Là mảnh đất lịch sử ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đến nay tỉnh Điện Biên đã có nhiều đổi thay về mọi mặt. Với riêng lĩnh vực y tế, đã làm chủ được một số kỹ thuật cao do các bệnh viện tuyến Trung ương chuyển giao đã giúp cho người dân yên tâm khám, chữa bệnh tại địa phương. Nhưng dù vậy, vẫn còn những khó khăn, thách thức khi năng lực trình độ chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế, thiếu trang thiết bị,… khiến đội ngũ y tế Điện Biên phải cần nhiều nỗ lực để vượt qua.

Thiếu nhân lực y tế
chất lượng cao

Phòng khám Đa khoa khu vực Xá Nhè, trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa có nhiệm vụ khám và điều trị cho nhân dân 4 xã phía nam của huyện và nhân dân các xã giáp ranh khác của huyện Tuần Giáo và xã Nặm Hăn (huyện Sìn Hồ, Lai Châu), xã Cò Nàng (Quỳnh Nhai, Sơn La); kiêm nhiệm công tác của Cơ sở cấp phát thuốc methadone. Tuy nhiên viên chức của đơn vị hiện chỉ có 7 người, trong đó có 2 bác sĩ.

Theo bác sĩ Vàng A Lử, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Xá Nhè cho biết, hiện có 2 bác sĩ thực hiện chuyên môn tại phòng khám, nhưng gần như ít có thời gian nghỉ ngơi, nghỉ bù trực như quy định. Phòng khám rất mong được bổ sung biên chế, nhất là người có trình độ bác sĩ.

Bác sĩ Điêu Chính Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa cho biết, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 17 viên chức tuyển dụng mới, trong đó chỉ có 4 bác sĩ đa khoa. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cán bộ y tế chuyên khoa sâu, nhất là bác sĩ cho các tuyến dưới là tình trạng chung của nhiều cơ sở y tế tại tỉnh Điện Biên.

Bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa phải kiêm nhiệm nhiều việc chuyên môn.

Bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa phải kiêm nhiệm nhiều việc chuyên môn.

Tại Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng, Tổng số viên chức được giao năm 2024 là 227 viên chức và hợp đồng Nghị định 111/2022/NĐ-CP (NĐ 68/2000 cũ), biên chế hiện có đến thời điểm 31/03/2024 là 206 viên chức và hợp đồng Nghị định 111/2022/NĐ-CP (NĐ 68/2000 cũ).

Hiện tại đơn vị đang thiếu biên chế do chưa được tuyển dụng đủ so với chỉ tiêu biên chế được giao. Thiếu bác sĩ dinh dưỡng để khám, tư vấn và điều trị các bệnh liên quan đến dinh dưỡng bằng chế độ ăn phù hợp với tình trạng người bệnh nội và ngoại trú.    

Theo bác sĩ Bùi Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng, nhiều năm qua, để giải bài toán nguồn nhân lực, Trung tâm Y tế Mường Ảng tăng cường công tác đào tạo thông qua nhiều hình thức như đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đưa y sĩ đi học liên thông trở thành bác sĩ. Ngoài chế độ đãi ngộ, tiền lương, môi trường làm việc tốt; hỗ trợ đào tạo, thực hiện luân phiên bác sĩ từ tuyến trên xuống tuyến dưới làm việc.

Song, số lượng bác sĩ mới chỉ đáp ứng cơ bản được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Hiện vẫn thiếu cán bộ chuyên môn theo các chuyên khoa sâu, nhất là bác sĩ có tay nghề cao trong lĩnh vực điều trị.

Huyện Mường Ảng cũng cần bổ sung nhân lực y tế.

Huyện Mường Ảng cũng cần bổ sung nhân lực y tế.

Ngành y tế Điện Biên phải đối mặt với thực tế, giường bệnh tăng, nhiều dịch bệnh mới nổi, tái nổi diễn biến phức tạp, nhưng trong khi đó, ngành Y tế vẫn phải phải cắt giảm biên chế theo quy định chung, nên dẫn tới thiếu nguồn nhân lực y tế.

Các chính sách, chế độ thu hút đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa phù hợp, nhất là cán bộ y tế công tác tại khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Thiếu ngân sách đầu tư cho y tế cơ sở

Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết, tỷ lệ ngân sách chi cho y tế dự phòng cơ bản đạt mục tiêu của Nghị Quyết 18 của Quốc hội là "Dành ít nhất 30% ngân sách cho y tế dự phòng", song các khoản ngân sách cho y tế dự phòng cơ bản chỉ đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên và các chế độ, chính sách cho con người, chưa đáp ứng các nhu cầu chuyên mônđđể thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

“Hiện nay chúng tôi chưa có ngân sách cho các nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe; tần suất kiểm tra, giám sát hỗ trợ đối với tuyến y tế, nhất là tuyến xã và thôn, bản. Chúng tôi đang thiếu kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở; thiếu duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm, bổ sung trang thiết bị y tế các tuyến; thiếu kinh phí thực hiện các điều tra, đánh giá tình hình bệnh tật, nhất là các bệnh không lây nhiễm”, ông Nam nói.

Hiện tại, tuyến tỉnh còn 2 đơn vị chưa được đầu tư cơ sở vật chất, hiện đang mượn cơ sở làm việc của các đơn vị khác, gồm: Bệnh viện Tâm thần; Trung tâm Giám định Y khoa. Một trụ sở Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hiện đã xuống cấp và hết niên hạn sử dụng không bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng.

Tình hình tự chủ tài chính của hầu hết các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gặp rất nhiều khó khăn.

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa được tính đủ các yếu tố cấu thành, làm mất cân đối chênh lệch thu-chi của các bệnh viện, nhất là các bệnh viện đa khoa. Đó là 1 trong những nguyên nhân khiến nhân viên y tế không nhận được thu nhập tăng thêm hoặc rất ít ỏi. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám chữa bệnh cũng như phòng bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu, đỏi hỏi kinh phí lớn.

Bác sĩ Nhi chăm sóc cho em bé sinh non phải nuôi trong lồng ấp.

Bác sĩ Nhi chăm sóc cho em bé sinh non phải nuôi trong lồng ấp.

Khám, tư vấn sức khoẻ cho người dân tại Trạm Y tế xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.

Khám, tư vấn sức khoẻ cho người dân tại Trạm Y tế xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.

Lấy mẫu xét nghiệm Bạch hầu cho người dân tại Bản Huổi Ít, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà.

Lấy mẫu xét nghiệm Bạch hầu cho người dân tại Bản Huổi Ít, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà.

- Tuyến tỉnh có 12 đơn vị, trong đó có: 3 đơn vị quản lý nhà nước (Sở Y tế, 2 Chi cục (Dân số - KHHGĐ, ATVSTP)); có 4 bệnh viện tuyến tỉnh với 840 giường bệnh, 4 Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh (1 khu điều trị Phong 20 giường bệnh thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) và 01 Trường Cao đẳng Y tế.

- Tuyến huyện có 10 Phòng Y tế thực hiện chức năng quản lý Nhà nước (do UBND cấp huyện quản lý); có 10 trung tâm y tế (quản lý các phòng/khoa chuyên môn, 7 Phòng khám đa khoa khu vực, 129 trạm y tế) với 1.220 giường bệnh.

Nhiều lĩnh vực y tế CHƯA được đầu tư tương xứng nhiệm vụ

Tại mảnh đất vùng biên này, năng lực hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng chưa được đầu tư phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số địa phương, một số khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn còn thấp, do thời gian vừa qua Bộ Y tế chưa cung ứng đủ vaccine cho hoạt động tiêm chủng mở rộng. Do vậy có nguy cơ bùng phát 1 số bệnh dịch có vắc xin bảo vệ như: thương hàn, bạch hầu, sởi… và các bệnh dịch mới nổi xâm nhập.

Là tỉnh miền núi với 19 dân tộc anh em, trong đó chiếm đa số là dân tộc Mông và Thái, tập quán của một số đồng bào vùng cao vẫn còn tồn tại hủ tục lạc hậu, không tiếp cận dịch vụ y tế khi có bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, nhận thức còn hạn chế, chưa tích cực tham gia các chương trình y tế để nâng cao sức khỏe khiến cho việc truyền thông và điều trị bệnh cho người dân nơi đây gặp nhiều thách thức.

Chăm sóc cho đồng bào dân tộc vùng cao còn nhiều thách thức.

Chăm sóc cho đồng bào dân tộc vùng cao còn nhiều thách thức.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, nơi tuyến đầu điều trị của tỉnh nhiều khi “dở khóc, dở cười” khi chữa trị cho đồng bào dân tộc. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên kể cho chúng tôi nghe về những nỗ lực cứu chữa một trường hợp bệnh nhân nguy kịch tính mạng, cả tháng nằm hồi sức tích cực nhưng công sức không được người dân tin tưởng.

Trong một tháng trời điều trị, bác sĩ nỗ lực thuyết phục giữ bệnh nhân điều trị, nhưng gia đình kiên quyết đưa bệnh nhân về nhà cúng ma. Không thể làm gì hơn, bệnh viện buộc phải cho người bệnh xuất viện. Vài ngày sau khi được cúng ma, bệnh nhân khỏi dần và hồi tỉnh. “Bấy giờ, người dân càng tin là do cúng ma khỏi bệnh, chứ không ai hiểu, để bệnh nhân có biến chuyển như vậy là nỗ lực cả tập thể y, bác sĩ hành trình dài cả tháng trời cứu chữa cho họ”, bác sĩ Nghĩa kể.

Là vùng địa bàn rộng lớn, nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, xa… khó khăn tiếp cận y tế, nên nhiệm vụ của các thầy thuốc tỉnh Điện Biên thêm muôn phần thách thức, từ việc gần dân, bám bản để làm công tác y tế cơ sở, gác cửa sức khỏe cho người dân, vừa phải nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp cận những kỹ thuật y tế tuyến trên để giữ chân người bệnh. Bởi vậy, mỗi thành tựu y tế được ghi nhận tại đây đều làm những người thầy thuốc có thêm niềm tin bám trụ cơ sở.

Nỗ lực nâng cao chuyên môn

Sau 30 ngày hồi sức tích cực vì căn bệnh viêm cơ tim cấp, suy thận mạn, Vàng A Vu (17 tuổi) may mắn được hồi sinh kỳ tích ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Những kỹ thuật mới nhất can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã giúp người bệnh dân tộc Mông được tái sinh khi cơ hội sống như ngàn cân treo sợi tóc dù gia đình nhiều lần xin về chờ chết.

Tiến sĩ bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên kể lại, bệnh nhân vào viện nguy kịch vì viêm cơ tim cấp đã biến chứng gây suy tim, rối loạn nhịp, nguy cơ tử vong cao vì diễn bất rất nhanh.

“Chỉ có biện pháp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) mới có nhiều hy vọng, nhưng chúng tôi chưa triển khai được phương pháp này. Chỉ có nỗ lực cứu chữa bằng nhân lực và kỹ thuật mình đang có”, bác sĩ Nghĩa nói.

Vàng A Vu đã vượt qua cơn nguy kịch, khỏe mạnh xuất viện về nhà.

Vàng A Vu đã vượt qua cơn nguy kịch, khỏe mạnh xuất viện về nhà.

Ngoài vận động tiền hỗ trợ, các bác sĩ bước vào cuộc chiến giành giật sự sống cho người bệnh bằng việc sử dụng sử dụng thuốc trợ tim, kháng sinh, đặt ống nội khí quản, thở máy, an thần, lọc máu liên tục… Gần 1 tháng, bệnh nhân hồi sinh, gia đình Vàng A Vu mừng rỡ nói: “Giờ thì chúng tôi tin các bác sĩ rồi”. Nếu như bệnh viện tỉnh không quyết tâm cứu chữa bằng năng lực hiện có, thì với quãng đường dài 500 km vận chuyện xuống Hà Nội sẽ cướp đi thời gian vàng cứu sống Vàng A Vu.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên, ông Phạm Giang Nam, trong những năm gần đây, ngành y tế Điện Biên đã có những bước tiến với nhiều thành tích nổi bật. Đặc biệt, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã làm chủ và triển khai hiệu quả nhiều dịch vụ kỹ thuật mới theo Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế.  

Khám, tư vấn sức khoẻ cho người dân tại Trạm Y tế xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.

Khám, tư vấn sức khoẻ cho người dân tại Trạm Y tế xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.

Đến nay rất nhiều bệnh lý khó đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện như: Tán sỏi thận qua da, tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng; phẫu thuật chấn thương sọ não;...

Vào dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2023), Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã tổ chức tri ân, khám bệnh và tặng quà tại Bệnh viện đa khoa tỉnh cho 103 bác cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong. Trong đó, 77 bác làm xét nghiệm, siêu âm, X-quang; 15 bác làm siêu âm, X-quang; 11 bác khám lâm sàng.

Đến nay rất nhiều bệnh lý khó đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện như: Tán sỏi thận qua da, tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng; phẫu thuật chấn thương sọ não; phẫu thuật gãy vùng mấu chuyển lớn xương đùi; phẫu thuật một số bệnh lý ung thư (ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư dạ dày); hóa trị trong điều trị bệnh nhân ung thư; đặt máy tạo nhịp tim tạm thời; lọc máu bằng kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp từ dịch lọc; bơm Ethanol trực tiếp dưới hướng dẫn siêu âm; tiêm xơ khối u dưới hướng dẫn của siêu âm; bơm xi măng thân đốt sống đoạn bản lề thắt lưng-thắt lưng cùng... Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, Đề án Bệnh viện vệ tinh đã kết thúc, dẫn đến thiếu sự đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo Đề án Bệnh viện vệ tinh, do đó Bệnh viện viện đa khoa tỉnh tiếp tục cần sự hỗ trợ, đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật mới trọng giai đoạn tiếp theo.

Việc tăng cường ứng dụng kỹ thuật cao trong chuẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân theo Đề án 1816, Đề án khám chữa bệnh từ xa, cũng như đẩy mạnh chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở đã cơ bản giải quyết được tình trạng quá tải trong toàn tỉnh, giảm bệnh nhân phải chuyển tuyến trung ương.
Ông Phạm Giang Nam

Là mảnh đất chứng kiến cuộc chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”, việc quan tâm, chăm sóc các cựu chiến binh, thương bệnh binh, cựu thanh niên xung phong trên địa bàn tỉnh được ngành y tế tỉnh nhà đặt lên hàng đầu.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho hay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên là một trong các cơ cơ sở chăm sóc, theo dõi sức khỏe các cựu chiến binh, thương bệnh binh, các bác đều có thẻ bảo vệ sức khỏe riêng. Các trường hợp này đều được quản lý, thăm khám định kỳ.

Đồng chí Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác khám, chữa bệnh cho Cựu chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Đồng chí Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác khám, chữa bệnh cho Cựu chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Hàng năm, ngành y tế phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ, tặng quà tri ân; tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe tổng quát cho các cựu chiến binh, thương bệnh binh, cựu thanh niên xung phong với đầy đủ các chuyên khoa như siêu âm, điện tim, mắt, khám nội khoa….

Ngoài việc khám, phát hiện bệnh, cấp thuốc thông thường như: thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, thuốc nhỏ mắt, vitamin, … và một số thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị, các y/bác sĩ luôn hướng dẫn giải thích tận tình cách phòng và điều trị các bệnh cho các cựu chiến binh, thương bệnh binh, cựu thanh niên xung phong.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Nhiều năm qua, ngành y tế tỉnh Điện Biên đã luôn cố gắng, nỗ lực để xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành y tế, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế cơ bản, một số dịch vụ chất lượng cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, toàn diện, suốt đời.

100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của ngành y tế đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện (HIS); các hệ thống phần mềm chuyên ngành như: Phần mềm chẩn đoán hình ảnh (PACS/RIS), phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS); hệ thống khám bệnh, chữa bệnh từ xa... đã được triển khai, một cách hiệu quả phục vụ công tác quản lý bệnh viện được minh bạch, giảm thời gian chờ khám và thời gian làm thủ tục xuất, nhập viện…

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên tâm tư, mặc dù đã có nhiều đổi thay tích cực trong ngành y tế, nhưng để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, ngành y tế rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa về trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng công nghệ thông itn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.

Chăm sóc sức khỏe toàn dân, hướng tới sự hài lòng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Chăm sóc sức khỏe toàn dân, hướng tới sự hài lòng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên rất muốn đấu thầu, mua sắm trang thiết bị chuyên khoa sâu như can thiệp tim mạch, cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính và CT để dựng hình tổn thương. Tuy nhiên, việc này còn rất nhiều vướng mắc. 

“Chúng tôi cần có cơ chế hỗ trợ để đầu tư, mua sắm các trang thiết bị y tế hiện đại, đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ cho các bệnh viện của tỉnh Điện Biên để bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, hạn chế tình trạng bệnh nhân phải chuyển tuyến gây quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Tỉnh cần quan tâm, bố trí ngân sách cho ngành y tế đầu tư mua mới các trang thiết bị y tế cơ bản và hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh”, ông Nam nói.

Chúng tôi cần có cơ chế để đầu tư, mua sắm các trang thiết bị y tế hiện đại, đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ cho các bệnh viện của tỉnh Điện Biên để bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, hạn chế tình trạng bệnh nhân phải chuyển tuyến gây quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Tỉnh cần quan tâm, bố trí ngân sách cho ngành y tế đầu tư mua mới các trang thiết bị y tế cơ bản và hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Giang Nam
Giám đốc Sở Y tế

Tỉnh Điện Biên vẫn cần thêm nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất một số cơ sở y tế như Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên, Bệnh viện Tâm thần và trụ sở của Chi cục An toàn thực phẩm…; đề nghị Bộ Y tế bố trí, cấp mới xe cứu thương cho tỉnh Điện Biên.

Cũng theo ông Nam, hiện các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống các bệnh không lây nhiễm chưa được bố trí ngân sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả triển khai các hoạt động.

Bởi vậy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên đề xuất Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí địa phương để thực hiện các mục tiêu Y tế-Dân số theo Kế hoạch số 1077/KH-UBND ngày 15/4/2021 của UBND tỉnh; bố trí kinh phí để thực hiện quản lý người dân bằng Hồ sơ sức khoẻ điện tử.

Tỉnh Điện Biên cần đầu tư hơn nữa trong mua sắm các trang thiết bị mới phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Tỉnh Điện Biên cần đầu tư hơn nữa trong mua sắm các trang thiết bị mới phục vụ công tác khám chữa bệnh.

“Tôi rất mong Bộ Y tế sớm đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành chính sách cụ thể về nhà ở công vụ, nhà ở xã hội cho nhân viên y tế, tạo điều kiện cho những nhân viên y tế hiện còn đang khó khăn về kinh tế yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với hệ thống y tế công; nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa”, ông Nam bày tỏ.

Ngày xuất bản: 8/4/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Thực hiện: LÊ LAN - THIÊN LAM
Trình bày: MINH THU - TRẦN LAM
Ảnh: NHẬT QUANG, SỞ Y TẾ TỈNH ĐIỆN BIÊN