Chiều muộn… Mặt trời đỏ lựng dần chìm sau rặng núi xa xa, hắt những bóng nắng cuối cùng trên sông Cổng. Thạch, học sinh lớp 2 người Dao, mặc chiếc áo bóng đá cũ chạy dọc theo cây cầu mới được bắc qua sông. Phía xa xa, Bàn A Ba, người trước đây từng nhận nhiệm vụ “chốt” ngầm tràn mùa lũ khẽ mỉm cười.
Cả Thạch, A Ba và hàng trăm hộ dân người Dao tại thôn Lang Cang, xã Đồn Đạc (Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) sau cùng cũng có được cây cầu nối đôi bờ hạnh phúc. Họ gọi Lang Cang là nhịp bắc của những hy vọng sáng tươi vào tương lai phía trước.

Khắc khoải chờ một nhịp cầu

Cầu Lang Cang là một hợp phần của công trình nâng cấp chống ngập lụt tuyến đường từ đường tỉnh 330 đến đường tỉnh 342 qua các thôn Đồng Dằm (xã Đạp Thanh), Khe Nà (xã Thanh Sơn) và Lang Cang (xã Đồn Đạc).

Được khởi công từ tháng 6/2022 và hoàn thành vào ngày 27/6/2023, với tổng kinh phí 131,5 tỷ đồng, công trình nâng cấp chống ngập lụt (gồm 10 điểm ngập) là 1 trong 4 công trình, dự án gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023) trên địa bàn huyện Ba Chẽ.

Dẫn chúng tôi ra đầu điểm cầu, Bàn A Ba không giấu nổi niềm vui đang ngời lên trong ánh mắt. Anh bảo, cách đây chỉ vài năm thôi, không ai ở Đồn Đạc dám mơ tới một nhịp cầu bê-tông bề thế. Sông Cổng khi ấy trở thành một nỗi ám ảnh đầy khắc khoải của người dân đôi bờ.

Mỗi mùa lũ, sông Cổng lại như một con ngựa bất kham, chỉ chực chồm lên chia cắt đôi bên. (Ảnh: baoxaydung.com.vn)

Mỗi mùa lũ, sông Cổng lại như một con ngựa bất kham, chỉ chực chồm lên chia cắt đôi bên. (Ảnh: baoxaydung.com.vn)

Nhìn từ trên cao, sau khi tách dòng khỏi Ba Chẽ, sông Cổng tới đoạn này bắt đầu uốn khúc quanh co, mang nước tưới cho bản làng. Nhưng, cũng chính dòng sông ấy mỗi mùa lũ lại như một con ngựa bất kham, chỉ chực chồm lên chia cắt đôi bên.

Bàn A Ba vẫn chưa thể quên những ngày nước lớn. Lũ ầm ập dâng, khiến toàn bộ hệ thống ngầm tràn đều chìm nghỉm.
“Không ai sang được bờ vì lũ. Các bản xa thậm chí bị cô lập nhiều ngày”, A Ba nhớ lại.

Người lớn bỏ việc. Trẻ con chẳng thể đến trường. Suối Cổng khi ấy trở thành một lằn ranh tự nhiên khó xóa nhòa, gây ám ảnh cho người Đồn Đạc. Họ khắc khoải mong chờ một cây cầu mới để thuận tiện hơn cho cuộc sống hằng ngày.

Những ngày mưa lớn, việc đi lại của người dân rất khó khăn, nguy hiểm. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Những ngày mưa lớn, việc đi lại của người dân rất khó khăn, nguy hiểm. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Chẳng thế mà, tới năm 2005, khi cây cầu treo vắt ngang con suối lớn ở thượng nguồn sông Ba Chẽ được dựng lên trong niềm hân hoan, vui sướng của người dân xã Đồn Đạc nói chung và thôn Lang Cang nói riêng.

Không chỉ giúp giao thông thuận tiện, cây cầu còn như một công trình văn hóa ở địa phương, là nơi hò hẹn của trai làng gái bản, nhiều đôi nam nữ nên vợ nên chồng nhờ cây cầu này.

Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, đến năm 2008, cây cầu hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng rồi bị để đấy. Một lần nữa, ngầm tràn bên dưới trở thành sự lựa chọn “bất đắc dĩ” của người dân khi muốn di chuyển qua lại giữa hai bên bờ sông, bất chấp rủi ro đã được dự báo trước trong mùa mưa lũ.

Đến năm 2008, cây cầu hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng rồi bị để đấy.

Đến năm 2008, cây cầu hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng rồi bị để đấy.

Với một huyện miền núi thuộc diện nghèo nhất tỉnh như Ba Chẽ khi đó, việc tìm kiếm nguồn lực để sửa chữa, khôi phục cây cầu là vô cùng khó khăn và gần như không thể thực hiện được.

Cứ thế, cây cầu treo mất công năng sử dụng và nằm nghiêng xiêu trong giá lạnh nơi vùng cao hẻo lánh. Cầu hỏng, trời đổ mưa là lũ rừng kéo về, ngầm tràn ngập nước xiết không đi được, người lớn thì bỏ nương rẫy, trẻ em thì phải nghỉ học.

Anh Bàn A Ba và người dân địa phương luôn mong chờ một cây cầu kết nối hai bờ sông Cổng, để thuận tiện hơn cho cuộc sống hằng ngày.

Anh Bàn A Ba và người dân địa phương luôn mong chờ một cây cầu kết nối hai bờ sông Cổng, để thuận tiện hơn cho cuộc sống hằng ngày.

“Trước đây, ngầm tràn là tuyến di chuyển chính, nhưng cứ mưa là ngập mất mấy ngày không thể qua lại. Sau đó, huyện có làm một cây cầu treo, nhưng đã chỉ đạo phá đi tầm 5-6 năm nay do xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn”, anh Bàn A Ba, người dân địa phương sống gần khu vực cầu cho biết.

Anh kể, có lần trời mưa ngập đường, một số bà con “đánh liều” đi qua cây cầu treo cũ kỹ và bị rơi xuống suối, may là không có thiệt hại đáng kể về người.

Trước đó, năm 2020, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai huyện Ba Chẽ chỉ đạo dựng 2 trạm gác ở 2 đầu ngầm tràn mỗi dịp mưa lũ tràn về để bảo đảm an toàn cho người dân khi nước ngập đường, chảy xiết.

Cầu Lang Cang chính thức được gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023).

Cầu Lang Cang chính thức được gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023).

Bàn A Ba được huy động làm người phụ trách trạm gác ở bên này suối. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2023, anh chính thức thôi làm công việc bảo an vì tuyến đường mới và cầu đã làm xong, đồng nghĩa với việc những rủi ro về mất an toàn di chuyển trong mùa mưa giờ gần như đã được khắc phục triệt để.

… đến “cây cầu hạnh phúc”

Ngày 4/10 vừa qua, huyện Ba Chẽ chính thức khánh thành 4 công trình xây dựng có giá trị kinh tế-xã hội lớn được vinh dự gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh, trong đó có công trình nâng cấp chống ngập lụt tuyến đường từ đường tỉnh 330 - đường tỉnh 342 - Đồng Dằm (Đạp Thanh) - Khe Nà (Thanh Sơn) - Lang Cang (Đồn Đạc).

Nhìn về phía cây cầu Lang Cang mới tinh, kiên cố vừa được khai trương, Bàn A Ba không giấu được sự vui mừng, phấn khởi bởi từ nay, tuyến đường liên xã nơi đây sẽ không còn xảy ra tình trạng chia cắt giao thông trong mùa mưa lũ nữa.

Anh cho biết, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng cây cầu này không phải chỉ phục vụ riêng cho bà con thôn Lang Cang mà đây còn là tuyến đường liên xã kết nối, giảm thời gian di chuyển giữa Đồn Đạc và các xã vùng cao khác như Thanh Sơn, Đạp Thanh và Lương Mông.

“Từ đây lên trên Đạp Thanh, những đoạn đường qua sông, suối đều đã được xây mới lại hết. Bà con giờ đi lại rất thuận tiện”, Bàn A Ba nói.

Theo ông Triệu A Lộc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồn Đạc, cây cầu mới không chỉ giúp bảo đảm an toàn cho người dân trong quá trình di chuyển qua lại giữa hai bên bờ sông, mà còn tạo thuận lợi rất nhiều trong việc vận chuyển các loại hàng hóa, cây nguyên liệu như keo, sa mộc, lim, giổi…, bà còn không phải chạy xe đường vòng như trước nữa.

Ngoài ra, việc học hành của con em các hộ dân trong thôn bản cũng không còn bị gián đoạn. “Trước đây mùa khô, các cháu đi học qua ngầm tràn. Nhưng vào mùa mưa, có những ngày nước ngập chia cắt, các cháu phải nghỉ học, sau khi nước rút mới qua được”, ông Lộc nói.

Thạch là học sinh lớp 2 của Trường Tiểu học Đồn Đạc, điểm trường Lang Cang. Nhà em ở bên kia cầu, trước kia vào những ngày mưa lớn, ngầm tràn bên dưới bị ngập khiến em không thể sang bên này cầu để đi học, cũng như chơi với các bạn.

Từ khi có cây cầu mới, ngay cả trước thời điểm khánh thành, gần như ngày nào em và các bạn cùng trang lứa cũng đạp xe qua cầu, cùng nô đùa, chạy nhảy.

Qua tiếng cười vui đùa giòn tan của các em học sinh vang vọng trên cây cầu mới, cùng với nét mặt vui mừng, phấn khởi của Bàn A Ba và ông Triệu A Lộc khi nói về công trình này, có thể cảm nhận được rằng, cây cầu bê-tông Lang Cang kiên cố, bề thế đi vào sử dụng đã thực sự mang lại niềm hạnh phúc cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, và đã thực sự trở thành “cây cầu hạnh phúc”.

Những cây cầu qua suối xây dựng vững chắc như Lang Cang giúp người dân vượt qua nỗi lo mất an toàn và chia cắt giao thông mỗi mùa mưa lũ đến như minh chứng cho quyết tâm của toàn hệ thống chính trị huyện Ba Chẽ trong việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo động lực để huyện vùng cao này ngày càng phát triển.

Chú trọng phát triển hạ tầng để phục vụ người dân

Năm 2010, huyện Ba Chẽ bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong bộn bề khó khăn, thách thức.

Với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, toàn huyện có 7/7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân chỉ đạt 4,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 48%, trong đó có những xã, thôn, số hộ nghèo chiếm tới 70-80%.

Năm 2010, huyện Ba Chẽ bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong bộn bề khó khăn, thách thức. (Ảnh minh họa, nguồn: Truyền hình Ba Chẽ)

Năm 2010, huyện Ba Chẽ bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong bộn bề khó khăn, thách thức. (Ảnh minh họa, nguồn: Truyền hình Ba Chẽ)

Tại thời điểm triển khai chương trình, cấp xã chỉ đạt trung bình 2,2/19 tiêu chí, cấp huyện chưa đạt tiêu chí nào trong bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về chương trình nông thôn mới còn nhiều hạn chế…

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện về mọi mặt của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành cùng sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã hoàn thành. Diện mạo của huyện miền núi nhiều khó khăn ngày nào nay đã đổi thay mạnh mẽ, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt về cả tinh thần và vật chất.

Tính đến ngày 31/12/2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện đến đạt 66 triệu đồng/người/năm, tăng 61,3 triệu so với năm 2010 (thu nhập bình quân năm 2010 là 4,7 triệu đồng/người/năm).

Diện mạo của huyện miền núi nhiều khó khăn ngày nào nay đã đổi thay mạnh mẽ, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt về cả tinh thần và vật chất. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Diện mạo của huyện miền núi nhiều khó khăn ngày nào nay đã đổi thay mạnh mẽ, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt về cả tinh thần và vật chất. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Chẽ Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh, một nhiệm vụ được Ba Chẽ đặc biệt chú trọng chính là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, để phục vụ người dân. Huyện đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa với tổng vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2022 là 1.957 tỷ đồng, trung bình mỗi năm đạt 163 tỷ đồng.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Chẽ Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh, một nhiệm vụ được Ba Chẽ đặc biệt chú trọng chính là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, để phục vụ người dân.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Chẽ Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh, một nhiệm vụ được Ba Chẽ đặc biệt chú trọng chính là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, để phục vụ người dân.

Từ đó, đã đầu tư bê-tông hóa gần 107km đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến huyện, đạt tỷ lệ 100%; hơn 59km đường trục thôn, đạt 100%; gần 36km đường ngõ xóm, đạt 98%; gần 18km đường giao thông nội đồng, đường phục vụ sản xuất, đạt 74%. Hệ thống cầu, cống được xây dựng, nâng cấp. Nhiều công trình thủy lợi, công trình nước sinh hoạt được đưa vào khai thác, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt gần 67%.

Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn huyện có 53 công trình cấp nước tập trung cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, trong đó, 50 công trình do các xã quản lý đều được đánh giá là nước sạch theo quy chuẩn, một số công trình có quy mô phục vụ lớn như: công trình nâng cấp nước sinh hoạt Khe Lầm phục vụ các thôn Khe Mằn, Làng Cổng, Nà Bắp và Lang Cang, xã Đồn Đạc; Hệ thống trạm xử lý nước sạch hồ chứa nước Khe Mười vụ nước sinh hoạt các xã Đồn Đạc, Nam Sơn và cụm công nghiệp Nam Sơn…

Dự án Hệ thống trạm xử lý nước sạch Hồ chứa nước Khe Mười tại thôn Khe Sâu, xã Nam Sơn. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Dự án Hệ thống trạm xử lý nước sạch Hồ chứa nước Khe Mười tại thôn Khe Sâu, xã Nam Sơn. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

“Tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch hiện đạt 68%, dự kiến cuối năm nay tăng lên khoảng 72-78%. Mấy năm qua, công trình xóa tất cả các điểm ngập lụt trên địa bàn huyện được tỉnh quan tâm đầu tư, đến nay cơ bản không còn điểm ngập lụt, mưa lũ đường lưu thông hết”, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết.

Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện để nhân dân Ba Chẽ tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền huyện đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu và định hướng cho nhân dân chuyển đổi một phần diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang sản xuất tập trung các nông sản là thế mạnh của địa phương.

Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ba Chẽ Vi Thanh Vinh cho biết, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây rừng sản xuất, từ cây có giá trị kinh tế thấp sang cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ba Chẽ Vi Thanh Vinh cho biết, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây rừng sản xuất, từ cây có giá trị kinh tế thấp sang cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ba Chẽ Vi Thanh Vinh, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây rừng sản xuất, từ cây có giá trị kinh tế thấp như cây keo chuyển dần sang quế. “Cây keo 1ha trong vòng 5 năm cho thu nhập cao nhất khoảng hơn 100 triệu, tương đương 1 năm 20 triệu/ha, nhưng quế gấp 4 lần, khoảng 450-500 triệu/ha”, ông Vinh nói.

Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ nhân dân phát triển vùng dược liệu, đến nay tổng diện tích trồng đạt trên 300ha, chủ yếu là 3 loại cây: trà hoa vàng, ba kích, cát sâm, và một số loại khác như sâm cau. Người dân được hỗ trợ tiền mua giống với mức 70% chi phí một cây giống, được cầm tay chỉ việc, hướng dẫn về quy trình trồng, chăm sóc, bảo quản, chế biến…

Các hộ dân được liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên thu mua, chế biến phát triển thành sản phẩm OCOP bán ra thị trường.

Các hộ dân được liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên thu mua, chế biến phát triển thành sản phẩm OCOP bán ra thị trường.

Về đầu ra, các hộ dân được liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên thu mua, chế biến phát triển thành sản phẩm OCOP bán ra thị trường.

Cùng với phát triển sản xuất, công tác giảm nghèo luôn được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau 12 năm, nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay, các chính sách ưu đãi hỗ trợ thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội, vận động hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, khuyến khích người lao động làm việc tại các cụm công nghiệp trong và ngoài huyện.

Kết quả, đến hết năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều trên toàn huyện chỉ còn 0,79%. Như vậy, từ năm 2010 đến năm 2022, mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của Ba Chẽ giảm bình quân 3,94%.

Chị Triệu Thị Nga, thôn Làng Han, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ cho biết: “Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đời sống của nhân dân chúng tôi. Chúng tôi được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ, như hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ vay vốn để sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn và đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân chúng tôi đã được nâng lên rất nhiều so với trước đây”.

Có thể nói, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã, cùng sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, huyện miền núi khó khăn ngày nào đang dần “thay da đổi thịt”, khoác lên mình diện mạo mới. Các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội như Cầu Lang Cang, hệ thống đường trục bê tông, công trình cung cấp nước sinh hoạt chắc chắn sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống và phúc lợi cho nhân dân nơi vùng cao Ba Chẽ theo tiêu chí hạnh phúc trong thời gian tới.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông chiến lược

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả quan điểm “lấy phát triển hạ tầng làm nền tảng”, kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “1 tâm, 2 tuyến đa chiều, 2 mũi đột phá, 3 vùng động lực” kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị.

Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Ưu tiên của Quảng Ninh là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Ưu tiên của Quảng Ninh là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Tỉnh tập trung huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm “nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng”, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và xã hội hóa; ngân sách tập trung cho an sinh xã hội và các công trình động lực lan tỏa, tạo đột phá phát triển mới phù hợp với bối cảnh mới.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2023 ước đạt 294.259 tỷ đồng, tăng bình quân 10,2%/năm. Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có Chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam.

Với quan điểm “3 không” (không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm), Quảng Ninh đã sớm nhận định được những mâu thuẫn, thách thức, “nút thắt” do hạ tầng giao thông… để tìm cách tháo gỡ.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên có 3 đường cao tốc, đồng thời có số km cao tốc lớn nhất cả nước (176/1.046km).

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên có 3 đường cao tốc, đồng thời có số km cao tốc lớn nhất cả nước (176/1.046km).

Tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả (dài 18,7km, rộng 6 làn xe, kết nối 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long và giảm tải cho quốc lộ 18), cầu Cửa Lục I, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái dài 80,6km. Tuyến cao tốc này hoàn thành đã cùng cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, Hạ Long-Vân Đồn đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước (176/1.046km), góp phần giảm cự ly và rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương.

Không chỉ riêng khu vực trung tâm, thành thị, ở các địa bàn vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, tỉnh cũng tập trung nguồn lực để cải thiện hạ tầng giao thông. Theo tính toán, trong 10 năm qua, từ các nguồn vốn của Chương trình 135, Đề án 196 và Chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã đầu tư, nâng cấp hàng nghìn công trình giao thông nông thôn.

Trong đó, có nhiều công trình đường sá, cầu cống được đầu tư xây mới, với hệ thống đèn chiếu sáng, biển báo, đèn tín hiệu nhằm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông. Đến nay, 100% xã thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đều đã có đường bê tông khang trang, sạch đẹp, thuận lợi cho đi lại, giao thương, phát triển sản xuất.

Việc đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, Quảng Ninh đang từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, tăng cường khả năng kết nối liên vùng và nội vùng giữa vùng thấp, vùng động lực, vùng phát triển với vùng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền…

Ngày xuất bản: 17/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND