Phận người trong bão lốc chiến tranh

Nỗi lo lắng quay cuồng của một bà mẹ tại khu vực biên giới Medyka của Ukraine, ngày 27/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Nỗi lo lắng quay cuồng của một bà mẹ tại khu vực biên giới Medyka của Ukraine, ngày 27/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau và ngay trong mỗi cuộc chiến tranh hay xung đột quân sự, những hệ lụy tất yếu nặng nề nhất vẫn sẽ luôn là nguy cơ xuất hiện các cuộc khủng hoảng nhân đạo, khi sinh mệnh cùng cuộc sống của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà lương tri đặt ra cho nhân loại là nhanh chóng vãn hồi hòa bình, làm dịu mất mát đau thương cho những cuộc đời bị cuốn vào vòng xoáy khốc liệt ấy.

Nỗi đau chạm vào lương tri nhân loại

Đông Phong

Những biến cố trên bình diện toàn cầu thời gian gần đây cho thấy một thực tế: Loài người vẫn đang phải trải qua những khúc quanh nghiệt ngã, trên tiến trình tái định hình và xác lập một trật tự thế giới mới. Trên tiến trình ấy, và có lẽ là cả sau đó nữa, những cuộc xung đột hay chiến tranh vẫn sẽ luôn hiện hữu, như một công cụ thực hành ý chí chính trị từ các trung tâm quyền lực quốc tế.

Người dân chờ tàu tới Ba Lan tại nhà ga Lviv, Ukraine, ngày 26/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân chờ tàu tới Ba Lan tại nhà ga Lviv, Ukraine, ngày 26/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Song, cho dù bắt buộc phải chấp nhận thực tế đó, nguy cơ mang tên “các cuộc khủng hoảng nhân đạo” cũng vẫn đã, đang và sẽ luôn là những mũi gai buốt nhói đâm vào lương tri nhân loại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng:

Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hoà bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam rất quan tâm đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn cùng các cơ quan chức năng trong nước đang phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân.

Tám năm trước, tháng 9/2014, cả thế giới bàng hoàng rơi lệ vì một hình ảnh lan truyền rộng rãi, trên mạng xã hội cũng như trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Trên bờ biển gần khu nghỉ dưỡng Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ), một bé trai ba tuổi nằm úp mặt như đang ngủ. Nhưng không phải thế. Em – Aylan Kurdi, đến từ một gia đình Syria vượt Địa Trung Hải chạy trốn chiến tranh – đã vĩnh viễn không còn thức dậy nữa, sau khi chiếc thuyền chở gia đình em bị đắm, và sau khi những con sóng đưa thi thể nhỏ bé ấy vào bờ cát.

Chiếc áo phông đỏ rực mà Aylan Kurdi mặc trở thành một hình ảnh ẩn dụ, một minh chứng điển hình, một lời cảnh báo gay gắt. Về những điều khủng khiếp mà xung đột hay chiến tranh có thể tạo nên cho các thế hệ tương lai, cũng như về những thảm họa nhân đạo mà những phận đời lá rụng bị cuốn vào giông bão sẽ phải chịu đựng. Gia đình Aylan đã không còn nơi trú ngụ, đã phải chịu đựng đói khát, và đã quyết định lên đường tha hương, mong tìm kiếm được một chốn nương thân không phải đối diện với cảnh bom rơi đạn nổ mỗi ngày.

Cả thế giới rơi lệ với giấc ngủ vĩnh hằng của Alan Kurdi. Tranh: Taylan Burcu

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về cuộc xung đột Nga-Ukraine ở New York (Mỹ) ngày 28/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Cả thế giới rơi lệ với giấc ngủ vĩnh hằng của Alan Kurdi. Tranh: Taylan Burcu

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về cuộc xung đột Nga-Ukraine ở New York (Mỹ) ngày 28/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Có rất nhiều bi kịch như vậy, và không hoàn toàn như vậy, đã nối nhau diễn ra từ đầu thiên niên kỷ mới, để làm hằn sâu thêm những khái niệm về khủng hoảng nhân đạo.

Hiểu một cách đơn giản, “khủng hoảng nhân đạo” (hay “thảm họa nhân đạo”) được định nghĩa là “một sự kiện đơn lẻ hoặc một chuỗi các sự kiện đang đe dọa về sức khỏe, an toàn hoặc hạnh phúc của một cộng đồng hoặc một nhóm lớn người” – theo cách định nghĩa phổ quát nhất mà các tổ chức quốc tế sử dụng. Những thảm kịch này có thể không xuất phát từ nguyên nhân xung đột hay chiến tranh, mà cả từ dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu hoặc các trường hợp khẩn cấp phức tạp…. Nhưng tựu trung, chúng luôn gắn liền với sự thiếu hụt trầm trọng những nhu cầu cơ bản nhất dành cho con người.

Và thực tế, luôn có một đoạn nối giữa những nguyên nhân ấy với tình cảnh đau lòng mà hiện tại, vẫn có những cộng đồng đơn lẻ trên thế giới đang phải đối diện: Sự sụp đổ của các hệ thống kinh tế - xã hội.

Chúng ta phải đối mặt với điều có thể dễ dàng trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo và người tị nạn tồi tệ nhất châu Âu trong nhiều thập niên, với số lượng người tị nạn và di cư nhân lên theo từng phút.

Ngay cả trước các sự kiện diễn ra trong tuần qua, Liên hợp quốc (LHQ) đã hỗ trợ nhân đạo cho khoảng ba triệu người. LHQ đang làm việc 24/7 để đánh giá nhu cầu nhân đạo và mở rộng quy mô cung cấp hỗ trợ cứu sống cho nhiều người hơn nữa đang cần được bảo vệ và trú ẩn - đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già và những người khuyết tật. Một số nhân sự của chúng tôi đang mở rộng các chương trình hiện có. Những người khác đang chuẩn bị các hoạt động mới.

Có điều, dù viện trợ nhân đạo là rất quan trọng, thì nó vẫn không phải là giải pháp. Đó chỉ là cách ứng phó với những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng. Giải pháp đích thực duy nhất là hòa bình.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất đang hiện hữu, cho đến trước năm 2022 này, là tại Yemen. Theo công bố của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), sau bảy năm chiến tranh, tổng số người thiệt mạng tại Yemen đã vượt quá 337.000 người vì cả nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp. Trong số đó, có gần 60% người chết vì những nguyên nhân gián tiếp như thiếu nước sạch, lương thực và dịch bệnh.

Điều đáng sợ nhất là đây: Phần lớn số người chết là trẻ em –vốn dễ bị tổn thương và lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng. Báo cáo của UNDP chỉ ra rằng trong năm 2021, cứ chín phút lại có một trẻ em dưới năm tuổi ở Yemen qua đời. Còn lại, hơn 80% trong tổng số 30 triệu người dân ở nước này cần cứu trợ nhân đạo, trong khi nền kinh tế đứng bên bờ vực sụp đổ. Theo UNDP, cuộc chiến tranh tại Yemen đã khiến đà tăng trưởng kinh tế của quốc gia này tụt hậu hơn hai thập niên.

Trẻ em dùng can nhựa để lấy nước sinh hoạt tại Sanaa, Yemen, ngày 28/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trẻ em dùng can nhựa để lấy nước sinh hoạt tại Sanaa, Yemen, ngày 28/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong những ngày này, cũng như dư luận toàn thế giới, người dân Việt Nam hướng về các diễn tiến quân sự ở Ukraine, trong một tâm trạng đau đáu bất an.

Ở nơi tiếng súng đang rền vang đó cũng có những người con đất Việt đang bị đe dọa đến sự an toàn, đang bị cuốn đi theo giông bão thời cuộc, với cuộc sống bấp bênh đợi chờ trước mắt. Song, hơn thế, viễn cảnh u ám ấy cũng đang rình rập phủ xuống toàn bộ những người dân trong vùng binh lửa, dù là ở Kiev hay ở Donbass.

Chúng ta, dân tộc trải qua nghìn năm chiến trận để giữ nước, cũng là đất nước đã phải vượt qua biết bao khó khăn trong dư âm chiến tranh, hiểu hơn ai hết những cái giá đau thương phải trả, để thông cảm sâu sắc với mọi mất mát của những người dân vô tội, và để chân thành mong mỏi rằng chiến sự sẽ sớm kết thúc, hòa bình sẽ sớm được vãn hồi, các sinh mệnh sẽ không còn bị đe dọa, và mọi viễn cảnh suy thoái hay khủng hoảng nhân đạo sẽ bị đẩy lùi nhờ các hoạt động tái thiết gấp rút.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang – Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ – phát biểu ngày 28/2/2022:

“…Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm.

Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác.…”.

Những lời nguyện cầu và những hành động thiết thực cần song hành, để ngăn chặn những sự đổ vỡ và “cấp cứu” những mầm mống khủng hoảng. Một Yemen khác, hay một Aylan Kurdi nữa, là những điều không bao giờ nên lặp lại trong lịch sử loài người.

Tác giả ảnh, cũng là thành viên nhóm hỗ trợ người Việt, đã đến biên giới Ba Lan - Ukraine để giúp đỡ đồng bào Việt Nam di tản. Ảnh: Tùng Lâm – Phúc Hưng

Tác giả ảnh, cũng là thành viên nhóm hỗ trợ người Việt, đã đến biên giới Ba Lan - Ukraine để giúp đỡ đồng bào Việt Nam di tản. Ảnh: Tùng Lâm – Phúc Hưng

“Ngày 28/2/2022. Hiện tại mình đang ở biên giới Ba Lan và Ukraine. Sinh ra và lớn lên giữa thời bình, ko nghĩ đến giờ lại gặp cảnh chiến tranh tang thương thế này. Cảnh gia đình bị chia cắt, ly tán, bỏ xứ mà đi, đi qua biên giới trông ai cũng khổ, đói rét. Dậy từ đêm, phóng xe lên mang theo đồ ủng hộ của mọi người gồm quần áo, hơn 300 cái bánh mì, mấy chục thùng mì tôm và các đồ ăn khác cho trẻ em… Không cần học từ đâu xa cả, chỉ cần nhìn và cảm nhận thôi, sẽ thấy trân quý cuộc sống hiện tại…”.

Những dòng trạng thái facebook ngắn ngủi ấy từ người bạn trẻ gốc Việt ở Ba Lan không chỉ là một câu chuyện. Đó còn là tình người, là nghĩa đồng bào…

Nín thở đợi hòa bình

Trần Thanh Thể - Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga

"Tôi nghĩ phải rời đi. Nhưng cũng thật đáng sợ khi cứ đi một cách mơ hồ" – Họ nói về quyết định sơ tán khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào miền đông Ukraine. Lý do đôi khi đơn giản chỉ là không phải bắt con trẻ ngủ dưới hầm, hay chịu đựng nỗi sợ hãi thường trực. Nhưng cũng có những gia đình, trong đó có người Việt Nam, cố gắng sống tạm "dưới đất", hằng ngày hướng lên ngóng hòa bình.

Đang định kể lại những ngày không internet, không sóng điện thoại dưới "tầng âm", ông Đỗ Công Tiến (55 tuổi) phải bỏ ngang để chạy xuống hầm trú ẩn, vì tiếng nổ đang rất gần. Người đàn ông đã 22 năm sinh sống tại Kharkov, miền đông Ukraine đến giờ vẫn chưa quên cảm giác sững sờ khi chứng kiến nhiều vầng sáng chói trời, các cột khói bốc lên sau tiếng nổ ầm oàng, chỉ cách nơi ông đứng khoảng hơn chục km.

Máy bay quân sự rú xé tai trên không. Ông Tiến bàn ngay với vợ về quyết định di tản, trong lúc đoàn xe ngoài đường đang nối đuôi vội vã rời thành phố. Không phận đóng. Thành phố Kharkov nằm sát biên giới phía đông, đường về phía tây lại đang tắc nghẽn. Ông quyết định ở lại, vì chỉ riêng xếp hàng mua xăng tại thành phố lúc đó cũng đã mất khoảng một tiếng rưỡi. Bạn bè, gia đình người thân nhắn tin hỏi han, động viên ông.

Ông Grigory Trofimchuk - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á-Âu:

Các thảm họa nhìn chung đã rõ ràng

Tôi không đồng ý với quan điểm rằng, chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng biện pháp khác. Tôi cho rằng chiến tranh là kết thúc của mọi chính sách nói chung. Liên hợp quốc cần tiếp tục các nỗ lực của mình để mang lại những bước tiến tích cực cho khủng hoảng hiện nay, vì vấn đề nằm trong thẩm quyền của tổ chức này.

Khi đối đầu quân sự diễn ra, mọi người đều khổ. Các thảm họa nhân đạo, kinh tế, hay những thảm họa khác nhìn chung đã rõ ràng. Một số lượng lớn người tị nạn từ Ukraine đã xuất hiện, với con số ban đầu có thể lên đến bốn triệu người.

Thanh Thể (thực hiện)

Tiếng nổ rền qua cửa sổ. Ông Tiến cùng cư dân trong tòa nhà xuống tầng hầm tránh "tên bay, đạn lạc". Dưới đó, đến ngày giao tranh thứ tư, có khoảng 40 người Việt Nam, người Ukraine, cả người gốc Nga. Họ sẵn sàng chia sẻ đồ ăn thức uống, chỗ ngồi và cả chỗ ngủ. "Tất cả cùng cảnh ngộ. Chúng tôi cập nhật với nhau về tình hình chiến sự. Có những gia đình người chồng đang ở thành phố khác, ở Kiev, hay ở Odessa. Điều mong mỏi nhất của các bà vợ lúc đó là bố mẹ, con cái được ở cạnh nhau", ông Tiến nói.

Có thời điểm tiếng bom nổ một loạt rung chuyển tòa nhà, song ông Tiến cũng như nhiều người Việt vẫn tin rằng, sẽ không có dội bom hay pháo kích phá nát thành phố. Điều họ sợ nhất là hậu quả từ những hoạt động quân sự sẽ khiến cuộc sống làm ăn của cộng đồng người Việt gặp khó khăn. Dễ hình dung nhất là nạn cướp bóc. Ông Tiến nhấn mạnh, người Việt Nam vì đã trải qua nhiều cuộc chiến trong lịch sử, hay không ít đợt đói kém, nên không sợ hãi và luôn yêu đời. Nếu có buồn, thì người Việt ở đây chỉ buồn là nhiều người nơi quê nhà "dải đất chữ S" vẫn còn thiếu thông tin về đất nước Ukraine xinh đẹp.

Trong những tầng hầm bê-tông xám lạnh, đèn điện le lói, ngày càng trải nhiều hơn những tấm bìa carton, thảm mỏng. Đến cả những người “lo xa” nhất tại các thành phố Odessa, Kharkov, hay Thủ đô Kiev của Ukraine có lẽ cũng khó nghĩ đến kịch bản nơi này là nhà của họ trong cả tuần liền. Nhận thấy tình hình bất ổn có thể kéo dài, người Việt tại Ukraine bảo nhau tự tạo một chế độ sinh hoạt phù hợp, bảo đảm sức khỏe. Ông Nguyễn Hoàng Nam kêu gọi người Việt ở Kharkov cố gắng biến bất cứ thứ gì có thể thành đệm và chăn đắp tại nơi tránh bom, đồng thời giữ vệ sinh khu vực trú ẩn, ăn uống đầy đủ, kiên trì chờ đợi những tín hiệu lạc quan từ tình hình chiến sự.

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ukraine và Moldova:

      Tình hình đã trở nên nghiêm trọng

Giá năng lượng và thực phẩm tăng chưa hồi kết, châm ngòi cho nỗi lo lạm phát và khiến đời sống người dân Ukraine, trong đó có cả bà con cộng đồng người Việt tại Ukraine, đã khó khăn càng thêm khó khăn, nhất là vào mùa đông khắc nghiệt mà thiếu khí đốt để sưởi ấm. Đấy là chưa kể sự khó khăn về nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác của đời sống hằng ngày.

Nhìn rộng hơn, khoảng 40% khí thiên nhiên và 25% dầu mỏ của châu Âu là được nhập khẩu từ Nga. Châu Âu, vì thế, có thể chịu tác động mạnh từ việc giá khí đốt và xăng dầu, vốn đang ở mức cao, tiếp tục tăng vọt.

Bên cạnh đó, giá thực phẩm cũng leo thang. Theo một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc, giá thực phẩm đang ở mức cao nhất hơn một thập niên, chủ yếu do rối loạn chuỗi cung ứng trong đại dịch. Trong khi đó, Nga hiện là nước cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới. Cùng với Ukraine, họ đóng góp gần 25% tổng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Nhiều nước phụ thuộc khá lớn vào hai quốc gia này. Đây sẽ là thảm họa của người dân khi các lệnh trừng phạt lẫn nhau đã nối tiếp được thực thi.

Đinh Trường (thực hiện)

Tại Nga, cộng đồng người Việt đã khởi động các chiến dịch quyên góp hỗ trợ các khu nhà ở dành cho người lánh nạn. Cả trăm nghìn người từ miền đông Ukraine đã di tản sang Nga đợt này, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Bà Irina - cư dân Lugansk, một trong hai “nước cộng hòa nhân dân tự xưng” mà Nga vừa công nhận, từ bậc cửa xe buýt bước xuống vùng đất Rostov của Nga với đứa con một tháng tuổi trên tay. Ngay trước khi di tản, chồng bà được triệu tập theo lệnh tổng động viên. Bà Irina chỉ có một giờ để chuẩn bị đồ đạc.

Trên chuyến xe kín chỗ chờ khá lâu mới xuất hiện, bà Irina cúi đầu biết ơn những người cùng cảnh ngộ. Họ đã nhường chỗ cho hai mẹ con và bê hộ đồ đạc. Người thân bà Irina đã phải lang thang khắp các trung tâm tiếp nhận người từ miền đông Ukraine trước khi tìm thấy hai mẹ con tại một nhà ga, vì thiếu thông tin về nơi họ đến và cũng không thể liên lạc qua điện thoại. Rời xa căn nhà nhỏ, bà Irina canh cánh nghĩ về chồng. Hai người họ giờ mỗi người một nơi, mất liên lạc. Điều duy nhất bà biết được là chồng bà đang "học hành quân" trong một doanh trại.

Người tị nạn từ Donbass sang Nga. Ảnh: RIA

Người tị nạn từ Donbass sang Nga. Ảnh: RIA

Trước giờ, những người tị nạn từ vùng Donbass thường được lưu trú ở khu vực Neklinovsky thuộc tỉnh Rostov, không xa khu vực biên giới Nga - Ukraine. Từ Donetsk, bà Snezhana Kuznetsova gần như ngay lập tức cùng các con mình rời bỏ ngôi làng gần biên giới để lánh nạn, trong khi những người thân lớn tuổi chọn ở lại. Bà Snezhana Kuznetsova thở dài: "Bảy năm nay chúng tôi đã quen với những vụ nổ, nhưng bất ổn và đợt sơ tán như lần này thì là lần đầu. Mối đe dọa rất nghiêm trọng". Bà cho biết, gia đình bà sẽ đến nhà họ hàng ở Saint Petersburg (Nga), vì không biết bất ổn sẽ kéo dài bao lâu. Thêm một lý do nữa, là vì họ có chỗ để đi, nên muốn nhường suất trong khu sống tạm cho người khác cần hơn.

Cũng như bà Snezhana Kuznetsova, bà Tatyana và gia đình di tản từ Donetsk sang Rostov. Họ phải tự thuê một chỗ ở theo ngày, nhưng cũng không lâu để được sắp xếp một nơi miễn phí. "Điều gì xảy ra tiếp theo? Tôi không biết. Chúng tôi đang xin hỗ trợ. Tôi không có hộ chiếu Nga. Chúng tôi chỉ biết hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất, mong hòa bình mau trở lại", bà Tatyana thở dài.

Tỉnh Rostov (Nga) tiếp nhận người di tản từ khu vực Donbass. Ảnh: RIA

Tỉnh Rostov (Nga) tiếp nhận người di tản từ khu vực Donbass. Ảnh: RIA

Nga và nhiều quốc gia khác cho biết tiếp tục tạo thuận lợi để tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine. Nhưng việc bỏ lại mọi thứ sau lưng, đến một vùng đất mới với những điều mơ hồ khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi. "Chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi. Chúng tôi muốn thức dậy trong căn hộ của mình, trên giường của mình, sống trong hòa bình, đi làm và nuôi dạy con cái", bà Tatyana thổ lộ.


Tính đến ngày 7/3, theo số liệu được đưa ra từ Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR), đã có khoảng hơn 1,5 triệu người tị nạn rời khỏi Ukraine kể từ ngày 24/2 và “cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất cả thế kỷ tại châu Âu” đã chính thức hình thành.

“Tôi đã làm việc với những cuộc khủng hoảng như thế này suốt 40 năm, nhưng sự gia tăng chóng mặt của những đám đông hỗn loạn như đang phải chứng kiến là vô cùng hãn hữu” – Cao ủy UNHCR Filippo Grandi khẳng định.

Và đây, mới chỉ là sự khởi đầu….

Vì súng đạn không biết mủi lòng

Ban Cầm

Phụ nữ và trẻ em tại một trại tị nạn ở tỉnh Hodeida, Yemen. Ảnh: AFP/TTXVN

Phụ nữ và trẻ em tại một trại tị nạn ở tỉnh Hodeida, Yemen. Ảnh: AFP/TTXVN

Xung đột vũ trang cũng như khủng hoảng chính trị đã và đang làm cho nỗi đau khổ của nhân loại nhân lên một quy mô đáng kinh ngạc: 65 triệu người đã buộc phải rời khỏi ngôi nhà của họ, và gần 74 triệu người phải đối mặt với nạn đói. Thập niên qua đã chứng kiến sự gia tăng của chiến tranh và bạo lực chính trị vì rất nhiều toan tính, đào sâu sự khốn cùng của con người.

1. Một năm trước, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế báo cáo rằng khoảng 13 triệu người, tức gần ba phần tư dân số Syria, hiện dựa vào viện trợ nhân đạo quốc tế để tồn tại, tăng 20% so năm 2020. Tương tự là Libya: Đã hơn một thập niên trôi qua từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi bị lật đổ, hàng nghìn người rơi vào cảnh mất nhà cửa và thiếu ăn, trong đó có rất nhiều trẻ em.

Hãy đến Yemen, Somalia, Nam Sudan, nơi những cuộc giao tranh kéo dài đang khiến người dân chết dần chết mòn. Năm ngoái, chúng ta cũng chứng kiến quân Taliban tiếp quản Afghanistan, hay cuộc thảm sát ở Ethiopia. Các xung đột đang trở thành nguồn gốc chính của “khủng hoảng nhân đạo”.

Ai cũng biết là những cuộc khủng hoảng ấy cần các giải pháp chính trị. Tuy nhiên, để đạt được các giải pháp chính trị cuối cùng, các dân tộc luôn phải vượt qua những chặng đường rất dài.

2. Các bài học lịch sử đó vẫn còn nóng hổi. Vào thứ sáu ngày 25/2, rất nhiều người Ukraine đã thức dậy và phải rời khỏi nhà để trốn chạy xung đột. Liên hợp quốc dự đoán con số này có thể lên đến bốn triệu người. Những người tị nạn Ukraine đầu tiên đã bắt đầu tràn sang Romania, Hungary và Ba Lan, nơi các trung tâm tị nạn đang gấp rút được dựng lên.

“Tình hình trở nên khá phức tạp vào hôm qua” - Dima Khichenko, một công dân Ukraine, trả lời tờ DW, về chuyến di tản của gia đình khỏi Kiev về miền tây đất nước. “Chúng tôi thức dậy vào lúc 5 giờ 30 phút sáng vì nghe thấy tiếng nổ và rất khó để nhầm lẫn âm thanh này với thứ khác, chúng tôi hiểu ngay rằng xung đột đã bắt đầu”.

Ole Solvang, Hội đồng Tị nạn Na Uy, lo ngại sâu sắc: “Điều quan trọng cần ghi nhớ ở đây là ngay trước khi xảy ra xung đột gần nhất, thì đất nước này (Ukraine) cũng đang có những nhu cầu nhân đạo rất quan trọng”. “Hiện có khoảng ba triệu người Ukraine cần hỗ trợ nhân đạo, và con số này có thể tăng thêm sau xung đột với Nga”, ông nói thêm. 

Một đoàn tàu hướng về biên giới Ukraine – Ba Lan, ngày 1/3/2022. Ảnh: PAP/TTXVN

Người tị nạn Ukraine sang tới Ubla, miền đông Slovakia ngày 25/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Một đoàn tàu hướng về biên giới Ukraine – Ba Lan, ngày 1/3/2022. Ảnh: PAP/TTXVN

Người tị nạn Ukraine sang tới Ubla, miền đông Slovakia ngày 25/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Ba Lan cho biết: Họ đang chuẩn bị một chuyến tàu y tế để vận chuyển những người Ukraine bị thương, và đã lập danh sách 1.230 bệnh viện có thể tiếp nhận những người bị thương. Slovakia cũng thông báo sẵn sàng giúp đỡ những người tị nạn.

Trong khi đó, ngành đường sắt Czech đã cung cấp các toa tàu với 6.000 chỗ ngồi và giường để giúp người dân sơ tán nếu cần thiết. Romania cũng sẵn lòng viện trợ nhân đạo nếu cần.Còn theo Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, đất nước của ông đang chuẩn bị sơ tán bằng đường bộ hơn 4.000 người Bulgaria khỏi Ukraine và sẵn sàng tiếp nhận những người tị nạn Ukraine khác.

Thực tế,chiến sự Nga - Ukraine chỉ là một diễn biến xa hơn, trong một cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài, bắt đầu từ năm 2014, với những cuộc giao tranh đẫm máu trong một thập niên qua. Hơn 10.000 thường dân đã thiệt mạng hoặc bị thương và 1,4 triệu người phải rời chỗ ở. Ukraine có tỷ lệ người thuộc nhóm dễ bị tổn thương ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo cao nhất: người già và người khuyết tật chiếm hơn 30% số người sống ở Ukraine bị ảnh hưởng bởi xung đột, theo báo cáo của Liên hợp quốc.

Thế giới đang hành động trước diễn biến mới nhất vừa qua. Ngày 24/2 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trích 3,5 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để mua các thiết bị y tế và chuyển đến Ukraine. Liên hợp quốc, ngày 1/3, nỗ lực tìm kiếm một ngân sách khổng lồ, lên tới 1,7 tỷ USD để tăng cường các hoạt động nhân đạo ở Ukraine.

Toàn cảnh phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về cuộc xung đột Nga-Ukraine tại New York (Mỹ) ngày 28/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Toàn cảnh phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về cuộc xung đột Nga-Ukraine tại New York (Mỹ) ngày 28/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng chào đón những người tị nạn từ Ukraine. Các bộ trưởng nội vụ của EU cũng đã tham gia một cuộc họp vào cuối tuần để bàn thảo về Ukraine, bao gồm cả kịch bản một số lượng lớn người tị nạn sẽ tràn sang các nước EU. 

3. Nhưng súng đạn có lẽ không bao giờ rút kinh nghiệm, hay mủi lòng thương xót. Bất chấp mọi nỗ lực nhân đạo, các cuộc khủng hoảng dường như luôn “đi trước một bước”, để lại vết thương hở miệng trong lòng những đất nước rơi vào xung đột hay chiến tranh, lâu, rất lâu…

Tại một điểm cứu trợ ở Przemysl, đông nam Ba Lan, ngày 27/2/2022. Ảnh: PAP/TTXVN

Tại một điểm cứu trợ ở Przemysl, đông nam Ba Lan, ngày 27/2/2022. Ảnh: PAP/TTXVN

Ngày xuất bản: 7/3/2022
Tổ chức sản xuất: Vũ Mai Hoàng
Thực hiện: Ngô Phương Thảo, Võ Hoàng, Thu Hà, Đinh Trường, Trần Thanh Thể, CTV
Trình bày: Phan Anh, Duy Long