Nữ bác sĩ truyền cảm hứng ở mặt trận phía tây thành phố

Cất giấu những vất vả, hy sinh, dịch Covid-19 đã biến họ thành những “người hùng”, lăn xả vào tâm dịch, tận hiến không biết mệt mỏi. Chuyên đề Những nữ y, bác sĩ “anh hùng” trong đại dịch khắc họa chân dung về những người phụ nữ Việt Nam như thế.

Là bác sĩ ngoại khoa, để chiến đấu ở tuyến đầu, Thạc sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh phải kiên cường gấp đôi người khác. 5 tháng qua, chị đã thấy sự phi thường là có thật khi chiến đấu với kẻ thù vô hình nguy hiểm.


"Ra trận" không phải để đánh bóng tên tuổi

Gần 6 tháng trước, Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh, Khoa Chấn thương chỉnh hình cùng một đồng nghiệp nam tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhận lệnh cùng đoàn chi viện của TP Hồ Chí Minh lên đường tới Bắc Giang. Lúc đi, có nhiều lời đàm tiếu: “Chắc là đi để đánh bóng tên tuổi cho bệnh viện”. Mang theo một nỗi buồn, chị và đồng nghiệp lẳng lặng làm việc với tinh thần hỗ trợ hết mức.

Bắc Giang bấy giờ đang như một chảo lửa. Nắng nóng đỉnh điểm kéo dài, bệnh nhân gia tăng nhanh chóng và trang thiết bị cấp cứu còn khá sơ sài. “Ban đầu cảm thấy áp lực vì không biết bên đơn vị tiếp nhận nghĩ thế nào về sự chi viện này. Nhưng khi mình ăn chung, ở chung, chịu cùng những khó khăn, nóng bức, vất vả và cả thách thức trong công tác điều trị, họ đã có cái nhìn khác”.

Cứ thế, những ngày tháng khó khăn nhất của đợt dịch thứ tư chị đều trải qua, từ cảnh nóng bức tới 40 độ C, đến số bệnh nhân tăng cấp số nhân, tỷ lệ bệnh trở nhiều, luôn áp lực cấp cứu trong tình trạng thiếu máy móc. Từ những việc mà trước nay vốn không phải là chuyên môn chính của mình như đặt ống can thiệp nội khí quản, chị cũng sẵn sàng nhận việc, dù nguy cơ phơi nhiễm rất cao.

Bác sĩ Nguyệt Anh chi viện cho mặt trận điều trị tại Bắc Giang.

Bác sĩ Nguyệt Anh chi viện cho mặt trận điều trị tại Bắc Giang.

Giữa tháng 6, dịch tại TP Hồ Chí Minh bùng phát, chị được rút về vào ngày 28/6. Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi – một trong những chiến trường ác liệt điều trị bệnh nhân ở tầng 3 đón chị trong một tình cảnh hoang mang hơn cả Bắc Giang. Bệnh nhân tăng nhanh khủng khiếp, mọi thứ trở nên rối bời. “Bệnh nhân nằm la liệt từ trong phòng đến ra ngoài hành lang, nhìn rất thương”. Ngoài kinh nghiệm từng ở Bắc Giang, chị Anh và các đồng nghiệp phải đối phó với muôn vàn khó khăn mới do mô hình bệnh dịch biến chuyển khôn lường.

Cuối tháng 7, đầu tháng 8, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh được giao triển khai Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19. Và đây mới thật sự là cuộc chiến không bao giờ quên trong cuộc đời làm ngành y.

Một bác sĩ ngoại khoa vốn chuyên về can thiệp nội soi khớp, giờ đây chuyên môn chính của chị là điều trị những vấn đề liên quan đến Covid-19 đặc biệt nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền và hầu hết trong tình trạng nguy kịch luôn cần hỗ trợ về hô hấp. Can thiệp nội khí quản, hỗ trợ thở máy, thở ô-xy lưu lượng cao, điều chỉnh các máy móc theo dõi thông số bệnh nhân là công việc vốn không phải chuyên môn chính đã dần thuần thục với một bác sĩ ngoại khoa như chị. Bên cạnh chị, luôn có những đồng đội chiến đấu bền bỉ làm cho những khó khăn của một bác sĩ ngoại khoa dần được vơi đi.

“Trong đại dịch, bất kể ai cũng là người mới vì virus biến đổi khôn lường, không ai có thể ngay lập tức thành chuyên gia được. Ai cũng phải liên tục học. Tôi cũng vậy, học gấp đôi người khác, nghiêm túc với bản thân hơn hết để triển khai kỹ thuật tốt nhất. 4 tháng trước, tôi không bao giờ nghĩ mình có thể tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng khi dịch bùng phát, chúng tôi phải biết dùng máy thở, biết điều trị bệnh nhân. Giờ điều ấy không còn ngạc nhiên nữa”, bác sĩ Nguyệt Anh tâm sự.

Bác sĩ Nguyệt Anh bước vào cuộc chiến đấu với biến chủng Delta tại trung tâm hồi sức.

Bác sĩ Nguyệt Anh bước vào cuộc chiến đấu với biến chủng Delta tại trung tâm hồi sức.

Ban đầu can thiệp nội khí quản cũng run tay vì đây là kỹ thuật dễ bị lây nhiễm nhất, chỉ một thao tác sai, hoặc chậm trễ, người bệnh đều có thể gặp nguy hiểm. “Ca hồi sức nào cũng hồi hộp cho tới vài ngày sau vì đã có nhiều nhân viên y tế bị phơi nhiễm khi thực hiện kỹ thuật này”.

Ngoài mỗi ngày làm việc 10 tiếng trong khu điều trị F0, bác sĩ Nguyệt Anh còn đảm nhiệm thêm việc quản lý bệnh nhân nhập và xuất viện khỏi trung tâm hồi sức. Công việc không vất vả, nhưng đòi hỏi phải có sự làm việc liên tục, kết nối nhiều bác sĩ chuyên khoa điều trị toàn diện cho người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh để trở về nhà.

Những quyết định cuối cùng mang lại cơ hội sống kỳ diệu cho người bệnh

Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 Đại học Y Dược TP.HCM, sau 2 tháng hoạt động, đạt được kết quả khá khả quan với tỷ lệ bệnh nhân xuất viện và bệnh nhân được rút ống nội khí quản thành công cao. Có rất nhiều trường hợp được đưa ra quyết định điều trị tới cùng trong tình thế vô vàn khó khăn.

Ngày 15/8, 2 vợ chồng bệnh nhân ông Lê Thanh Bình được chuyển đến từ một bệnh viện tư nhân trong tình trạng nhiễm Covid-19 nguy kịch mà không có người thân bên cạnh. 2 ông bà có nhiều bệnh lý nền, trong đó cụ ông có tiền căn xơ vữa động mạch. Khi đến, chân phải của ông đã tắc mạch và buộc phải can thiệp ngoại khoa khẩn cấp. Cùng với tình trạng suy hô hấp nặng nề, người bệnh nhanh chóng rơi vào sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan.

Trong khi còn rất nhiều bệnh nhân khác tiên lượng tốt hơn cũng cần được cứu chữa, các bác sĩ đứng trước quyết định liệu có nên dồn nhân lực và thời gian điều trị trường hợp này. Các bác sĩ ngay lập tức xin ý kiến lãnh đạo Trung tâm hồi sức - PGS, TS Lê Minh Khôi để liên lạc về Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhằm chuẩn bị phòng mổ riêng với việc hồi sức tốt nhất cho bệnh nhân. “Chúng tôi quyết định chơi ván bài thua nhiều hơn thắng”, bác sĩ Anh nói.

Cuộc mổ đầu tiên để can thiệp mạch máu lấy bỏ huyết khối nhưng quá trễ, một bên chân bắt đầu hoại tử, tình trạng nguy kịch tăng dần, cả ê-kíp đã tuyệt vọng. Sau nhiều cuộc hội chẩn của gần như tất cả các chuyên khoa, chị tiếp tục đưa bệnh nhân trở lại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh phẫu thuật với sự thuyết phục người nhà đang ở bên nước ngoài đồng ý “thà bỏ một chân mà cứu được tính mạng”.

Nhiều ca bệnh nguy kịch được hội chẩn liên tục.

Nhiều ca bệnh nguy kịch được hội chẩn liên tục.

Ngày tỉnh dậy, bệnh nhân rơi vào tình trạng viêm phổi nhiễm trùng, tinh thần sang chấn vì biết không giữ được chân. “Chúng tôi phải làm các liệu pháp can thiệp tâm lý, động viên bác có thể làm chân giả đi lại, bác mới phấn chấn tinh thần, hợp tác điều trị”.

Hiện tại, cụ ông đã được ra viện trở về nhà. Nhưng tình trạng của cụ bà vẫn còn nguy kịch vì nhiễm trùng sau thở máy và phải dùng kháng sinh rất dai dẳng. Sau đó, các bác sĩ phải giữ bà ở lại điều trị vì tổn thương tổn hậu Covid-19, phải phụ thuộc ô-xy.

“Chúng tôi đã từng cân nhắc cứu hay không cứu 2 trường hợp này vì lúc đó bệnh nhân nguy kịch rất đông và có nhiều trường hợp có tiên lượng tốt hơn cần phải ưu tiên chữa trị. Nhưng rồi bằng mọi sự quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ với những loại thuốc và phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất, sự phối hợp kịp thời của nhiều chuyên khoa, cả hai vợ chồng đã chiến thắng tử thần một cách ngoạn mục”, bác sĩ Nguyệt Anh tâm sự.

Những cảm xúc tại đây trồi sụt theo số lượng bệnh nhân đến và cách mà họ rời đi. Mỗi lần phải gói ghém di vật của người bệnh là một lần tinh thần xuống dốc. Vào một buổi chiều mưa, và cả ê-kíp đã xác định tinh thần để đưa cụ ông Hoàng Văn Phú sang phòng vĩnh hằng. Nhưng phép màu đã đến vào một lúc gần như ai cũng hết hy vọng.

Cụ ông mới 60 tuổi, nhưng thân hình còm cõi, sức khỏe yếu vì mắc nhiều bệnh nền tiểu đường, suy tim. Ngày vào viện, 2 phổi của ông trắng xóa, cơ thể chỉ còn thoi thóp. Bệnh nhân còn bị nhiễm trùng đa kháng với 3-4 loại vi trùng, trong đó có một loại vi khuẩn rất đặc biệt - Elizabethkingia sở hữu bộ gene có khả năng kháng kháng sinh và có độc lực mà các bác sĩ hồi sức nghe tên chỉ biết lắc đầu “nhiễm con này là nắm một tay với thần chết”.

Gần một tháng rưỡi luẩn quẩn, bệnh nhân cứ dai dẳng không có tín hiệu tích cực. Bệnh nhân không còn cơ để thở, dinh dưỡng kém, nhiễm trùng, nhiễm nấm do hệ miễn dịch yếu, gây ra sốt miên man.

Khó khăn chồng chất khi trong buồng tim bệnh nhân còn có cục máu đông rất to. Các bác sĩ phải dùng thuốc kháng đông để cục máu tan ra, nhưng nếu không xử trí kịp thời tiếp sau thì máu tan sẽ lấp mạch não. Không một ai nghĩ, cụ ông sẽ qua khỏi. “Nhìn cụ ông thoi thóp như một đứa bé, ai cũng thương. Bệnh viện cố gắng gọi người nhà động viên cụ, chỉ cần nhìn và nói vài câu để cụ có thêm động lực, niềm tin và vào khao khát sống giúp cụ vượt qua giai đoạn cuối cùng”, bác sĩ Nguyệt Anh nói.

Mỗi bệnh nhân được theo dõi sát sao để cố gắng giành giật sự sống cho người bệnh.

Mỗi bệnh nhân được theo dõi sát sao để cố gắng giành giật sự sống cho người bệnh.

Các bác sĩ đứng trước một quyết định khó khăn nữa là phải dùng đến một kháng sinh khá hiếm “chưa từng sử dụng lần nào trước đó tại đây”. Trong lúc loay hoay, tính mạng được tính bằng giờ, may mắn đã có mạnh thường quân chi viện. Bác sĩ Nguyệt Anh gấp rút bàn với lãnh đạo Trung tâm và nhanh chóng mua thuốc. Và sự sống đã không khép lại với người bệnh này trong cảm xúc hạnh phúc đến bất ngờ. Những quyết định vào phút chót đã mang lại cơ hội tuyệt vời cho một sinh mạng, thêm một gia đình được đoàn tụ.

“Trong 5 tháng chiến đấu, dù ở bất cứ đâu, điều tôi làm được nhất là gắn kết mọi người lại với nhau thành một team ăn ý, biết tận dụng thế mạnh của đồng đội, biết an ủi đồng đội, biết động viên đồng đội. Tôi đã học được sự kiên nhẫn với người khác, sự bình tĩnh dù đứng trước nguy hiểm đến tính mạng, và kỹ năng giải quyết vấn đề. Có nhiều người thừa nhận, tôi có sức lan tỏa năng lượng tích cực đến người khác. Tập thể chúng tôi đã có sự gắn kết, hài hòa, chia sẻ cùng nhau những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, với mục tiêu cuối cùng là cứu sống được nhiều người bệnh hơn”.

Người truyền cảm hứng ở mặt trận phía tây thành phố

Hơn 2 tháng hoạt động, Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 do Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh phụ trách đã điều trị cho hơn 680 lượt bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch. Đã có hơn 300 ca được xuất viện, trong đó có khoảng 55 ca từng thở máy. Đây là một tỷ lệ khá cao các bệnh nhân nặng được điều trị thành công tại các Trung tâm hồi sức Covid -19 ở TP Hồ Chí Minh.

Với bác sĩ Nguyệt Anh, đây là thành quả xứng đáng của một Trung tâm hồi sức được trang bị đầy đủ, tốt nhất từ đội ngũ tới tổ chức, phương tiện, thiết bị, thậm chí có lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc những nhu cầu cơ bản của bệnh nhân ngay cả khi không có người nhà bên cạnh.

Hơn 5 tháng qua, bác sĩ Nguyệt Anh đã đi qua các mặt trận điều trị nóng bỏng và chưa một ngày được về nhà. Mỗi ngày, chị và đồng đội đều phải đối diện với rất nhiều thách thức để cứu sống bệnh nhân và phải bảo đảm an toàn cho mình. Mỗi ngày vào ca trực, tất cả đều cố gắng kể về những chuyện lạc quan, vui vẻ. Hào hứng nhất là khi kể bệnh nhân này, người bệnh kia đã có tiến triển bất ngờ. Đó là động lực để khi vào khu điều trị, ai cũng phấn chấn hơn khi đứng trước các ca bệnh.

Đảm nhiệm vai trò tuyến đầu, ai cũng trải qua những áp lực mỗi ngày mà bài toán phải giải quyết là bệnh nhân có tín hiệu tích cực từng ngày và kết quả là bệnh nhân được xuất viện khỏe mạnh. Người bản lĩnh nhất cũng phải học cho mình cách vượt qua áp lực: “Chúng tôi không phải là cỗ máy bền bỉ. Nếu để mất bệnh nhân thì hôm sau tinh thần sẽ lao dốc. Mỗi ngày mình đều phải cố gắng vượt qua được mệt nhọc, những chán chường sinh ra trong lúc làm việc. Phải xác định tinh thần “fighting” mỗi khi mặc đồ bảo hộ, vượt qua cánh cửa vào khu điều trị”, bác sĩ Anh luôn truyền cảm hứng trong team của mình.

Vì thế, niềm vui đến luôn vỡ òa dù bệnh nhân chỉ có tín hiệu tích cực rất nhỏ. Có khi hạnh phúc đến trào nước mắt vì bệnh nhân nói được lời cảm ơn sau khi vượt qua cửa tử, là khi nhận những bức thư tay viết vội lời tự sự không nghĩ mình còn cơ hội tỉnh lại.

Bác sĩ Nguyệt Anh tâm sự, may mắn gia đình không phải là nỗi lo lớn nhất lúc này nên chị yên tâm điều trị cho bệnh nhân. "Bên cạnh niềm vui cứu sống nhiều người bệnh, tôi cũng không nghĩ mình có thể cùng thầy cô, đồng đội vượt qua được 2 tháng chưa hy sinh người nào, chưa một ai bị lây nhiễm trong khu điều trị”.

Không chỉ tham gia điều trị cho người bệnh, bác sĩ Nguyệt Anh cũng tham gia ở vị trí rất quan trọng là sắp xếp kế hoạch đón tiếp và đưa bệnh nhân xuất viện, được đồng nghiệp đánh giá rất cao về cách làm việc khoa học. (Ảnh minh họa)

Không chỉ tham gia điều trị cho người bệnh, bác sĩ Nguyệt Anh cũng tham gia ở vị trí rất quan trọng là sắp xếp kế hoạch đón tiếp và đưa bệnh nhân xuất viện, được đồng nghiệp đánh giá rất cao về cách làm việc khoa học. (Ảnh minh họa)

Thách thức lớn nhất mà hơn 5 tháng qua, chị đã vượt qua bản thân chính là vượt qua được những lo lắng trong chuyên môn điều trị, vượt qua nỗi sợ nhiễm bệnh, nỗi sợ đối diện với bệnh nhân tử vong mỗi ngày. Trong quá trình làm việc theo nhóm, có những điều không hiểu nhau, có lúc xích mích nhưng chị cũng vượt qua được, bình tĩnh phối hợp giải quyết công việc để thuận lợi nhất cho từng trường hợp ca bệnh.

Những ngày này, chị và đồng đội vừa tiếp nhận mặt trận phía đông thành phố khi lực lượng chi viện của Bệnh viện Việt Đức rút quân. Bệnh nhân đông hơn, cuộc chiến vẫn còn dài hơi và bệnh nhân nặng, nguy kịch vẫn còn cần mình, chị thấy những hy sinh của mình có ý nghĩa.Với chị: "Được trân trọng, được đánh giá là người có đóng góp cho trung tâm chứ không phải xung phong lên tuyến đầu để hô hào, đánh bóng tên tuổi là điều rất hạnh phúc. Đó là điều để tôi có thể nhẫn nhịn, kiên nhẫn, tập trung vào chuyên môn để vượt qua mọi định kiến”, bác sĩ Nguyệt Anh nói.

Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Nội dung: THẢO LÊ, THIÊN LAM, PHAN ANH
Trình bày: ĐỨC DUY
Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP, BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HỒ CHÍ MINH