Nhận diện cơ hội
trong thách thức

Phát biểu tại một tọa đàm quốc tế năm 2023, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng từng nhấn mạnh, việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Hà Nội trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa.
Kể từ khi tham gia mạng lưới đến nay, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú để hiện thực hóa các cam kết của mình với UNESCO. Các tuần lễ sáng tạo, Lễ hội Thiết kế sáng tạo, sự bùng nổ của các không gian sáng tạo… đang là điểm nhấn, thể hiện tiềm năng sáng tạo của Thủ đô đã len lỏi vào cuộc sống của người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Hồng thẳng thắn nhìn nhận, việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo ở Hà Nội cũng còn khó khăn, thách thức, chẳng hạn như xây dựng thương hiệu ra sao, nguồn lực phát huy như thế nào.
“Sự kết nối, tính ứng dụng và cách thể hiện bản sắc văn hóa... cũng cần phải tính đến vì hiện nay các hoạt động sáng tạo ở Hà Nội so với các thành phố sáng tạo phát triển khác còn khoảng cách khá xa. Hà Nội cũng chưa có trung tâm sáng tạo, megashow... để có thể phát huy được tiềm năng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, thưởng thức của người dân”, ông chia sẻ.
Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường mang đến cho người chơi những trải nghiệm thú vị. Đây là một hoạt động đặc sắc nằm trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.
Hành trình biến đổi của trang phục Việt Nam tại show “Vân Long Lưu Vũ”. Đây là một hoạt động đặc sắc nằm trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.
Đánh giá về vấn đề này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, là một thành phố sáng tạo được UNESCO công nhận, Hà Nội đứng trước những thách thức đầy thử thách, nhưng cũng đầy cơ hội.
Hà Nội đối mặt với một số thách thức lớn trong việc theo đuổi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cùng di sản văn hóa. Một thách thức chính là cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo vệ môi trường, bảo đảm rằng sự đổi mới không làm suy giảm chất lượng môi trường hoặc tổn hại di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, đầu tư vào công nghệ xanh và bảo vệ di sản đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, và Hà Nội cần phân bổ ngân sách hợp lý để đáp ứng các nhu cầu này. Tích hợp sáng tạo và truyền thống cũng là một thách thức, yêu cầu thành phố kết hợp đổi mới với việc bảo tồn giá trị văn hóa. Một yếu tố quan trọng khác là việc bảo đảm các dự án sáng tạo mang lại lợi ích cho cộng đồng.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
“Trong khi giữ gìn và tôn vinh những giá trị truyền thống, Hà Nội còn cần tiếp tục khai thác và phát huy sức sáng tạo của mình. Sự hòa quyện này không chỉ là một thử thách mà còn là cơ hội để chứng minh rằng truyền thống và đổi mới có thể đồng hành và phát triển cùng nhau”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho hay.
Theo ông, đây là một hành trình không đơn giản, nhưng thành phố cần nỗ lực tìm kiếm những con đường mới và hiệu quả để tài trợ cho các dự án văn hóa và sáng tạo, bảo đảm rằng sự đầu tư này mang lại kết quả lâu dài và giá trị.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc kết nối với các thành phố sáng tạo khác và xây dựng mối quan hệ quốc tế trở nên ngày càng quan trọng. Hà Nội đang mở rộng cánh cửa giao lưu, chia sẻ và học hỏi từ những thành phố tiên phong khác, đồng thời tạo ra những cơ hội hợp tác quốc tế đầy hứa hẹn.
Hà Nội cũng đang dấn thân vào việc xây dựng và nâng cấp các không gian nghệ thuật, trung tâm thiết kế và địa điểm tổ chức sự kiện, để phục vụ tốt nhất cho cộng đồng sáng tạo và thu hút sự quan tâm từ khắp nơi trên thế giới.
Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023.
Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sáng tạo và văn hóa là một bước đi quan trọng. Tuy nhiên, Hà Nội không nên chỉ là một trung tâm sáng tạo về mặt cơ sở hạ tầng và chính sách, mà còn phải trở thành một nguồn cảm hứng cho các cá nhân và tổ chức. Thành phố cần hướng tới việc truyền cảm hứng và tạo động lực cho cư dân, nhà thiết kế, nghệ sĩ và doanh nghiệp, khuyến khích họ tham gia vào các dự án sáng tạo và đóng góp vào sự phát triển chung.
Đây là một cách tiếp cận nhằm xây dựng một cộng đồng sáng tạo năng động và bền vững. Thành phố cần bảo đảm rằng tất cả các thành phần xã hội đều có cơ hội và cảm thấy có giá trị trong quá trình này, từ đó góp phần vào sự thành công và phát triển chung của môi trường sáng tạo.
Bên cạnh đó, đối mặt với sự gia tăng dân số và đô thị hóa, Hà Nội cần không ngừng tìm kiếm những cách thức mới để quản lý sự tăng trưởng này mà không làm suy giảm chất lượng cuộc sống và giá trị văn hóa. Mỗi thử thách là một cơ hội để thành phố thể hiện sức sáng tạo và sự đổi mới của mình, khẳng định vai trò là lá cờ đầu dẫn lối trong việc kết hợp di sản với tương lai.
Hà Nội cần không ngừng tìm kiếm những cách thức mới để quản lý sự tăng trưởng này mà không làm suy giảm chất lượng cuộc sống và giá trị văn hóa. Mỗi thử thách là một cơ hội để thành phố thể hiện sức sáng tạo và sự đổi mới của mình, khẳng định vai trò là lá cờ đầu dẫn lối trong việc kết hợp di sản với tương lai.
Con đường đến tương lai

PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, tương lai của Hà Nội trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo rất triển vọng. Thành phố đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á, với việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, đầu tư vào giáo dục và công nghệ cao. Những sáng kiến và dự án mới đang trong kế hoạch, hứa hẹn sẽ mang lại một diện mạo mới, sáng tạo và hiện đại cho thành phố.
Trong kế hoạch hành động để Hà Nội triển khai sau khi đạt được danh hiệu thành phố sáng tạo, thành phố đã cam kết 3 dự án ở cấp độ địa phương gồm thành lập Trung tâm Thiết kế Sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Cùng với đó là xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội nhằm cung cấp một nền tảng cho thiết kế, thủ công và văn hóa trong thành phố, thông qua sự đóng góp của các khu vực trung tâm cho các lĩnh vực này.
Dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng Sáng tạo Hà Nội gồm các chương trình truyền hình (talk show, game show & live show) được tổ chức với sự phối hợp của kênh truyền hình dành cho giới trẻ VTV6, Đài truyền hình Hà Nội và các báo điện tử tại Hà Nội, hướng tới tạo ra một sân chơi cho các bạn trẻ và cộng đồng nói chung trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến thiết kế sáng tạo.
Thí điểm sắp đặt tái hiện những dấu ấn lịch sử tại các di sản nổi tiếng. Đây là ý tưởng rất ấn tượng của tác giả Đoàn Phi Long, thuộc dự án “Hanoi Creative” từng đoạt giải Ý tưởng Sáng tạo ứng dụng xuất sắc nhất cuộc thi Thiết kế Không gian Sáng tạo Hà Nội 2022 – Hanoi Public Art Design 2022.
Thí điểm sắp đặt tái hiện những dấu ấn lịch sử tại các di sản nổi tiếng. Đây là ý tưởng rất ấn tượng của tác giả Đoàn Phi Long, thuộc dự án “Hanoi Creative” từng đoạt giải Ý tưởng Sáng tạo ứng dụng xuất sắc nhất cuộc thi Thiết kế Không gian Sáng tạo Hà Nội 2022 – Hanoi Public Art Design 2022.
Ngoài ra, có 3 dự án cấp độ quốc tế gồm: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm sẽ bao gồm một loạt các sự kiện dành cho các chuyên gia trong ngành và công chúng, nêu bật những đổi mới trong thiết kế sáng tạo từ trong Hà Nội và trên toàn cầu. Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội để hỗ trợ trao đổi kiến thức, hỗ trợ và hợp tác giữa các thành phố Đông Nam Á. Và Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ do trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội mang trong mình sứ mệnh tìm ra những tài năng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo - từ đó cung cấp hỗ trợ và cơ hội cho những người có tham vọng tạo ra các thành phố của tương lai.
Để thực hiện chương trình hành động này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần có một đơn vị đầu mối đứng ra điều phối các hoạt động, và tổ chức này nên trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội, và bộ phận thường trực là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, với sự phối hợp của các Sở, ngành, các Hội của thành phố và Chính phủ.
Bên cạnh đó, thành phố cũng nên thành lập một hội đồng tư vấn hỗ trợ và định hướng các hoạt động trong tương lai đối với các nhiệm vụ như phát triển và thúc đẩy mối quan hệ quốc tế giữa Thành phố sáng tạo Hà Nội với các thành viên khác trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam tham gia mạng lưới, cũng như phối hợp nghiên cứu, hỗ trợ và thúc đẩy vận động các hoạt động của mạng lưới.
Lễ hội Áo dài góp phần tôn vinh và bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc sắc về tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Áo dài góp phần tôn vinh và bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc sắc về tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Những nội dung mà PGS, TS Bùi Hoài Sơn đề xuất cũng được đề cập trong Kế hoạch số 266/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024-2025, vừa được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà ký ban hành mới đây.
Bản kế hoạch đưa ra một loạt nội dung Hà Nội sẽ triển khai như: đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức, thúc đẩy hoạt động sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; hình thành Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội; hình thành Mạng lưới các không gian sáng tạo Hà Nội; triển khai các hoạt động mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ; hội nghị tổng kết hoạt động sáng tạo, kết nối, cộng đồng, đơn vị tổ chức tham gia, hưởng ứng các hoạt động sáng tạo Hà Nội và Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội thường niên.
"Thành phố cũng nên thành lập một hội đồng tư vấn hỗ trợ và định hướng các hoạt động trong tương lai đối với các nhiệm vụ như phát triển và thúc đẩy mối quan hệ quốc tế giữa Thành phố sáng tạo Hà Nội với các thành viên khác trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO"
-PGS, TS Bùi Hoài Sơn-
Ở một góc độ khác, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, với vai trò là thành phố đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo, thời gian tới Hà Nội cần tiếp tục phát huy vai trò nêu gương của mình và dẫn dắt các thành phố sáng tạo khác của Việt Nam để cùng xây dựng các chương trình hành động tổng thể, xuyên suốt có tính kết nối để phát huy tối đa giá trị của văn hóa, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, và đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia của đông đảo công chúng, nhất là thanh niên.
Gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO không chỉ là sự công nhận của UNESCO mà còn là cơ hội vàng để Hà Nội thổi hồn sáng tạo vào từng bước phát triển, tạo nên dấu ấn độc đáo và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của thủ đô trong tương lai gần.
Hà Nội - Thành phố sáng tạo

------------------------------------
Ngày xuất bản: 10/2024
Tổ chức thực hiện: Phạm Trường Sơn
Nội dung: Hồng Vân - Văn Toản
Ảnh: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Thành Đạt
Trình bày: Sơn Bách