày càng có xu hướng truy cập thông tin qua các nền tảng trực tuyến, thay vì sử dụng các phương tiện truyền thống như phát thanh, truyền hình hay báo in.

Mặc dù phát thanh và truyền hình vẫn giữ vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin chính thống, nhưng xu hướng tiêu dùng thông tin trên các nền tảng số đang chiếm lĩnh thị trường. Điều này tạo ra thách thức không nhỏ cho các cơ quan truyền thông trong nước, bao gồm Đài TNVN, khi phải cạnh tranh về tốc độ cung cấp và khả năng tương tác với người dùng.

Song song đó, quảng cáo truyền thống - một nguồn thu chính của các cơ quan truyền thông - đang chuyển dần sang nền tảng số, với các chiến lược quảng cáo trực tuyến, hướng đến đối tượng người dùng trên mạng xã hội và các trang web. Điều này làm giảm đáng kể doanh thu từ quảng cáo truyền thống, đồng thời đòi hỏi các cơ quan truyền thông phải tìm cách điều chỉnh mô hình kinh doanh và tận dụng các cơ hội từ nền tảng số để duy trì nguồn thu.

Bất cập trong chính sách báo chí cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Các quy định pháp lý hiện hành về báo chí chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và xu hướng tiêu dùng thông tin. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý và phát triển báo chí trong bối cảnh mới. Chính sách đầu tư và hỗ trợ từ Nhà nước cho các cơ quan báo chí, trong đó có Đài TNVN, cũng đang dần giảm bớt, có những bất cập đã và đang tạo áp lực lớn về tài chính và biên chế, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các đơn vị báo chí.

Hiện nay, cùng với phát thanh trên các hạ tầng truyền thống như AM, FM, Đài TNVN đã và đang phát triển mạnh trên nền tảng số thông qua ứng dụng OTT, APP, nền tảng podcast, livestream, tương tác đa nền tảng. Các kênh nội dung của VOV như VOVlive, VOVmedia, VOV.VN, VTCnews, tictok VOV1, podcast VOV2 Cuộc sống muôn mầu, podcast VOV Giao thông được công chúng đón nhận trên nền tảng số. 

Sự hội tụ đa phương tiện giúp VOV đáp ứng linh hoạt nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng hiện đại, đồng thời tiếp cận các thế hệ người nghe mới - đặc biệt là giới trẻ và người dùng mạng xã hội. Điều đó khẳng định vai trò của một cơ quan báo chí chủ lực đã và đang đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay ở Việt Nam.

Các kênh nội dung của VOV như VOVlive, VOVmedia, VOV.VN, VTCnews, tictok VOV1, podcast VOV2 Cuộc sống muôn mầu, podcast VOV Giao thông được công chúng đón nhận trên nền tảng số. 

Sự phát triển công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra nhiều thách thức với các nhà báo. Theo đồng chí, sứ mệnh của nhà báo lúc này là gì để báo chí tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt về mặt nội dung thông tin?

Xu hướng biến động ngày càng khó lường của thế giới cũng như sự phát triển của công nghệ đang đặt ra những lựa chọn khó khăn hơn bao giờ hết đối với đạo đức nghề nghiệp, lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.  

Bối cảnh thông tin thật, giả đan xen và sự thâm nhập rất sâu của AI trong đời sống... đã buộc các nhà báo gánh vác một sứ mệnh lớn lao: là người kiểm chứng thông tin, chứ không cần là người đưa tin sớm nhất, như trước đây.

Như thế, nhà báo CẦN và PHẢI trở thành chỗ dựa tin cậy của công chúng, là người giúp công chúng có một góc tiếp cận nhân văn, có tri thức đối với muôn vàn hiện tượng xã hội, góp phần định hình một thái độ sống tích cực, những giải pháp có tính bền vững cho các vấn đề xã hội nảy sinh.

Để gánh vác được sứ mệnh đó, nền tảng tri thức và đạo đức nghề nghiệp, phẩm cách cá nhân vẫn mãi mãi, luôn luôn là yêu cầu bắt buộc của người làm báo.

Tiếp tục giữ vị thế là cơ quan truyền thông chủ lực, đa phương tiện hàng đầu tại Việt Nam

Đài Tiếng nói Việt Nam có chiến lược phát triển như thế nào để tiếp tục giữ vị thế là cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực?

Trong bối cảnh báo chí đang đứng trước nhiều thách thức bởi sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, sự phân mảnh công chúng và thay đổi hành vi tiếp nhận thông tin, Đài TNVN xác định những định hướng chiến lược sau:

Một là, phát triển nội dung chất lượng cao, chuyên sâu, nhân văn. Cùng với việc đưa tin nhanh, chính xác và có định hướng, Đài Tiếng nói Việt Nam cần tiếp tục tạo ra các sản phẩm báo chí chất lượng cao đẩy mạnh truyền thông về công tác xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các chính sách kinh tế để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình... bằng ngôn ngữ truyền thông hiện đại.

Đặc biệt, các sản phẩm báo chí cần phải được đầu tư theo hướng báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp để phân tích chính sách, phản biện chính sách và đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề quốc gia, quốc tế. Các sản phẩm báo chí của Đài được đổi mới về nội dung, hình thức thể hiện để thực sự truyền cảm hứng tích cực, là “món ăn” thông tin, giải trí hấp dẫn cho công chúng và là nơi để công chúng chia sẻ quan điểm, tình cảm và kết nối.

Hai là, tăng cường chuyển đổi số để có những sản phẩm phục vụ nhu cầu mới của công chúng. Đây là vấn đề quan trọng của Đài phát thanh quốc gia trong bối cảnh báo chí có nhiều thay đổi như hiện nay. Chuyển đổi số giúp các đài phát thanh mở rộng phạm vi tiếp cận bằng cách sử dụng các nền tảng phát thanh số (radio online, podcast, streaming) giúp người nghe có thể tiếp cận chương trình mọi lúc, mọi nơi.

Chuyển đổi số giúp nâng cao trải nghiệm người nghe bằng cách tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cá nhân hóa nội dung, đề xuất chương trình phù hợp với sở thích người dùng. Việc sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói, chuyển đổi văn bản thành giọng nói (TTS) và ngược lại giúp tăng khả năng tiếp cận cho người khiếm thị hoặc không thể đọc nội dung; đặc biệt là giảm công sức đáng kể cho biên tập viên khi biên tập chương trình.

Chuyển đổi số giúp đài đa dạng hóa mô hình kinh doanh do việc quảng cáo có thể cá nhân hóa theo từng nhóm đối tượng, tăng hiệu quả, doanh thu và các mô hình kinh doanh mới như thuê bao (subscription), nội dung độc quyền (exclusive content) giúp các đài có nguồn thu bền vững.

Chính vì vậy, ngày 1/8/2024, VOV triển khai "Đề án Chuyển đổi số tại Đài TNVN" theo Quyết định số 2076/QĐ-TNVN. Với đề án này, Đài TNVN sẽ xây dựng hệ sinh thái số tích hợp 3 loại hình báo chí của mình, xây dựng nền tảng số phát thanh quốc gia, thực hiện phát thanh thông minh, số hóa kho dữ liệu và toàn bộ công đoạn sản xuất... Cùng với phát thanh truyền thống, hệ sinh thái số sẽ giúp Đài TNVN tiếp cận được lượng công chúng mới trong nước và toàn cầu đa dạng và rộng lớn.

Ba là, xây dựng đội ngũ nhà báo phản ứng nhanh với các vấn đề mới, đa kỹ năng và làm chủ công nghệ: Vấn đề con người sẽ là vấn đề quan trọng của Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa khi những vấn đề chính trị, kinh tế diễn biến nhanh và khó lường.

Vì vậy, trước hết, Đài Tiếng nói Việt Nam cần xây dựng được đội ngũ nhà báo có lập trường tư tưởng vững vàng, có hiểu biết chính trị, có kiến thức rộng để có thể phản ứng nhanh với các vấn đề thời sự chính trị, kinh tế trong nước và quốc để bằng những sản phẩm báo chí vừa đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, vừa đáp ứng yêu cầu định hướng theo quan điểm của Đảng và Nhà nước.

Khi công nghệ càng hiện đại thì nguồn nhân lực của cơ quan báo chí càng phải tinh và sắc để làm chủ và phát huy thế mạnh của công nghệ trong sản xuất báo chí.

Chuyển đổi số giúp nâng cao trải nghiệm người nghe bằng cách tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) giúp nhân hóa nội dung, đề xuất chương trình phù hợp với sở thích người dùng.

Một số hoạt động nổi bật của VOV

Vừa qua cũng như nhiều cơ quan báo chí, Đài Tiếng nói Việt Nam phải kết thúc hoạt động của Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; đồng thời thực hiện sắp xếp, tinh gọn, giảm mạnh đầu mối tổ chức bộ máy bên trong và biên chế. Xin đồng chí chia sẻ về quá trình sáp nhập này và điều này tạo ra hiệu quả thế nào trong việc vận hành của cơ quan?

Sau khi sắp xếp tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2025/NĐ-CP quy định chức năng nhiệm vụ của Đài Tiếng nói Việt Nam, khẳng định: Đài TNVN là cơ quan thuộc Chính phủ, là Đài phát thanh quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình phát thanh, báo in, báo điện tử.

Hệ sinh thái báo chí đa phương tiện của Đài Tiếng nói Việt Nam hiện bao gồm loại hình phát thanh với các kênh VOV1 (Thời sự), Văn hóa - Xã hội và Dân tộc (VOV2), Văn học - Nghệ thuật-Âm nhạc (VOV3), Đối ngoại (VOV5) với 12 thứ tiếng nước ngoài và tiếng Việt, Ban VOV Giao thông (với các phiên bản VOV Giao thông Hà Nội, VOV Giao thông Hồ Chí Minh, FM Mê Công, VOV Giao thông Duyên Hải). Loại hình Báo điện tử có VOV.vn và VTC News, Báo in với 2 ấn bản: Tiếng nói Việt Nam và Sóng Việt.

Bên cạnh việc sắp xếp lại các đơn vị thuộc khối nội dung, Đài TNVN cũng tiến hành sáp nhập, tinh gọn các đơn vị thuộc khối tham mưu.

Việc sắp xếp này, bên cạnh những vấn đề cần phải giải quyết hết sức khẩn trương về bộ máy tổ chức, nhân sự, địa điểm làm việc... trong một thời gian ngắn, cũng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đài TNVN.

Đây là cơ hội để Đài rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ của từng đơn vị, xác lập mục tiêu cơ bản để tái cấu trúc bộ máy, nguồn lực. Sự chồng chéo hoặc phân tán trong chức năng nhiệm vụ được giảm thiểu, thu gọn. Việc giảm số đầu mối đơn vị cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác điều hành, đặc biệt là khi có những đợt tuyên truyền lớn phục vụ yêu cầu chính trị.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

------------------

Ngày xuất bản: 17/6/2025
Chỉ đạo: Kim Phương Bình
Tổ chức sản xuất: Thảo Lê
Thực hiện: Thiên Lam
Trình bày: Đăng Nguyên
Ảnh: Báo Nhân Dân, VOV