ỔI LÊ HOÀNH BỒ:

TỪ BỊ VỨT VEN ĐƯỜNG ĐẾN CÂY XÓA NGHÈO

TỪ GIỐNG CÂY BỊ BỎ QUÊN NGOÀI VƯỜN...

Ổi Hoành Bồ hiện nay là thương hiệu chung của vùng ổi gồm nhiều xã ở huyện Hoành Bồ đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có xã Sơn Dương. Câu chuyện đi lên từ cây ổi của xã Sơn Dương đến nay vẫn được người dân trong xã kể lại, như một động lực để tiếp tục phát triển hơn nữa.

Ông Hoàng Xuân Diện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, thành phố Hạ Long cho biết, ban đầu ở đây là vùng trồng lúa và mía, nhưng sản lượng rất thấp, chất lượng đất lại không phù hợp, cho nên nông dân dù rất chăm chỉ chịu khó nhưng vẫn nghèo. Hằng năm, vẫn có nhiều hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo, xã và huyện phải hỗ trợ.

Năm 2010, Trung tâm Dịch vụ-Kỹ thuật nông nghiệp sau chuyến tham quan, tìm hiểu các mô hình ở Đài Loan (Trung Quốc) đã đưa cây giống ổi lê lai ở đây về thuyết phục nông dân trồng thử. Ban đầu, các hộ dân chẳng mấy mặn mà bởi ai cũng nghĩ rằng ổi chỉ là giống ăn chơi, không phải là loại cây ăn quả thiết yếu cho nên sẽ không bán được nhiều, trồng không ra tiền.

Item 1 of 3

Ông Hoàng Xuân Diện kể lại: “Khi ấy, mỗi hộ được hỗ trợ miễn phí vài chục gốc cây giống, nhưng chỉ có khoảng 30% số hộ là trồng xuống đất. Một tháng sau chúng tôi đi kiểm tra, khảo sát, thấy hàng loạt cây giống bị bà con vứt lại bên bờ vườn. Cây ổi giống đều có bầu đất cho nên khi bị vứt ra góc vườn vẫn sống được”. Lúc đó, xã phải vào cuộc, yêu cầu người dân trồng hết xuống ruộng.

Sau một hai năm đầu gặp nhiều khó khăn, một số hộ đi trước bắt đầu có những thành quả đầu tiên. Ổi ra trái chất lượng cao, thơm ngon, ngọt, giòn, bán với giá khá cao, tại vườn khi đó giá đã khoảng 50 nghìn đồng/kg. Dần dần, các hộ khác thấy cây ổi thật sự đã cho thu nhập chứ không chỉ là một thứ cây ăn chơi, đều cùng nhau quay trở lại đầu tư vào cây ổi.

Các hộ dân chẳng mấy mặn mà bởi ai cũng nghĩ ổi chỉ là giống ăn chơi, không phải là loại cây ăn quả thiết yếu cho nên sẽ không bán được nhiều, trồng không ra tiền.

Đến bây giờ, xã và Hội Nông dân không phải khuyến khích, dân đã trồng gần như kín khu vực này. Đến nay, diện tích trồng ổi lên đến khoảng gần 200ha, trong đó có một số khu vực chất lượng ổi rất cao do chất đất và vị trí đất.

Ông Hoàng Xuân Diện cho biết, chất đất ở khu vực này làm nên chất lượng và sản lượng cây ổi.

“Cùng một vùng đất, nhưng có khi ổi trồng ở cánh đồng bên này lại khác với cánh đồng bên kia. Khu vực này rộng khoảng 10ha, là bãi bồi phù sa cổ của con sông chảy qua đây. Qua nhiều mùa, nhiều năm, nhiều cơn lũ, đất được bồi lên như hiện nay và rất hợp với cây ổi. Người dân ở đây trồng ổi ở nhiều nơi nhưng chỉ có vùng này là ngon nhất, mặc dù trồng từ cùng một loại cây giống.”, ông Diện nói.

... ĐẾN CÂU CHUYỆN XÓA NGHÈO NHỜ CÂY ỔI

Ông Vy Văn Tuyên, tổ trưởng tổ sản xuất ổi số 1 Đông Giang (Sơn Dương), Chi hội trưởng nông dân nghề nghiệp ổi VietGap, một trong những người đầu tiên trồng ổi ở đây cho biết, ban đầu cây ổi lai lê Đài Loan (Trung Quốc) này dân trồng thử nghiệm thấy hợp với đất, hiệu quả kinh tế cao, lại ngon, giòn, chất lượng cao cho nên bà con duy trì trồng. Cây ổi lại năng suất, cho quả quanh năm, cho nên bà con tập trung trồng, có thu nhập đều. Đời sống người dân từ khi trồng ổi đã được cải thiện nhiều hơn, Nhà nước không phải hỗ trợ các hộ nghèo nữa. Trong thôn cũng không còn hộ nghèo và hộ cần nghèo.

Ông Vy Văn Tuyên cho biết, trước đây, vùng trồng ổi này cũng là vùng nghèo, riêng trong thôn có khoảng mười mấy hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, giờ các hộ đều khấm khá lên từ cây ổi. Trước đây đất ruộng, vườn chỉ trồng lúa và mía tím, vừa vất vả, năng suất thấp, thu nhập không cao mà phải đầu tư rất nhiều cho việc cải tạo, làm lại đất sau mỗi mùa vụ.

“Cây mía tím trồng cũng có nhiều khó khăn, chăm bón cả năm mới bán được 1 lần, sau đó còn phải quay lại làm đất từ đầu. Hơn nữa, trồng mía còn phải chặt cây làm cọc cắm theo luống mía, lấy dây chăng cho cây mía khỏi đổ, ít nhiều ảnh hưởng đến rừng tự nhiên”, ông Tuyên nói.

Ông Vy Văn Tuyên, tổ trưởng tổ sản xuất ổi số 1 Đông Giang (Sơn Dương), Chi hội trưởng nông dân nghề nghiệp ổi VietGap.

Ông Vy Văn Tuyên, tổ trưởng tổ sản xuất ổi số 1 Đông Giang (Sơn Dương), Chi hội trưởng nông dân nghề nghiệp ổi VietGap.

Vườn nhà ông Tuyên bắt đầu trồng ổi từ năm 2016, ban đầu chỉ thử nghiệm khoảng 4 sào, sau thấy có hiệu quả mới nhân rộng ra. Từ đó, ông vận động bà con làm cùng.

“Hồi đầu chúng tôi cũng gặp khó khăn, phải tự lo giống, nguồn phân, mày mò làm đất, đào hố, ủ phân rồi mới trồng. Mà mua cây giống lúc bấy giờ giá khá cao vì còn ít giống mà đông người mua. Khi đó mọi người bắt đầu biết giống ổi này cho thu nhập ổn định cho nên đổ xô nhau đi mua, cây giống không có đủ. Khi đó giá mỗi cây ổi giống khoảng từ 25-30 nghìn đồng/cây, bây giờ hạ nhiệt xuống còn 15-20 nghìn đồng/cây vì người dân trồng nhiều, diện tích đất trống cũng không còn”, ông Tuyên nói

Về cách chăm sóc cây ổi, ông Vy Văn Tuyên cho hay, vừa dễ vừa khó: “Cây ổi phải chăm theo độ tuổi, lượng phân bón phải hợp lý. Đối với cây lớn, đứng cây, có tán và rễ ăn rộng, phải làm cỏ thật sạch mới sai quả.

ĐẮT HÀNG NHƯNG THIẾU NGUỒN CUNG

Ổi đạt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính Âu, Á, nhưng nghịch lý của cây ổi Sơn Dương, Hoành Bồ lại là chưa đủ sản lượng để bán ra ngoài, và còn thiếu khâu quảng bá. Chính vì thế, hiện nay thị trường chính của ổi Sơn Dương, Hoành Bồ vẫn mới chỉ trong tỉnh Quảng Ninh.

Ông Hoàng Xuân Diện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Dương cho biết, hiện nay, xã có khoảng 600 hộ trồng ổi, với sản lượng khoảng 3.000 tấn, mới chỉ cung cấp cho tỉnh Quảng Ninh, chưa đủ cung cấp cho ngoài tỉnh.

Chúng tôi đang xây dựng chuỗi tiêu thụ để cung cấp cho toàn quốc nhưng cũng khó khăn do quả ổi tươi khó vận chuyển đi xa, dễ giảm chất lượng. Chúng tôi cũng đang đưa trái ổi lên giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử, nhưng cũng mới chỉ để quảng bá sản phẩm.

Ông Hoàng Xuân Diện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Dương

Hằng năm, Hội Nông dân cũng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan cấp trên, báo chí quảng bá về ổi Hoành Bồ, để bà con yên tâm trồng và chăm sóc ổi đạt đúng theo tiêu chuẩn VietGap.

Bảng thông tin đầy đủ mã QR, thông tin vùng trồng, nguồn gốc, sản lượng...

Bảng thông tin đầy đủ mã QR, thông tin vùng trồng, nguồn gốc, sản lượng...

Ông Vũ Văn Tuyên bộc bạch, người dân cũng cần đầu ra ổn định để yên tâm trồng ổi. Ông cho biết, đầu ra của trái ổi liên quan đến mùa vụ: Mùa chính vụ quả nhiều thì chất lượng lại thấp. Trái vụ sản lượng ít thì lại bán được giá hơn. Một số siêu thị cũng đặt vấn đề với xã ký hợp đồng để cung cấp nhưng do sản lượng không ổn định cho nên chưa thể thực hiện được.

Ông Hoàng Xuân Diện kể, đã từng có những đơn vị về xin mẫu ổi đi test để xuất khẩu đi Đức, Ba Lan nhưng không đủ số lượng. Về chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu, trái ổi đều đạt.

Hội Nông dân, chính quyền các cấp đều đã có những hỗ trợ sát sườn đổi với người trồng ổi. Ở các vườn ổi, có thể thấy bảng giới thiệu sản phẩm, thông tin sản phẩm, mã QR truy xuất nguồn gốc. Được biết, mã QR là do tỉnh hỗ trợ kinh phí, thuê tư vấn và đơn vị tư vấn hướng dẫn cho người dân. Trước đó là hỗ trợ về kỹ thuật trồng, bọc ổi, và giám sát, tư vấn nông dân vặt bớt ổi khi chính vụ ra quá nhiều trái.

Có khi mỗi cành tới 6-7 quả, mà 2 quả đã ngót nghét 2kg rồi. Không vặt bớt mà cứ để quả cho trổ hết, có khi gẫy cành.

Ông Vy Văn Tuyên, Tổ trưởng tổ sản xuất ổi số 1 Đông Giang (Sơn Dương), Chi hội trưởng nông dân nghề nghiệp ổi VietGap

Với mỗi người nông dân trồng ổi ở đây, thương lái vẫn là cánh cửa chính cho họ giao thương.

“Tôi không quảng cáo trên mạng, Vì ở đây bây giờ là vùng ổi tập trung, thương lái tự tìm đến kết nối. Một số đơn vị ở tỉnh hay thành phố vào làm việc cũng hỗ trợ quảng cáo… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất mong muốn được hỗ trợ đào tạo quảng bá chuyên nghiệp, đặc biệt là quảng bá trên mạng”, ông Tuyên nói thêm.

Còn ông Hoàng Xuân Diện thì chia sẻ: “Theo nhu cầu của bà con, chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ đầu ra và nguồn phân bón để đầu tư cho cây ổi, để các vườn ở đây có chất lượng đồng bộ. Chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ quảng bá để khách trong và ngoài tỉnh đều biết, đến tham quan, ăn thử và sau đó tiêu thụ cho mình”.

Ngày xuất bản: 14/12/2023
Chỉ đạo thực hiện: Hồng Minh - Hồng Vân
Nội dung: Tuyết Loan
Trình bày: Dương Dương