Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những định hướng rất cơ bản cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về một số nội dung chính được đề cập trong chiến lược quan trọng này.

VƯỢT QUA "LỜI NGUYỀN"
MANH MÚN, NHỎ LẺ

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, lần đầu tiên ngành nông nghiệp có được một chiến lược phát triển dài hạn, Bộ trưởng có thể cho biết tinh thần cốt lõi của chiến lược này là gì?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cho đến thời điểm này, sau khi thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, có thể nói, đây chính một chiến lược có tầm nhìn xuyên suốt gần 40 năm để trả lời rất nhiều các câu hỏi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn đang được đặt ra từ cuộc sống. Đây cũng là lần đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có được một chiến lược phát triển dài hạn.

Chiến lược nhằm định vị ngành nông nghiệp và nông thôn trong một cấu trúc kinh tế- xã hội, trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng khẳng định vai trò sứ mệnh của ngành nông nghiệp và nông thôn. Cũng lần đầu, nông nghiệp được ghép với nông thôn như một sự tương hỗ hữu cơ với nhau.

Tại sao chúng ta phải có một chiến lược dài hạn? Bởi vì nền nông nghiệp của chúng ta với đặc thù là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, với hàng chục triệu nông dân như thế, với tập quán sản xuất như thế, với sự manh mún đồng ruộng như thế, để tổ chức lại, không phải ngày một ngày hai làm được mà cần có một chiến lược dài hạn.

Tinh thần cốt lõi của Chiến lược chính là phải tổ chức lại sản xuất, phải có một cuộc cách mạng về “tổ chức lại sản xuất”, hướng đến sản xuất quy mô lớn, để khắc phục điểm yếu của nền nông nghiệp, vượt qua được "lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ của nền nông nghiệp.

Có thể gói gọn tinh thần của Chiến lược trong sáu từ khóa: "Hợp tác - Liên kết - Thị trường - Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng hoá sản phẩm”, trong đó, ba từ khóa đầu "Hợp tác - Liên kết - Thị trường" là điều kiện cần, còn ba từ khóa sau "Giảm chi phí – Tăng chất lượng – Đa dạng hóa sản phẩm" là điều kiện đủ.

"Hợp tác - Liên kết - Thị trường" là điều kiện cần, còn "Giảm chi phí – Tăng chất lượng – Đa dạng hóa sản phẩm" là điều kiện đủ.

"Hợp tác - Liên kết - Thị trường" là điều kiện cần, còn "Giảm chi phí – Tăng chất lượng – Đa dạng hóa sản phẩm" là điều kiện đủ.

Phóng viên: Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn về những từ khóa này?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Những từ khóa đó mang tính khái quát giải pháp để phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới, và cũng đã khá rõ, tôi chỉ muốn nói thêm về vấn đề hợp tác và liên kết.

Đặc thù nền nông nghiệp của chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, chính vì vậy, muốn thay đổi phải hợp tác, phải liên kết. Đã đến lúc người làm nông nghiệp phải hợp tác với nhau mới giải quyết được những khó khăn đang đặt ra, không thể mạnh ai nấy làm, đèn nhà ai nhà nấy sáng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên thị sát vườn vải tại Hải Dương. Ảnh: Bộ Công thương

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên thị sát vườn vải tại Hải Dương. Ảnh: Bộ Công thương

Hợp tác đang là một nhu cầu, đòi hỏi từ thực tế, bởi vì các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đều cần có vùng nguyên liệu để cung cấp đầu vào và dù doanh nghiệp có lớn đến đâu cũng không thể nào đi đàm phán với từng hộ nông dân riêng lẻ được. Họ phải thông qua một tổ chức nào đó đại diện cho nhóm người đó, thì đó chính là HTX.

Đồng thời, trong điều kiện ruộng đất manh mún hiện nay, chưa thể tích tụ, tập trung ngay được thì hợp tác, liên kết chính là giải pháp khả dĩ, đỡ gây ra nhiều bất ổn, xáo trộn nhất, mà vẫn bảo đảm hình thành những vùng nguyên liệu quy mô lớn.

Liên kết cũng đang là một nhu cầu bức xúc. Sản xuất mà không có sự liên kết với nhau thì sẽ không tạo được vùng nguyên liệu ổn định, không có chất lượng nông sản ổn định đáp ứng chuẩn mực thị trường.

Hiện nay chúng ta đang sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm một cách tự phát. Mà đã manh mún, nhỏ lẻ thì chi phí cao, thường quy mô lớn thì sẽ giảm được chi phí. Nhỏ lẻ thì không đủ quy mô để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Một hộ, hoặc một vài hộ thì có thể ra được sản lượng bao nhiêu để tạo ra được lượng lớn, để tạo ra được thị trường, đàm phán được thị trường…? Thành ra chúng ta đang luẩn quẩn trong cái bẫy manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

NÔNG DÂN ĐANG KHỔ
VÌ LÀM ĂN RIÊNG LẺ

Phóng viên: Phải hợp tác, liên kết để khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, nhưng hoạt động của các HTX hiện nay có vẻ như đang gặp nhiều vấn đề nan giải, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Sản xuất nhỏ lẻ thì người nông dân sẽ có tư duy cạnh tranh lẫn nhau. Bởi vì làm riêng thì ai cũng muốn bán trước, mua trước. Muốn mua trước người khác thì phải mua giá cao lên, muốn bán trước người khác thì giá bán phải giảm xuống. Mà người này giảm được thì người kia cũng giảm, thành ra đều bị thiệt. Đó là cái bẫy do sản xuất nhỏ lẻ tạo ra và người nông dân đang khổ vì chính cái bẫy của mình.

image

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm nông trường trồng mía tại Tây Ninh. Ảnh: TTC Sugar

Photo by Jeremy Hynes on Unsplash

Muốn khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, nông dân phải hợp tác, liên kết với nhau. Tuy nhiên, chung quanh câu chuyện hợp tác xã đang còn rất nhiều vấn đề cần bàn. Chúng ta hiện có hơn 10 nghìn hợp tác xã, nhưng số hợp tác xã hoạt động đúng vai trò, thật sự hiệu quả thì chưa nhiều. Trước hết là vấn đề nhận thức. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chỉ đạo về phát triển kinh tế tập thể, nhưng nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa nhận thức đúng đắn vấn đề này. Nhiều nơi vẫn coi HTX cũng chỉ như một tổ chức kinh doanh, một doanh nghiệp, có cũng được, không có cũng được, nên chưa chú trọng phát triển, thích thì để, không thích thì giải thể.

Bản thân các HTX hiện nay cũng đang hoạt động một cách rời rạc, tự phát, thiếu tính liên kết, hợp tác. Vừa rồi đi Hưng Yên, tôi có ghé thăm một số HTX, trong đó có nghe 7 HTX trong một huyện đều là HTX trồng rau để cung cấp cho Hà Nội và đều cần máy để rửa rau, máy để đóng gói rau. Vậy tại sao không có một HTX làm riêng khâu rửa, đóng gói, đỡ lãng phí được bao nhiêu.

Ngoài ra, một cái khó mà cả doanh nghiệp thu mua và HTX phải đối mặt là đất canh tác, chi phí đầu tư sản xuất đều do nông dân làm chủ, dẫn tới khó thay đổi thói quen canh tác của bà con, việc tiêu thụ nông dân mạnh ai nấy bán.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân.

Tôi cứ trăn trở mãi về câu chuyện giữa đại lý vật tư nông nghiệp và người nông dân. Nhiều nông dân hiện nay đang bị các đại lý vật tư nông nghiệp, phân bón "kẹp" chặt. Đại lý cung cấp, bán chịu giống, phân bón, thuốc trừ sâu, rồi đến mùa vụ xuống thu mua, thậm chí ép giá. Trong khi đó, nếu nông dân chung nhau mua qua HTX với giá bán sỉ có thể rẻ hơn. Tại sao nông dân vẫn chạy đến đại lý, lấy hàng của đại lý? Vì họ mua chịu, đến mùa mới trả còn HTX thì không bán chịu được. Vô tình giữa đại lý và nông dân có một sự ràng buộc như một "khế ước ngầm", không thể giãy ra được.

Phóng viên: Vậy làm thế nào để tăng cường vai trò của HTX và thu hút được nông dân tham gia vào HTX, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong chiến lược này phải giải quyết được câu chuyện về hợp tác, tất nhiên đây là vấn đề không đơn giản. HTX là hình thức tự nguyện, chúng ta không thể dùng mệnh lệnh hành chính để bắt họ vào HTX, mà phải kiên trì vận động, tuyên truyền để thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức của người nông dân.

Để chiến lược này thành công thì phải cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bởi để tổ chức lại sản xuất thì mình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng không đủ quyền năng để làm được mà cần có sự phối hợp, vào cuộc của các ngành, các địa phương, từ tỉnh đến huyện đến cơ sở.

Cả nước hiện có hơn 10 nghìn xã, mọi hoạt động nông nghiệp nông thôn diễn biến hàng ngày ở đó. Trong thời gian vừa qua, những địa phương thành công trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thành công trong kết nối tiêu nông sản đều nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, tổ chức sản xuất một cách tương đối nề nếp, đồng thời biết phát huy vai trò của HTX.

Tại Sơn La, nhờ sự phát triển các HTX xoài, HTX na... đã giúp Sơn La trở thành một điểm sáng về phát triển cây ăn quả. Ảnh: Thành Đạt

Tại Sơn La, nhờ sự phát triển các HTX xoài, HTX na... đã giúp Sơn La trở thành một điểm sáng về phát triển cây ăn quả. Ảnh: Thành Đạt

Thí dụ như ở Gia Lai, khi Công ty Đồng Giao đầu tư vào, địa phương đã chuẩn bị được các HTX làm vệ tinh, giúp nông dân liên kết với Công ty rất thuận lợi.

Tại Sơn La, nhờ sự phát triển các HTX xoài, HTX na... đã giúp Sơn La trở thành một điểm sáng về phát triển cây ăn quả. Câu chuyện về tiêu thụ vải thiều của Hải Dương, Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên cũng vậy. Qua đó để thấy rằng, mặc dù là chiến lược về nông nghiệp nhưng phải có sự vào cuộc của cả hệ thống, từ trung ương xuống đến địa phương mới thực hiện được.

Item 1 of 1

SẼ KHÔNG THÀNH CÔNG
NẾU KHÔNG BIẾT
NÔNG DÂN ĐANG NGHĨ GÌ, CẦN GÌ

Phóng viên: Quan điểm phát triển của Chiến lược đề cao vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời coi người dân nông thôn là chủ thể, trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn. Đây có phải là điều lâu nay Bộ trưởng vẫn trăn trở?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chiến lược là cụ thể hóa những nội dung về nông nghiệp, nông thôn được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chiến lược đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh.

Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh - ba cái đó không tách rời nhau được mà nó quan hệ hữu cơ và xác định nông dân là chủ thể.

Đây là những vấn đề rất lớn, mặc dù Nghị quyết của Đảng đã nói rất nhiều là đặt người nông dân trong vai trò chủ thể, nhưng thực tế chưa được như vậy. Cần quan tâm nhiều hơn nữa tới vấn đề này, bởi vì không thể tự nhiên người nông dân làm chủ thể được, còn phải bao hàm vấn đề năng lực và nhiều vấn đề khác. Phải nâng cao năng lực của người nông dân, muốn làm chủ thì phải có năng lực của người làm chủ. Do đó, làm sao nâng cao năng lực của người nông dân cũng là vấn đề được đặt ra trong chiến lược này.

Đã đến lúc chúng ta không chỉ tiếp cận nông sản là một ngành hàng mà cần tiếp cận với những người tạo ra ngành hàng đó, chính là người nông dân.

Đã đến lúc chúng ta không chỉ tiếp cận nông sản là một ngành hàng mà cần tiếp cận với những người tạo ra ngành hàng đó, chính là người nông dân.

Chiến lược này sẽ không thành công nếu chúng ta không biết người nông dân đang thiếu gì, đang nghĩ gì, đang cần gì. Đã đến lúc chúng ta không chỉ tiếp cận nông sản là một ngành hàng mà cần tiếp cận với những người tạo ra ngành hàng đó, chính là người nông dân. Thả con giống vô là người nông dân, trồng cây giống xuống cũng là người nông dân.

Đừng nghĩ nông nghiệp chỉ chiếm mười mấy phần trăm trong tổng giá trị nền kinh tế mà phải xem đó là sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân, xem nó là một cấu trúc kinh tế xã hội, để phát triển nó bền vững.

5 NĂM TRƯỚC TRỒNG LÚA,
5 NĂM SAU VẪN TRỒNG LÚA
THÌ LÀM SAO THU NHẬP
TĂNG GẤP RƯỠI, GẤP BA ĐƯỢC

Phóng viên: Chiến lược có đề ra mục tiêu đến năm 2030, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 đến 3 lần so với năm 2020. Câu chuyện thu nhập của người nông dân có lẽ vẫn còn rất nan giải trong những năm tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi đã có lần phát biểu trước Quốc hội, nếu 5 năm trước trồng lúa, 5 năm sau vẫn trồng lúa thì làm sao thu nhập tăng gấp rưỡi, gấp ba được. Tôi cũng hay nói, nếu chỉ nhìn vào con số hơn 48 tỷ USD giá trị xuất khẩu sẽ không thấy hết được vấn đề, mà cái quan trọng, quyết định chính là khâu tổ chức sản xuất và thu nhập của người nông dân.

Chúng ta vẫn nói người nông dân là trung tâm, nhưng chúng ta chưa có một thước đo cụ thể về thu nhập của người nông dân, thước đo của chúng ta mới chỉ là sản lượng, là kim ngạch xuất khẩu, là giá trị gia tăng của ngành hàng....

Trong khi đó, trên thực tế, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp và thu nhập của người nông dân nhiều khi không song song với nhau. Lẽ ra với sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp thì thu nhập của người nông dân phải tăng theo. Thành ra mới có câu chuyện nhiều người bỏ nông nghiệp, bỏ ruộng đất hoang để về thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,Vĩnh Phúc, Thái Nguyên để làm công nghiệp, rồi khi dịch Covid19, nhà máy đóng cửa, lại “rồng rắn" trở về quê.

Nếu chúng ta vẫn theo tư duy sản xuất nông nghiệp thì sẽ rất khó nâng cao thu nhập cho nông dân, cho nên cần phải có tư duy kinh tế nông nghiệp, tổ chức chuỗi ngành hàng, hỗ trợ phát triển các HTX để tăng cường liên kết, ngoài tạo ra nông sản còn phải đẩy mạnh bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói... để vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa tạo ra việc làm ở nông thôn.

Cần nâng cao thu nhập cho nông dân, để nông dân sống, làm giầu được bằng nghề nông. Đây cũng là một vấn đề được chiến lược phải đặt ra với nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập của nông dân như: thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn, chính thức hóa "lao động phi chính thức" rút ra từ nông nghiệp, phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn...

NÔNG DÂN CHUYÊN NGHIỆP
PHẢI BIẾT TẠO RA GIÁ TRỊ
CHO SẢN PHẨM CỦA MÌNH

Phóng viên: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về việc "hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp" được đề cập trong Chiến lược?

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta muốn biến nền nông nghiệp truyền thống thành nền nông nghiệp chuyên nghiệp, nông nghiệp có trách nhiệm, thì những người tham gia (trước hết là nông dân) phải chuyên nghiệp, phải có trách nhiệm.

Muốn có một nền nông nghiệp hiện đại trong thời kỳ cách mạng 4.0 thì cần phải có những người nông dân thông minh, nông dân 4.0. Nông dân chuyên nghiệp là người hiểu rằng chính mình là người quyết định.

Chẳng hạn, nhiều người cứ hay nghĩ rằng bị thương lái ép giá, nên không có lãi, trong khi phải chủ động tính toán mô hình canh tác, giảm chỉ phí đầu vào, tính đến thị trường... để làm sao chi phí thấp nhất, giá bán cao nhất.

Đóng gói mỳ Chũ tại Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mỳ Trại Lâm xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn.

Đóng gói mỳ Chũ tại Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mỳ Trại Lâm xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn.

Người nông dân chuyên nghiệp phải biết hạch toán chi phí, và ngoài tạo ra sản phẩm còn phải biết tạo ra giá trị cho sản phẩm. Thí dụ như bán trái xoài chẳng hạn, để ở dưới đất, bỏ vào thúng bán giá khác, để trên kệ, cho vào hộp giá nó khác. Ở đây cần phải hiểu, có thể không phải một người làm tất cả, mà cần liên kết để gia tăng giá trị, có thể có người chỉ sản xuất, có người chỉ đóng gói.... Từ liên kết sẽ hình thành hợp tác để tạo ra chuỗi ngành hàng, không phải bán thô, mà bán tinh, thì giá trị nó khác hẳn, thu nhập cao hơn hẳn.

Tóm lại, nông dân chuyên nghiệp không chỉ biết hạch toán, tính toán kinh tế mà còn phải biết liên kết, hợp tác với nhau để giảm chi phí,tạo ra sản lượng và giá trị cao nhất có thể và từ đó tối ưu giá bán.

Trước đây chúng ta hay biểu dương nông dân sản xuất giỏi, giờ phải biểu dương nông dân làm kinh tế giỏi mới đúng.

Tới ngày nào đó, chúng ta phải giống các quốc gia tiên tiến, xem nông nghiệp là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề hẳn hoi, chứ không phải "không biết làm gì thì ra làm ruộng".

PHẢI HIỂU ĐƯỢC BẢN CHẤT
CỦA THỊ TRƯỜNG

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, câu chuyện được mùa rớt giá, hay gần đây nhất là tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu sẽ được giải quyết như thế nào để không còn lặp lại nữa?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khi nông sản được mùa rớt giá, hoặc vừa qua các xe nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu phía bắc, nhiều người nói tại sao ngành nông nghiệp không quy hoạch mà để cho bà con tự phát, đua nhau làm như thế? Chúng ta nên nhớ rằng, quy hoạch bây giờ nó khác rồi, không như ngày xưa, Nhà nước thu mua, Nhà nước phân phối… Bây giờ, tất cả phải theo thị trường chứ không thể kế hoạch cứng nhắc được. Mà thị trường thì luôn biến động, có thể năm trước khác năm sau khác.

Cái khó nhất của ngành nông nghiệp là phải hiểu được bản chất của thị trường để tiếp cận, có giải pháp phù hợp. Trách nhiệm của cơ quan trung ương là phải đưa ra những dự báo thị trường, đàm phán tạo ra thị trường, mở rộng thị trường, tổ chức lại thị trường, còn quyết định câu chuyện sản xuất là ở địa phương.

Chúng ta không thể cứng nhắc một nghìn ha thanh long là chỉ một nghìn ha, cũng không có chế tài nào, bản vẽ chi tiết nào để ấn định chắc chắn như vậy, mà luôn có sự co dãn. Do đó, câu chuyện sản xuất phải do đia phương, thông qua mô hình HTX, thông qua những mô hình hợp tác để thảo luận với nhau và quyết định.

Chỉ khi nông dân chủ động tính toán sản xuất, xác định rõ đầu ra cho sản phẩm, không còn mù mờ về thị trường mới tránh được tình trạng được mùa rớt giá, nông sản làm ra ùn ứ, không có nơi tiêu thụ. Không nhận diện được những điều đó, thì chúng ta không thấy được trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, của địa phương, cứ lẫn lộn vai trò với nhau, rồi chúng ta lại trách nhau, lại chất vấn nhau, không giải quyết được vấn đề gì.

CHUYỂN TỪ
TƯ DUY SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
SANG TƯ DUY KINH TẾ NÔNG NGHIỆP

Phóng viên: Chiến lược đề ra yêu cầu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về những vấn đề này?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chiến lược nhấn mạnh đến việc phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đồng thời phải tiếp cận kinh tế nông nghiệp với tính đa giá trị của nó. Nếu nói sản xuất nông nghiệp thì mình chỉ tính sản lượng thôi, nhưng sản lượng thì chưa bao hàm được giá trị kinh tế của nó, vì sản lượng là cái mà mình có thể tạo ra, nhưng để thị trường có chấp nhận hay không thì nó phải hội tụ nhiều yếu tố khi đó nó mới có thể biến thành giá trị.

Lúa trên đồng dù có đạt sản lượng cao nhưng cũng chưa thể bảo đảm mang lại giá trị cao cho ngành cũng như thu nhập cho người nông dân. Điều đó qua vụ đông xuân vừa rồi ở Đồng bằng song Cửu Long chúng ta đã thấy rõ. Năng suất, sản lượng cao, nhưng vì chi phí đầu vào cao nên nông dân không có lãi. Nông sản chỉ khi ra được thị trường mới quyết định được giá trị và nó ra với giá nào thì là cả một câu chuyện về thay đổi tư duy.

ỨNG PHÓ VỚI BA BIẾN

Phóng viên: Cùng với việc phải nhanh chóng khắc phục những yếu kém, hạn chế, nền nông nghiệp của chúng ta còn phải làm gì để bắt kịp với những xu hướng của thế giới như sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngoài việc phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế, điểm yếu như đã nêu, nền nông nghiệp của chúng ta cũng phải ứng phó với rất nhiều vấn đề đang đặt ra, trong đó lớn nhất và thấy rõ nhất là ba cái biến: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.

Biến đổi khí hậu đang ngày càng gay gắt, cực đoan, khiến điều kiện sản xuất bây giờ không giống như ngày xưa nữa rồi, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.

Biến động thị trường rất thường xuyên nhanh chóng. Dịch covid-19 làm thị trường thay đổi hoàn toàn, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Nhiều thị trường mới mở ra theo các hiệp định thương mại, nhưng là vừa mở vừa đóng, nghĩa là phải đáp ứng đúng chuẩn mực,đòi hỏi rất khắt khe. Hay sự kiện Nga-Ukcraine cũng gây biến động nghiêm trọng cả đầu vào, đầu ra của ngành nông nghiệp, giá vật tư, phân bón, nhiên liệu gỗ tăng cao, xuất khẩu nông sản cũng gặp khó khăn.... Có thể nói, biến động thị trường là vô chừng, khó lường trước được.

Biến chuyển xu thế tiêu dùng cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Thị trường Trung Quốc trước nay vẫn được xem là dễ tính, nhưng nay cũng ngày càng chặt chẽ, khắt khe. Thị trường nội địa cũng thay đổi với yêu cầu ngày một cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt là xu thế tiêu dùng xanh của thế giới tương ứng với một cái nền kinh tế xanh. Bây giờ sản phẩm không chỉ dừng ở chất lượng với sản lượng mà còn là trách nhiệm xã hội để tạo ra, cho nên sản phẩm dù tốt, dù rẻ đến mấy mà gây tổn hại cho môi trường thì cũng không được thị trường chấp nhận. Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với COP26 đến năm 2050 chúng ta phải cân bằng “zero-carbon”, khu vực nông nghiệp cũng phải thực hiện quyết liệt để bảo đảm cam kết này.

Ứng phó với 3 cái biến đó cần phải có chiến lược, phải có một cuộc cách mạng thực sự mới giải quyết được, chứ không phải mùa sau cũng làm giống mùa trước. Để thực hiện được chiến lược đó, không chỉ một cấp, một ngành nào, mà cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phải biến thành kế hoạch hành động của từng địa phương và sự thay đổi, quyết tâm thực hiện của từng người dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Item 1 of 4

Chỉ đạo thực hiện: QUỐC VIỆT - NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: XUÂN BÁCH
Nội dung: QUỐC VIỆT, VĂN LÚA
Trình bày: DIỆU THU
Ảnh: Báo Nhân Dân