Những mùa xuân có Đảng qua tranh của các họa sĩ Việt

Du kích Bắc Sơn về bản Pình - Tranh Nguyễn Văn Tỵ.

Du kích Bắc Sơn về bản Pình - Tranh Nguyễn Văn Tỵ.

Trong suốt 95 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn dắt đất nước từ thời kỳ nô lệ đến khi giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng Việt Nam ngày càng phát triển.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ văn nghệ sĩ hòa mình vào dòng chảy của dân tộc, đi theo cách mạng khắc họa những hình ảnh chân thực, khơi dậy và ca ngợi tinh thần quả cảm, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cùng hướng về mục tiêu chung: độc lập tự do thống nhất đất nước.

Bằng những cảm nhận và cách thể hiện riêng, các nghệ sĩ đã dành trọn tâm sức để tạo nên các tác phẩm có giá trị lịch sử, thẩm mỹ và tính nhân văn sâu sắc về truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các tác phẩm đưa người xem tới từng thời kỳ của đất nước từ những bước ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ – người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đến những cuộc đấu tranh giành độc lập, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến hòa bình thống nhất non sông, xây dựng đất nước và công cuộc Đổi mới.

Đảng và Bác Hồ -nguồn cảm hứng sâu sắc của các họa sĩ kháng chiến

Những chặng đường từ ngày sơ khai của Đảng cho đến khi đất nước giành được độc lập đã được thể hiện hết sức chân thực và sinh động qua nhiều tác phẩm của họa sĩ thời kỳ 1930-1945.

Giai đoạn này, cùng với sự ra đời và dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), các giai cấp, tổ chức đều hướng về mục đích giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc. Các tác phẩm “Họp Công hội Đỏ” (Sơn mài, Huỳnh Văn Gấm), “Từ trong bóng tối” (Sơn mài, Lê Quốc Lộc) gợi nhớ về các hoạt động cách mạng của các tổ chức lãnh đạo Công - Nông giai đoạn này.

Kết nạp Đảng trogn tù. (Nguyễn Đức Nùng)

Kết nạp Đảng trogn tù. (Nguyễn Đức Nùng)

Một trong số những họa sĩ có nhiều tác phẩm về thời kỳ này nhất là họa sĩ Nguyễn Đức Nùng. Một số bức trong đó hiện đang được giới thiệu trong khuôn khổ triển lãm chuyên đề “95 mùa xuân có Đảng” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh “Kết nạp Đảng trong tù” do ông vẽ năm 1968, với chất liệu sơn mài. Tranh mô tả hai nữ tù nhân trong bối cảnh nhà tù, phía sau lưng là tường gạch lạnh lẽo và tối tăm, trước mặt là ánh sáng vàng rực rỡ, với tâm điểm là lá cờ Đảng đỏ rực nho nhỏ trên cao. Hai người nữ tù nhân đều ở thế tĩnh, nhưng toát ra sự quyết tâm, mạnh mẽ và ý chí kiên cường.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật-Nhiếp ảnh và Triển lãm từng đánh giá, cái đẹp của tác phẩm “Kết nạp Đảng trong tù” ở chỗ đã phản ánh chuẩn xác, hùng hồn sức mạnh diệu kỳ của người phụ nữ trong ngục tù những năm đánh Mỹ. Về mặt nghệ thuật, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng có sự sáng tạo, chuyển đổi phong cách so với những người cùng thời với bố cục lạ, đẹp. Hình ảnh người phụ nữ được họa sĩ khai thác chắt lọc và thể hiện thành hình tượng đẹp cả về hình thể lẫn tâm hồn. Đặc biệt, tác giả chọn cảnh kết nạp Đảng trong hoàn cảnh bí mật, ở trong tù để khắc họa hình ảnh nữ chiến sĩ mặc dù bị đế quốc kìm kẹp nhưng vẫn sẵn sàng chiến đấu, vào Đảng là để tiếp tục phục vụ nhân dân, đất nước.

Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. (Nguyễn Đức Nùng)

Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. (Nguyễn Đức Nùng)

Một tác phẩm khác được nhắc đến nhiều của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng là “Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ”. Bức tranh sơn mài có kích thước lớn, 1,38mx3,28m, mô tả cảnh Hà Nội trong những ngày tháng 8/1945 lịch sử. Những thiếu nữ Hà Nội áo dài, những thanh niên trí thức, những bà vú ẵm em, những anh nông dân còn nguyên khăn vấn… nhưng đều toát ra một tinh thần chung là sôi sục chiến đấu giành độc lập, tự do.

Nông dân đấu tranh chống thuế. (Nguyễn Tư Nghiêm)

Nông dân đấu tranh chống thuế. (Nguyễn Tư Nghiêm)

Nhiều phong trào đấu tranh những năm 1930-1931 được tái hiện với ngôn ngữ nghệ thuật cô đọng. Khí thế chiến đấu được thể hiện qua tác phẩm sơn mài “Nông dân đấu tranh chống thuế” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Tác phẩm này có hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm lần đầu xuất hiện trong phong trào đấu tranh chống thuế của nông dân Trung kỳ. “Nông dân đấu tranh chống thuế” thuộc nhóm tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. (Dương Bích Liên)

Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. (Dương Bích Liên)

Một trong những đề tài được các danh họa thể hiện rất nhiều trong giai đoạn này là về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiêu biểu là bức tranh sơn mài “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” được danh họa Dương Bích Liên vẽ vào năm 1980, lấy cảm hứng từ những ngày được sống và hoạt động gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức tranh mang bố cục phá cách hiện đại, với cấu trúc cô đọng và những mảng màu lớn tạo nên không gian tối giản.

Mặc dù sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống, danh họa Dương Bích Liên đã kết hợp những khám phá mới mẻ với phong cách hiện đại, tạo nên một tác phẩm vừa tinh tế, vừa lãng mạn đậm chất Á Đông. Họa sĩ đã khéo léo sử dụng bút pháp phóng khoáng trên nền sơn mài, với một bảng màu chủ yếu là xanh lá và vàng, nhưng lại tạo ra sự tương phản sắc nét và đa dạng. Những sắc thái đậm nhạt sinh động khiến không gian trở nên rộng lớn và mênh mông.

Tác phẩm đã giành giải thưởng cao nhất tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980 và được Nhà nước công nhận là “Bảo vật quốc gia” vào năm 2017.

Có thể nói, nổi bật trong những tác phẩm hội họa với cảm hứng sáng tác về Đảng phải kể đến “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của danh họa Nguyễn Sáng. Đây là một bức tranh được xếp hạng là Bảo vật quốc gia, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Riêng về bức họa đặc biệt này cũng như những sáng tác của họa sĩ Nguyễn Sáng, chúng tôi sẽ đề cập kỹ hơn trong một bài viết khác.

Cũng như cảm hứng về Đảng, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ của Đảng, người Cha già của dân tộc cũng luôn được các họa sĩ nhiều thế hệ tìm kiếm cách thể hiện chân thực, gần gũi, dung dị và chứa đựng tình cảm, lòng biết ơn chân thành nhất, với sự đa dạng về phong cách sáng tác và chất liệu thể hiện.

Bác Hồ đi công tác. (Trần Đình Thọ, 1972)

Bác Hồ đi công tác. (Trần Đình Thọ, 1972)

Có thể kể đến các tác phẩm: “Mùa xuân Bác về Pắc Bó” (tranh bột màu của họa sĩ Dương Tuấn), “Chú Thu” (tranh bột màu của họa sĩ Nguyễn An), “Bác Hồ đi công tác” (tranh lụa của họa sĩ Trần Đình Thọ), “Nước nguồn” (tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm)…

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, các tác phẩm mỹ thuật vừa thể hiện hiện thực cách mạng, tinh thần chiến đấu, vừa chính là tình cảm, sự trân trọng của người nghệ sĩ đối với những tấm gương anh dũng hy sinh, qua các tác phẩm “Du kích về bản Pình (của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ), “Hành quân đêm” (của Trần Đình Thọ), “Tập kết” (của họa sĩ Nguyễn Hiêm), “Đọc thư miền Bắc” (của họa sĩ Nguyễn Văn Mười), “Lao động vì miền Nam” (của họa sĩ Nguyễn Trọng Cát, Trần Thanh Ngọc), “Vượt trọng điểm” (họa sĩ Lê Trí Dũng)...

Khi hòa bình, thống nhất đất nước, Đảng ta đã tiếp tục dẫn dắt nhân dân thực hiện công cuộc xây dựng đất nước, khẳng định bản lĩnh và sức chiến đấu của Đảng, đồng thời khẳng định niềm tin của nhân dân nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng đối với Đảng, quyết tâm đi theo con đường mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối đã lựa chọn, được thể hiện qua các tác phẩm "Ý Bác lòng dân" (của họa sĩ Trần Nguyên Đán), "Đảng gọi! Chúng tôi sẵn sàng" (của họa sĩ Phạm Văn Lung), "Ánh sáng và niềm tin" (của họa sĩ Nghiêm Xuân Quang). Bên cạnh đó, một số tác phẩm khắc họa về giai đoạn xây dựng đất nước như "Trên giàn khoan dầu" (của họa sĩ Trần Dậu), "Xây dựng cầu Thăng Long (của họa sĩ Trần Khánh Nam), "Công trường thủy điện sông Đà" (của họa sĩ Phạm Đức Phong)…

Những bức họa đặc biệt

Tranh phác thảo "Xô Viết Nghệ Tĩnh".

Tranh phác thảo "Xô Viết Nghệ Tĩnh".

Một trong những bức họa đặc biệt có lẽ lần đầu được giới thiệu tới công chúng một cách đầy đủ là “Xô Viết Nghệ Tĩnh” của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng. Thực ra đây là tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Đức Nùng thực hiện chung cùng các họa sĩ Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Sỹ Ngọc và Huỳnh Văn Thuận năm 1957. Các họa sĩ đã đi thực tế ở Nghệ An để nghiên cứu, ghi chép tư liệu và xây dựng bố cục cho một bức tranh sơn mài khổ lớn. Sau đó, họa sĩ Nguyễn Đức Nùng vẽ phác thảo và được Bác Hồ duyệt. Bức phác thảo của tác phẩm đang được giới thiệu trong triển lãm chuyên đề “95 mùa xuân có Đảng”.

Bức "Xô Viết Nghệ Tĩnh" hoàn chỉnh.

Bức "Xô Viết Nghệ Tĩnh" hoàn chỉnh.

Bức tranh hoàn chỉnh hiện đang được lưu giữ và trưng bày ở tầng 2, khu vực tranh sơn mài của Bảo tàng, có một số thay đổi so với bản phác thảo. Đây là bức tranh sơn mài lớn nhất được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, là một trong những tác phẩm “đinh” của Bảo tàng, và cũng là tác phẩm có nhiều tác giả thời kỳ mỹ thuật Đông Dương nhất cùng thực hiện.

Nhắc đến ký họa kháng chiến, không thể không nhắc đến chùm tranh ký họa ghi lại hình ảnh quân và dân ở các tỉnh phía bắc của họa sĩ Tô Ngọc Vân được lưu giữ tại Bảo tàng. Chùm tranh là những ghi chép hội họa từ cảnh vật tới con người, từ chị cán bộ trong “Chị cốt cán”, những người lính trong “Hành quân qua suối”, con trâu và người dân cày trong “Con trâu quả thực”, lão nông trong “Cầm đuốc đi học” với các thể loại màu chì, màu nước…, cho đến hình ảnh lãnh tụ trong bức tranh khắc gỗ “Hồ Chủ tịch ở Bắc Bộ Phủ”…

Nhiều bức trong số này được họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ trong thời gian sinh sống và làm việc tại chiến khu Việt Bắc, khi ông làm Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam và trước thời điểm ông hy sinh tại Điện Biên Phủ tháng 6/1954, khi chiến dịch vừa kết thúc.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, những bức ký họa chiến trường Tô Ngọc Vân để lại cho thấy thời kỳ này, ông đã chuyển từ hội họa hàn lâm sang những nét vẽ chân thực nhất để khắc họa dung nhan, tính cách người Việt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông đã trở thành linh hồn của khóa mỹ thuật kháng chiến, truyền lửa cho những nghệ sĩ thế hệ sau như Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa...

Chị giáo viên bình dân học vụ. (Tô Ngọc Vân, 1954)

Chị giáo viên bình dân học vụ. (Tô Ngọc Vân, 1954)

Cầm đuốc đi học. (Tô Ngọc Vân, 1954)

Cầm đuốc đi học. (Tô Ngọc Vân, 1954)

Chị cốt cán. (Tô Ngọc Vân, 1954)

Chị cốt cán. (Tô Ngọc Vân, 1954)

Bà bủ Đường biết đọc. (Tô Ngọc Vân, 1954)

Bà bủ Đường biết đọc. (Tô Ngọc Vân, 1954)

Nói về mỹ thuật thời kỳ kháng chiến, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, bắt đầu từ năm 1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các họa sĩ thuộc “thế hệ vàng” của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị… đã cảm nhận được ngay bước ngoặt mới, trang sử mới cho đất nước Việt Nam độc lập. Họ đã cho ra đời những tác phẩm mỹ thuật chân thành, đầy cảm xúc. Từ những bức tranh cổ động ban đầu, cho đến những tác phẩm tạo hình bằng nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, lụa, màu nước…  được các họa sĩ ấp ủ và sáng tác sau này, tất cả đều là những tác phẩm mỹ thuật mang dấu ấn đậm nét của nghệ thuật cách mạng Việt Nam nói chung, đặc biệt là nghệ thuật tạo hình cách mạng Việt Nam nói riêng.

Những tác phẩm nghệ thuật tạo hình mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ được cho đến nay là những đóng góp đẹp đẽ nhất của giới mỹ thuật Việt Nam, từ cách mạng tháng Tám năm 1945, sau đó các họa sĩ lên chiến khu Việt Bắc, tiếp tục cuộc trường chinh kháng chiến 9 năm chống Pháp. Rồi lại tiếp tục cuộc trường chinh nữa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thống nhất đất nước… Các tác phẩm đó là những tài sản quý, khẳng định nghệ thuật tạo hình cách mạng Việt Nam gắn liền với những cuộc trường chinh giữ nước của dân tộc.

Nam Kỳ 1940. "(Huỳnh Văn Gấm)

Nam Kỳ 1940. "(Huỳnh Văn Gấm)

Ngày xuất bản:30/1/2025
Nội dung: HỒNG MINH, TUYẾT LOAN
Trình bày: NGỌC LINH
Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam