Ở nơi tâm dịch, trường học làm chỗ cách ly

Ông Vũ Minh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi

Ông Vũ Minh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi

Do tất cả các trường học trở thành khu cách ly y tế nên năm học mới này, tất cả học sinh bậc học tiểu học đến THCS vùng tâm dịch Đức Phổ, Quảng Ngãi sẽ học trực tuyến.

Những cuộc gọi lúc giữa đêm

Trong tâm dịch thì không kể ngày đêm, bất cứ khi nào có chuyện phát sinh thì điện thoại là phương tiện giải quyết nhanh nhất. Ngày trẻ con, học sinh gần đến trường điện thoại của tôi không ngớt reo gọi.

Tôi còn nhớ, buổi tối ngày cuối tháng 8, anh em cơ sở tiếp nhận năm tàu thuyền và gần 60 ngư dân Phổ Thạnh khơi xa về, cần nơi ở cách ly tập trung. Thời điểm này, phần lớn trường học ở phường Phổ Thạnh, xã Phổ Châu đã bàn giao cho ngành giáo dục để chuẩn bị đón học sinh, số ít trường hiện làm khu cách ly đã quá tải.

Không còn cách nào, tôi quyết định trưng dụng trường THCS của phường để đón anh em ngư dân. Thế nhưng, Ban Giám hiệu nhà trường không đồng ý, vì cơ sở vật chất phải phục vụ giảng dạy cho những ngày tới. Là người đứng đầu chính quyền, tôi có quyền quyết định chọn cơ sở để cách ly y tế phòng dịch. Thế nhưng, nhà trường cũng vì trẻ con, vì học sinh. Hai bên đều khó như nhau.

Nếu không giải quyết ngay trong đêm thì ngư dân ở ngoài đường, nguy cơ lan dịch ra cộng đồng. Giữa đêm, tôi điện thoại cho đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo để gỡ cái khó đôi bên. Chia sẻ, trao đổi cùng nhau, chúng tôi đi đến thống nhất dùng cơ sở trường học để tiếp nhận ngư dân trở về.

“Mong mọi người giữ gìn vệ sinh chung và bảo quản các hình ảnh trang trí trong phòng học của bé. Chúc mọi người giữ gìn sức khỏe thật tốt và vượt qua cơn đại dịch này”, lời nhắn của cô giáo, trẻ em tại một điểm trường mầm non làm khu cách ly y tế cho người vùng dịch.

“Mong mọi người giữ gìn vệ sinh chung và bảo quản các hình ảnh trang trí trong phòng học của bé. Chúc mọi người giữ gìn sức khỏe thật tốt và vượt qua cơn đại dịch này”, lời nhắn của cô giáo, trẻ em tại một điểm trường mầm non làm khu cách ly y tế cho người vùng dịch.

Ở vùng tâm dịch áp lực cũng nhiều hơn khi năm học mới sắp đến. Tại thị xã Đức Phổ có 41 khu cách ly y tế, trong đó 38 khu là trường học từ mầm non đến THCS.

Là vùng tâm dịch của tỉnh hơn hai tháng qua, các biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch đã dần ổn định, các trường học cũng được bàn giao dần cho ngành giáo dục. Thế nhưng, hàng nghìn ngư dân từ khơi xa trở về khiến mọi kế hoạch “đảo lộn”.

Trong thời gian ngắn, chúng tôi tiếp nhận gần 1.000 ngư dân khơi xa về quê. Cơ sở y tế, khu cách ly quá tải thì trường học vẫn là giải pháp cuối cùng.
Coi như bắt tay lại từ đầu. Chúng tôi, xin ý kiến lãnh đạo tỉnh, bàn bạc, trao đổi với Ban giám hiệu trường học, lãnh đạo ngành giáo dục để tìm giải pháp phù hợp nhất với thực tế.

Bí lúc nào thì gọi lúc đó, qua những cuộc điện thoại “đối thoại” cùng đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cái khó từ nhỏ đến lớn được gỡ dần. Ngành giáo dục chia sẻ, lắng nghe và điều chỉnh theo đặc thù vùng có dịch. Tất cả ngư dân trở về có nơi ở, ưu tiên phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện theo tinh thần của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung.

Học kiểu gì cũng khó

Do tất cả các trường học trở thành khu cách ly y tế nên năm học mới này, tất cả học sinh bậc học tiểu học đến THCS vùng tâm dịch Đức Phổ, Quảng Ngãi sẽ học trực tuyến.

Năm học 2021-2022 toàn thị xã Đức Phổ có 45 trường cùng 21.600 học sinh bậc học mầm non đến THCS. Để triển khai học online, tôi lo lắng vì thật sự cũng rất khó cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Với phần lớn là vùng nông thôn, miền biển, hạ tầng thông tin chưa đồng đều ở các khu vực.

Ở những khu vực đô thị trung tâm thị xã, gia đình có điều kiện hơn với máy tính, điện thoại, mạng intenet nhưng nếu nhà nào có nhiều con học cùng lúc thì không thể đáp ứng đủ. Nhiều phụ huynh chất vấn, trao đổi với tôi những băn khoăn, lo lắng cho việc học trực tuyến.

Ở vùng nông thôn, miền biển thì hầu như không thể dạy và học online cho các em. Gia đình các vùng quê thiếu thiết bị điện tử, hạ tầng công nghệ thông tin không bảo đảm nên tôi thấy càng khó hơn nhiều. Năm học mới phụ huynh nhà nông không đủ tiền để mua sắm thiết bị cho con em học trực tuyến.

Ở miền biển, hai năm qua dịch Covid-19 hoành hành, đời sống bà con khó khăn chồng chất. Đánh bắt, hành nghề không hiệu quả, lỗ tổn phí tàu thuyền đi biển nên không thể đáp ứng việc học cho con em của mình. Học kiểu gì thì cũng khó. Đó là trăn trở mà chúng tôi đối diện trong năm học mới này.

Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Vũ Minh Tâm: “Vùng tâm dịch Covid-19 áp lực phòng chống dịch và năm học mới càng nhiều hơn. Mọi kế hoạch, dự kiến đều có thể thay đổi trong vài giờ hay giữa đêm, khi ca bệnh và rủi ro lây dịch trong cộng đồng xuất hiện”.

Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Vũ Minh Tâm: “Vùng tâm dịch Covid-19 áp lực phòng chống dịch và năm học mới càng nhiều hơn. Mọi kế hoạch, dự kiến đều có thể thay đổi trong vài giờ hay giữa đêm, khi ca bệnh và rủi ro lây dịch trong cộng đồng xuất hiện”.

Khó khăn bủa vây. Nhưng trong tình hình đại dịch chưa có tiền lệ, với biện pháp tối ưu nhất, chúng tôi vẫn cố gắng động viên người dân đồng hành. Người dân cách ly y tế ở trường học phải giữ gìn, tránh lây chéo phát sinh ca bệnh kéo dài thời gian trưng dụng trường học. Phải nỗ lực sớm hết dịch Covid-19 trên địa bàn để trả trường học cho thầy cô giáo, học sinh.

Việc học trực tuyến khắc phục được chút nào đỡ chút đó. Chúng tôi cũng vận dụng tất cả hạ tầng, nền tảng công nghệ hiện có để cùng ngành giáo dục triển khai giảng dạy, học tập trong điều kiện tốt nhất có thể.

Dịch Covid-19 khó lường. Phòng, chống dịch để hạn chế ca bệnh, an toàn cho người dân nhưng cũng phải bảo đảm các hoạt động khác ít ngưng trệ. Vì vậy, tùy thực tế cơ sở, chúng tôi chọn lựa những điều kiện tốt nhất, kết hợp từ nhiều sự hỗ trợ của tỉnh, ngành chức năng để vượt qua thời khắc khó khăn nhất như hiện nay.

Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Thực hiện: ĐÔNG HUYỀN
Trình bày: BÔNG MAI
Hình minh họa: Thiết kế dựa trên chất liệu của Freepik