Nhằm đáp ứng tình hình du lịch mới, ngành du lịch Quảng Ninh thời gian qua nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số để phục hồi sau đại dịch Covid-19 với nhiều sản phẩm du lịch thông minh, gia tăng trải nghiệm của du khách, từ đó tạo đà bứt tốc, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

DU LỊCH VÙNG BIÊN THAY ĐỔI NHỜ
CÔNG NGHỆ SỐ

“2 năm trước, mình và nhóm bạn chọn được một homestay ở Bình Liêu rất dễ thương, sạch sẽ và chu đáo. Chúng mình biết tới homestay này qua facebook khi tìm kiếm thông tin chỗ cho chuyến đi”, chị Khánh Linh (Đống Đa, Hà Nội) kể về chuyến đi Bình Liêu hồi năm 2021.

Không chỉ chị Linh, những du khách yêu thích vẻ đẹp vùng biên giới Bình Liêu những năm gần đây khá dễ dàng tham khảo các điểm đến, lựa chọn chỗ nghỉ qua nhiều kênh thông tin như các trang web, mạng xã hội. Ứng dụng công nghệ số đã và đang giúp nhiều người dân địa phương cung ứng dịch vụ du lịch tại vùng biên giới Bình Liêu, Quảng Ninh tìm được hướng phát triển bền vững.

Sở hữu một loạt tài khoản Facebook như Phượt Bình Liêu với 3,6 nghìn lượt thích và 3,8 nghìn lượt theo dõi, Homestay Hoàng Sằn với 1,2 nghìn lượt theo dõi,… anh Hoàng Văn Sằn, dân tộc Tày, chủ homestay Hoàng Sằn tại xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu là một thí dụ điển hình cho việc ứng dụng thành công công nghệ số 4.0 để phát triển du lịch.

Anh Hoàng Sằn cùng đoàn khách từ miền nam tại cột mốc ở Bình Liêu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Anh Hoàng Sằn cùng đoàn khách từ miền nam tại cột mốc ở Bình Liêu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, anh Hoàng Sằn kể ngay từ năm 2018, anh đã dùng mạng xã hội để phục vụ cho công việc của homestay. Trước đó, anh “bén duyên” với nghề hướng dẫn viên từ chính sở thích dùng mạng xã hội facebook để chia sẻ về cảnh đẹp, văn hóa của Bình Liêu. Từ những bức ảnh, clip của anh trên tài khoản facebook cá nhân (Hoàng Sằn hiện có 4,9 nghìn bạn bè), nhiều người biết tới và nhờ anh hướng dẫn khi tới trải nghiệm nơi biên giới đất nước.

Việc ứng dụng công nghệ đã giúp ích rất nhiều cho công việc kinh doanh của nhà anh. Anh Sằn kể: “Vì nhà không ở mặt đường”, lại ở vùng biên giới núi cao nên mọi người và du khách biết đến homestay của tôi đều qua các tài khoản mạng xã hội. Nếu bạn gõ trên google từ khóa “homestay Bình Liêu” thì kết quả đầu tiên sẽ cho ra thông tin về homestay của tôi”.

Hiệu quả từ công nghệ số đối với hoạt động homestay của anh Sằn thể hiện qua những con số cụ thể: “Từ tháng 9 đến nay, homestay đều kín khách trong các ngày cuối tuần. Qua các tài khoản facebook, zalo, thứ 7, chủ nhật tôi nhận khoảng 200-300 khách liên hệ đặt phòng nhưng homestay hiện chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 lượng khách”.

Nhờ ứng dụng công nghệ, homestay của anh Hoàng Sằn luôn đứng đầu kết quả tìm kiếm trên google. (Ảnh chụp màn hình)

Nhờ ứng dụng công nghệ, homestay của anh Hoàng Sằn luôn đứng đầu kết quả tìm kiếm trên google. (Ảnh chụp màn hình)

Anh Sằn cho biết thêm, cũng như gia đình anh, các cơ sở lưu trú, dịch vụ tại Bình Liêu thường xuyên nhận được sự quan tâm của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, Phòng Thông tin-Văn hóa của huyện hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số trong du lịch. “Hiện chúng tôi đã sử dụng mã QR, mã zalo, dán mã ở những nơi khách dễ nhìn thấy để tiện liên hệ, thanh toán hay tìm hiểu thông tin về homestay”, anh Sằn nói.

Từ nhiều năm qua, huyện Bình Liêu đã có sự quan tâm định hướng, hỗ trợ chương trình đào tạo tập huấn và hướng dẫn trực tiếp cho người dân địa phương làm du lịch về chuyển đổi số, khuyến khích người trẻ quảng bá du lịch trên các nền tảng xã hội có đông người quan tâm theo dõi như Youtube, Tiktok…

Cùng với đó, cho đến nay, Bình Liêu đã phối hợp với các đơn vị viễn thông, đặc biệt là Viettel để lắp đặt các trạm BTS, phủ sóng toàn bộ các điểm du lịch, các điểm đến ở vùng xâu xa, các khu vực phía Tây Bình Liêu, các mốc du lịch 1302,1305 vốn trước là vùng “lõm sóng”.

Kể lại hành trình leo lên “sống lưng khủng long” ở Bình Liêu, Khánh Linh cho hay, du lịch Bình Liêu hiện rất thuận lợi không chỉ nhờ đường giao thông mà còn “tiện cho cả việc check-in”.

Chị Khánh Linh cùng nhóm bạn trên "sống lưng khủng long" (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị Khánh Linh cùng nhóm bạn trên "sống lưng khủng long" (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Ngay cả ở trên “sống lưng khủng long”, chúng mình vẫn có thể cập nhật ngay hình ảnh cho bạn bè trên facebook, instagram vì sóng 4G vẫn rất khỏe”, Khánh Linh chia sẻ.

Theo báo cáo của huyện Bình Liêu, 100% các thôn bản đã được kéo cáp quang. Huyện đang tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác, tuyên truyền quảng bá phát triển thị trường du lịch. Hình thức quảng bá được thực hiện đồng thời trên các nền tảng mạng xã hội, hợp tác thông tin trên các hạng tầng của Ivivu, Vietravel, Saigontourist; các kênh lớn như: Youtube, Tiktok…

Huyện xác định lồng ghép chuyển đổi số chính là phương pháp nhanh nhất để mang du lịch Bình Liêu đến gần hơn với du khách.

Theo khảo sát, tài khoản facebook “Du lịch Bình Liêu” của Văn phòng Du lịch huyện Bình Liêu hiện có 13 nghìn người theo dõi, thường xuyên cập nhật các hình ảnh, clip vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa của Bình Liêu cũng như hoạt động, sự kiện du lịch, văn hóa của huyện và tỉnh. Đặc biệt, muốn tìm hiểu chi tiết các điểm tham quan, thông tin cơ sở lưu trú tại Bình Liêu, du khách chỉ cần quét mã QR được hiện ngay trên ảnh bìa của tài khoản này.

Facebook “Du lịch Bình Liêu” của Văn phòng Du lịch huyện Bình Liêu có gắn mã QR để du khách tiện tra cứu. (Ảnh chụp màn hình)

Facebook “Du lịch Bình Liêu” của Văn phòng Du lịch huyện Bình Liêu có gắn mã QR để du khách tiện tra cứu. (Ảnh chụp màn hình)

Nhờ việc nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch song song với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa vùng biên Bình Liêu ngày càng có sức lan tỏa, thu hút du khách ngày càng đông.

Giai đoạn trong và ngay sau dịch (2020-2022), lượng khách du lịch đến Bình Liêu giảm, ước đạt 197.500 lượt (trong đó khách lưu trú là 73.990 lượt), doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 96 tỷ đồng. Song từ quý I/2023, lượng khách có sự tăng trưởng đáng kể, ước đạt 14.780 lượt, bằng 519% so cùng kỳ (khách lưu trú 4.200 lượt, bằng 339% so cùng kỳ); doanh thu từ du lịch ước đạt 7,6 tỷ đồng, bằng 497% so cùng kỳ.

Dù ở vị trí địa đầu tổ quốc với nhiều khó khăn do địa hình đưa lại, song với sự nhạy bén áp dụng các công nghệ vào hoạt động du lịch, có thể nói Bình Liêu là điển hình cho việc ứng dụng chuyển đổi số để du lịch bứt tốc phục hồi của du lịch Quảng Ninh.

BẮT NHỊP XU HƯỚNG KHÔNG CHẠM

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; bắt nhịp với xu hướng du lịch “không chạm” trong bối cảnh mới, ngành du lịch Quảng Ninh đã xác định chuyển đổi số là hướng đi tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai nhanh chóng để ngành du lịch tỉnh tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh chia sẻ: “Quảng Ninh xác định chuyển đổi số trong du lịch là nhiệm vụ rất quan trọng, là cả một tiến trình lâu dài, bền bỉ. Chuyển đổi số trong du lịch phải được thực hiện đồng bộ. Từ các cơ quan, đến các doanh nghiệp, cộng đồng tham gia hoạt động du lịch”.

Chuyển đổi số thực sự trở thành động lực phát triển mới cho du lịch Quảng Ninh. Trong thời gian qua, hàng loạt đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai chuyển đổi số ở mọi cấp độ, mang lại tiện ích, trải nghiệm ấn tượng cho du khách như Bảo tàng Quảng Ninh, Vịnh Hạ Long, huyện Cô Tô, Quan Lạn,…

Trong đó đặc biệt kể tới ứng dụng công nghệ phục vụ công tác trưng bày hiện vật, xây dựng mô hình bảo tàng ảo, nghiên cứu triển khai ứng dụng hệ thống vé điện tử, tra cứu thông tin trực tuyến, bản đồ số du lịch, số hóa thông tin điểm đến…

Truy cập Bảo tàng ảo của Bảo tàng Quảng Ninh theo đường link: http://baotangao.baotangquangninh.vn/

Truy cập Bảo tàng ảo của Bảo tàng Quảng Ninh theo đường link: http://baotangao.baotangquangninh.vn/

Các website chính thức của du lịch Quảng Ninh là “halongtourism.com.vn” và “halongtourism.info”, các tài khoản mạng xã hội của du lịch tỉnh luôn cập nhật thông tin bằng cả 3 ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung) cùng nhiều hình ảnh, clip mới giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ninh tới bạn bè và du khách quốc tế.

Sở cũng vận hành và tiếp tục hoàn thiện bản đồ số du lịch Quảng Ninh với các tính năng cơ bản, như: Hướng dẫn đặt phòng trực tuyến, đặt trước xe theo lịch trình, đường dây nóng hỗ trợ và phản ánh chất lượng du lịch...

Quảng Ninh xác định chuyển đổi số trong du lịch là nhiệm vụ rất quan trọng, là cả một tiến trình lâu dài, bền bỉ. Chuyển đổi số trong du lịch phải được thực hiện đồng bộ. Từ các cơ quan, đến các doanh nghiệp, cộng đồng tham gia hoạt động du lịch.
Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh

Tại thành phố Hạ Long, nếu như trước đây khi tới mỗi điểm tham quan trong hành trình trải nghiệm vịnh Hạ Long, du khách phải xuất trình vé để nhân viên soát vé bấm lỗ, thì hiện nay tất cả đã được thay thế bằng hóa đơn điện tử tích hợp vé tham quan vịnh, vé dịch vụ hành khách qua cảng, dành cho cả khách du lịch tham quan ban ngày và tham quan lưu trú nghỉ đêm.

So với lần đầu thăm vịnh Hạ Long hồi năm 2000, anh Franko (quốc tịch Đức) chia sẻ: “Trở lại thăm vịnh Hạ Long lần này, tôi thấy chất lượng dịch vụ ở vịnh Hạ Long đã thay đổi hoàn toàn, khoa học và văn minh hơn. Tôi không phải chờ đợi lâu từ khâu mua vé. Tôi thích nhất hóa đơn điện tử tích hợp vé tham quan ghi rõ tuyến đi bằng cả tiếng Anh, rất tiện để theo dõi lịch trình”.

Ban quản lý vịnh Hạ Long đánh giá, hệ thống tích hợp này vừa giúp đơn giản hóa thủ tục để du khách có hành trình trọn vẹn, vừa tạo thuận tiện cho cơ quan quản lý du lịch. Theo đó, hệ thống này cho phép các tổ chức, cá nhân, khách du lịch truy xuất hóa đơn mua vé tham quan vịnh Hạ Long, giúp các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát, hậu kiểm thuận tiện, nhanh chóng cho khi có yêu cầu. Đồng thời, hệ thống hóa đơn điện tử giúp hỗ trợ cơ quan quản lý báo cáo doanh thu thu phí, thu dịch vụ hành khách qua cảng, truyền dữ liệu trực tiếp về cơ quan quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách.

Không chỉ tại điểm đến vịnh Hạ Long, hiện nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai số hóa thông tin du lịch, số hóa điểm đến, gắn mã QR để phục vụ du khách tra cứu thông tin, tham khảo và lựa chọn điểm đến phù hợp.

Đáng chú ý, từ tháng 9/2022, tỉnh đã xây dựng “Cẩm nang du lịch thành phố Hạ Long” trên nền tảng số, có mã QR cố định, cung cấp đầy đủ, chính xác và chính thống thông tin về du lịch Hạ Long.

Quét mã để nhận được Cẩm nang du lịch Thành phố Hạ Long.

Quét mã để nhận được Cẩm nang du lịch Thành phố Hạ Long.

Du khách mua vé tham quan vịnh Hạ Long tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Du khách mua vé tham quan vịnh Hạ Long tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Du khách quét mã QR để thanh toán vé tham quan tại khu du lịch hang động Vũng Đục (TP Cẩm Phả). (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Du khách quét mã QR để thanh toán vé tham quan tại khu du lịch hang động Vũng Đục (TP Cẩm Phả). (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Quảng Ninh đã đầu tư hạ tầng đường truyền internet tốc độ cao, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách tại các điểm du lịch. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Quảng Ninh đã đầu tư hạ tầng đường truyền internet tốc độ cao, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách tại các điểm du lịch. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Du khách quét mã QR tìm hiểu thông tin, lựa chọn các dịch vụ tiện ích tại Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (TP Uông Bí). (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Du khách quét mã QR tìm hiểu thông tin, lựa chọn các dịch vụ tiện ích tại Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (TP Uông Bí). (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh cho thấy, hiện toàn tỉnh đã có gần 200 điểm trong tổng số 370 điểm đến tham quan, danh thắng, di tích tại 13 địa phương được số hóa thông tin và gắn mã QR.

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trong thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, trước hết sẽ tập trung nguồn lực, phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kho dữ liệu số du lịch tỉnh. Đặc biệt, để tiếp tục nâng cao trải nghiệm cho du khách, Quảng Ninh đang phấn đấu sẽ số hóa và gắn mã QR tại 100% địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Du khách và người dân có thể tham quan, tìm hiểu thông tin điểm đến dễ dàng, giảm phụ thuộc vào hướng dẫn viên. 

Toàn tỉnh Quảng Ninh đã có gần 200 điểm trong tổng số 370 điểm đến tham quan, danh thắng, di tích
tại 13 địa phương được số hóa thông tin và gắn mã QR

Sở Du lịch tỉnh phối hợp với Trung tâm Thông tin (Cục Du lịch Việt Nam) để đưa vào sử dụng ứng dụng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” và các nền tảng số cốt lõi trong hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc của ngành du lịch.

Đồng thời, tỉnh sẽ triển khai các công cụ và phương tiện hỗ trợ khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên hệ thống Thẻ du lịch thông minh thuộc hệ sinh thái Thẻ Việt - Một thẻ Quốc gia đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai nền tảng số quốc gia “Quản trị và Kinh doanh du lịch” để hỗ trợ cơ quan quản lý, cơ sở kinh doanh du lịch. Nghiên cứu, triển khai đồng bộ hệ thống vé điện tử tại các điểm tham quan du lịch, các điểm vui chơi, giải trí… trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Quảng bá, giao dịch sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh trên Trang vàng Du lịch Việt Nam.

Trang thông tin chính thức của du lịch Quảng Ninh (địa chỉ đường link: http://halongtourism.com.vn/) cung cấp đầy đủ thông tin bằng cả 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung Quốc.

Trang thông tin chính thức của du lịch Quảng Ninh (địa chỉ đường link: http://halongtourism.com.vn/) cung cấp đầy đủ thông tin bằng cả 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung Quốc.

Không chỉ ứng dụng chuyển đổi số vào công tác phục vụ du khách, thời gian qua, Sở Du lịch đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thúc đẩy chuyển đổi số trong thủ tục hành chính và công tác quản lý điểm đến.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh cho hay, hiện, toàn bộ 26 trung tâm hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch được thực hiện trực tuyến toàn trình, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, dịch vụ. Trang thông tin điện tử của Sở duy trì hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu cung cấp, trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, người dân và du khách.

Cùng với việc chuyển đổi số trong công tác cải cách hành chính, tuyên truyền, quảng bá trên các nền tảng truyền thông số, Sở Du lịch còn nỗ lực chỉ đạo và hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị du lịch đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

Đến nay, 100% doanh nghiệp, đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh đã đưa vào sử dụng website hoặc trang mạng xã hội để quảng bá hình ảnh; sử dụng tài khoản có chức năng thanh toán trực tuyến để thực hiện các giao dịch thương mại điện tử, chấp nhận thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Các thông tin số liệu, báo cáo thống kê hoạt động kinh doanh cũng được các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước qua môi trường mạng…

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường kết nối doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với các đơn vị cung cấp công nghệ, phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số để phát triển các sản phẩm phù hợp theo nhu cầu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch bền vững.

Ngày xuất bản: 18/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND