QUÂN ĐỘI ANH HÙNG CỦA MỘT DÂN TỘC ANH HÙNG

Sáng mãi tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"

20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, quân và dân Hà Nội nổ súng mở đầu những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. 60 ngày đêm khói lửa với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" đã trở thành bản hùng ca bất tử trên con đường giành độc lập, tự do cho đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện lãnh đạo Thành ủy Hà Nội thăm, tặng quà vệ út Đặng Văn Tích dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đại diện lãnh đạo Thành ủy Hà Nội thăm, tặng quà vệ út Đặng Văn Tích dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Với ông Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban Liên lạc Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930-1954), dù đã gần 80 năm qua, nhưng ký ức về những ngày mùa đông năm 1946 vẫn vẹn nguyên như ngày nào.

Những khoảnh khắc hào hùng

Tham gia cách mạng năm 1944, là thanh niên đội tự vệ Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cho nên ngay khi toàn quốc kháng chiến, ông Hà xung phong vào quân đội. Đến bây giờ, ông Hà vẫn nhớ rõ những khoảnh khắc hào hùng của trận chiến đấu đầu tiên khoác áo người lính là trận chiến quyết tử "Ô Cầu Dền" Bạch Mai, thuộc Liên khu 2 (nay thuộc quận Hai Bà Trưng).

"Tôi là người lính trực tiếp tham gia bảo vệ chiến lũy "Ô Cầu Dền". Do vũ khí hạn chế cho nên quân ta đắp những ụ đất, kê các cục gỗ, bàn gỗ, sắp xếp thành chiến lũy để cầm chân địch, đồng thời giúp người dân có thể an toàn sơ tán. Đội tự vệ Bạch Mai trực tiếp thay phiên nhau lên đắp chốt và được các đơn vị hội phụ nữ cứu quốc tiếp tế thức ăn", ông Hà kể.

Địch muốn bắn phá chiến lũy để thực hiện kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh", chúng điên cuồng nổ bom, bắn phá ác liệt. Trước khí thế cách mạng, quân ta kiên cường vùng lên, không có đại bác, quân ta dùng bom ba càng lao vào diệt xe tăng địch. Ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng địch là cách đánh cảm tử, phải hy sinh thân mình, nhưng các chiến sĩ không hề nao núng, thay nhau làm nhiệm vụ đó. Sự quả cảm ấy đã làm quân địch khiếp sợ. Bằng tinh thần quật cường, chiến sĩ Hà Nội với biểu tượng chiến lũy "Ô Cầu Dền" đã kiên cường chiến đấu kìm chân địch suốt 21 ngày (từ ngày 25/12/1946 đến 15/1/1947), làm thất bại âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp và góp phần vào thắng lợi chung trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

Ông Lê Đức Vân (một trong năm người thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu) cũng rưng rưng khi được nhắc nhớ về những ngày cùng với thanh niên nam, nữ, lực lượng vệ quốc đoàn, công an xung phong, tự vệ chiến đấu của Hà Nội đứng lên đánh Pháp.

Lúc đó, ông Vân được điều về Hà Nội hoạt động tại Ủy ban Kháng chiến Liên khu 2 (nay là quận Hai Bà Trưng). Thời điểm đó, người dân Hà Nội đã được vận động tản cư, chỉ còn lại thanh niên và những người tình nguyện ở lại, cùng lực lượng công an xung phong, bộ đội giải phóng, các em thiếu sinh quân. Ông Vân phụ trách tiểu đội các thiếu sinh quân làm công tác liên lạc.

"Tôi được phân công phụ trách thông tin liên lạc, chuyển mật mã các mệnh lệnh của Ban Chỉ huy gửi các đơn vị chiến đấu. Ngày đó, các phương tiện để liên lạc rất ít, chỉ những đơn vị bộ đội đặc biệt mới được trang bị điện thoại quay tay. Công việc chuyển mật mã thông qua việc sử dụng luân phiên một số quyển sách, rồi quy định với nhau về ký tự theo số trang, số dòng trên quyển sách, cứ thế để đánh dấu hết 24 chữ cái", ông Vân nhớ lại.

Ai cũng vinh dự khi được giao nhiệm vụ dù biết gian khổ, hy sinh luôn cận kề. Hình ảnh những vệ quốc quân, thiếu sinh quân tuổi còn rất trẻ, gan dạ, nhanh nhẹn luồn lách qua các ngõ phố, từ nhà này sang nhà khác, vừa làm nhiệm vụ giao liên, vừa tiếp tế lương thực, quân nhu cho bộ đội, vừa làm nhiệm vụ cứu thương và trực tiếp tham gia chiến đấu, khiến ông Vân không thể nào quên.

Nhất định chiến thắng trở về

"Trẻ" hơn một chút, nhưng cũng gan dạ, anh dũng không kém là những "vệ út" tuổi thiếu niên. "Chúng tôi là những người được gọi là vệ út-những đứa em út của các anh vệ quốc đoàn", ông Đặng Văn Tích, một vệ út năm xưa cho biết.

Ông Tích nhớ lại, trước ngày 19/12/1946, quân ta đã bí mật đục tường làm đường liên thông từ nhà này sang nhà khác và những vệ út là những người thuộc các lối đi lại này. Khi kháng chiến bắt đầu, đồ đạc, cây cối, cột điện, toa tàu được ném hết ra đường để chặn quân Pháp. Vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ không thể tự do đi lại trên phố. Lúc ấy, các vệ út là những liên lạc viên chạy như con thoi trước làn đạn của giặc để báo tin. Vệ út cũng là người truyền mệnh lệnh giữa chỉ huy đến các đơn vị chiến đấu và dẫn quân tiếp viện đến nếu cần. Nhiều vệ út đã anh dũng hy sinh.

Trận chiến đấu khiến ông Đặng Văn Tích day dứt nhất là tại Trường Ke (khu vực Trường tiểu học Trần Nhật Duật hiện nay), khi quân địch đánh chiếm tầng dưới, lực lượng của ta rút lên tầng hai. Tình hình cam go buộc cậu bé liên lạc Trần Ngọc Lai trèo ống máng nước xuống về địa điểm đóng quân xin tiếp viện. Nhưng khi trèo trở lên thì địch phát hiện, bắn chết. Lực lượng của ta đã lao xuống trả thù cho liên lạc Trần Ngọc Lai, buộc quân địch phải rút quân.

Ngày ấy, cậu bé Phùng Đệ mới 13 tuổi, khi tiếng súng đã ngớt, cậu trốn người lớn đi xem phố phường tan hoang ra sao và thấy tự vệ ta đang phá đường, đào chiến hào, đắp ụ chiến đấu ở khu phố Tạ Hiện, đoạn ra Cầu Gỗ. Thấy vậy, Phùng Đệ hăng hái vào làm cùng các anh và đó là cơ duyên để cậu được nhận vào Đại đội 15, Tiểu đoàn 103, khu Đông Kinh Nghĩa Thục.

Vệ út Phùng Đệ bồi hồi kể: "Công việc chính của tôi lúc đó là làm trinh sát. Trong điều kiện khu Đông Kinh Nghĩa Thục cũng như các khu khác không có điện, không nước, không chợ búa mà còn bị bao vây, cô lập, trong khi phải chiến đấu với địch nhằm giam chân chúng. Vượt qua mọi khó khăn, tôi thường trinh sát, nghe ngóng tình hình nơi địch đóng quân, sau đó về báo cáo với bộ đội và dẫn các anh đi tấn công, quấy rối địch".

Trước yêu cầu thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang, Đảng ủy Liên khu 1 quyết định hợp nhất các lực lượng vũ trang trong Liên khu thành lập một Trung đoàn chính quy mang tên "Trung đoàn Liên khu 1", với quân số khoảng 2.500 người (từ ngày 12/1/1947, Trung đoàn được mang tên Trung đoàn Thủ đô).

Sau 60 ngày đêm chiến đấu ác liệt để giữ chân quân Pháp, Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút lên Việt Bắc để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Trước khi đi, nhiều chiến sĩ không cầm được nước mắt, viết lên bức tường dòng chữ "Hà Nội ơi, chúng tôi sẽ hẹn ngày chiến thắng trở về", "Tạm biệt nhé Hà Nội, chúng tôi nhất định sẽ chiến thắng trở về" và tám năm sau, họ trở về giải phóng Thủ đô, viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.