Với các chính sách đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện, Việt Nam đang là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam, thương hiệu Việt Nam cũng đã vươn mình ra sân chơi toàn cầu.

Việt Nam ngày càng có sức hút với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tôi tin rằng, yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán được và tinh gọn, coi trọng sự đổi mới-không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì, tăng trưởng đầu tư hiện có.

Có thể thấy rõ, việc các nhà đầu tư hiện tại tiếp tục mở rộng hoạt động ở Việt Nam chính là phương thức quảng cáo tốt nhất để thu hút đầu tư mới. AmCham đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong đẩy mạnh phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.

Hiện nay, các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đang mở rộng sự hiện diện trên khắp thế giới, như cà-phê Trung Nguyên được bày bán trên kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng tại Mỹ.

Trong khi đó, VinFast dự kiến trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại bang Bắc Carolina của Hoa Kỳ. Điều này là minh chứng cho thấy các công ty Việt Nam đã đạt những bước tiến trong xây dựng và mở rộng, nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.

VinFast khởi công dự án nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina, Hoa Kỳ.

VinFast khởi công dự án nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina, Hoa Kỳ.

Với sứ mệnh là nhịp cầu kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, AmCham đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả như tư vấn, cung cấp thông tin về chính sách, môi trường kinh doanh của Việt Nam cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ và tạo nhiều cơ hội kinh doanh giữa hai bên.

Để tăng cường đầu tư, kinh doanh giữa hai nước, chúng tôi cho rằng sự đối thoại giữa chính phủ và khu vực tư nhân sẽ giúp mang lại các chính sách công tối ưu.

Việc các nhà đầu tư hiện tại tiếp tục mở rộng hoạt động ở Việt Nam chính là phương thức quảng cáo tốt nhất để thu hút đầu tư mới.
Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham tại Hà Nội

AmCham đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục minh bạch hóa, gỡ bỏ các rào cản pháp lý đang hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu, bảo vệ sở hữu trí tuệ, cải cách giáo dục, cải thiện chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe... AmCham mong muốn hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết các thách thức, cải thiện điều kiện kinh doanh, củng cố khu vực tư nhân và bảo đảm sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Amcham và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) tổ chức, được duy trì thường niên nhằm đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Amcham và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) tổ chức, được duy trì thường niên nhằm đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Sự tiến bộ trong những lĩnh vực nêu trên không chỉ góp phần thu hút thêm đầu tư nước ngoài mà còn là động lực giúp Việt Nam đạt được khát vọng nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Nhìn lại mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua, có thể thấy, nhân dân hai nước đã bền bỉ nỗ lực vượt qua những đau thương trong quá khứ để cùng vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác sôi động và bền chặt dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau như ngày nay. Thương mại là một điểm sáng của hợp tác song phương và AmCham sẽ tiếp tục góp sức tăng cường mối quan hệ ấy, cũng như thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.

Trong khoảng thời gian 20 năm qua, có thể thấy những bước tiến đáng kể của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân có quy mô lớn. Cùng với đó, môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, tạo thuận lợi để không chỉ doanh nghiệp trong nước phát triển, mà còn thu hút các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Đối mặt sức ép cạnh tranh ngày càng tăng từ bên ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cho thấy sức sáng tạo mạnh mẽ để đứng vững trong thị trường nội địa, chủ động hội nhập toàn cầu. Dù vậy, muốn vươn xa hơn ở thị trường khu vực và quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhiều hơn trong xây dựng thương hiệu.

Một trong những giải pháp quan trọng là dựa vào thế mạnh đặc trưng và ưu thế nổi trội của doanh nghiệp để hình thành, cũng như quảng bá bản sắc riêng, tạo nên vị thế thương hiệu. Song, mấu chốt của thương hiệu thành công vẫn là sự ưu việt trong sản phẩm.

Từ những câu chuyện xây dựng thương hiệu trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi cả những thành công và thất bại, để định hình chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu riêng. Việc xây dựng thương hiệu cũng cần khoản đầu tư đáng kể và lâu dài.

Các doanh nghiệp đạt chứng nhận thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023.

Các doanh nghiệp đạt chứng nhận thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023.

Để vươn xa hơn ra thị trường khu vực và quốc tế, ngoài năng lực của doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều yếu tố hỗ trợ khác như môi trường kinh doanh đầu tư hấp dẫn, cơ sở hạ tầng tối ưu, tiết giảm chi phí về giao thông, vận tải…

Tất cả sẽ góp phần gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước so các sản phẩm và dịch vụ quốc tế. Các chính sách ngày càng “đúng và trúng” hơn của Chính phủ giúp doanh nghiệp tập trung hiệu quả hơn vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay vì phải phân bổ nguồn lực vào các chi phí tuân thủ pháp luật, như xin cấp và duy trì giấy phép… Việc triển khai các chính sách cũng cần nhất quán, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp phát triển và vươn xa.

Một trong những giải pháp quan trọng là dựa vào thế mạnh đặc trưng và ưu thế nổi trội của doanh nghiệp để hình thành, cũng như quảng bá bản sắc riêng, tạo nên vị thế thương hiệu. Song, mấu chốt của thương hiệu thành công vẫn là sự ưu việt trong sản phẩm.
Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng, Cơ quan Đại diện thường trú tại Việt Nam của ADB

Với nhiều công cụ hỗ trợ, ADB sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam, để đạt mục tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân. ADB tập trung vào một số lĩnh vực, như năng lượng tái tạo, phát triển xã hội, nông nghiệp, tài trợ thương mại…

Thêm nữa, ADB cũng có công cụ “đầu tư mạo hiểm” vào giai đoạn sớm của các công ty có triển vọng phát triển mang tính đột phá trong tương lai.

Nhìn lại tất cả các giai đoạn tiếp nhận và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam từ giai đoạn 1 (1988-1996), giai đoạn 2 (1997-2005), giai đoạn 3 (2006-2017), giai đoạn 4 (từ năm 2018 đến nay), có thể thấy Việt Nam đã từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng ta đã thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và quan hệ quốc tế trong lĩnh vực này với điểm nổi bật là lọt vào top các nước tiếp nhận đầu tư, đứng thứ 24 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tiếp nhận FDI lớn nhất năm 2019 (theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển-UNCTAD, 2019).

Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng xuyên suốt quá trình hơn 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, các yếu tố góp phần tạo nên một Việt Nam hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư là tình hình chính trị và xã hội ổn định. Vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế. Đặc biệt là Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, tham gia vào nhiều hiệp định và cam kết quốc tế về FDI, đơn cử như tham gia vào cam kết của 136 quốc gia, chiếm 90% thương mại thế giới về mức thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu thấp nhất 15%.

Cơ sở hạ tầng cứng của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu về logistics của các nhà đầu tư.

Cơ sở hạ tầng cứng của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu về logistics của các nhà đầu tư.

Cùng với đó, sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài còn đến từ việc duy trì được mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong các giai đoạn khó khăn vừa qua cũng như trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới đầy biến động hiện nay; từ tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân có mức thu nhập ngày càng cao, sức mua tăng; từ lợi thế là điểm trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu thuận tiện do hội nhập sâu vào thương mại quốc tế với nhiều hiệp định thương mại tự do (AFTA) đã ký kết.

Các yếu tố góp phần tạo nên một Việt Nam hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư là tình hình chính trị và xã hội ổn định. Vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế. Đặc biệt là Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới
TS Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ tịch HĐTV Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cứng của Việt Nam như đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng,... ngày càng được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu về logistics của các nhà đầu tư cũng là một lợi thế, cùng với đó là hệ thống luật pháp chính sách về đầu tư nước ngoài liên tục được sửa đổi bổ sung nhằm tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài phát triển hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn vào thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong từng giai đoạn để đánh giá kết quả đạt được và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Vì doanh nghiệp lớn mạnh sẽ thu hút được FDI nhiều hơn, giúp giải quyết được các hạn chế hiện nay liên quan vấn đề tiếp nhận chuyển giao công nghệ, xây dựng nền kinh tế tự cường… Đó cũng chính là đòi hỏi xuyên suốt của quá trình hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.

Sự phát triển của thương hiệu Việt được thể hiện rõ nét qua việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh trong 20 năm qua. Nếu như hơn hai thập niên trước, thương hiệu Việt từng gắn liền với những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, thì nay, nhìn vào cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể thấy đã có sự thay đổi đáng kể. Các sản phẩm điện tử do Việt Nam sản xuất xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường thế giới, trong đó có Thụy Sĩ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ đang tìm cách tối ưu hóa chuỗi cung ứng và hưởng lợi từ sự phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam. Không chỉ là lựa chọn hấp dẫn để triển khai hoạt động sản xuất, Việt Nam còn là địa điểm lý tưởng để các công ty tiếp cận thị trường ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng với khoảng 100 triệu dân.

Với việc triển khai chương trình nâng tầm vị thế thương hiệu Việt và vinh danh các sáng kiến xuất sắc, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã góp phần tạo động lực, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao ra thị trường quốc tế.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã góp phần tạo động lực, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao ra thị trường quốc tế.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã góp phần tạo động lực, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao ra thị trường quốc tế.

Chính phủ Việt Nam cũng nỗ lực và liên tục triển khai nhiều bước đi đúng đắn để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, trong những năm qua, dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam tăng trưởng đều đặn. Kết quả nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm đầu tư quốc tế. Sự lắng nghe và thấu hiểu của Chính phủ Việt Nam đối với những mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài là một tín hiệu tốt cho thấy triển vọng xán lạn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam có thể đối mặt một số thách thức trong tương lai liên quan các vấn đề thủ tục hành chính, năng suất lao động, cơ sở hạ tầng… Đây là những bài toán khó, không thể được giải quyết trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã đề ra các mục tiêu đầy tham vọng và quyết tâm thực hiện để đưa Việt Nam tiếp tục tiến về phía trước, trở thành nước có thu nhập cao.

Giới doanh nghiệp Thụy Sĩ kỳ vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, xem xét đưa Thụy Sĩ vào danh sách các quốc gia đủ điều kiện được miễn thị thực lưu trú ngắn hạn, tiếp tục thực hiện các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, sớm cập nhật các quy định trong một số lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dược phẩm...

Việt Nam đang dần trở thành trung tâm đầu tư quốc tế. Sự lắng nghe và thấu hiểu của Chính phủ Việt Nam đối với những mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài là một tín hiệu tốt cho thấy triển vọng xán lạn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam

Trong lĩnh vực dược phẩm, Đại sứ hy vọng Luật Dược sửa đổi của Việt Nam sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ hoạt động trong lĩnh vực này. Ngoài ra, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA) được kỳ vọng ký kết trong vòng 12 tháng tới, có tầm quan trọng rất lớn trong thúc đẩy giao thương.

Những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã giúp gia tăng giá trị và vị trí của thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Tôi tin chắc rằng các sản phẩm của Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, nhất là khi những người Việt Nam đầy nhiệt huyết và năng động đang nỗ lực nâng cao năng lực bản thân, đồng thời phát huy những nét đặc trưng truyền thống của Việt Nam như sự linh hoạt, tinh tế, thanh lịch, độc đáo và sáng tạo.

Thực hiện: LÊ NHẬT ANH
Trình bày: PHƯƠNG NAM