NHỮNG QUAN ĐIỂM CƠ BẢN CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỀ XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: phải đặt công tác xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị lên hàng đầu làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp. Xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng thực chất là xây dựng và phát huy bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc diễn ra quyết liệt.

Là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy Quân đội, Đại tướng luôn chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng nhất trong hoạt động lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Nội dung, nhiệm vụ công tác chính trị, tư tưởng rất rộng lớn, trong đó phải quán triệt cho cán bộ, đảng viên nắm vững và chấp hành nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện đối với Quân đội. Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất nắm quyền lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam. Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo cho bất cứ một đảng phái nào hoặc tổ chức chính trị nào khác; Đảng không thông qua một hình thức tổ chức trung gian nào khác để thực hành việc lãnh đạo quân đội. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là tuyết đối, trực tiếp, bao quát mọi công tác, mọi mặt hoạt động, cả trong xây dựng và chiến đấu,... không để cho bất cứ một khâu nào trong quân đội thiếu sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng đối với quân đội là một thể thống nhất, hoàn chỉnh và là một nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng Quân đội nhân dân. Ở đâu có tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng[1]. Quân đội phải tự giác phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, nguyên tắc, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chung vui cùng các chiến sĩ trong lễ mừng chiến thắng Điện Biên năm 1954 tổ chức tại chỉ huy sở Mường Phăng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chung vui cùng các chiến sĩ trong lễ mừng chiến thắng Điện Biên năm 1954 tổ chức tại chỉ huy sở Mường Phăng.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt ra yêu cầu phải lấy việc giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng làm trọng tâm. Đề cao trình độ giác ngộ, rèn luyện tinh thần chiến đấu, củng cố sự đoàn kết trong và ngoài quân đội, rèn luyện cho mỗi người chiến sĩ đều có quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng sâu sắc và vững chắc. Trong xây dựng quân đội, việc xây dựng Đảng phải đặt lên hàng đầu; cần thiết lập chế độ đảng ủy thay vào chế độ chính ủy tối hậu quyết định. Không ngừng củng cố hệ thống tổ chức đảng và hệ thống công tác chính trị. Tăng cường sự giáo dục, huấn luyện cán bộ, mạnh dạn cất nhắc những cán bộ, chiến sĩ có thành tích chiến đấu, có khả năng đảm đương những công việc ngày càng quan trọng.

Công tác chính trị, tư tưởng phải tập trung giáo dục đường lối, nhiệm vụ cách mạng, chủ trương, chính sách của Đảng; nâng cao giác ngộ chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân đội; quán triệt đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng, khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân; “củng cố quyết tâm, nâng cao tinh thần anh dũng chiến đấu, tích cực khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, làm cho tất cả mọi người thấm nhuần phương châm tác chiến, đề phòng những tư tưởng chủ quan, khinh địch” ; vững tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp kháng chiến, có tinh thần tự lực, cánh sinh, gặp khó khăn lớn không nản, gặp thắng lợi lớn không kiêu.

Cùng với đó, phải đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng trong mỗi chiến dịch. Tập trung vào giáo dục ý nghĩa chiến dịch, quyết tâm chiến đấu, tình hình nhiệm vụ chiến đấu, chỗ mạnh, chỗ yếu của địch, phương châm tác chiến, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau... Căn cứ vào nhiệm vụ của chiến dịch mà xây dựng cho bộ đội tinh thần anh dũng, quả cảm, tiêu diệt sinh lực địch; vượt mọi khó khăn, liên tục chiến đấu; tuyệt đối phục tùng kỷ luật chiến trường, đoàn kết chặt chẽ, phối hợp công tác. Việc chuẩn bị tư tưởng bộ đội phải diễn ra suốt chiến dịch, nhất là khi chiến đấu, lúc khó khăn, có thương vong...

Đại tướng nhấn mạnh: Làm công tác chính trị mà chỉ động viên tư tưởng thì không đủ mà còn phải đi sâu vào giải quyết những vấn đề cụ thể về tổ chức, những yêu cầu chiến thuật. Phải kết hợp lãnh đạo tư tưởng với lãnh đạo tổ chức và giải quyết những yêu cầu chiến thuật. Muốn vậy, cán bộ phải học tập cả chính trị và quân sự; biết phát huy dân chủ quân sự để giải quyết những thắc mắc về tư tưởng và những khó khăn về chiến thuật thông qua thu thập và giải quyết những thắc mắc, lo lắng của bộ đội; chống tác phong quan liêu, không sát dưới, không phát huy dân chủ, không dám nêu những khó khăn để giải quyết, bắt quần chúng phải nhắm mắt nghe theo mệnh lệnh của mình. Phải mở rộng dân chủ, nêu khó khăn ra cho quần chúng giải quyết. Sau mỗi trận đánh, chiến dịch các cấp ủy, đơn vị phải tổ chức kiểm thảo, rút kinh nghiệm.

Để nâng cao sức mạnh của quân đội đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng khẳng định: “Điều then chốt trước hết là các cấp lãnh đạo của Đảng phải tập trung sự chú ý tiến hành công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng cho sâu sắc và rộng khắp. Công tác đó phải nhằm làm cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nhận rõ âm mưu và khả năng của địch, tình hình và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam hiện nay ở cả hai miền, nâng cao nhiệt tình yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa, quyết tâm chiến đấu để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dù chiến tranh diễn ra trong tình huống nào cũng kiên quyết tiến lên, chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh, không sợ lâu dài gian khổ, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng”[1].

Công tác chính trị trong quân đội “là mạch sống, là nguồn sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân”[2], là phát huy ưu thế tuyệt đối về chính trị - tinh thần của Quân đội ta so với địch. Vì vậy, phải thường xuyên giữ vững và tăng cường công tác chính trị, tư tưởng là vấn đề nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng quân đội. Không ngừng củng cố hệ thống tổ chức công tác chính trị, bao gồm các chính uỷ (chính trị viên) và cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân. Chính uỷ, chính trị viên cũng như cán bộ chỉ huy quân sự các cấp đều là thủ trưởng của đơn vị, chịu trách nhiệm chung trước Đảng uỷ và cơ quan lãnh đạo cấp trên về mọi mặt công tác của đơn vị, đồng thời là người phụ trách chỉ đạo và tiến hành công tác chính trị của đơn vị. Cơ quan chính trị các cấp là cơ quan công tác Đảng, cơ quan lãnh đạo của Đảng để tiến hành công tác chính trị, tư tưởng trong đơn vị[3].

Sau ngày đất nước được thống nhất, Đại tướng đã cùng Quân ủy Trung ương thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội phải tổ chức tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân đội anh hùng trong giai đoạn cách mạng mới. Chỉ đạo quân đội tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, bảo vệ những giá trị cao đẹp của lý tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; bảo vệ các chuẩn mực giá trị cao đẹp của nền văn hóa dân tộc, để Quân đội nhân dân luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy, sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ dạo công tác chính trị trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổng kết rút ra 7 nguyên tắc:
1) Luôn luôn quán triệt sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng đối với quân đội, xem đây là nguyên tắc cơ bản nhất.
2) Không ngừng củng cố hệ thống tổ chức Đảng và hệ thống công tác chính trị; luôn luôn tăng cường công tác chính trị trong quân đội.
3) Coi trọng việc giáo dục đường lối, nhiệm vụ cách mạng, chủ trương, chính sách của Đảng; nâng cao giác ngộ chính trị, giác ngộ dân tộc và giác ngộ giai cấp; nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân đội.
4) Coi trọng việc quán triệt đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng, khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân.
5) Tích cực rèn luyện một đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, có năng lực lãnh đạo và chỉ huy, có năng lực tổ chức.
6) Thực hiện mở rộng dân chủ, ra sức tăng cường kỷ luật tự giác nghiêm minh, kỷ luật sắt của quân đội cách mạng.
7) Xây dựng tốt mối quan hệ giữa quân đội đối với Đảng, quân đội với chính quyền cách mạng, quân đội với nhân dân, mối quan hệ trong nội bộ quân đội, mối quan hệ giữa quân đội ta với quân đội và nhân dân các nước anh em.

Xây dựng Quân đội có cơ cấu hợp lý, tổ chức chặt chẽ,“từng bước tiến lên chính qui, hiện đại”

Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử tổ chức quân sự của dân tộc, nắm vững quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, những nguyên tắc cơ bản của Đảng ta về xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng song song với Quân đội nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: “Tổ chức quân sự phụ thuộc trước tiên vào chế độ chính trị, vào bản chất giai cấp của Nhà nước. Nó luôn luôn gắn liền với tính chất và mục tiêu các cuộc khởi nghĩa và các cuộc chiến tranh”[1]. Muốn hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó, Quân đội phải được tổ chức chặt chẽ, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cách mạng và điều kiện của đất nước.

Nắm vững quy luật về tổ chức quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về tổ chức biên chế, hợp lý giữa các thành phần, cân đối giữa số lượng và chất lượng, trong đó đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng chiến đấu. Quan điểm của Đại tướng là tổ chức bộ đội chủ lực phải đáp ứng yêu cầu của thực tế chiến đấu, phù hợp với cách đánh của từng thứ quân, từng quân, binh chủng; phải dựa trên khả năng bảo đảm của nước nhà về cơ sở vật chất, vũ khí trang bị; phù hợp với điều kiện cụ thể về địa hình và đối tượng tác chiến trong từng giai đoạn.

Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nhận thức rõ quy luật phải phát triển của chiến tranh nhân dân bắt đầu từ chiến tranh du kích phát triển lên chính quy, kết hợp chặt chẽ với chiến tranh chính quy, cuối năm 1946, Đại tướng đã kịp thời tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng giải thể các đại đoàn ở Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, lấy tổ chức cao nhất của bộ đội chủ lực ở miền Bắc là trung đoàn (gồm 32 trung đoàn, 11 tiểu đoàn độc lập); giữ nguyên tổ chức chi đội ở Nam Bộ, đồng thời chỉ đạo từng bước hình thành một số tổ chức tiền thân của binh chủng kỹ thuật. Đặc biệt trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, Đại tướng đã tham mưu và trược tiếp chỉ đạo thực hiện phân tán một phần ba số đơn vị chủ lực thành các đại đội độc lập, tiến sâu vào vùng quân Pháp chiếm đóng trụ vững ở đó để gây dựng cơ sở, giúp đỡ và phối hợp với dân quân du kích đánh địch, chống càn quét, bình định; dùng hai phần ba lực lượng còn lại tổ chức thành các tiểu đoàn tập trung bố trí trên các khu vực trọng yếu để phối hợp với các đại đội độc lập đánh địch. Nhờ phương thức tổ chức lực lượng khoa học, phù hợp, quân và dân ta đập tan cuộc tiến công qui mô lớn của địch lên Việt Bắc, đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng.

Đến năm 1949, trên cơ sở đánh giá tình hình và khả năng bảo đảm, Đại tướng chỉ đạo rút dần các đại đội độc lập để xây dựng, phát triển thành các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Bởi theo Đại tướng “Vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết hết sức khẩn trương là vấn đề xây dựng lực lượng, cấp bách nhất là xây dựng bộ đội chủ lực”[1]. Đây là lực lượng chủ yếu tiến hành chiến tranh chính quy, là lực lượng cơ động chiến lược, giáng những đòn tiêu diệt lớn, làm chuyển biến cục diện chiến tranh. Do đó, tổ chức phải chặt chẽ, phải tập trung cán bộ, vũ khí trang bị và các phương tiện chỉ huy. Thực hiện sự chỉ đạo của Đại tướng, từ giữa năm 1949 đến cuối năm 1952, các đại đoàn chủ lực lần lượt được thành lập[2]. Đây là một bước phát triển quan trọng về tổ chức của Quân đội ta đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến.

Khối lực lượng đặc biệt tinh nhuệ tham gia diễu binh tại tại Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Khối lực lượng đặc biệt tinh nhuệ tham gia diễu binh tại tại Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

“Tổ chức quân sự phụ thuộc trước tiên vào chế độ chính trị, vào bản chất giai cấp của Nhà nước. Nó luôn luôn gắn liền với tính chất và mục tiêu các cuộc khởi nghĩa và các cuộc chiến tranh”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tướng đã cùng Tổng Quân ủy xác định mục tiêu kế hoạch 5 năm xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng (1955-1959): “Tích cực xây dựng quân đội ta thành một Quân đội cách mạng, chính quy và từng bư­ớc hiện đại hoá. Phải đi từ quân đội đơn thuần là bộ binh đến một quân đội có đủ các binh chủng, quân chủng… Xây dựng một lục quân cách mạng, chính quy, tương đối hiện đại, có bộ binh, pháo binh và một số quân chủng, binh chủng kỹ thuật như­ thiết giáp, phòng không - không quân, hải quân; chuẩn bị điều kiện để sang kế hoạch sau sẽ thực hiện hiện đại hóa lên một trình độ cao hơn”[1].

Chính quy hóa là thực hiện sự thống nhất quân đội về mặt tổ chức dựa trên những chế độ, điều lệnh, quy định, nhằm đưa toàn bộ hoạt động của quân đội vào nền nếp thống nhất, nâng cao tính tổ chức, tính tập trung, tính khoa học, đạt đến hành động kiên quyết và nhất trí đến sự phối hợp chặt chẽ giữa mọi bộ phận của quân đội trong chiến tranh. Đó là sự thống nhất về cơ cấu tổ chức, biên chế, trang bị của các lực lượng, các quân binh chủng, cơ quan và đơn vị; về lề lối và phương pháp công tác của chỉ huy và cơ quan, nền nếp, tác phong trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, huấn luyện, giáo dục và sinh hoạt của bộ đội; ý thức kỷ luật tự giác, tinh thần chủ động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ...

Trong quá trình đẩy mạnh chính quy hóa, Đại tướng yêu cầu cần phải giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ, giữa lãnh đạo của Đảng uỷ và vai trò của thủ trưởng, giữa cấp trên và cấp dưới... Phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, gắn chặt việc giáo dục, thuyết phục với việc rèn luyện, quản lý, nâng cao tính tự giác với yêu cầu phải tiến hành thưởng phạt nghiêm minh. Phải phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức làm chủ tập thể của mọi cán bộ và chiến sĩ đối với việc quản lý kỷ luật, chấp hành chế độ, điều lệnh; vai trò gương mẫu và trình độ tổ chức, quản lý của cán bộ.

Công tác huấn luyện, giáo dục - đào tạo được Quân đoàn 3, Binh đoàn Tây Nguyên triển khai toàn diện và có nhiều đổi mới sát với tình hình nhiệm vụ.

Công tác huấn luyện, giáo dục - đào tạo được Quân đoàn 3, Binh đoàn Tây Nguyên triển khai toàn diện và có nhiều đổi mới sát với tình hình nhiệm vụ.

Đi đôi với xây dựng chính qui, phải đẩy mạnh hiện đại hóa Quân đội. Đây là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của Đảng, nhưng về phương pháp phải tiến dần từng bước vững chắc, phù hợp với điều kiện, khả năng, đặc điểm của đất nước ta. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ giữa năm 1955, các đại đoàn chủ lực được củng cố, thống nhất tên gọi là sư đoàn bộ binh để phù hợp với việc xây dựng thành các binh đoàn, binh chủng hợp hành. Nhiều cơ quan, đơn vị lần lượt được thành lập, kiện toàn và đi vào hoạt động. Đây là những cơ sở rất quan trọng chuẩn bị xây dựng quân đội ta theo hướng tiến dần lên chính quy, hiện đại, có sức chiến đấu cao.

Đại tướng chỉ rõ phải: “Xây dựng một quân đội hiện đại có nhiều binh chủng và quân chủng, có lục quân, không quân và hải quân; lục quân gồm có bộ binh, pháo binh, thiết giáp, công binh, thông tin, phòng hóa, vận tải”[2]. Lục quân phải tiến lên có đủ những binh chủng cần thiết, có cơ cấu và quy mô tổ chức thích hợp với nhiệm vụ chiến đấu ngày càng phát triển, có hỏa lực và sức đột kích mạnh, có khả năng cơ động cao trên mọi điều kiện địa hình và thời tiết của nước ta, phát huy đầy đủ vai trò và lực lượng quyết định thắng lợi trên chiến trường. Không quân phải được tăng cường mạnh hơn nữa theo phương hướng có số lượng thích hợp nhưng chất lượng chiến đấu thật cao, có cách đánh thật sáng tạo để bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc, chống lực lượng không quân của bất cứ kẻ thù xâm lược nào và phối hợp chiến đấu chặt chẽ với lục quân và hải quân. Hải quân phải được xây dựng ngày càng mạnh theo phương hướng số lượng vừa đủ nhưng chất lượng chiến đấu phải thật tinh, có cơ cấu tổ chức ngày càng hoàn chỉnh, được trang bị ngày càng hiện đại, có cách đánh thích hợp trên chiến trường sông, biển ở nước ta, đủ sức bảo vệ biển đảo và hệ thống sông ngòi dày đặc của Tổ quốc.

Lữ đoàn 685, Vùng 4, Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam bắn tên lửa năm 2018.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến năm 1968, Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành một quân đội có cơ cấu tổ chức gồm ba quân chủng: Quân chủng Lục quân (có các binh chủng Bộ binh, Pháo binh, Công binh, Tăng Thiết giáp, Đặc công, Thông tin liên lạc), Quân chủng Phòng không - Không quân (có các binh chủng Pháo cao xạ, Ra đa, Tên lửa, Không quân) và Quân chủng Hải quân. Từ năm 1973, Đại tướng đã tham mưu cho Trung ương Đảng, Bộ Chính trị nhanh chóng thành lập các quân đoàn binh chủng hợp thành để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Theo đó các quân đoàn binh chủng hợp thành lần lượt ra đời[1], góp phần vào thắng lợi quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Với tầm nhìn chiến lược, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt, Đại tướng chỉ rõ: “Hiện nay và trong tương lai không xa, chúng ta phải tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thành một đội quân xã hội chủ nghĩa, chính quy và hiện đại, bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, với lực lượng thường trực có số lượng thích hợp nhưng chất lượng chiến đấu thật cao và lực lượng dự bị hùng hậu được huấn luyện tốt... Quân đội ta phải là một đội quân cách mạng có trình độ hiện đại cao gồm “lục quân hiện đại, không quân hiện đại, hải quân hiện đại”[2]. Đây cũng chính là những lực lượng đang trong quá trình xây dựng Quân đội hiện đại theo quan điểm của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

Đại tướng chỉ rõ, muốn nâng cao hiệu lực chiến đấu thì cần phải: Tổ chức lực lượng một cách hợp lý, có số lượng thích hợp, có chất lượng cao, lấy chất lượng làm chính. Bộ đội có chất lượng cao phải là bộ đội có tinh thần chiến đấu cao, có ý chí tiến công địch mãnh liệt, có ý thức tổ chức và kỷ luật; được biên chế tổ chức một cách hợp lý (gọn, nhẹ, mạnh) và được trang bị tốt; có trình độ kỹ thuật và chiến thuật giỏi, được huấn luyện thích hợp với yêu cầu chiến đấu thực tế ở chiến trường; có sức bền bỉ dẻo dai và khả năng cơ động trên mọi địa hình và trong mọi thời tiết; có cán bộ và cơ quan chỉ huy vững vàng, có năng lực tổ chức giỏi.... Trong tổ chức biên chế của quân đội, cần giảm bớt thành phần cơ quan để tăng cường cho lực lượng chiến đấu thích hợp với yêu cầu của chiến trường và chiến thuật, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân, nâng cao hiệu suất chiến đấu của bộ đội. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ phát triển toàn diện, có cơ cấu hoàn chỉnh, cân đối, bao gồm cán bộ chỉ huy, chính trị, hậu cần, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, nghiên cứu, giảng dạy, làm kinh tế...

Chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện, bảo đảm vật chất, kỹ thuật

Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, nhận thấy bộ đội phát triển nhanh về số lượng, có tinh thần chiến đấu cao, nhưng phần lớn chưa qua huấn luyện cơ bản, trình độ chiến thuật, kỹ thuật thấp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra nhiều biện pháp nhằm rèn luyện cán bộ, nâng cao trình độ kỹ chiến thuật của bộ đội. Đại tướng khẳng định “việc huấn luyện cán bộ và bộ đội có tầm quan trọng quyết định để nâng cao trình độ chính trị, quân sự và khả năng tác chiến của các đơn vị theo yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu”[1].

Về nội dung huấn luyện, Đại tướng xác định phải tập trung vào một số vấn đề cụ thể: Về kỹ thuật, các đơn vị tập bắn súng, ném lựu đạn, đâm lê, đào công sự. Về chiến thuật, các đơn vị đánh vận động phải học đánh tập kích, phục kích, đánh quân nhảy dù. Các đơn vị vào hoạt động ở vùng sau lưng địch phải học đánh du kích và kinh nghiệm chống càn. Các đơn vị đánh đồn phải học trinh sát chiến đấu, phá gỡ chướng ngại vật, đánh lô cốt vệ tinh và lô cốt mẹ, đánh địch phòng ngự bên trong. Tại các trường, tổ chức huấn luyện chiến thuật du kích và động tác đội ngũ, động tác chiến đấu từ cá nhân lên tới đại đội. Chiến thuật du kích học theo tài liệu “Cách đánh du kích” được soạn từ hồi đánh Nhật ở chiến khu. Về cách đánh chính quy, vì chưa có kinh nghiêm, còn phải học theo cách góp nhặt chiến thuật của các nước.

Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người thứ hai từ phải qua).

Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người thứ hai từ phải qua).

Trong báo cáo một số vấn đề về xây dựng quân đội tại Đại hội II của Đảng (2-1951), Đại tướng nhấn mạnh “cần cải tiến nội dung huấn luyện quân sự cho thích hợp với phương châm chiến lược và chiến thuật của ta”[1] trong thời kỳ mới. Nội dung huấn luyện phải toàn diện, luôn bám sát thực tiễn chiến đấu, phù hợp với nhiệm vụ của từng thứ quân, từng binh chủng; phải lấy việc học tập kinh nghiệm chiến đấu của ta là chính, đồng thời học tập kinh nghiệm tiên tiến của các nước anh em một cách có chọn lọc.

 Đặc biệt, đề chuẩn bị thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, tháng 9 năm 1953, cùng với chỉ đạo mở lớp huấn luyện cán bộ trung cấp, cao cấp, Đại tướng yêu cầu các đơn vị chủ lực phải tập trung huấn luyện đánh vận động, đánh công sự vững chắc, chú trọng cách đánh tập đoàn cứ điểm trong điều kiện có máy bay, pháo binh và cơ giới yểm hộ cả ban ngày và ban đêm. Phải “dành một phần thời gian để tiếp tục huấn luyện về chiến thuật và kỹ thuật cho cán bộ và chiến sĩ, nhất là vấn đề xây dựng trận địa, vấn đề tác chiến hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh, vấn đề đánh tập đoàn cứ điểm”[2].

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính qui, hiện đại, cùng với xây dựng bộ đội địa phương, lực lượng thường trực hợp lý, Đại tướng chủ trương phải xây dựng những đơn vị bộ binh mạnh, có những binh chủng cần thiết, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và tương đối hiện đại, được huấn luyện tốt, có cách đánh sáng tạo, sức cơ động cao, vừa biết đánh tập trung, vừa biết đánh du kích để tiêu diệt địch. Ở miền Bắc, lực lượng vũ trang nhân dân “vừa chiến đấu vừa huấn luyện và rút kinh nghiệm chiến đấu nhằm nâng cao chất lượng chiến đấu phòng không của các lực lượng vũ trang”[1], sẵn sàng đánh trả lại máy bay, tàu chiến địch khi đế quốc Mỹ liều lĩnh mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.

Theo Đại tướng, huấn luyện phải phù hợp với đường lối, nhiệm vụ quân sự và tình hình thực tế của địch và ta trong từng thời kỳ. Phải thấu suốt nguyên tắc: huấn luyện cho Quân đội mọi cái mà chiến tranh yêu cầu; rèn luyện toàn diện bộ đội cả về ý chí chiến đấu, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong chiến đấu, kỹ thuật, chiến thuật, thể lực; tích cực đưa mọi mặt công tác huấn luyện phù hợp đến mức cao nhất với yêu cầu của thực tiễn chiến đấu; đề cao ý chí tiến công, tinh thần kiên quyết, dũng cảm, mưu trí sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong chiến đấu, sẵn sàng đánh thắng mọi biện pháp tác chiến mới của địch.

Khối trưng bày phương tiện, vũ khí phòng không và radar cảnh giới do Viettel phát triển.

Khối trưng bày phương tiện, vũ khí phòng không và radar cảnh giới do Viettel phát triển.

Quân đoàn 3 tổ chức diễn tập hiệp đồng quân-binh chủng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị.

Để thích ứng với yêu cầu chiến tranh hiện đại, cần phải huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững và sử dụng tinh thông mọi trang bị, kỹ thuật hiện đại; nắm vững và vận dụng thông thạo những nguyên tắc chiến dịch, chiến thuật, nguyên tắc tổ chức và chỉ huy tác chiến hiệp đồng trong các quân binh chủng. Phải huấn luyện cho bộ đội nhiều cách đánh: tiến công, phòng ngự; đánh vận động và đánh địch phòng ngự trong công sự vững chắc; đánh hiệp đồng binh chủng và đánh độc lập; thông thạo tác chiến với nhiều quy mô khác nhau, trên nhiều địa hình khác nhau, trong mọi thời tiết, mọi tình huống phức tạp. Quân đội  phải có khả năng sẵn sàng đánh thắng địch trong điều kiện sử dụng vũ khí thông thường cũng như khi kẻ địch dám liều lĩnh dùng vũ khí hạt nhân, hóa học.

Đại tướng nhấn mạnh, bất luận trong mọi điều kiện chiến tranh hay hòa bình, cần phải hết sức coi trọng công tác tổng kết và nghiên cứu, phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam. Trong đó, đặc biệt coi trọng “kết hợp chặt chẽ công tác nghiên cứu khoa học quân sự với công tác huấn luyện, phát triển và hoàn thiện không ngừng nghệ thuật quân sự của ta, hết sức coi trọng việc tổng kết kinh nghiệm huấn luyện, cải tiến nội dung và phương pháp huấn luyện, bảo đảm cho quân đội ta lúc nào cũng phát huy được nghệ thuật quân sự ưu việt và sức mạnh chiến đấu to lớn của mình để đánh thắng địch”[1].

Bản thân Đại tướng là người luôn coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tầm hiểu biết sâu rộng cả về chính trị và quân sự, năm 1970, Đại tướng đã biên soạn 7 bài giảng về đường lối quân sự của Đảng và trực tiếp giảng dạy cho cán bộ cao cấp tại Học viện quân sự cao cấp (nay là Học Viện Quốc phòng). Đây là tài liệu có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc đối với công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đối với vấn đề vũ khí, trang bị, theo Đại tướng, “Nói hiện đại hóa quân đội là nói đến việc không ngừng đổi mới trang bị kỹ thuật cho quân đội, phát triển các quân chủng, binh chủng kỹ thuật, nâng cao trình độ nắm vững và sử dụng những vũ khí và phương tiện chiến tranh mới của cán bộ và chiến sĩ. Nói hiện đại hóa cũng tức là nói đến việc xây dựng hệ thống công nghiệp quốc phòng hiện đại, mở rộng hệ thống giao thông hiện đại, nhằm bảo đảm quân đội hoạt động trong điều kiện chiến tranh hiện đại”[2]

Từ năm 1970, Đại tướng đã chỉ rõ, trong điều kiện nền khoa học, kỹ thuật thế giới đang không ngừng phát triển, do đó phải chú trọng nghiên cứu, cải tiến trang bị kỹ thuật để tiếp tục thực hiện hiện đại hoá quân đội (kể cả bộ binh và các quân chủng, binh chủng khác) phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay và sau này. Vấn đề hiện đại hoá không chỉ đặt ra đối với các phương tiện chiến đấu mà còn đối với các phương tiện chỉ huy, phương tiện bảo đảm và phải đi đôi với việc tăng cường công tác bảo đảm kỹ thuật, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của toàn quân, nâng cao trình độ quản lý trang bị kỹ thuật và trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ.

Lữ đoàn Công binh 550 và Lữ đoàn Pháo binh 434, Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) phối hợp thực hành vượt sông trong diễn tập.

Lữ đoàn Công binh 550 và Lữ đoàn Pháo binh 434, Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) phối hợp thực hành vượt sông trong diễn tập.

Ngoài vấn đề vũ khí trang bị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải giải quyết vấn bảo đảm hậu cần của Quân đội nhân dân. Trước hết phải động viên và tổ chức toàn dân tham gia công tác bảo đảm vật chất cho quân đội, kết hợp chặt chẽ hậu cần nhân dân với hậu cần quân đội, kết hợp hậu cần tại chỗ của các địa phương, các chiến trường với hậu cần của Trung ương. Động viên và sử dụng sức người, sức của của nhân dân cao nhất, hợp lý nhất, có hiệu quả nhất, trong đó hậu cần quân đội phải giữ vai trò nòng cốt. Phải chú trọng xây dựng nguồn cung cấp, nguồn dự trữ của hậu phương chiến lược và nguồn dự trữ bổ sung tại chỗ của từng chiến trường.

Những quan điểm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về xây dựng Quân đội nhân dân được hình thành, phát triển trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng, đồng thời xuất phát từ đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong từng thời kỳ cách mạng. Trên cả hai phương diện lý luận và chỉ đạo thực tiễn, Đại tướng đã khẳng định, làm sâu sắc thêm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội là nhân tố quyết định sự ra đời, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để quân đội hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, quân đội phải được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, có cơ cấu hợp lý, tổ chức chặt chẽ, từng bước chính qui hóa, hiện đại hóa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước; đồng thời phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực toàn diện, cân đối, đồng bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chăm lo công tác đào tạo, huấn luyện, bảo đảm cơ sở vật chất hậu cần nhằm nâng cao chất lượng, sức mạnh chiến đấu của quân đội; giải quyết đúng đắn mối quan hệ đoàn kết quân dân, đoàn kết nội bộ; đề cao kỷ luật và mở rộng dân chủ. Những quan điểm xây dựng Quân đội nhân dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn nguyên giá trị trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay./.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Quân đội nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”

Nội dung: Thượng tá, TS TRẦN ANH TUẤN-Trung tá, Ths TRẦN MINH TÚ
Trình bày: Phi Nguyen
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân, QĐND