Được ví như “một Việt Nam thu nhỏ” với nhiều tiềm năng lợi thế nổi trội, và đặc biệt, nhờ những quyết sách mạnh mẽ, du lịch Quảng Ninh những năm qua đã trở thành một điểm đến đầy hấp lực với du khách trong và ngoài nước suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.  

ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG DU LỊCH

Có mặt tại thành phố Hạ Long cùng gia đình dịp đầu tháng 10, anh Nguyễn Quốc Thắng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, từ ngày thông tuyến cao tốc Hà Nội-Quảng Ninh, cuối tuần cả nhà anh thường tự lái xe xuống Hạ Long chơi. Anh bảo trước kia đi Hạ Long mất khá nhiều thời gian, xuống đến nơi cũng không có gì đặc sắc ngoài ngắm vịnh, và chủ yếu phải đi vào hè để tắm biển. Nay thì khác nhiều, không chỉ là thời gian đi lại ngắn mà cơ bản nhất là ở Hạ Long không có thời gian chán, dù vào bất cứ thời điểm nào trong năm.

Anh Thắng cười nói: “Xuống đây nhu cầu của cả nhà được đáp ứng. Bọn trẻ con thích cáp treo, chơi trong khu vui chơi quên giờ giấc. Tối đến cả nhà cùng nhau đi hóng gió biển. Đồ ăn ngon và giá cả hợp lý. Ở lại 1 đêm, sáng hôm sau có thể lên cửa khẩu Móng Cái chơi mà vẫn kịp về Hà Nội trong ngày. Nói chung có rất nhiều hoạt động, đi vài lần cũng không hết”.

Quả thực, trước năm 2013, tới du lịch Quảng Ninh, người ta vẫn ấn tượng với hoạt động du lịch đơn thuần như thăm vịnh Hạ Long, xem show cá heo ở Tuần Châu rồi tắm biển cho hết kỳ nghỉ. Một thời gian dài, Quảng Ninh chỉ tấp nập vào dịp hè, thời gian còn lại, vùng đất mỏ lại đìu hiu với lác đác khách tới thăm Vịnh Hạ Long.

Sự “lột xác” của du lịch Quảng Ninh có được chính là từ những quyết sách mang tính chiến lược của Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Từ Nghị quyết này, tiềm năng du lịch của Quảng Ninh đã thực sự được đánh thức với cách khai thác bài bản các giá trị sẵn có thiên nhiên, văn hóa, tới cơ sở hạ tầng, không gian du lịch,…

Khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp tại đảo Rều (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long). (Ảnh: T.LINH)

Khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp tại đảo Rều (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long). (Ảnh: T.LINH)

Chỉ trong một thời gian, hệ thống cơ sở lưu trú đẳng cấp, các khu vui chơi giải trí chủ đề được hình thành giúp du khách có nhiều lựa chọn hơn khi nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh. Có thể kể tới như khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp tại đảo Rều (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) của Công ty TNHH Vinpearl Hạ Long; Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) của SunGroup; Công viên Đại dương Hạ Long (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long); Khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan tại TP Hạ Long - Vinhomes Hạ Long,….

Cùng với đó, một loạt thiết chế văn hóa được hình thành, tạo nên dấu ấn của du lịch Quảng Ninh như: Cung Quy hoạch, Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Quảng trường 30-10, Công viên Hạ Long (TP Hạ Long); Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, Biểu tượng du lịch Ngã ba Trà Cổ - Bình Ngọc (Móng Cái).

Cùng nhóm bạn sau 30 năm mới gặp lại có mặt tại cột mốc ở mũi Sa Vĩ một ngày cuối tháng 9, anh Nguyễn Minh Hải (quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) xúc động nói: “Chúng tôi bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội vào chiều qua. Sáng nay chúng tôi đi từ Hà Nội và giờ có mặt ở đây. Thực sự là vô cùng xúc động khi lần đầu được tới địa đầu tổ quốc. Đất nước mình đẹp quá, bình yên quá”.

Những năm gần đây, cụm Bảo tàng-Thư viện với thiết kế độc đáo lấy cảm hứng từ khối than đen bên bờ vịnh di sản đã trở thành điểm phải đến trong hành trình khám phá Quảng Ninh.

Anh Thắng, du khách đến từ Hà Nội tâm sự: “Đến Hạ Long, không chỉ vui chơi thư giãn, từ ngày có Bảo tàng Quảng Ninh, trẻ con và cả người lớn có thêm một điểm tham quan mang tính giáo dục. Gia đình tôi rất thích khu hầm lò trong khu bảo tàng. Đúng là chỉ có ở đất mỏ mới có khu trưng bày đặc trưng như vậy. Cách thể hiện rất sống động, như đi trong 1 khu hầm lò thật khiến gia đình tôi rất xúc động khi cảm nhận được hết sự gian khổ, vất vả của người thợ mỏ”.

Không gian khu trưng bày hầm lò khai thác than trong Bảo tàng Quảng Ninh là một điểm nhấn của Bảo tàng. (Ảnh: T.LINH)

Không gian khu trưng bày hầm lò khai thác than trong Bảo tàng Quảng Ninh là một điểm nhấn của Bảo tàng. (Ảnh: T.LINH)

Có thể nói, trong mười năm trở lại đây, Quảng Ninh đã trở thành điểm đến của du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với hơn 2.200 cơ sở lưu trú du lịch tương đương khoảng 43.000 buồng trong đó có nhiều cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4,5 sao và hệ thống tàu du lịch, các nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, sân golf hiện đại, các thiết chế văn hoá kiến trúc độc đáo, đẹp, lạ, các hàng hoá sản phẩm OCOP phong phú, văn hoá ẩm thực đặc sắc...

Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh hiện là địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước kết nối Cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội, rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ còn 1,5 giờ và từ Hà Nội đến Móng Cái chỉ còn 3 giờ. Bên cạnh đó tỉnh quan tâm phát triển tỉnh lộ, đặc biệt từ tỉnh đến tận các xã.

“Sở dĩ tôi nhấn mạnh yếu tố giao thông đường bộ là bởi hiện nay, đây chính là yếu tố giúp phát triển du lịch cộng đồng ở những khu vực biên giới, vùng cao, nhất là với 1 số khu vực có văn hóa gắn với đồng bào dân tộc như Bình Liêu”, bà Huyền Anh giải thích.  

Về đường không, Quảng Ninh có Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - khách chỉ mất 1 tiếng để đi từ Vân Đồn đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái và 45 phút để đi từ Vân Đồn về Hạ Long.

Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long là cảng du thuyền đầu tiên tại Việt Nam có khả năng đón các du thuyền lớn và hiện đại bậc nhất thế giới đến với Vịnh Hạ Long. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long là cảng du thuyền đầu tiên tại Việt Nam có khả năng đón các du thuyền lớn và hiện đại bậc nhất thế giới đến với Vịnh Hạ Long. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Về đường biển có hệ thống các cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt phục vụ du lịch như: Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên đưa khách đi tham quan Di sản vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, Cô Tô, Vân Đồn và đón khách du lịch quốc tế bằng tàu biển với trọng tải lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Có thể thấy, với vị trí địa lý thuận lợi khi là địa phương duy nhất của Việt Nam có đường biên giới trên đất liền và trên biển với Trung Quốc, là cửa ngõ giao thương với các nước ASEAN và thế giới, cùng với một hệ thống giao thông đồng bộ giữa đường bộ, đường không và đường biển, du lịch Quảng Ninh hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, Quảng Ninh còn là địa phương giàu có về nguồn lực tự nhiên, văn hóa để du lịch phát triển bền vững.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh nhấn mạnh, Quảng Ninh tự hào có Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, 2 lần được UNESCO công nhận với các giá trị ngoại hạng về thẩm mỹ cảnh quan thiên nhiên, giá trị địa chất địa mạo và vinh dự được bình chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Liền kề với Di sản Vịnh Hạ Long là vùng vịnh Bái Tử Long, vùng biển Vân Đồn, Cô Tô với nhiều đảo đá, đảo đất xen kẽ, nơi có nhiều bãi biển tuyệt mỹ của tạo hoá.

Du khách quốc tế hài lòng với trải nghiệm qua đêm trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Du khách quốc tế hài lòng với trải nghiệm qua đêm trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Bà Huyền Anh đánh giá, có lẽ không nơi nào sở hữu nhiều di tích văn hóa, lịch sử như Quảng Ninh. Theo thống kê, Quảng Ninh có hơn 600 di tích văn hoá, lịch sử mang đậm nét văn hoá vùng ven biển Đông Bắc và thống nhất trong không gian văn hoá của Vùng đồng bằng Sông Hồng trong đó có nhiều di tích gắn với Triều đại nhà Trần, có thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với tính độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam gắn với Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông-nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hoá lớn của Việt Nam.

Thêm vào đó, Quảng Ninh còn hội tụ các nét văn hóa của 22 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh ... Tất cả đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch độc đáo và đặc sắc hiếm có địa phương nào trong cả nước có được.

Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, năm 2019-năm bùng nổ du lịch trước đại dịch, Quảng Ninh đón được khoảng 14 triệu lượt khách (trong đó có gần 6 triệu du khách quốc tế với mức chi tiêu 2,45 triệu đồng/khách), tổng doanh thu đạt gần 30 tỷ đồng, đóng góp vào thu ngân sách nội địa của ngành du lịch 3.568 tỷ đồng (chiếm 10,7% vào tổng thu ngân sách nội địa tỉnh).

Ngay trong hai năm khó khăn do dịch bệnh Covid-19, du lịch Quảng Ninh cũng có những giai đoạn ghi dấu mốc tăng trưởng vượt trội. Đơn cử, có những ngày cao điểm tháng 7/2020, tỉnh đón 100.000 lượt khách. Thậm chí, Quảng Ninh đón khách tăng cả dịp cuối năm-là mùa thấp điểm, điều trước đây hiếm gặp. Ngay sau khi du lịch hoàn toàn được mở lại, Quảng Ninh đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng ngoạn mục.

Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đón gần 13 triệu lượt du khách, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 1 triệu lượt, tăng gần 8 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt gần 26.500 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn của các thị trường khách quốc tế Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Đài Loan (Trung Quốc),  Ấn Độ và Malaysia...

Không chỉ có vậy, du lịch Quảng Ninh còn liên tục được gọi tên trong các hạng mục của World Travel Awards - giải thưởng được ví như Oscar của ngành du lịch thế giới. Cùng với Vịnh Hạ Long được công nhận là “Điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á 2021, Sân bay Vân Đồn 5 năm liền (từ 2019-2023) được World Travel Awards vinh danh ở nhiều hạng mục của giải thưởng danh giá này. Trong khi đó, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long được trao tặng các danh hiệu “Cảng tàu khách quốc tế hàng đầu châu Á 2021”, Khu nghỉ dưỡng Premier Village Ha Long Bay Resort lần thứ 2 liên tiếp được vinh dự nhận giải thưởng Khu nghỉ dưỡng dành cho gia đình hàng đầu châu Á (năm 2022, 2023).

“DU LỊCH QUẢNG NINH KHÔNG CÓ MÙA THẤP ĐIỂM”

Nỗ lực xây dựng Quảng Ninh thành điểm đến 4 mùa, những năm gần đây, Quảng Ninh đã vượt qua khỏi thương hiệu điểm đến di sản, tự định vị là điểm đến 4 mùa được yêu thích.

Ngày 8/8/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2256/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đã xác định các giải pháp đột phá nhằm phục hồi nhanh và đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế, địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng giải trí cao cấp. Mục tiêu đến năm 2024, du lịch Quảng Ninh phục hồi hoàn toàn, đón được ít nhất 16 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Danh lam thắng cảnh Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh) gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt. (Ảnh: Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử)

Danh lam thắng cảnh Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh) gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt. (Ảnh: Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử)

Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc Phục trách Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, nhờ hệ thống cảng biển đón được tàu khách có trọng tải lớn, Quảng Ninh vẫn đón được khách quốc tế tàu biển vào những tháng cuối năm. Theo dự báo của các doanh nghiệp lữ hành, trong 3 tháng cuối năm sẽ có hơn 20 chuyến tàu biển vào với khoảng 200 ngàn khách quốc tế.

“Đến thời điểm này tôi cho rằng du lịch Quảng Ninh không có mùa thấp điểm”, bà Huyền Anh nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh, những tháng hè, Quảng Ninh sẽ đông đúc nhờ du khách trong nước bởi thói quen đi du lịch biển vào mùa hè. Trong khi đó, du khách nước ngoài thường chọn Quảng Ninh là điểm nghỉ dưỡng trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Theo dự báo của các doanh nghiệp lữ hành, trong 3 tháng cuối năm sẽ có hơn 20 chuyến tàu biển vào với khoảng 200 ngàn khách quốc tế.

Ngoài ra, bà Huyền Anh cho biết, để bù đắp lượng khách vốn trầm vào thời điểm giao mùa tháng 9 và 10, từ nhiều năm nay Quảng Ninh đã tung ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn như: Carnaval mùa đông, các giải chạt Marathon như Giải chạy Marathon quốc tế Di sản Vịnh Hạ Long, giải VN Express Marathon, Cô Tô Dấu ấn đảo xanh; du lịch âm nhạc.

Lễ hội Carnaval mùa đông Hạ Long qua 2 năm tổ chức đã trở thành một sản phẩm du lịch bốn mùa hấp dẫn của Quảng Ninh. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Lễ hội Carnaval mùa đông Hạ Long qua 2 năm tổ chức đã trở thành một sản phẩm du lịch bốn mùa hấp dẫn của Quảng Ninh. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Khu di tích danh thắng Yên Tử với các hoạt động và nghi lễ diễn ra xuyên suốt năm, như: Lễ Phật đản, chương trình Yên Tử - Về miền đất Phật mùa thu, kỷ niệm ngày sinh Phật hoàng Trần Nhân Tông… Ngoài ra, những điểm đến tâm linh trên khắp địa bàn tỉnh như đền Cửa Ông, chùa Ba Vàng, chùa Ngọa Vân… đều sẵn sàng đón khách thập phương về tham quan, chiêm bái.

Sau Covid-19, du lịch chăm sóc sức khỏe hay còn gọi là du lịch chữa lành “lên ngôi”. Quảng Ninh đã bắt kịp xu hướng này của thế giới và trở thành điểm đến tuyệt vời của du lịch chữa lành khi có nhiều tiềm năng trở thành thủ phủ của loại hình du lịch mới này như thiên nhiên xinh đẹp thanh bình, cơ sở vật chất đủ tiêu chuẩn như khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Onsen Quang Hanh, khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy đẳng cấp quốc tế,…

Nhắc tới du lịch chữa lành không thể không kể tới huyện đạo Cô Tô. Với khí hậu biển, chỉ số không khí tốt nhất miền bắc, Cô Tô từ lâu đã là điểm được dân yêu thể thao yêu thích khi lựa chọn để trekking xuyên đảo/xuyên rừng, chạy bộ điền dã, đạp xe du khảo hay tập yoga,…

Không chỉ có vậy, Quảng Ninh cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du lịch golf và MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị) nhờ hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ, đủ chuẩn 4,5 sao để phục vụ các dòng khách cao cấp.

Sân golf FLC Hạ Long thu hút đông đảo golf thủ đến trải nghiệm. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Sân golf FLC Hạ Long thu hút đông đảo golf thủ đến trải nghiệm. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ông Nguyễn Hữu Thủy, Chủ tịch Hội Golf Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Hội Golf Việt Nam cho biết, Hội Golf Quảng Ninh có quy mô gần 200 golf thủ, thường xuyên tổ chức các giải đấu, giao lưu với các golfer trong và ngoài nước... Đây là các điều kiện thuận lợi thu hút, thúc đẩy du lịch golf.

Về du lịch MICE, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, Quảng Ninh có các điều kiện rất tốt để trở thành trung tâm MICE của du lịch Việt Nam. Quảng Ninh sở hữu di sản thế giới Vịnh Hạ Long, hệ thống cơ sở lưu trú có công suất lớn đáp ứng được yêu cầu của MICE là loại hình du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, hệ thống kết nối giao thông thuận tiện. Ngoài ra, hiện Quảng Ninh đã có nhiều kinh nghiệm với loại hình du lịch này sau các lần tổ chức SEAGames, nhiều hội nghị trong nước và quốc tế lớn.

Nghị quyết số 2256/QĐ-UBND đã đề ra 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Quảng Ninh gồm: Du lịch biển đảo; Du lịch văn hóa, tâm linh; Du lịch sinh thái cộng đồng và Du lịch biên giới.

Phó giám đốc phụ trách sở Nguyễn Huyền Anh nhận định: “Theo tôi, 4 dòng sản phẩm này là chưa đủ. Quảng Ninh có khả năng phát triển nhiều sản phẩm du lịch khác như du lịch MICE, du lịch thể thao kết hợp du lịch với thể thao; giải chạy marathon; du lịch Golf”.

Đặc biệt, những tháng cuối năm, du lịch vùng biên Móng Cái hứa hẹn thu hút đông du khách với hàng loạt các hoạt động, chương trình hấp dẫn. Đáng chú ý, từ ngày 30/10, người dân được tự lái xe ô tô qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái để sang TP Đông Hưng và đi sâu tới TP Nam Ninh của Trung Quốc.

Du lịch biên giới là một sản phẩm du lịch hấp dẫn của Quảng Ninh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Du lịch biên giới là một sản phẩm du lịch hấp dẫn của Quảng Ninh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ngược lại, du khách nội địa của Trung Quốc cũng sẽ được tự lái xe qua cửa khẩu để sang Móng Cái và được đi sâu tới TP Hạ Long (Quảng Ninh). Trong đó, hoạt động xe tự lái, trải nghiệm ẩm thực, văn hóa, du lịch đẳng cấp là những điểm nhấn được kỳ vọng tạo nên sự sôi động cho ngành Du lịch thành phố.

Song song với việc phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với mọi thời điểm trong năm, du lịch Quảng Ninh cũng liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và với các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội để phát triển du lịch. Cùng với đó, du lịch Quảng Ninh tiếp tục mở rộng thị trường, vượt khỏi ranh giới các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu,… để tìm kiếm các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông.

Bà Nguyễn Huyền Anh cho hay: “Chúng tôi đang tìm hướng khai thác thị trường khách mới như khách du lịch Ấn Độ, khách sử dụng sản phẩm Halal, khách du lịch Hồi giáo. Đây là lượng khách du lịch tiềm năng bởi họ đi du lịch cả 4 mùa. Tuy nhiên, lượng khách này đến Quảng Ninh chưa đạt được như kỳ vọng. Chúng tôi sẽ điều chỉnh dịch vụ cung ứng phù hợp với văn hóa của họ”.

Ngày xuất bản: 22/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND