Nhà báo Thái Duy.

Nhà báo Thái Duy.

Nhà báo Thái Duy, nhà văn Trần Đình Vân (1926-2024) là người hiếm có trong làng báo và làng văn nước nhà, khi ở cả hai lĩnh vực báo chí và văn chương ông đều có những thành tựu thể hiện tài năng, nhân cách cùng tuổi thọ trường kỳ vắt qua hai thế kỷ.

Trong cuộc đời làm báo hơn 80 năm, bên cạnh hàng nghìn bài báo, ông đã xuất bản một số cuốn sách như: “Người tử tù Khám lớn”, “Nguyễn Văn Trỗi và đồng đội”, “Hải Phòng anh dũng”, “Đổi mới ở Việt Nam - nhớ lại và suy ngẫm”…, nhưng theo tôi, có bốn cuốn sách quan trọng nhất đã xuất bản và chưa xuất bản của ông mang những dấu ấn đặc biệt.

Truyện ký “Sống như Anh”.

Truyện ký “Sống như Anh”.

Ông yêu nghề báo, viết báo từ rất sớm, nhưng lại nổi tiếng qua tác phẩm văn học với bút danh Trần Đình Vân. Truyện ký “Sống như Anh” (NXB Văn học, 1965) viết về cuộc đời ngắn ngủi và oanh liệt của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, qua ngòi bút của Trần Đình Vân đã vượt ngoài khuôn khổ một cuốn sách ca ngợi tấm gương người anh hùng, để trở thành tác phẩm văn chương có tầm tư tưởng về lòng yêu nước, khát vọng độc lập tự do và tinh thần lẫm liệt của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. Cuốn sách đã nhanh chóng chinh phục hàng triệu độc giả trong nước và quốc tế, làm cho nhân dân thế giới hiểu về cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc ta. Con số nhiều triệu bản Sống như Anh được ấn hành tính từ khi ra đời là một kỷ lục khó vượt qua với bất cứ nhà văn nào.

Nếu tôi đi theo con đường văn chương thì người dân sẽ khổ
Nhà văn Trần Đình Vân

Giống như nhiều người đến với nghề viết bằng tình yêu văn chương, nếu đi tiếp con đường này, chắc hẳn Trần Đình Vân sẽ trở thành một tên tuổi của văn học nước nhà. Nhưng Sống như Anh là tác phẩm văn chương đầu tiên và duy nhất của ông. Trần Đình Vân đã quyết định gác lại văn chương để làm nhà báo Thái Duy, toàn tâm toàn ý cho nghề báo, bởi theo ông: “Nếu tôi đi theo con đường văn chương thì người dân sẽ khổ”. Câu nói giản dị ấy đã xác tín cả cuộc đời ông sẽ dùng ngòi bút báo chí để phụng sự nhân dân, ngợi ca và đấu tranh cho công bằng, lẽ phải và hạnh phúc của nhân dân.

Nhà báo Thái Duy trò chuyện với đồng nghiệp (năm 2023).

Nhà báo Thái Duy trò chuyện với đồng nghiệp (năm 2023).

Nhà báo Thái Duy tham quan gian trưng bày chuyên đề Thái Duy - Sống và viết.

Nhà báo Thái Duy tham quan gian trưng bày chuyên đề Thái Duy - Sống và viết.

Cuốn sách thứ hai “Khoán chui” hay là chết (NXB Trẻ, 2013) có lẽ là tác phẩm tâm đắc nhất của ông. Trong những lần trò chuyện, nói về đề tài nào thì cuối cùng ông cũng lại quay về “khoán chui” và cuốn sách này. “Khoán chui” hay là chết tập hợp 42 bài báo từ hàng trăm bài ông viết trong gần ba năm về phương thức khoán sản phẩm nông nghiệp theo hộ mà người nông dân đã phải làm “chui” ròng rã nhiều năm, trước khi chính thức trở thành chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đó là cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, cái tiến bộ và cái lỗi thời; căng thẳng và cam go vô cùng với người làm báo, bởi lúc đó điều này còn mang tính chất ý thức hệ.

Các nhà báo của tờ báo Giải Phóng: Thép Mới, Kim Toàn và Thái Duy (từ trái qua) trong một bức ảnh cũ.

Các nhà báo của tờ báo Giải Phóng: Thép Mới, Kim Toàn và Thái Duy (từ trái qua) trong một bức ảnh cũ.

Trong khi cách làm “khoán chui” chưa được cả xã hội đồng thuận và bị lên án, thì Thái Duy đã kiên trì vào nam, ra bắc thâm nhập thực tế đời sống và sản xuất của người nông dân. Ông đi và viết khi trong túi không có tiền, mẹ già nằm viện mà vợ ông không dám vào thăm vì không thể mua nổi cho bà cân đường hộp sữa. Đến đâu ông cũng chỉ gặp nông dân, trò chuyện để tìm hiểu vì sao họ đã phải làm “chui” trong bao nhiêu năm. Trong số các bạn đồng nghiệp, đồng chí ,đồng quan điểm lúc bấy giờ như các nhà báo Hữu Thọ, Đồng Giao, Đình Cao, Đức Hữu… thì ông là người hăng hái nhất.

Nhiều bài báo của ông bị “cấp trên” phê bình, có những bài không được đăng hoặc chỉ được đăng một phần. Chúng ta khó hình dung được cuộc đấu tranh khó khăn này, nếu không đọc những dòng tự sự của ông: “Trong thực tế, khoán chui là cuộc cách mạng lôi cuốn hàng chục triệu hộ nông dân. Cách mạng tháng Tám chống giặc ngoại xâm, còn khoán chui là cuộc cách mạng chống lại cái cũ, bảo thủ, chậm tiến, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc: “Chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Từ cuộc đấu tranh này, lần lượt khoán 100, khoán 10 ra đời, cởi trói cho người nông dân và góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam cất cánh. Kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ làm báo mà Thái Duy là người xông xáo, đi và viết nhiều nhất, can đảm và quyết liệt nhất.

Cuốn sách “Khoán chui” hay là chết.

Cuốn sách “Khoán chui” hay là chết.

Năm 2013, cuốn sách ra đời, Thái Duy rất tâm đắc với cái tên đã được nhà xuất bản giữ nguyên: “Khoán chui” hay là chết, bởi nó mang tính lịch sử, là câu nói truyền miệng của người nông dân cùng với câu “Đổi mới hay là chết”. Theo ông, người nông dân đã đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, họ là những người hết sức vĩ đại, bởi tuy “ít chữ nhưng họ đã làm những người nhiều chữ phải thay đổi”.

Những năm tháng ấy, sát cánh cùng Thái Duy là cố nhà báo Hữu Thọ (nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân). Hai ông tôn trọng nhau, ủng hộ và hỗ trợ nhau trong mối quan tâm chung về đổi mới nông nghiệp và đấu tranh cho sự ra đời chính sách khoán sản phẩm thay vì khoán việc cho người nông dân. Khi cầm trên tay cuốn “Khoán chui” hay là chết mới xuất bản, nhà báo Hữu Thọ là người gợi ý tưởng cho cuốn sách quan trọng thứ ba của Thái Duy. Hữu Thọ bảo: “Tôi mừng cho ông, nhưng ông vẫn còn nợ đời đấy”. Thái Duy cười, hỏi nợ gì? Hữu Thọ nói: “Đó là tập hợp những bài ông viết về dân chủ, hòa hợp và đoàn kết dân tộc. In xong cuốn ấy thì ông mới có thể cầm cả hai cuốn sách báo cáo với Bác Hồ”. Thái Duy kết luận: “Hữu Thọ đã nói trúng ý tôi. Hiện tôi đang viết, bởi vì nếu có đoàn kết dân tộc cả thì bom nguyên tử cũng thể không làm gì ta được!”  Câu chuyện này ông kể với tôi cách đây gần 3 năm, không hiểu cuốn sách đã viết xong chưa và bao giờ sẽ được xuất bản?

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với Báo Giải Phóng. Nhà báo Thái Duy (thứ hai, hàng sau, bên phải), năm 1965.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với Báo Giải Phóng. Nhà báo Thái Duy (thứ hai, hàng sau, bên phải), năm 1965.

"Viết hồi ký giúp Tổng Bí thư Trường Chinh là điều mong muốn nhất của tôi. Không viết được cũng là điều tiếc nuối nhất của tôi"

Nhà báo Thái Duy

Bác Hồ tiếp đoàn Đại biểu Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1966 tại Phủ Chủ tịch. Từ phải qua: Nhà văn Trần Đình Vân (Thái Duy), Bác Hồ, nhà văn Phan Tứ và nhà thơ Tố Hữu.

Bác Hồ tiếp đoàn Đại biểu Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1966 tại Phủ Chủ tịch. Từ phải qua: Nhà văn Trần Đình Vân (Thái Duy), Bác Hồ, nhà văn Phan Tứ và nhà thơ Tố Hữu.

Và cuối cùng, cuốn sách thứ tư sẽ không bao giờ ông viết ra được. Sau Đại hội Đại biểu lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh trở thành Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quyết định của Đại hội VI là cần ghi lại hồi ký của các vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, làm tư liệu cho các thế hệ mai sau. Ông Thái Duy được được ông Đặng Xuân Kỳ, con trai nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh tiến cử và được nguyên Tổng Bí thư đồng ý. Ông và nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh đã làm việc một số buổi. Những đề xuất về cách làm của Thái Duy được nguyên Tổng Bí thư chấp nhận. Chuẩn bị đi vào những bước chi tiết thì nguyên Tổng Bí thư qua đời. “Viết hồi ký giúp Tổng Bí thư Trường Chinh là điều mong muốn nhất của tôi. Không viết được cũng là điều tiếc nuối nhất của tôi”. Ông đã tâm sự với tôi như vậy.

Nhà báo Thái Duy (ngồi ngoài cùng bên phải, hàng thứ hai) cùng lãnh đạo, phóng viên báo Cứu Quốc tại đèo Bụt, Bắc Giang, năm 1949.

Nhà báo Thái Duy (ngồi ngoài cùng bên phải, hàng thứ hai) cùng lãnh đạo, phóng viên báo Cứu Quốc tại đèo Bụt, Bắc Giang, năm 1949.

Nhà báo Thái Duy, nhà văn Trần Đình Vân đã trút hơi thở cuối cùng lúc 20 giờ 56 phút ngày 14/4/2024 tại nhà riêng tại Hà Nội, hưởng thọ 99 tuổi. Ông là nhà báo đã để lại những trang viết đặc sắc cho đời và một di sản về nhân cách và lao động nghề nghiệp.

Suốt cuộc đời làm báo oanh liệt như vậy, nhưng ông chỉ mang duy nhất chức danh “phóng viên”, trừ một thời gian ngắn ông làm Phó Tổng Biên tập báo Giải phóng (nhà báo Thép Mới làm Tổng Biên tập). Với những đóng góp to lớn, nhà báo Thái Duy đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Vì sự nghiệp Đại Đoàn kết dân tộc; Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng… Năm 2020 ông đã được vinh danh tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” dành cho những người đã có cống hiến lớn lao, có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Thái Duy phát biểu tại sự kiện của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, năm 2021.

Nhà báo Thái Duy phát biểu tại sự kiện của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, năm 2021.

Giải thưởng lớn nhất mà tôi tin cũng là phần thưởng ông muốn nhận nhất, đó là niềm tin, sự ngưỡng mộ và tình yêu của bạn đọc dành cho ông, luôn nhớ về ông như một cây đại thụ của Báo chí cách mạng Việt Nam.

Rời cõi tạm, nhưng những điều ông đã làm luôn là tấm gương sáng để các thế hệ làm báo soi vào, tự răn mình và phấn đấu cho lý tưởng cùng thiên chức nghề nghiệp cao quý. Những tâm huyết và những điều ông chưa làm được, chắc chắn sẽ có người tiếp nối, như một sự trao truyền ông gửi lại. Xin ông yên nghỉ!

Nhà báo Thái Duy

Nhà báo Thái Duy

Nhà báo Thái Duy (tên thật là Trần Duy Tấn, còn có bút danh khác: Trần Đình Vân) sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Ông làm Báo Cứu Quốc từ năm 1949, tác giả cuốn sách “Sống như Anh”. Ông được kết nạp Đảng năm 1948 tại chi bộ Báo Cứu Quốc (Đại Đoàn Kết ngày nay) ở chiến khu Việt Bắc. Đầu năm 1964, ông đi B vào Nam, cùng Tổng biên tập Trần Phong và nhà báo Tâm Trí thành lập Báo Giải Phóng. Ngày 4/2/1977, 3 tổ chức Mặt trận được thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng được sáp nhập thành Báo Đại Đoàn Kết. Nhà báo Thái Duy tiếp tục làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đến khi nghỉ hưu (1995).

Ngày xuất bản: 16/4/2024
Nội dung: HỮU VIỆT
Trình bày: HẠNH VŨ
Ảnh: TTXVN, TRẦN HẢI, congluan.vn