NSND Lê Khanh:

Điện ảnh Việt Nam đã bắt đầu thực sự chạm đến cuộc sống

Thuộc thế hệ diễn viên trưởng thành trước khi đất nước giành độc lập, NSND Lê Khanh đã song hành, chứng kiến nhiều thăng trầm của điện ảnh Việt Nam. Có thể coi thế hệ của cô chính những bằng chứng sống.

Mới đây, Báo Nhân Dân đã có buổi phỏng vấn với NSND Lê Khanh nhân dịp dự án điện ảnh Fanti ra mắt công chúng. Với quá trình hoạt động sôi nổi suốt 52 năm, NSND Lê Khanh nhận định, điện ảnh Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn. Trong đó không có ít lần những người làm phim rơi vào lúng túng trước những thay đổi của lịch sử.

"Nhưng đến ngày hôm nay, khi công nghệ phát triển, điện ảnh lại một lần nữa lúng túng. Sự lúng túng đúng nghĩa. Đối diện với cạnh tranh, tiện lợi ích của mạng xã hội và video có sẵn phim trong nước vấp phải sự cạnh tranh rất lớn.

Thật là kỳ diệu, điện ảnh Việt bắt đầu xuất hiện một thế hệ đạo diễn trẻ trở về. Họ đã hồi sinh phim Việt với những đề tài đã bắt đầu thực sự chạm đến cuộc sống."

Trong dự án điện ảnh Fanti, NSND Lê Khanh vào vai bà Hạnh – mẹ của nhân vật Ánh Dương. Đây là câu chuyện của một cô gái xinh đẹp đang tìm kiếm con đường dấn thân vào showbiz với nhiều kịch tích. Tên phim được ghép từ "fan" và "anti" - từ lóng chỉ những người hâm mộ nghệ sĩ đến mức cực đoan. Bộ phim là dự án đầu tay của đạo diễn Andy Nguyễn.

Phải làm kỹ “lý lịch” cho nhân vật

PV: Fanti là một bộ phim rất khác so với “Người Hà Nội”, “Vũ Như Tô” hay “Hai bà mẹ”. Vậy làm thế nào để một cô Lê Khanh lại vừa có thể hóa thân thành nàng Đan Thiềm, lại vừa hóa thân thành bà Hạnh?

NSND Lê Khanh: Trong diễn xuất, có một khâu rất quan trọng: Làm lý lịch cho nhân vật.

Trong đời sống mình, ai cũng phải có một cái lý lịch. Mình thế nào thì nhân vật thế ấy, họ đều có một lý lịch xuất thân. Cái lý lịch ấy quyết định tính cách, hành vi, cử chỉ, lối sống quan điểm, ứng xử và hành động, ...

Họ sống trong môi trường nào? Họ được nuôi dưỡng ra sao? Thuận lợi hay khó khăn? Họ được ủng hộ hay bị phản đối?

Khi mà diễn viên trả lời được càng nhiều câu hỏi thì hình tượng nhân vật được càng khắc họa rõ nét, đảm bảo là không thể nào giống ai. Đó là sự khác biệt.

Có một vai diễn tôi từng gặp khó khăn, bế tắc và không biết diễn gì. Đó là chính là nàng Đan Thiềm trong Vũ Như Tô. Nếu đo tỷ lệ vai bằng lời thoại thì sự xuất hiện của Đan Thiềm có tí tẹo. Thoại cũng chẳng có kịch tính gì, rất khó diễn.

Bình thường, một người cung nữ già mà cứ nói những lời cao đạo, triết lý, mang tầm tư tưởng thì rất buồn cười, sáo rỗng. Trong khi, Vũ Như Tô là một kiến trúc sư lỗi lạc của thành Thăng Long. Làm sao ông có thể nghe một bà cung nữ già bị bỏ quên, sầu đau, thất bại?

Phải suy, phải luận, phải lý giải: Tại sao bà vào cung rồi mà còn bị bỏ rơi? Tại sao bà lại đưa ra được những lời khuyên thay đổi cả một triết lý? Nếu không phải một trí thức lớn thì bà phải đau khổ, phải thấm thía thế nào?

Vậy những điều đó ở đâu ra? Mình phải lộn ngược dòng đi tìm lịch sử, phải tạo dựng bằng xương, bằng thịt.

Khi đã tạo dựng xong, mình sẽ lý giải được, sẽ ra ăn nói, cung cách, hành vi, cử chỉ, … tương xứng với ngôn từ trong lời thoại.

Tạo hình cũng là là thứ giúp cho diễn viên thay đổi được mình trước mắt khán giả nhanh nhất. Ví dụ: Tóc này! Trong bộ phim Gái lắm chiêu, tạo hình của tóc được đầu tư rất nhiều và tốn kém. Chỉ cần mái tóc, nó ngắn, nó cao, nó “hơi men” một tí là ra ngay một người có quyền lực, độc lập. Cái tóc nó quan trọng lắm. Sau đó đến trang phục, phụ kiện, …

Trong đời sống, đôi khi tính cách, môi trường làm việc, ngành nghề của một không liên quan đến cách ăn mặc của họ. Nhưng với diễn viên thì ngược lại, phải tìm ra đồ thích hợp cho nhân vật.

Bởi ngoài diễn xuất thì tạo hình góp phần phần rất lớn cho sự thành công trong quá trình hóa thân của diễn viên.

Diễn viên phải có quan điểm công dân

PV: Đó là cách để một cô Lê Khanh hóa thân thành nhiều nhân vật. Vậy ngược lại, làm thế nào để một cô Lê Khanh giữ được chất của mình xuyên suốt qua nhiều nhân vật?

NSND Lê Khanh: Giữ chất à? Đầu tiên là thanh sắc đấy. Với người nông dân, cái xẻng, cái cuốc là công cụ lao động. Cái xẻng, cái cuốc của người diễn viên chính là thanh sắc, thân thể.

Người diễn viên sáng tạo một nhân vật mới nhưng dựa trên trái tim, khối óc, cảm xúc và da thịt của mình. Ta cứ gọi là hóa thân nhưng thật ra là nhập thân, chứ không có cái gì hóa đi hoàn toàn được cả. Mình diễn cái vai đó dựa trên quan điểm, tâm hồn của mình.

Khi được giao đóng vai Lý Chiêu Hoàng, tôi sang Đền Đô để tìm ban thờ của bà, làm “lý lịch” cho nhân vật. Tôi cứ nhớ mãi cái ngày đó, trời ơi! Đời bà bất hạnh hơn mình nhiều quá!

Bà chứng kiến vua cha bị bức chết rồi lên ngôi năm 7 tuổi. Do sự sắp đặt lịch sử bà lấy và truyền ngôi cho Trần Cảnh. Trở thành hoàng hậu, bà sinh con nhưng con lại chết yểu. Để hợp lý hóa cái thai trong bụng chị ruột, bà lại nhường chồng. Ngổn ngang, tơi bời!

Một cuộc đời quá đau khổ rồi mình nhắc lại làm gì?  Mình muốn gửi gắm gì cho thời hiện đại trước bài học của quá khứ? Mình phải diễn Lý Chiêu Hoàng bằng nhận thức của mình. Để cuối cùng mình tìm ra một thông điệp mà gửi đi.

Lý Chiêu Hoàng là một nhân vật có nhiều đất diễn. Đất diễn ở đây chính là những đau khổ, bi kịch. Nếu diễn thẳng với cái bà mất, với bề nổi của bi kịch thì vai diễn thường rất khốc liệt.

Nhưng trong quá trình làm “lý lịch” cho nhân vật, tôi nhận thức rằng: Đây là một nhân vật đau khổ đến tận cùng. Bà mất nhiều hơn tất cả những gì một con người có thể mất trên đời này nhưng bà đã buông bỏ được. Đây là giá trị thức tỉnh cho người đời sau.

Và chỉ khi diễn bi kịch ấy ở tầm trải nghiệm thì mình mới bình tĩnh chắt lọc ra những gì quý giá nhất, tinh chất nhất mà cuộc đời Lý Chiêu Hoàng có thể răn dạy cho con dân.

Do thông điệp sẽ quyết định đến cách diễn nên những lời trách cứ của Lý Chiêu Hoàng mà Lê Khanh đóng sẽ không nghiệt ngã, không chua chát, không gào thét mà lặn, chìm và thấm.

PV: Khi diễn trên sân khấu thực sự, bao nhiêu phần cô Lê Khanh còn là mình, bao nhiêu phần cô nghĩ mình là Lý Chiêu Hoàng?

NSND Lê Khanh: Một khi mình đã quyết định diễn Lý Chiêu Hoàng theo quan điểm của mình, tức đã là mình rồi đấy.

Mình đã mượn nhân vật Lý Chiêu Hoàng để nói những vấn đề bi kịch của con người, của thời đại. Bao giờ diễn viên cũng phải tìm ra một quan điểm công dân của mình.

Tức là, qua vai diễn này, mình muốn nói điều gì? Mà điều này mình không chỉ nói với một người mà nói với rất nhiều người. Trong ngành nghệ thuật, người ta nói là mỗi một tác phẩm, mỗi một nhân vật đều mang lại giá trị chân thiện mỹ.

Diễn viên phải làm thế nào để giá trị ấy phải hiện hữu trong cảm nhận của khán giả để họ muốn sống chân thật hơn, thiện hơn, đẹp hơn.

Chu kỳ 10 năm

PV: Bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật từ những năm 1970, đến nay cô Lê Khanh đã liên tục hoạt động suốt 52 năm. Vậy qua góc nhìn của một diễn viên, cô đánh giá điện ảnh Việt Nam đã phát triển và thay đổi như thế nào?

 NSND Lê Khanh: Cũng giống như đời ấy, nó cũng có những chu kỳ, cứ 10 năm một. Cuộc đời có lúc ta khỏe, cũng có lúc yếu ta yếu, có lúc ta dừng lại. Điện ảnh cũng thế.

Có một thời điểm rất đặc biệt mà điện ảnh Việt Nam bắt đầu được ngó nghiêng ra thế giới - thời kỳ mở cửa.

Đây là lúc mình lúng túng. Lúng túng vì mình phải so sánh tác phẩm trong nước với tác phẩm nước ngoài. Các giá trị nghệ thuật của phim Việt phải tương xứng, phải bình đẳng với các nước trên thế giới chứ! Không ai không châm chước cho mình là mới bước ra khỏi chiến tranh hoặc đang khó khăn đâu.

Vào những năm 1990, điện ảnh Việt Nam bắt đầu xuất hiện một giai đoạn bắt đầu “ăn xổi”, “điện ảnh mỳ ăn liền” .

Làm nhanh, làm ngay và sản xuất rất nhiều. Nhà nhà làm phim. Hồi đó tôi từng định cư ở Sài Gòn những 5 năm liền, hết phim này tới phim kia. Tôi ở lâu tới nỗi mua luôn cái nhà.

Nhưng rồi mình vẫn phải đối diện với chất lượng trong khi thực lực và kỹ thuật vẫn còn hạn chế.

Hệ quả là chỉ trong vòng 5 - 6 năm giai đoạn “mỳ ăn liền” xuống rất nhanh và biến mất cũng rất nhanh.

Sau đó, chúng ta tiếp tục rơi vào lúng túng. “Giờ làm gì, chẳng lẽ cứ chiến tranh mãi?”.

Và rồi điện ảnh bắt đầu đề cập tới những vấn đề của đời sống. Trong đó, hiện tượng nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã dung hòa được rất nhiều yêu cầu và thể loại. Anh viết những vấn đề của xã hội bằng nhiều thể loại như trào phúng, tâm lý, bi kịch,… Tất cả cứ hòa quện vào trong một tác phẩm mang các giá trị xã hội học.

Nhưng đến ngày hôm nay, khi công nghệ phát triển, điện ảnh lại một lần nữa lúng túng. Sự lúng túng đúng nghĩa. Đối diện với cạnh tranh, tiện lợi ích của mạng xã hội và video có sẵn phim trong nước vấp phải sự cạnh tranh rất lớn.

Vậy thì làm chủ đề gì? Phim gì? Làm phim như thế nào nào? Cách kể chuyện ra làm sao? Có hấp dẫn được khán giả không? Nếu không thì ta phải chấp nhận việc khán giả sẽ rời xa phim Việt để đến với phim nước ngoài.

Thật là kỳ diệu, điện ảnh Việt bắt đầu xuất hiện một thế hệ đạo diễn trẻ trở về. Victor Vũ, Andy Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh,… đã tạo nên làn sóng mới với quan điểm rất khác.

Họ có định hướng cụ thể về khán giả: Phim này làm cho thanh niên, phim này làm cho người lớn. Họ có mục đích rất rõ ràng: Tôi làm phim cho ai? Ai xem? Người xem đó thích nghệ sĩ nào? Thích câu chuyện gì, đề tài gì và cách kể chuyện ra làm sao?

Các bạn ấy đã hồi sinh phim Việt. Fanti cũng là một phim tôi phải trả lời rất nhiều, bởi những đề tài của điện ảnh đã bắt đầu thực sự chạm đến cuộc sống.

Thế mạnh của diễn viên trẻ

PV: Từ góc nhìn của một người đi trước, của một cô giáo, cô đánh giá thế nào về thế hệ diễn viên ngày nay?

NSND Lê Khanh: Cái mạnh thì họ nhiều đấy. Họ nổi trổi hơn hẳn thế hệ của Lê Khanh ngày xưa.

Trước hết là sức khỏe.

Với thế hệ trẻ bây giờ thì đó chỉ là câu chuyện cổ tích nhưng có những giai đoạn, cả 5 người trong nhà tôi suy nhược thân thể. Chúng tôi cống hiến thì nhiều nhưng lương bồi dưỡng thì ít quá. Cả nhà gần như lao lực.

Chị Lê Vân diễn ba lê - môn nghệ thuật cần phải có sức khỏe nhưng cứ yếu với chóng mặt suốt.

Lê Khanh đóng Juliet vào năm 1982. Càng đông người xem thì lại càng...lao lực! Vì diễn nhiều. Lúc đó, tôi còn có 39 kg.

Em Lê Vi cũng thế.

Khi có khách đến nhà thăm mà hỏi có nguyện vọng mua gì không? Cả nhà chỉ trả lời “Mua thuốc béo”. Chỉ cần béo để lên hình cho đẹp.

Mà nhà Lê Khanh từng có một loại thuốc uống vào là đẹp thật. Uống ngày nào, đẹp ngày ấy. Da dẻ bóng, mịn, ăn uống ngon miệng. Mãi về sau mới phát hiện ra đó là viên thuốc tăng trọng lợn!

Đây chính là điều khác nhau trong hai thế hệ diễn viên hôm qua và hôm nay.

Sức khỏe, các bạn diễn viên ngày nay có khỏe không? Rất khỏe. Họ biết đi tập gym đều đặn, biết ăn uống đủ dinh dưỡng.

Sau là học thức. Thế hệ trẻ nói chung được sinh ra trong thời đại ta đã được nhìn thấy thế giới. Các bạn có thể học trong nước, học ở nước ngoài, học bằng Internet. Chỉ cần các bạn muốn học. Điều này đã hơn thế hệ cũ rất nhiều.

Ngày xưa, cơ hội ít lắm. Có diễn viên cả đời chỉ mơ đóng một vai chính thôi, mà xếp hàng thì còn lâu! Bây giờ thì trời ơi, cơ hội liên tục. Các dự án phim ảnh được sản xuất rất nhiều. Do vậy mà cơ hội của diễn viên cũng lớn hơn. Chưa kể, nhờ có mạng xã hội, nếu mọi người không biết mình là ai thì mình cho họ biết mình là ai. Nếu mọi người không tìm đến mình thì mình tự tìm đến họ.

Nhưng điều kiện tốt quá lại dễ sinh ra không bằng lòng, tính kiên nhẫn cũng sẽ khác. Dễ dàng cũng có thể dẫn tới dễ dãi. Nhanh quá thì lại không kỹ càng.

Tôi tin là ít diễn viên làm “lý lịch” một cách kỹ lưỡng, nên cách diễn cũng giống nhau. Đôi khi chỉ thay tên, đổi họ.

Có những giai đoạn trong diễn xuất không thể nào mà đốt cháy được. Nếu không kiên nhẫn để đi tìm hiểu, tạo dựng đời sống của nhân vật diễn viên sẽ khó biết mình phải diễn thứ gì.

PV: Xin cảm ơn NSND Lê Khanh vì buổi trò chuyện thú vị này.

  • Tổ chức sản xuất: Việt Anh
  • Thực hiện: Thi Uyên
  • Hình ảnh: Thành Đạt