QUẢNG NINH

TẠO THUẬN LỢI TỐI ĐA CHO DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO CƠ SỞ HẠ TẦNG

Mới đây Quảng Ninh được công nhận đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam, vượt qua lần lượt các địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh (thứ 2), Bình Dương (thứ 3), Hà Nội (thứ 4)… Điều này có được là nhờ những quyết sách đúng đắn, kịp thời của địa phương, đặc biệt trong việc tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.

RẢI "THẢM ĐỎ" CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Đối với các chính sách dành cho nhà đầu tư, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: “Quan điểm, phương châm hành động của tỉnh là hiệu quả của doanh nghiệp là thành công của địa phương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan chức năng của tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án và sẽ giải quyết các vướng mắc, khó khăn thuộc về trách nhiệm của tỉnh 24/24h, kể cả ngày nghỉ…”.

Những năm vừa qua, Quảng Ninh nổi lên là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông. Thực hiện đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, cùng với các khu vực đô thị, Khu kinh tế, Khu công nghiệp thì hạ tầng giao thông tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo đã và đang được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư. Việc giao thông được kết nối đồng bộ, liên thông tổng thể giữa các thôn bản với trung tâm đô thị đã góp phần quan trọng kéo giảm khoảng cách vùng miền và hiện thực hóa phương châm “mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm và không để ai bỏ lại phía sau”.

Để có được thành quả này không thể kể đến nỗ lực của địa phương trong việc tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.

Hằng năm, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đơn giá thuê đất, thủ tục đất đai, cấp mỏ đất, nhu cầu sử dụng điện, kết nối hạ tầng dự án... để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp.

Về hạ tầng giao thông, tỉnh Quảng Ninh đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng về giao thông tới các cảng biển, sân bay và hạ tầng các khu công nghiệp. Đồng thời, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải tham mưu triển khai dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4B để tăng cường kết nối Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh, đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, kết nối Quảng Ninh-Lạng Sơn-Cao Bằng và kết nối nội vùng Đông Bắc-Tây Bắc…

Quảng Ninh cũng đã và chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận triển khai đầu tư và hoàn thành nhiều dự án giao thông. Đó là các dự án: Cầu Triều và đường dẫn nối Quốc lộ 18 với Tỉnh lộ 389; Cầu Lại Xuân và tuyến đường 2 đầu cầu; Cầu bến Rừng và hệ thống đường dẫn; Cải tạo nâng cấp đường 342 kết nối tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang; Tuyến đường nối từ Quốc lộ 279 (xã Tân Dân, TP Hạ Long) đến Tỉnh lộ 291 qua thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang…

Quảng Ninh còn tích cực triển khai các thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án giao thông kết nối liên vùng, kết nối vùng thấp với vùng cao, vùng động lực với vùng khó khăn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các dự án hạ tầng giao thông lớn đang triển khai trên địa bàn…

Điển hình như sau 4 năm đầu tư, đến ngày 1/9/2022, Quảng Ninh đã hoàn thành mảnh ghép cuối cùng của chuỗi cao tốc dọc tỉnh là tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh sở hữu đường cao tốc nhiều nhất Việt Nam nối dài từ Hải Phòng - Móng Cái, với tổng số 176km, bằng 1/6 tổng số km (1.046km) đường cao tốc cả nước.

Cùng với đó, Quảng Ninh đã hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, cảnh quan đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả với 6 làn xe, con đường đẹp nhất Việt Nam, đưa cầu Tình Yêu vào sử dụng kết nối TP Hạ Long với Hoành Bồ sau sáp nhập. Đây đều là những công trình giao thông mang ý nghĩa động lực, tạo đà phát triển cho Quảng Ninh.

Đối với cảng biển, Quảng Ninh cũng tạo đột phát với những cảng tàu cao cấp như Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu – cảng tàu nhân tạo đạt kỷ lục guiness lớn nhất Việt Nam với bến cảng dài gần 10km, tiếp nhận được 2.000 tàu du lịch. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long – cảng tàu chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam. Cảng sở hữu hệ thống cầu, bến dài, rộng, có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu khách cỡ lớn có trọng tải đến 225.000GT, sức chở lên đến 8.400 khách và thủy thủ đoàn. Cảng cao cấp Ao Tiên với quy mô gần 30ha. Đây là tổ hợp cảng thiết kế theo chủ đề không gian xanh có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu, cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế.

Cảng tàu khách Hạ Long

Cảng tàu khách Hạ Long

Không chỉ có đường bộ, đường biển, Quảng Ninh cũng tiên phong hợp tác đầu tư công-tư xây dựng, đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Cảng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Sân bay Vân Đồn đạt cấp 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – ICAO), có cơ sở vật chất hiện đại với đường băng dài 3,6km, rộng 45m đủ điều kiện cất hạ cánh các máy bay tiên tiến nhất thế giới như Boeing 787. Nhà ga có công suất 2,5 triệu hành khách/năm; khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm. 

Cùng với thế mạnh về hạ tầng đồng bộ, Quảng Ninh là địa phương 6 năm liền xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính đã làm cho vùng mỏ trở thành mảnh đất “màu mỡ” thu hút nguồn tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài.

ĐIỂM NHẤN TỪ HỆ THỐNG CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ

Thành quả của những quyết sách đúng đắn của Quảng Ninh là bộ mặt hạ tầng giao thông đã có sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.

Thành quả của những quyết sách đúng đắn của Quảng Ninh là bộ mặt hạ tầng giao thông đã có sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.

Cụ thể, vào những năm đầu thập niên 2010, điểm nhấn về giao thông duy nhất của Quảng Ninh chỉ có cây cầu Bãi Cháy được thực hiện bằng vốn ODA của Nhật Bản. Các tuyến quốc lộ hầu hết xuống cấp, thiếu tính kết nối vùng, đường tỉnh chỉ đạt cấp IV miền núi, đường liên xã bê tông hóa chỉ đạt trên 30% và xuống cấp. Từ thành phố Hạ Long đến các địa phương khu vực miền Đông, miền Tây của tỉnh, nếu đi bằng ô tô cũng mất từ 2-5 tiếng. Còn từ Hà Nội về đến thành phố Hạ Long cũng phải đi 4-5 tiếng.

Thế nhưng đến nay, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có sân bay, đường cao tốc và hệ thống cảng biển hiện đại.

Các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào khai thác đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, bảo đảm kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế. Từ đó, từng bước giải quyết điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội, mở ra không gian, quỹ đất phát triển mới. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến đầu tư.

Điều này có thể thấy rõ ở hiệu quả của tuyến đường cao tốc từ Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Đây là tuyến giao thông huyết mạch chạy dọc tỉnh kết nối 3 khu kinh tế trọng điểm: Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái và hơn 20 khu công nghiệp, liên thông với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và các cảng biển của Quảng Ninh; rút ngắn thời gian di chuyển từ Vân Đồn đến Hà Nội chỉ còn 2 giờ (trước đây thời gian di chuyển từ Vân Đồn đến Hà Nội theo quốc lộ 18 khoảng 5 giờ 30 phút); từ Móng Cái đến Hà Nội còn 2 giờ 45 phút trước đây thời gian di chuyển từ Móng Cái đến Hà Nội theo quốc lộ 18 khoảng 8 giờ 30 phút).

Cùng với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, tuyến cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh đã góp phần hình thành tuyến cao tốc dài 600km kết nối các trung tâm kinh tế khu vực phía Bắc của Việt Nam gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Giao thông thuận lợi đã mở ra thời cơ, vận hội mới cho Quảng Ninh vươn lên mạnh mẽ về kinh tế-xã hội. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2023, Quảng Ninh đạt được những kết quả tích cực, nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế ghi dấu ấn nổi bật, với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 9,94%, trong đó khu vực công nghiệp-xây dựng ước tăng 9,08%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,19; khu vực dịch vụ ước tăng 12,76%.

Chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới sẽ vẫn là ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra trung tâm kết nối dịch vụ, giao thông quốc tế, nhằm tạo bàn đạp thu hút đầu tư ngoài nhà nước để hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển tại một số khu vực trọng tâm có nhiều tiềm năng như: Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh, Nam Tiền Phong...

Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định chủ trương “xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc tại Quảng Ninh”.

Cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ sẽ tiếp tục tạo lợi thế nổi trội, khác biệt để Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, dịch vụ thương mại, đầu mối xuất nhập khẩu quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc) và vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ trong tương lai gần.

Cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại cũng là một trong những yếu tố vững chắc để Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 đạt trên 11%, tiếp tục lập nên kỳ tích với tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong 8 năm liên tiếp theo.

Đến nay, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có hệ thống cảng biển hiện đại.

Đến nay, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có hệ thống cảng biển hiện đại.

Sân bay Vân Đồn đạt cấp 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – ICAO), có cơ sở vật chất hiện đại với đường băng dài 3,6km, rộng 45m đủ điều kiện cất hạ cánh các máy bay tiên tiến nhất thế giới như Boeing 787.

Sân bay Vân Đồn đạt cấp 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – ICAO), có cơ sở vật chất hiện đại với đường băng dài 3,6km, rộng 45m đủ điều kiện cất hạ cánh các máy bay tiên tiến nhất thế giới như Boeing 787.

Quảng Ninh là tỉnh sở hữu đường cao tốc nhiều nhất Việt Nam nối dài từ Hải Phòng - Móng Cái, với tổng số 176km, bằng 1/6 tổng số km (1.046km) đường cao tốc cả nước.

Quảng Ninh là tỉnh sở hữu đường cao tốc nhiều nhất Việt Nam nối dài từ Hải Phòng - Móng Cái, với tổng số 176km, bằng 1/6 tổng số km (1.046km) đường cao tốc cả nước.

Giao thông thuận lợi đã mở ra thời cơ, vận hội mới cho Quảng Ninh vươn lên mạnh mẽ về kinh tế-xã hội.

Giao thông thuận lợi đã mở ra thời cơ, vận hội mới cho Quảng Ninh vươn lên mạnh mẽ về kinh tế-xã hội.

Ngày xuất bản: 29/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND