Quảng Ninh:

Năm nay đã gần 60 tuổi, nhưng gần như suốt cả cuộc đời, bà Nguyễn Thị Huyên (Cẩm Sơn, Cẩm Phả) chưa từng được ở trong một căn nhà nào rộng quá… 20m2. Thế nhưng, với việc Khu nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Yên, Quảng Ninh) sắp được đưa vào sử dụng, giấc mơ của bà Huyên và hàng nghìn công nhân khác sẽ có cơ hội thành hiện thực.

Đỏ mắt chờ… an cư

Nằm sát đường nối từ Quốc lộ 18 vào Khu công nghiệp Đông Mai là khu vực tập trung đông nhà trọ bình dân phục vụ công nhân lao động tìm đến thuê ở. Nằm nép dưới triền đồi trồng dày đặc keo, những dãy nhà lúp xúp, rêu phong mọc đầy mọc lên san sát nhau. Thi thoảng, ở những khoảng trống lại xuất hiện vài quán cơm bụi, cà-phê con cóc đơn sơ.

Chiều muộn, chị Nguyễn Thị Lan (quê ở Bắc Giang) khẽ khép cánh cửa phòng đã bạc màu và cong vênh rồi dắt cô con gái nhỏ mới học lớp 3 ra sân hóng gió. Cái nóng ngột ngạt khiến nơi ở chỉ rộng 17m2 của mẹ con Lan trở nên hầm hập như lò nung, không sao chịu nổi. Vừa trông chừng con đang chạy nhảy, chị vừa bảo, chị phải bỏ ra 700.000 đồng/tháng để mướn căn phòng này từ 3 năm nay.

“Do giá rẻ nên bên trong chúng tôi chỉ kê vừa chiếc phản lớn làm giường, thêm một chiếc tủ lạnh và chừa ra một lối nhỏ để có thể cất xe máy vào ban đêm. Mọi sinh hoạt, học hành, làm việc của hai mẹ con đều trên… giường cả”, gạt mồ hôi đầm đìa trên trán, chị Lan khe khẽ thở dài.

Nắng nóng đã khổ, cực nhất là những ngày mưa bão, do đã cũ, nên căn phòng thường xuyên bị dột. Nước từ trên mái thấm vào tường, len qua các kẽ hở hắt vào ướt nhẹp. Khi ấy, hai mẹ con vừa ôm nhau, vừa mong trời nhanh tạnh.

Nhẩm tính chi li, với mức lương công nhân 7 triệu đồng/tháng, trừ tất cả chi phí ăn ở, tiền học cho con, mỗi tháng, chị Lan chỉ tiết kiệm được từ 1-2 triệu đồng. Cuộc sống cứ thế trôi qua, trong khi giấc mơ về một ngôi nhà bình yên mỗi lúc một xa vời.

Cách khu trọ của chị Lan không xa, bà Nguyễn Thị Huyên thậm chí vẫn phải xin đi… ở nhờ người quen để tiết kiệm tối đa chi phí. Làm công nhân vệ sinh cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Đông Mai, mỗi tháng bà Huyên nhận được khoảng 4 triệu tiền lương. Thu nhập ít ỏi khiến người phụ nữ quê gốc Cẩm Phả không dám nghĩ tới cả việc thuê phòng.

Bà Nguyễn Thị Huyên chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Bà Nguyễn Thị Huyên chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

“Trước đây, tôi làm công nhân mỏ thì cả gia đình ở trong căn bếp cũ khoảng 18m2. Sau này, chồng tôi mất vì bệnh, các con lập gia đình mà kinh tế vẫn khó khăn nên tôi buộc phải đi làm công nhân”, bà Huyên khẽ nhăn mặt kể.

Để… cân đối thu chi, bà xin tá túc nhờ nhà người quen cách chỗ làm 12km. Phòng bà chỉ kê vừa đúng chiếc giường đơn. Đồ vật giá trị nhất có lẽ là chiếc quạt điện cơ tuổi đời… gần 20 năm có lẻ.

“Giá cả ngày càng đắt đỏ nên tiết kiệm hết mức cũng chẳng dư được là bao. Suốt đời tôi chưa từng có một căn nhà đúng nghĩa”, bà Huyên ngậm ngùi.

Giá cả ngày càng đắt đỏ nên tiết kiệm hết mức cũng chẳng dư được là bao. Suốt đời tôi chưa từng có một căn nhà đúng nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Huyên

Trong khi đó, anh Hoàng Thanh Hùng, 33 tuổi đã có gần 6 năm làm việc tại Khu công nghiệp Đông Mai. Với mức lương thuộc diện “khá giả”, hằng tháng, Hùng lấy về được 7 triệu đồng.

Ngày mới từ Đông Triều về Quảng Yên, Hùng còn thuê hẳn một căn trọ giá… 2 triệu đồng để tiện sinh hoạt. Thế nhưng, hiện tại, anh đã buộc phải chuyển sang phòng khác có mức giá chỉ bằng ¼.

“Thời gian đầu, trả tiền trọ, ăn uống, sinh hoạt là… vừa hết lương. Vợ con tôi ở quê không nhận được một khoản tiền nào. Bởi vậy, từ 2 năm nay, tôi đã chuyển sang chỗ mới với giá 500.000 đồng. Trừ hết các khoản, mỗi tháng tôi vẫn dư gửi về khoảng 2-3 triệu”, anh Hùng cười, kể lại.

Những tưởng, giấc mơ an cư của những người như chị Lan, anh Hùng, bà Huyên sẽ mãi… xa vời thì bất ngờ, niềm hy vọng lại mở ra với họ. Những công nhân tại Khu công nghiệp Đông Mai nói riêng, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung đang đứng trước cơ hội lớn để có một mái ấm đúng nghĩa cho riêng mình nhờ những quyết sách và hành động quyết liệt.

Những tưởng, giấc mơ an cư của những người như chị Lan, anh Hùng, bà Huyên sẽ mãi… xa vời thì bất ngờ, niềm hy vọng lại mở ra với họ. Những công nhân tại Khu công nghiệp Đông Mai nói riêng, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung đang đứng trước cơ hội lớn để có một mái ấm đúng nghĩa cho riêng mình nhờ những quyết sách và hành động quyết liệt.

Hiện thực hóa… một mái nhà

Trong những ngày giữa tháng 10, khu nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Yên) đang bước vào giai đoạn nước rút. Nằm trên một khoảng đất vuông vắn, nhìn thẳng ra núi đồi trùng điệp, những block cao tầng dần được hình thành. Đây cũng sẽ là nơi ở dành cho hàng trăm công nhân Khu công nghiệp trong tương lai rất gần phía trước.

Khu nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Yên) đang trong quá trình gấp rút xây dựng. Ảnh chụp ngày 12/9/2023.

Khu nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Yên) đang trong quá trình gấp rút xây dựng. Ảnh chụp ngày 12/9/2023.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Tổng Công ty Viglacera cho biết, nhằm giải quyết bài toán “an cư, lạc nghiệp” cho người lao động; thực hiện chủ trương chăm lo, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, tháng 3/2022, dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia Khu công nghiệp Đông Mai đã chính thức được khởi công.

Với tổng mức đầu tư khoảng 650 tỷ đồng, dự án được triển khai ở vị trí đẹp, đắc địa nhất tại địa bàn trung tâm phát triển của thị xã Quảng Yên với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

Dự án có tổng diện tích 9,12ha, quy mô 5 tòa nhà 6 tầng gồm 1.000 căn hộ, đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 5.500 người làm việc trong Khu công nghiệp. Mỗi căn hộ có diện tích từ 26-67m2, được bố trí từ 1 đến 3 phòng ngủ. Ngoài hạng mục nhà ở, dự án sẽ được đầu tư đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, như: Công viên cây xanh, trường mầm non, dịch vụ công cộng, bảo đảm đầy đủ tiện ích về giáo dục, sinh hoạt cộng đồng cho cư dân.

Toàn cảnh Khu công nghiệp Đông Mai

Toàn cảnh Khu công nghiệp Đông Mai

Để bảo đảm tiến độ đề ra, đơn vị thi công đã huy động hàng trăm công nhân, kỹ sư cùng các thiết bị phục vụ thi công.

Ông Minh Tuấn Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (Tổng Công ty Viglacera), cho biết: "Đây là dự án nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của tỉnh Quảng Ninh, vì vậy các thủ tục pháp lý về dự án cũng như công tác giải phóng mặt bằng giao đất cho chủ đầu tư đã được địa phương hoàn thành rất nhanh chỉ trong vòng 6 tháng. Theo cam kết với tỉnh Quảng Ninh, công trình sẽ hoàn thành thi công trong vòng 54 tháng, tuy nhiên chúng tôi sẽ phấn đấu đẩy nhanh tiến độ về đích trước thời hạn 1 năm".

Theo cam kết với tỉnh Quảng Ninh, công trình sẽ hoàn thành thi công trong vòng 54 tháng, tuy nhiên chúng tôi sẽ phấn đấu đẩy nhanh tiến độ về đích trước thời hạn 1 năm.
Ông Minh Tuấn Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (Tổng Công ty Viglacera)

Dự kiến, sau khi hoàn thành, mỗi căn hộ thuộc dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia Khu công nghiệp Đông Mai có giá bán dưới 10 triệu đồng/m2. Qua đó kịp thời góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho đối tượng công nhân và chuyên gia, giúp người lao động “an cư lạc nghiệp” gắn bó lâu dài với doanh nghiệp trong khu công nghiệp và bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội địa phương.

Theo đại diện Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, hiện nay Khu công nghiệp Đông Mai có 26 dự án đang hoạt động, với tổng số công nhân khoảng 9.300 người; trong đó có khoảng 4.000 công nhân có nhu cầu nhà ở. Việc Tổng công ty Viglacera – Công ty CP triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia Khu công nghiệp Đông Mai tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên là hết sức cần thiết, phù hợp với định hướng, quan điểm phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Việc triển khai dự án sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 5.500 công nhân, người lao động trong Khu công nghiệp Đông Mai, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thị xã Quảng Yên, tạo chỗ ở ổn định, thu hút, giữ chân người lao động; đồng thời cụ thể hóa mục tiêu Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ. Đây được xác định là công trình có ý nghĩa chính trị-xã hội của tỉnh, là công trình gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh, cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 “nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”.

Hiện tại, dự án đang bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Theo thông tin từ chủ đầu tư, hạng mục hạ tầng kỹ thuật đến nay đã đạt khoảng 95%. Phía Viglacera đang triển khai xây dựng nhà chung cư CT2-1, CT2-2, CT2-3. Các hạng mục còn lại sẽ khởi công Quý III năm 2023 và năm 2024, phấn đấu đầu tư hoàn thành trong năm 2025 theo đúng cam kết với UBND tỉnh.

Anh Đỗ Việt Tùng, Công nhân Khu công nghiệp Đông Mai không giấu nổi niềm vui khi có khả năng được mua căn hộ tại dự án. Chia sẻ với phóng viên, anh cho biết: "Sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi hiện đang đi thuê trọ để ở. Trong khi đó vợ chồng tôi đều là công nhân, với thu nhập hiện nay thì việc mua nhà rất khó khăn. Nhưng hiện này khi khu nhà ở công nhân với giá bán ưu đãi thì công nhân chúng tôi có thể tiếp cận mua nhà, từ đó ổn định chỗ ở, gắn bó lâu dài với công ty".

Trong khi đó, chị Lan và con gái cũng đang nóng lòng vì giấc mơ “an cư” dường như có cơ hội trở thành hiện thực.

“Năm 2022, qua xét duyệt bước đầu, tôi thuộc danh sách có đủ điều kiện đăng ký mua nhà. Về kể với con, cháu rất mừng. Ngày ngày, đi qua khu đất đang xây dựng dự án, cháu liên tục hỏi: Mẹ ơi, bao giờ mình sẽ được về nhà mới. Có nhà, chắc chắn chúng tôi sẽ gắn bó lâu dài với vùng đất mỏ Quảng Ninh”, chị Lan cười hiền lành và tâm sự.

Nhân rộng mô hình ngôi nhà của nụ cười

Chuyện của chị Lan, anh Hùng… thật ra không hề hiếm gặp tại Quảng Ninh. Trong nhiều năm qua, địa phương vùng Đông Bắc vẫn đang trăn trở tìm các giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp khu vực đô thị.

Ngay từ năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Đề án chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ về phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Năm 2017, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2017-2020. UBND tỉnh mới có chỉ đạo cụ thể về thực hiện đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo, ưu tiên quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp ở khu vực đô thị, nhà ở cho học sinh, sinh viên và nhà ở công nhân. Các khu công nghiệp tập trung đều dành quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân.

Khu tập thể 314 (Công ty CP Than Vàng Danh) đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 500 công nhân.

Khu tập thể 314 (Công ty CP Than Vàng Danh) đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 500 công nhân.

Kết quả trong giai đoạn 2010-2020 đã có nhiều dự án được đầu tư phát huy hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội.

Tiêu biểu, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư xây dựng khoảng 30 dự án nhà ở tập thể, với 2.720 căn hộ, đáp ứng chỗ ở gần 8.000 công nhân (khoảng 7.600 công nhân độc thân và 400 hộ gia đình).

Khu tập thể công nhân của Công ty Than Hòn Gai được đầu tư xây dựng hiện đại, đầy đủ công năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân.

Khu tập thể công nhân của Công ty Than Hòn Gai được đầu tư xây dựng hiện đại, đầy đủ công năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân.

Các đơn vị trong Tổng Công ty Đông Bắc đã đầu tư xây dựng 2 khu nhà ở tập thể công nhân, với tổng diện tích đất trên 10,6ha, tổng số trên 1.000 căn chung cư, đủ đáp ứng chỗ ở cho trên 4.500 công nhân hầm lò.

Khu công nghiệp Hải Yên ở TP Móng Cái đầu tư xây dựng được 4 khối nhà ở tập thể 5 tầng, với tổng số 696 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 4.000 công nhân.

Chủ trương phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp và nhà ở cho lao động thu nhập thấp vẫn tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp quan trọng.

Chủ trương phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp và nhà ở cho lao động thu nhập thấp vẫn tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp quan trọng.

Trong giai đoạn mới, chủ trương phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp và nhà ở cho lao động thu nhập thấp vẫn tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số của tỉnh Quảng Ninh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 90 nghìn công nhân lao động ngành Than. Nhằm giúp công nhân “an cư, lạc nghiệp”, thời gian gần đây, nhiều đơn vị trong ngành Than đã đầu tư, nâng cấp nhà ở tập thể cho thợ mỏ. Trong 10 năm qua, TKV và các đơn vị thành viên đã đầu tư khoảng 30 dự án nhà ở tập thể với hơn 2.700 căn hộ dành cho công nhân, người lao động.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án đã khởi công và dự kiến năm nay sẽ hoàn thành khoảng 1.600 căn hộ.
Ông Đỗ Xuân Điệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh

Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Xuân Điệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án đã khởi công và dự kiến năm nay sẽ hoàn thành khoảng 1.600 căn hộ.

Bên cạnh dự án do Vigracera làm chủ đầu tư, tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh cũng đang cho triển khai dự án xây dựng nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp Sông Khoai do Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam làm chủ đầu tư với diện tích quy hoạch 1,275ha, quy mô 2 tòa chung cư với tổng số 412 căn.

Lễ khởi công dự án nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng

Lễ khởi công dự án nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng

Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai dự án nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư đồi Ngân hàng (TP Hạ Long), với quy mô dân số dự kiến khoảng 3.880 người. Dự án có diện tích 25.900m2, trong đó diện tích đất xây dựng công trình trên 7.400m2, đất cây xanh trên 5.000m2, đất hạ tầng kỹ thuật trên 13.300m2. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.360 tỷ đồng, do Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư tài chính Toàn Cầu - Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch, dự án có 3 tòa nhà chung cư. Đây là một trong những dự án nhà ở xã hội đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với những chính sách ưu đãi về giá bán, cũng như lãi suất vay ngân hàng, góp phần quan trọng giải quyết về nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động có thu nhập thấp. Dự án dự kiến sẽ hoàn thiện bàn giao đưa vào sử dụng trong quý I/2026.

Một góc thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh.

Một góc thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh.

“Ngoài 3 dự án ở xã hội đang triển khai đầu tư xây dựng như đã thông tin nêu trên, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 10 khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các khu công nghiệp, công nhân ngành than đã có quỹ đất, quy hoạch chi tiết và đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, với tổng quy mô diện tích đất 36,3ha; 480.000m2 sàn; 6.200 căn hộ; tổng mức đầu tư 4.800 tỷ đồng”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh thông tin thêm.

Nhằm giải quyết “căn cơ” hơn, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 388 ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, giao chỉ tiêu cho Quảng Ninh tới năm 2030 hoàn thành ít nhất 18.000 căn nhà ở xã hội.

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tổ chức triển khai nghiêm túc Quyết định số 388 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2279 của UBND tỉnh

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tổ chức triển khai nghiêm túc Quyết định số 388 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2279 của UBND tỉnh

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tổ chức triển khai nghiêm túc Quyết định số 388 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2279 của UBND tỉnh. Theo đó, phải có kế hoạch chi tiết, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời, phải rà soát kỹ hơn nhu cầu thực tế, lộ trình thực hiện về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong ngành than, khu công nghiệp, các doanh nghiệp và nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp.

Đồng thời, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát và phân rõ các dự án đã triển khai, các dự án có chủ trương cho nghiên cứu vị trí quy hoạch, đầu tư nhưng chưa triển khai và cả những vị trí quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, quỹ đất 5%... để công khai, mời gọi thu hút các nhà đầu tư.

Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là quá trình triển khai đầu tư dự án để người lao động tiếp cận các căn hộ chi phí hợp lý, giá cả phù hợp với khả năng chi trả và không để xảy ra tình trạng đầu cơ.

Từ nay đến cuối năm, các ngành, địa phương cần tăng cường kết nối, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong khu công nghiệp kết nối cung-cầu hiệu quả; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo thu hút lao động; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ để thu hút lao động về với tỉnh.

Item 1 of 3

Ngày xuất bản: 19/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND