Những tín hiệu vui

của du lịch Điện Biên

Thực tế, đẩy mạnh du lịch cộng đồng với sự chung tay của chính quyền, người dân là hướng đi đã được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên xác định như một mũi nhọn trong phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Lợi thế lớn của ngành du lịch Điện Biên

Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên và Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Lấy du lịch là kinh tế mũi nhọn để phát triển; trong đó, xác định “Phát triển du lịch là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch…”. Với tầm nhìn chiến lược này, tỉnh Điện Biên xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và dựa trên ba trụ cột chính: Du lịch lịch sử - tâm linh văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cho biết: Điện Biên có vinh dự lưu giữ Di tích quốc gia đặc biệt: Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, với 45 điểm di tích văn hóa-lịch sử đặc biệt quan trọng, gồm các khu đề kháng của địch, nơi ta tấn công để đánh giặc, và các di tích liên quan đến quá trình hành quân đưa vũ khí, pháo, đạn dược vào chiến trường. Đây cũng là sản phẩm du lịch riêng có, độc đáo nhất của Điện Biên, thu hút hàng chục nghìn lượt khách tới thăm quan hằng năm.

Di tích lịch sử là một thế mạnh lớn của tỉnh Điện Biên trong phát triển du lịch.

Di tích lịch sử là một thế mạnh lớn của tỉnh Điện Biên trong phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, về tiềm năng du lịch văn hóa-sinh thái, tính đến tháng 4/2024, Điện Biên đã có 33 di tích văn hóa phi vật thể được xếp hạng, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh. Vừa qua, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng thị xã Mường Lay cũng chính thức được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đưa Điện Biên chạm mốc 20 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận. Trong số này, hai di sản được UNESCO ghi danh là Nghệ thuật xòe Thái và Di sản thực hành Then.

Về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp văn hóa, ẩm thực, khám phá, nghỉ dưỡng, Điện Biên là mảnh đất đa sắc màu văn hóa với 19 dân tộc anh em, trầm tích trong mình nhiều vỉa, tầng văn hóa độc đáo. Điện Biên cũng được tự nhiên ban tặng nhiều danh thắng đẹp như hồ Pá Khoang, Huổi Phạ, động Pa Thơ, Khó Chua Là, các điểm khoáng nóng, cao nguyên đá Tủa Chùa, Vườn cây di sản…

Thành phố Điện Biên Phủ đẹp huyền ảo khi chiều về.

Thành phố Điện Biên Phủ đẹp huyền ảo khi chiều về.

Cùng với tiềm năng du lịch nội tỉnh, Điên Biên có thế mạnh mở rộng liên kết với các tỉnh khác trong vùng và trong cả nước, đặc biệt là tuyến du lịch quốc tế. Hiện nay, một số công ty lữ hành đã khảo sát các tuyến quốc tế như: Vân Nam - Điện Biên - Luông Pha Bang - Phong Sa Lỳ; U Đôm Say - Điện Biên - Hạ Long - Hà Tĩnh; Vân Nam - Sa Pa - Điện Biên - Hạ Long…

Với những lợi thế ấy, cùng với quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, thời gian qua, lĩnh vực du lịch của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Năm 2023, tỉnh lần đầu tiên cán mốc 1 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 23% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 1.750 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với năm trước đó.

Đặc biệt, cuối năm 2023, Dự án đầu tư, xây dựng và mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên đã hoàn thành, đi vào hoạt động, trực tiếp kết nối Điện Biên với hai trung tâm chính trị, kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo cho tỉnh một lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh Tây Bắc.

Sân bay Điện Biên được kỳ vọng sẽ là cú hích tích cực cho du lịch tỉnh Điện Biên.

Sân bay Điện Biên được kỳ vọng sẽ là cú hích tích cực cho du lịch tỉnh Điện Biên.

Bảo tàng Điện Biên, điểm nhấn về kiến trúc ngay trên chiến trường xưa...

Bảo tàng Điện Biên, điểm nhấn về kiến trúc ngay trên chiến trường xưa...

Quyết tâm lớn đưa du lịch Điện Biên “cất cánh”

Nhìn dài hơn, sau 6 năm triển khai Nghị quyết số 31/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Điện Biên đã đón gần ba triệu lượt khách du lịch (tăng 52% so với giai đoạn 2011-2015), trong đó có 437.800 lượt khách du lịch quốc tế (tăng 28% so với giai đoạn 2011-2015); tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 4.768 tỷ đồng (tăng 133% so với giai đoạn 2011-2015); giải quyết việc làm cho gần 14.000 lao động, trong đó có khoảng 6.000 lao động trực tiếp; số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 2,5 ngày.

Toàn tỉnh có 210 cơ sở lưu trú du lịch với 2.846 buồng/5.190 giường; có 11 bản văn hóa du lịch có khả năng đón tiếp và phục vụ khách, 6 homestay, 14 điểm vui chơi, dã ngoại có khả năng đáp ứng cho 83.000 lượt khách du lịch cùng một thời điểm.

Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; không gian phát triển du lịch được quan tâm; một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai khác thu hút khách tham quan tìm hiểu và trải nghiệm; công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được chú trọng, bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin; tăng số lượng khách du lịch được tiếp cận thông tin, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch theo chiều sâu, qua đó góp phần quan trọng thu hút du khách đến với Điện Biên.

Show diễn thực cảnh Huyền thoại U Va tại Điện Biên

Show diễn thực cảnh Huyền thoại U Va tại Điện Biên

Trong năm 2024, Điện Biên vinh dự được chọn đăng cai Năm Du lịch Quốc gia; đồng thời tiếp tục tổ chức nhiều lễ hội như lễ hội hoa ban, lễ hội hoa anh đào, các giải marathon, đua xe đạp… Tỉnh đặt mục tiêu đạt mốc 1,45 triệu lượt khách du lịch với tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 2.380 tỷ đồng vào năm 2025, tăng bình quân 15%/năm, đóng góp khoảng 10% GRDP bình quân của tỉnh. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3 ngày.

Tới 2030, tỉnh phấn đấu “chạm mốc” trên 2,65 triệu lượt khách, trong đó 600.000 lượt khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân đạt 15%/năm. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2030 đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng bình quân trên 14%/năm. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3,5 ngày, tăng 0,5 ngày so với giai đoạn 2021-2025.

Đến năm 2050, Điện Biên sẽ đón trên 7 triệu lượt khách, trong đó trên 1,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 50.000 tỷ đồng, đóng góp trên 15% GRDP bình quân của tỉnh; tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho trên 155.000 lao động…

Những người làm du lịch tại các thôn bản như Lò Văn Đức, Cầm Văn Trường… tất nhiên không quá để tâm đến những mục tiêu dài hạn như trên. Nhưng, trong những ngày tháng 4 lịch sử này, họ vẫn tất bật đón từng đoàn khách đến trong niềm khấp khởi vào một tương lai rộng mở phía trước. Được đào tạo, định hướng phát triển theo hệ thống với sự chung tay của chính quyền, họ đang có cơ hội lớn để đổi đời ngay trên chiến trường xưa.

Du khách ghi lại hình ảnh bức tranh paronoma tại Bảo tàng Điện Biên.

Du khách ghi lại hình ảnh bức tranh paronoma tại Bảo tàng Điện Biên.

Ở góc độ vĩ mô, những tín hiệu tích cực cũng như quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên sẽ là tiền đề để ngành du lịch Điện Biên tiếp tục bứt phá tạo động lực cho tỉnh phát triển toàn diện, trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng trung du và miền núi phía bắc trong tương lai gần.

Ngày xuất bản: 20/4/2024
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH
Nội dung: HỒNG MINH-LÊ LAN-SƠN BÁCH
Trình bày: BÌNH NAM
Ảnh: THÀNH ĐẠT, NGUYỄN HOÀI NAM