
PHỤ NỮ HÀ NỘI
TRONG PHONG TRÀO "BA ĐẢM ĐANG"
Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội
Trong chặng đường lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển, kể từ ngày giải phóng Thủ đô đến nay, phụ nữ Hà Nội đã có những đóng góp nổi bật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thông qua những phong trào hành động cách mạng của giới nữ. Một trong những phong trào có dấu ấn đặc biệt đó là phụ nữ Hà Nội với phong trào Ba đảm đang.
Đăng ký thực hiện phong trào "Ba đảm đang". (Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)
Đăng ký thực hiện phong trào "Ba đảm đang". (Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)
Trở lại với thời khắc lịch sử cách đây 60 năm, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi với chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc và Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội và cùng nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc cách mang dân tộc dân chủ tiến tới thống nhất đất nước. Đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp, can thiệp ngày càng sâu vào chiến trường miền Nam. Những năm tháng ấy, cả dân tộc đứng trước thử thách gay go, ác liệt. Bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, từ năm 1964, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại, dùng không quân, hải quân ném bom, đánh phá ác liệt miền Bắc. Đứng trước vận mệnh của dân tộc, đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước một lòng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, miền Bắc sôi nổi thi đua với các phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba điểm cao” của công nhân viên chức, “Ba quyết tâm” của trí thức, “Hai giỏi” của phụ lão, thi đua “Năm tốt” của phụ nữ...

Trong lịch sử Thủ đô, chưa bao giờ phụ nữ tham gia vào cuộc chiến tranh nhân dân đông đảo với tinh thần gan dạ hy sinh và phát huy khả năng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên lĩnh vực quân sự như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Giữa tháng 2/1965, Ban chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng (tỉnh Hà Tây cũ nay là Hà Nội) đã tổ chức các hội nghị mở rộng, thống nhất gửi thư lên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hứa quyết tâm vận động phụ nữ toàn huyện thực hiện “Ba đảm nhận”, trước mắt là:
- Nhận sản xuất năng suất cao, tiết kiệm nhiều, chăn nuôi, thủy lợi giỏi.
- Đoàn kết gia đình, trông nom bố mẹ già, nuôi con tốt để chồng yên tâm công tác và đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần.
- Nhận phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, công tác tốt ở hậu phương.
Phong trào của Phụ nữ Đan Phượng đã được Báo Nhân dân ra ngày 18/3/1965 kịp thời đưa tin và cổ vũ trên trang nhất. Từ đây, Đan Phượng vinh dự được cả nước biết đến với tên gọi thân quen “Quê hương người gái đảm”. Từ phong trào của phụ nữ Đan Phượng và để đáp ứng nguyện vọng của quần chúng phụ nữ, ngày 22/3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào kêu gọi toàn thể phụ nữ dũng cảm, kiên cường thực hiện “Ba đảm nhiệm” chống Mỹ, cứu nước với nội dung:
- Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu;
- Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu;
- Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.
Phong trào của chị em phụ nữ được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, Người đã chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang” cho đúng với phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong gian khó. Thực hiện ý kiến của Người, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào “Ba đảm đang”.
- Đảm đang trong lao động sản xuất và công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu.
- Đảm đang công việc gia đình để chồng, con yên tâm chiến đấu.
- Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Do đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, phong trào đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động được sức mạnh tổng hợp của hàng triệu phụ nữ trên mọi lĩnh vực hoạt động; biến tiềm năng cách mạng của phụ nữ thành hiện thực sinh động, thành nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, góp phần chống Mỹ, cứu nước.

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Tây, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội và Hà Tây đã cụ thể hóa nội dung và triển khai sâu rộng tới các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn. Chỉ sau một thời gian ngắn, đã có trên 50.000 phụ nữ thuộc các lứa tuổi, thuộc mọi thành phần ghi tên tình nguyện “Ba đảm đang”, hàng nghìn nữ thanh niên, trong đó có nhiều người vừa rời ghế nhà trường, đã hăng hái gia nhập đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, sẵn sàng đi tới các vùng đất lửa, mở các con đường chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam. Toàn Hà Nội dấy lên phong trào “Phụ nữ Thủ đô đảm đang sản xuất, công tác thay thế nam giới đi chiến đấu, ra sức đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ sản xuất, chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con tốt, phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm”. Trong sản xuất cũng như trong chiến đấu, phụ nữ Thủ đô đã thể hiện rõ nghị lực phi thường với khẩu hiệu “Địch đánh một ta làm mười”, “Địch đánh ban ngày ta sản xuất ban đêm”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai”... Trước khí thế sôi sục chống Mỹ của nhân dân Thủ đô, trước biến chuyển mới của phong trào phụ nữ, Thành hội liên hiệp phụ nữ mở Đại hội Ba đảm đang từ ngày 1 đến ngày 3/12/1965. Trên 500 đại biểu thay mặt cho 26 vạn phụ nữ Thủ đô về dự đại hội. Mỗi chị em đều cảm thấy tự hào và rất vinh dự. Mặc dù bận rộn trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian đến với Đại hội Ba đảm đang của phụ nữ Thủ đô. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam Tạ Thị Kiều cùng đi với Chủ tịch Hồ Chí Minh đến động viên đại hội. Người đã khen ngợi phong trào Ba đảm đang của phụ nữ Hà Nội và tặng huy hiệu của Người cho 21 chị em có thành tích xuất sắc; đồng thời huấn thị: “Phụ nữ miền Bắc thi đua với phụ nữ miền Nam anh hùng”. Tuân theo lời Bác, phụ nữ Thủ đô đã ra sức học tập và thi đua với phụ nữ Huế-Sài Gòn kết nghĩa.
Khái quát những đóng góp của phụ nữ Hà Nội trong phong trào Ba đảm đang thời kỳ này, có thể nhấn mạnh ở 2 điểm nhấn quan trọng.
Thứ nhất, phong trào Ba đảm đang đã chứng minh khả năng cách mạng to lớn, phong phú của các tầng lớp phụ nữ Hà Nội, đưa phụ nữ Hà Nội vươn lên khẳng định vai trò trong công cuộc chống Mỹ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Thủ đô.
Nữ dân quân ngoại thành Hà Nội đón con sau giờ trực chiến.
Nữ dân quân ngoại thành Hà Nội đón con sau giờ trực chiến.
Khi Thành hội liên hiệp phụ nữ phát động phong trào Ba đảm đang, phụ nữ chào đón với tất cả tấm lòng tin tưởng, tự hào, sôi nổi. Chị em đã tỏ rõ khả năng có thể làm tất cả mọi việc mà trước đây phụ nữ chưa hề làm, kể cả những việc cần đến kỹ thuật cao. Ở ngành nào cũng nổi lên những điển hình xuất sắc. Nhiều đơn vị, địa phương có sáng kiến kết nạp các nữ chiến sĩ tiêu biểu của miền Nam thành hội viên danh dự, cố gắng làm thêm phần việc của các hội viên danh dự - với ý nghĩa miền Bắc đổ mồ hôi để miền Nam đỡ đổ máu.
Số lao động nam giới trẻ khoẻ, có văn hóa, kỹ thuật lần lượt lên đường ra để bù vào số tiền tuyến. Trong các khu vực công tác, lực lượng nữ được bổ lao động thiếu hụt. Nét nổi bật ở thời kỳ này là lao động nữ tăng cả về số lượng và chất lượng. Nữ công nhân viên chức năm 1965 mới có 37,35%, đến năm 1968 tăng lên 51,03%. Với tỷ lệ 62,73% trong công nghiệp nhẹ, phụ nữ giữ vai trò quan trọng ở ngành sản xuất công nghiệp thành phố. Tại nhiều nhà máy dệt, dược, may, rượu bia, chế biến thực phẩm, lao động nữ chiếm tỷ lệ tới 70 -80%. Hưởng ứng phong trào “Giỏi một việc, biết nhiều việc” đạt năng suất “giành ba điểm cao”, chị em chịu khó học tập nắm các khâu sản xuất chủ yếu, phấn đấu đạt chỉ tiêu sản xuất hàng năm thay cho cả công nhân nam.
Trong khu vực công nghiệp nặng, giao thông vận tải, kiến thiết cơ bản, tuy có những khâu sản xuất không thích hợp với nữ, nhưng do yêu cầu phục vụ thời chiến, lao động nữ tăng từ 20-40%. Từ năm 1965-1968, nữ công nhân công nghiệp có hàng vạn sáng kiến, ý thức tự tin làm chủ công nghệ và kỹ thuật cao được nâng lên. Hàng ngàn chị em được đào tạo về đứng máy và nghiệp vụ quản lý, làm cán bộ lãnh đạo tổ, phân xưởng, xí nghiệp. Tính đến đầu năm 1971, có một vạn chị em làm thay phần việc của anh em đi chiến đấu. Tiêu biểu cho phụ nữ Thủ đô có chị Cù Thị Hậu, thợ dệt Nhà máy Dệt 8/3 đã vươn lên đứng đầu hội thi thợ giỏi toàn ngành dệt, được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Lao động nữ ngành vận tải chiếm tỷ lệ 40%, tại các tổ đội, đoàn bảo dưỡng đường, nữ công nhân chiếm tới 70-80%. Chị em ngành Xây dựng làm nhiều hầm phòng không, đặt hàng vạn ống "buy" cá nhân bảo vệ người và của, san lấp, xây dựng, sửa lại nhà cửa cho số gia đình bị bom Mỹ đánh sập, xây dựng nhiều công trình góp phần kiến thiết thành phố sau chiến tranh.
Với tỷ lệ 55% công nhân viên chức toàn ngành, phụ nữ ngành giáo dục Thủ đô vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục thi đua "Hai giỏi", góp sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong suốt thời gian sơ tán; dạy thêm ca, giúp 32 vạn học sinh các cấp đều được đến trường sau khi trở về nội thành.
Phụ nữ ngành Y tế vừa lo phòng chữa bệnh cho nhân dân, vừa chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Chị em còn tham gia nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp khoa học, thực hiện thành công nhiều công trình để ngăn chặn và làm giảm bớt các bệnh dịch. Đề tài khoa học do phụ nữ nghiên cứu bằng 50% tổng số đề tài của ngành. Năm 1974, số nữ Chiến sĩ thi đua chiếm 63% trong tổng số Chiến sĩ thi đua của ngành.
Vá áo cho bộ đội ngay trên trận địa.
Vá áo cho bộ đội ngay trên trận địa.
Đội ngũ cán bộ nữ khoa học kỹ thuật của Hà Nội phát triển rất nhanh, nhất là chị em có trình độ đại học. Nếu như sau ngày tiếp quản Thủ đô, số cán bộ nữ làm công tác khoa học đếm được trên đầu ngón tay, thì đến năm 1968 đã có 1.177 người gồm tiến sĩ, phó tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ cao cấp, giáo viên cấp III, kỹ sư công, nông nghiệp, kỹ sư xây dựng, cán bộ giảng dạy các trường đại học... chiếm 25% tổng số cán bộ tri thức. Chị em say mê tận tụy đem tri thức phục vụ đời sống sản xuất, chiến đấu, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, tiếp tục nâng cao trình độ, góp phần quan trọng vào cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật. Chị Hoàng Xuân Sính vừa công tác, vừa tự học đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học ở Trường Đại học Pari (1975).
Chị em trong các đoàn nghệ thuật của Trung ương và Hà Nội đi đến tuyến lửa lấy tiếng hát át tiếng bom, phục vụ đồng bào. Chị em đội ca múa xung kích Hà Nội cùng đồng đội phục vụ cho 85.170 lượt người xem, đạt 304% kế hoạch, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Khơi nguồn cảm hứng từ thực tiễn sản suất, chiến đấu hào hùng, những nữ nhà văn và hoạ sĩ Hà Nội tình nguyện đi vào chiến trường để sáng tác.
Lao động nữ ngành Lưu thông phân phối tăng gấp đôi (chiếm tỷ lệ 65%) có đơn vị nữ lên đến 80-90%. Chị em phải vượt qua bom đạn đi các tỉnh thu mua, bảo quản, vận chuyển số lượng lớn hàng phục vụ đồng bào ở nội thành, đưa tiêu chuẩn các mặt hàng thiết yếu đến tận tay người tiêu dùng. Chị em ngành Lương thực phục vụ khẩn trương, thuận tiện cho nhân dân, nhất là thời kỳ có báo động căng thẳng, lúc xảy ra lụt lớn năm 1971 và địch đánh phá năm 1972.
Chị em ngành Công an, Toà án, Kiểm sát nắm vững nghiệp vụ, đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi công dân. Chị em ngành Hành chính sự nghiệp thi đua ba cải tiến, nâng cao nghiệp vụ đạt hiệu suất công tác cao, làm tròn nhiệm vụ được giao...
Số lượng nữ xã viên ngành Tiểu thủ công nghiệp tăng từ 50-60%, thu hút nhiều lao động trẻ vào nghề may, thêu, dệt thảm. Nhiều hợp tác xã thủ công đã tạo điều kiện để chị em tự nâng cao trình độ quản lý và điều hành sản xuất. Học tập tinh thần “chỉ tiến không lùi” của nữ liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm, chị em áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hoàn thành kế hoạch năm sớm từ 20-45 ngày, tăng năng suất từ 20-50%.
Phụ nữ nông dân với tỷ lệ 70% đã trở thành lực lượng lao động chủ yếu trong nông nghiệp. Chị em chống hạn, chống úng, chống rét, làm thủy lợi, kiến thiết đồng ruộng, tham gia vào các tổ kỹ thuật, học cày bừa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, vận hành máy tuốt lúa, máy xay xát, máy nghiền thức ăn gia súc; dùng xe cải tiến, làm đường liên thôn, liên xã để tiện vận chuyển... Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chị em đào hầm hào bên bờ ruộng để “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”. Sau chiến tranh phá hoại, chị em vật lộn với những cánh đồng bị bom Mỹ cày xới băm nát, góp phần san lấp hố bom, giữ vững diện tích gieo trồng.
Ở lại hậu phương, các bà mẹ và các chị vừa thay thế người thân đảm đang việc nhà, nuôi già, dạy trẻ, vừa lao động sản xuất, công tác với tinh thần nỗ lực phi thường. Nhiều chị em vợ bộ đội, vợ liệt sĩ đã trở thành những chiến sĩ thi đua, những cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ khoa học kỹ thuật. Khi chồng con đi chiến đấu xa, giữa các mẹ, các chị đã vun đắp được tình cảm cao quý, đoàn kết thủy chung, từ đó hình thành những gia đình bộ đội, cán bộ kiểu mẫu, làm yên lòng người thân đang chiến đấu ở nơi xa. Tính đến năm 1975, đã có 8 vạn gia đình quân nhân, trong đó có 20.371 gia đình có từ 2 đến 6 người thân tại ngũ. Trong phong trào “Toàn dân nuôi quân đánh giặc Mỹ”, các bà mẹ và chị em tổ chức lao động lấy tiền bồi dưỡng sức khoẻ để anh em kịp lên đường. Hội Mẹ chiến sĩ và Hội Phụ nữ cơ sở tổ chức tiễn đưa, tặng quà, gửi hàng ngàn lá thư thăm hỏi chiến sĩ ở tiền tuyến.
Không chỉ là lực lượng lao động đông đảo, sáng tạo trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, phụ nữ còn là lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu hết sức gan dạ, dũng cảm. Trong lịch sử Thủ đô, chưa bao giờ phụ nữ tham gia vào cuộc chiến tranh nhân dân đông đảo với tinh thần gan dạ hy sinh và phát huy khả năng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên lĩnh vực quân sự như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với khẩu hiệu “Tay búa, tay súng”, “ Tay cày, tay súng”, phụ nữ tham gia 45% trong dân quân, 35% vào tự vệ, biên chế thành 117 trung đội và một đại đội toàn nữ. Trong ban chỉ huy từ tiểu đội đến tiểu đoàn, xã đội, nữ chiếm trên 30%. Chị em gan dạ, chỉ huy chiến đấu giỏi, lập nhiều thành tích xuất sắc. Trong lực lượng vũ trang địa phương có 206 chị là Chiến sĩ thi đua (1967), 25% chị em giành danh hiệu Quyết thắng (1973). Mười đơn vị toàn nữ đạt danh hiệu Quyết thắng, trong đó có Trung đội nữ dân quân Lộc Hà (Đông Anh) giữ vững danh hiệu 7 năm liền, trung đội nữ tự vệ Nhà máy Dệt 8/3, Đại đội nữ Hợp tác xã dệt Thành Công, Đại đội 3 Nhà máy thực phẩm xuất khẩu...Ngoài ra, hàng vạn chị em tham gia lực lượng bán vũ trang có, gần 2000 nữ vào bộ đội, hàng ngàn nữ thanh niên xung phong đi vào Trường Sơn, phục vụ ở nhiều binh chủng.
Trong công tác phục vụ chiến đấu, phát huy tinh thần gan dạ, khả năng phong phú và tình cảm chu đáo vốn có của mình, phụ nữ đã chứng tỏ là lực lượng cách mạng hùng hậu của cuộc chiến tranh nhân dân. Đã có hàng vạn các mẹ, các chị tham gia các tổ tiếp tế, cứu thương, cứu sập... góp hơn 2 triệu ngày công xây dựng trận địa pháo, đào giao thông hào, phá gỡ bom nổ chậm. Hội Mẹ chiến sĩ và Hội Phụ nữ vận động chị em lập hàng vạn hũ gạo chống Mỹ, tiếp tế cho bộ đội, dân quân trực chiến; thu nhận hàng tấn quần áo cũ để bộ đội lau súng, gánh nước tưới pháo, gánh lá ngụy trang cho pháo; ủng hộ hàng vạn cây tre và nhiều rơm rạ làm công sự. Ở những nơi địch gây tội ác, các mẹ, các chị đứng ra chôn cất, mai táng những người chết, lo cho các cụ già, em bé mất nơi nương tựa.
Được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào “Ba đảm đang”, đội ngũ cán bộ nữ Hà Nội đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu tăng cường cán bộ của Đảng và Nhà nước. Chưa bao giờ phong trào phụ nữ Thủ đô được Đảng bộ các địa phương quan tâm và thực hiện nghị quyết về công tác phụ nữ của Trung ương Đảng như trong thời kỳ này. Trong 3 năm (từ 4/1967-4/1970), 1.371 chị em được đề bạt làm cán bộ chủ chốt từ cơ sở đến thành phố. Tính đến 7/1970, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo là 21,7% (so với cuối năm 1966 là 14%). Trong đó, nữ cấp ủy viên thành phố, khu phố, huyện từ 15% đến 30%. Nữ Bí thư, Phó Bí thư; nữ Chủ tịch, Phó Chủ tịch khu phố, huyện là 205, nữ Chủ tịch xã 30%, nữ Bí thư Đảng ủy cơ sở 13%. Đại biểu nữ trong Hội đồng nhân dân các cấp có từ 30-50%. Nhiều ngành quan trọng của thành phố có trưởng hoặc phó ban, giám đốc hoặc phó giám đốc là nữ. Trong ngành Giáo dục, nữ Hiệu trưởng trường cấp III là 37,5%, nữ hiệu phó là 52,4%, 100% hiệu trưởng, hiệu phó các trường mẫu giáo, vỡ lòng là nữ. Trong ngành Y, nữ cán bộ lãnh đạo chiếm 25%. Các nhà máy công nghiệp nhẹ đông nữ đều có Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Bí thư Đảng ủy là nữ. Trong tiểu thủ công nghiệp, từ con số 46 chánh phó chủ nhiệm (năm 1962) đến năm 1973 đã có 186 nữ chánh phó chủ nhiệm, nữ trưởng ban kiểm soát, trong đó có 50 nữ chủ nhiệm. Trong nông nghiệp, năm 1966 có 77 nữ chủ nhiệm và phó chủ nhiệm, 72 nữ đội trưởng đội sản xuất, đến năm 1970 tăng lên 281 chánh phó chủ nhiệm là nữ, trong đó có 68 nữ chủ nhiệm/109 xã, 2042 nữ đội trưởng, đội phó trong đó có 433 nữ đội trưởng và hàng nghìn chị trong ban chỉ huy đội. Đội ngũ cán bộ Hội cũng phát triển và trưởng thành nhanh, Hội đã đào tạo bồi dưỡng và cung cấp cho đảng bộ, chính quyền các ngành ở thành phố nhiều cán bộ nữ ưu tú.
Thực tiễn hoạt động của phong trào Ba đảm đang chứng minh vai trò, vị trí của người phụ nữ đã được nâng lên một tầm cao mới. Chị em không chỉ hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ người công dân trên các lĩnh vực sản xuất, công tác, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, mà còn tích cực học tập, phấn đấu nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất và nghị lực để gánh vác mọi nhiệm vụ mới nặng nề hơn thay thế nam giới đi chiến đấu. Do đó, trách nhiệm và vai trò của phụ nữ với gia đình và xã hội được nâng lên gấp bội.
Thứ hai, phong trào Ba đảm đang là bằng chứng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân của những người phụ nữ Thủ đô.
Nữ dân phòng trong những ngày Mỹ ném bom Hà Nội tháng 12/1972.
Nữ dân phòng trong những ngày Mỹ ném bom Hà Nội tháng 12/1972.
Lịch sử phong trào phụ nữ Hà Nội còn lưu danh những chiến công vẻ vang, những hành động anh hùng quả cảm, những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng của những người phụ nữ Thủ đô trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Tiêu biểu như chị Đỗ Thị Minh, Trung đội phó dân quân xã Yên Viên (Gia Lâm) bị bom Mỹ bắn nát cả hai chân vẫn không rời trận địa, anh dũng cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. 38 cô gái họ Lê của 2 xã Liên Hợp, Song Phượng (huyện Đan Phượng) thay phiên nhau trực chiến tại trọng điểm đập Phùng, có 4 chị đã anh dũng hy sinh, được Bác Hồ tặng danh hiệu Chiến sĩ đập Phùng. Các nữ liệt sĩ Đặng Thị Liên (Đông Anh), Hoàng Thị Diệu, Đỗ Thị Vân (Gia Lâm), Bùi Thị Nấu, Tạ Thị Gái, Nguyễn Thị Lãm, Quách Thị Hợi, Nguyễn Thị Hồi (Ba Vì)... mãi mãi tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Thủ đô.
Đội nữ dân quân tự vệ xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì) đã anh dũng chiến đấu 37 trận bảo vệ đập Suối Hai. Các nữ tự vệ Nguyễn Thị Ngoan ở Mai Lâm (Đông Anh) lấy thân mình làm giá súng để đồng đội tranh thủ thời cơ diệt địch. Phan Thị Viễn và Ngô Thị Hiếu, công nhân Nhà máy cơ khí Mai Động cùng đồng đội hợp đồng tác chiến với các đơn vị tên lửa bắn rơi 6 máy bay (trong đó có 1 máy bay hiện đại F111)... Nhiều đơn vị toàn nữ đạt danh hiệu Quyết thắng, trong đó Trung đội nữ dân quân Lộc Hà (Đông Anh), Trung đội nữ tự vệ Nhà máy Dệt 8/3, Đại đội nữ Hợp tác xã dệt Thành Công, Trung đội nữ dân quân Cẩm Lĩnh - Ba Vì, Trung đội nữ dân quân Cầu Giẽ (Phú Xuyên), Đồng Tâm (Mỹ Đức), Suối Hai (Ba Vì) ... nổi tiếng về lòng dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu, đương đầu với bom đạn, góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Chị Cù Thị Bích Hoàn, công binh xã Xuân Nộn (Đông Anh) là người đầu tiên tháo bom nổ chậm nặng 1000 bảng Anh, kinh nghiệm của chị được các nơi áp dụng, đã bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Phụ nữ Hà Nội tự hào có người đại biểu xuất sắc đóng góp vào cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam, đó là lão đồng chí Lê Thị Nhiễm, người con của quê hương Thanh Trì, là chiến sĩ tình báo hoạt động xuất sắc trong nội thành Sài Gòn, được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đó là bác sĩ Đặng Thuỷ Trâm - người con gái Hà Nội đã cống hiến tuổi xuân nơi chiến trường ác liệt và anh dũng hy sinh tại Quảng Ngãi khi đang làm nhiệm vụ.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Ở lĩnh vực nào, phụ nữ Thủ đô cũng nêu gương dũng cảm. Chị em ngành Giao thông bám mặt đường, phân hàng thông xe, san lấp hố bom, sửa chữa cầu phà, giải phóng đường. Ra đời trong chiến tranh, tàu “Ba đảm đang” do toàn nữ đảm nhận; có ngày bị máy bay địch bắn ba, bốn lần, chị em bình tĩnh phòng tránh, đưa tàu cặp bến an toàn. Lê Thị Hân phụ trách tàu trong một chuyến đi, tàu bắn đắm, chị em bơi dìu anh em thương binh vào bờ và cùng đồng đội mò vớt hàng.
Trong lửa đạn, chị em ngành Y tế quyên mình cứu chữa đồng bào bị nạn. Nguyễn Thị Thường, y sĩ bệnh viện Xanh Pôn vượt cầu sang Đông Anh cấp cứu được nhiều người. Đêm ngày 18/12/1972, chị em nhà hộ sinh B (khu Hai Bà Trưng) khẩn trương tự động mở tuyến 2 cấp cứu được 7 nạn nhân. Chị Thái Thị Lan Thư, bác sĩ phẫu thuật Bệnh viên Mai Hương, mạnh dạn, bình tĩnh giải quyết trọn vẹn hàng trăm ca mổ, đặc biệt có ca mổ dùng đèn pin cấp cứu nạn nhân bị thương. Chị Chu Thị Ngọ (Nhật Tân) đưa các cháu xuống hầm lấy thân mình che cho các cháu, chị bị tên lửa giặc Mỹ giết hại trong lúc hai tay còn bế hai cháu an toàn.
Chị Giáp Kim Thoa, chiến sĩ thi đua nhà máy dệt 8/3 Hà Nội.
Chị Giáp Kim Thoa, chiến sĩ thi đua nhà máy dệt 8/3 Hà Nội.
Nhiều chị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã ở Giang Biên, Mễ Trì, Nhân Chính, Thạch Bàn, Dục Tú... chỉ huy khắc phục hậu quả, có biện pháp ổn định nhanh đời sống của nhân dân sau các trận bom. Bí thư Đoàn thanh niên Trần Thị Xiêm phát hiện ống nước bị vỡ liền huy động đoàn viên chuyển hết thuốc ra khỏi hầm, nên Bệnh viện Bạch Mai tuy bị đánh nặng vẫn có thuốc điều trị cho người bệnh. Nhiều Hội trưởng cán bộ phụ nữ cơ sở như bà Nguyễn Thị Quyền ở Gia Thụy, Ngô Thị Bê ở Mễ Trì, Chử Thị Hạnh ở Tứ Hiệp, Nguyễn Thị Tuyết ở thị trấn Gia Lâm, Phạm Thị Thông ở thị trấn Yên Viên... vừa dứt tiếng bom đã có mặt ở hiện trường cùng bà con khắc phục hậu quả. Chị Văn Thị Sửu ở Cổ Nhuế, Nguyễn Thị Kỳ ở Cường Nỗ có người thân bị địch giết hại, gác nỗi đau riêng tìm hầm chỉ cho dân quân đào bới cứu sống nhiều người. Bà Trần Thị Hoán ở Giáp Bát suốt 12 ngày địch đánh phá đã trụ lại trong lô cốt cùng mọi người khắc phục hậu quả sau mỗi trận bom. Cụ Vương Thị Bạn ở Yên Phụ bới hầm cứu ba người, cùng anh em khiêng 40 người đến trạm cấp cứu. Bà Nguyễn Thị Em cùng các cán bộ chính quyền lau rửa khâm liệm 12 người.
Trong mười hai ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Hà Nội đã làm nên kỳ tích “ Điện Biên Phủ trên không”. Trong chiến công đó có phần đóng góp của chị em phụ nữ Thủ đô, mà nòng cốt là các nữ tự vệ, dân quân, các đội cứu thương, tiếp tế, cứu sập hầm v.v... đã tích cực góp phần phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu khắc phục hậu quả chiến tranh. Tiêu biểu cho tinh thần đó có 21 chị được tặng huy hiệu Bác Hồ, 16 chị được kết nạp Đảng ngay tại trận địa.
Nữ tự vệ Hà Nội tại trận địa súng máy 14,5mm cùng đồng đội bắn rơi máy bay F-111 ngày 22/12/1972.
Nữ tự vệ Hà Nội tại trận địa súng máy 14,5mm cùng đồng đội bắn rơi máy bay F-111 ngày 22/12/1972.
Có thể nói, sự ra đời của phong trào Ba đảm đang năm 1965 xuất phát từ lòng yêu nước, tinh thần giác ngộ cách mạng cao độ của phụ nữ Thủ đô đã khắc họa một hình tượng mới về người phụ nữ Việt Nam. Từ sáng kiến “Ba đảm nhận” của phụ nữ huyện Đan Phượng, phong trào Ba đảm đang đã trở thành một phong trào cách mạng sâu rộng, đi đến mọi nhà, thu hút mọi tầng lớp phụ nữ. Thành tích của phong trào Ba đảm đang của phụ nữ Thủ đô được Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Lao động (1 hạng Ba, 1 hạng Nhì); Cờ và nhiều Bằng khen của Trung ương Hội; 20.884 chị của Thành phố Hà Nội, 62.000 chị của tỉnh Hà Tây đạt danh hiệu Ba đảm đang 4 năm liền và hàng trăm đơn vị đạt danh hiệu lao động giỏi, hàng trăm chị được tặng huy hiệu của Bác Hồ ...
Phong trào Ba đảm đang ở Thủ đô đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, khả năng lao động sáng tạo trong sản xuất, công tác của phụ nữ. Phong trào không chỉ rèn luyện người phụ nữ về năng lực làm việc mà cả về phẩm chất. Những đức tính tốt đẹp vốn có của phụ nữ thủ đô ngày càng được nhân lên và phát huy mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Thực tế, phong trào Ba đảm đang đã thể hiện sự vận dụng đường lối đúng đắn của Đảng về công tác vận động phụ nữ. Những chiến công oanh liệt và tinh thần dũng cảm của chị em đã đi vào lịch sử Thủ đô, lịch sử đấu tranh cách mạng của phụ nữ Việt Nam và đánh dấu một thời kỳ vẻ vang nhất của phong trào phụ nữ Thủ đô, đóng góp xứng đáng vào phong trào cách mạng chung của nhân dân Hà Nội, góp phần cùng nhân dân miền Bắc làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, phát huy truyền thống Ba đảm đang, phụ nữ Thủ đô trong từng giai đoạn lịch sử đã và đang cùng Đảng bộ và nhân dân Thành phố viết tiếp những trang sử mới với các phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”… Giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội đã phát động và triển khai các phong trào mang sắc thái riêng của phụ nữ Thủ đô, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố như: “Phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng” (năm 1996); phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”; “Phòng chống ma túy từ gia đình” (năm 1998). Những phong trào trên, sau này được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhân rộng trong toàn quốc. Với nhiều thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 06 Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, 28 Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng nghìn tấm gương Người tốt-việc tốt. Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các Bộ, ngành cũng đã trao tặng phụ nữ Hà Nội nhiều danh hiệu cao quý, trong đó Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong các cấp Hội phụ nữ cả nước vinh dự được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam.

Nhìn lại trang sử vàng của 60 năm giải phóng, xây dựng và phát triển Thủ đô, phụ nữ Hà Nội có quyền tự hào và khẳng định: Phong trào phụ nữ Ba đảm đang là một mốc son trong lịch sử phong trào phụ nữ, lịch sử Đảng bộ và nhân dân Hà Nội. Với việc tham gia tích cực trong phong trào Ba đảm đang, phụ nữ Thủ đô đã thể hiện được vai trò, khả năng cách mạng to lớn, tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo, ý chí tự cường vươn lên, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đối với phong trào phụ nữ và các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội, bên cạnh niềm vinh dự, tự hào là trách nhiệm trong việc kế thừa, phát huy truyền thống Ba đảm đang, những kinh nghiệm quý báu vận động quần chúng trong giai đoạn hiện nay. Đó là:
Thứ nhất: Không ngừng bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng, niềm tự hào dân tộc, truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, tạo nên nguồn lực nội sinh nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, ý chí vượt khó vươn lên để góp sức xây dựng đất nước giàu mạnh, đồng thời sẵn sàng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp như hiện nay.
Thứ hai: Để mở rộng mặt trận đoàn kết các tầng lớp phụ nữ, phong trào phụ nữ từng thời kỳ cần có nội dung, phương thức hoạt động phù hợp; vừa thực hiện các nhiệm vụ chính trị đồng thời đáp ứng những nhu cầu, lợi ích đa dạng của giới nữ. Bên cạnh việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các cấp Hội cần quan tâm cách thức tổ chức hoạt động hiệu quả để lôi cuốn và phát huy mọi nguồn lực của phụ nữ.
Thứ ba: Cán bộ là gốc của mọi phong trào. Do đó cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nữ, cán bộ làm công tác Hội có ý chí vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định, có năng lực chuyên môn tốt, tất cả vì sự nghiệp cách mạng và giải phóng phụ nữ. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng rèn luyện đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội phải được tiến hành thường xuyên và trở thành nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị.
Thứ tư: Sự nghiệp giải phóng phụ nữ là một bộ phận cấu thành sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy nguồn lực của phụ nữ là nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Do đó các cấp, các ngành và xã hội cần có nhận thức đầy đủ và ý thức trách nhiệm cao đối với sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ, có biện pháp hỗ trợ hiệu quả, giúp chị em phát huy mọi khả năng, góp phần to lớn nhất của mình vào sự nghiệp chung.
Đất nước và Thủ đô Hà Nội đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hoá với nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách gay go quyết liệt, tiếp tục giành thêm nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với các tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước, phụ nữ Hà Nội phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, truyền thống Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến chắc chắn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông, gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân