Các Nghị quyết phát triển vùng:

Nhận diện thách thức để giải bài toán phát triển, liên kết vùng

Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết về phát triển vùng, mỗi vùng kinh tế đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù. Nhận diện được khó khăn, thách thức với từng tỉnh, thành phố, từng vùng kinh tế trọng điểm chính là cách để có thêm bài học thực tiễn, kiến giải chính sách và tạo thêm động lực thực hiện thành công nhóm Nghị quyết trong tương lai.

1

Khó khăn về hạ tầng giao thông

“Chúng tôi chưa có một kilomet cao tốc nào đúng nghĩa”.

Đó là chia sẻ thẳng thắn của đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khi nói về những khó khăn trong khi triển khai Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị tại địa phương.

Theo đồng chí, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 11-NQ/TW), tỉnh Bắc Kạn đã thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Kạn để tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 30/9/2022; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 828/KH-UBND ngày 12/12/2022 để tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.

Đồng thời, để cụ thể hóa các nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn đã thành lập Tổ điều phối vùng tỉnh Bắc Kạn và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ điều phối vùng, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể đến các sở, ngành để tham mưu triển khai các nhiệm vụ, hoạt động liên kết vùng, lập quy hoạch vùng,…

“Chúng tôi chưa có một kilomet cao tốc nào đúng nghĩa”

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh là tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kết cấu hạ tầng, liên kết với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phù hợp quy hoạch phát triển của vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia. Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông đồng bộ, hiện đại và thông minh.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình thông tin: Sau 1 năm triển khai Nghị quyết, hiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn còn yếu và thiếu. Cụ thể, Bắc Kạn mới chỉ có một đoạn bán cao tốc chạy từ Thái Nguyên lên tới huyện Chợ Mới.

“Ngoài trục nối dọc này, từ Bắc Kạn nếu muốn đi đến Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc đều phải qua Hà Nội nên rất xa. Nếu như có các trục đường ngang sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Theo tôi, đây là một bài toán đặt ra, vì ngoài phát huy tiềm năng thế mạnh ra thì cũng phải đầu tư một nguồn lực nhất định để kết nối giao thông, hạ tầng”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ.

“Giao thông chưa tốt khiến cho giá thành sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp bị tăng cao do phải “cõng” thêm chi phí vận chuyển, từ đó đánh mất một phần lợi thế cạnh tranh”

Ông Hoàng Văn Khởi, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn

Ông Hoàng Văn Khởi, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh xác định cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối các huyện, đặc biệt là tuyến từ thành phố đi hồ Ba Bể, tuyến từ Chợ Mới lên thành phố. Tuy nhiên, thực tế do kinh tế địa phương vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn ngân sách Trung ương nên hạ tầng giao thông vẫn chưa có bước chuyển biến rõ rệt.

“Giao thông chưa tốt khiến cho giá thành sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp bị tăng cao do phải “cõng” thêm chi phí vận chuyển, từ đó đánh mất một phần lợi thế cạnh tranh”, ông Khởi khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đề xuất, để Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị phát huy được hiệu quả, cần phải có sự phát triển đột phá về hạ tầng giao thông trong vùng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông là giải pháp then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy liên kết vùng; đồng thời cần có những chính sách, nguồn lực để tạo thêm mạng lưới hạ tầng liên kết vùng. Theo đó, Tỉnh đề xuất Trung ương xem xét hỗ trợ đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối giữa các tỉnh, nhất là kết nối theo trục ngang; có chính sách hỗ trợ liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng.

Một đoạn tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Một đoạn tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch thực hiện với mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao. Cần Thơ đã đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tăng trưởng GRDP đạt mức 7-7,5%/năm giai đoạn 2025-2030, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9-11,5%/năm, tổng thu ngân sách hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao…

Theo đồng chí, hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 4 tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang, với chiều dài hơn 350km. Trong đó, cao tốc Cần Thơ-Cà Mau (dài hơn 110km), Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (dài 188km) là 2 tuyến trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển của vùng.

Khó khăn lớn nhất của các tuyến cao tốc này là thiếu cát đắp nền làm chậm tiến độ do nguồn cát khai thác ở các sông ngày càng cạn kiệt, khai thác cát ảnh hưởng đến sụt lún, sạt lở đất đe dọa sự phát triển của đồng bằng.

Đối với cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Chính phủ giao cho các địa phương làm chủ đầu tư đoạn qua địa bàn mình, đồng thời phải có vốn đối ứng cùng với ngân sách Trung ương đầu tư tuyến cao tốc này. Trong năm 2023, Cần Thơ đã bố trí 1.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho dự án này. Tuy nhiên, ngân sách địa phương hạn hẹp, để có vốn cho dự án này, thành phố Cần Thơ phải cắt giảm vốn những dự án khác để bố trí cho dự án, làm ảnh hưởng chung đến đầu tư phát triển của thành phố.

"Hiện, khoảng 80% hàng hóa xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long phải vận chuyển lên cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh hàng hóa vùng”

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ. (Ảnh: Thành ủy Cần Thơ)

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ. (Ảnh: Thành ủy Cần Thơ)

Một khó khăn, thách thức khác đối với Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cần khơi thông luồng tàu có tải trọng lớn vào sông Hậu. Hiện kênh Quan Chánh Bộ sau một thời gian khai thác đã bị bồi lắng, tàu tải trọng lớn không thể vào được và đang chờ cải tạo, nạo vét. Dự án nạo vét luồng Định An cho tàu tải trọng 5.000 tấn vào sông Hậu đang triển khai theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 45 Quốc hội nhưng tiến độ chậm.

“Do vậy, hiện tại, tàu có tải trọng lớn không thể vào cụm cảng Cái Cui để vận chuyển hàng nông sản tiêu thụ. Hiện, khoảng 80% hàng hóa xuất khẩu của vùng phải vận chuyển lên cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh hàng hóa vùng”, đồng chí Phạm Văn Hiểu nhận định.

Trong khi đó, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Kết cấu hạ tầng thiếu và yếu hiện nay thậm chí chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kể cả giao thông kết nối nội vùng hay liên vùng. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý nhà nước cũng còn thiếu sự liên kết và phối hợp; cơ chế liên kết để tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển ngành, lĩnh vực và vùng hiện nay mới được hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh.

Khu vực cảng Cái Cui, Cần Thơ. (Ảnh: LÊ AN)

Khu vực cảng Cái Cui, Cần Thơ. (Ảnh: LÊ AN)

Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Nghị quyết 13-NQ/TW) và xuất phát từ thực tiễn phát triển của tỉnh Đồng Tháp, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 48-CTr/TU ngày 17/02/2023 với 05 quan điểm phát triển, 17 nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 và 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để lãnh đạo triển khai thực hiện.

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa nêu quan điểm: Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch, giải quyết các điểm nghẽn trong lĩnh vực giao thông vận tải phù hợp với quy hoạch Vùng được phê duyệt.

Bên cạnh đó, cần tăng cường nghiên cứu hoàn thiện cơ chế điều phối liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo cơ sở cho việc định hướng xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng, cũng như giữa các ngành, lĩnh vực trong quá trình tổ chức triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng chung của vùng, hoặc công trình có phạm vi ảnh hưởng liên vùng, quốc gia và quốc tế.

Cảng Hải Phòng. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Cảng Hải Phòng. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, hiện thực hóa Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 30-NQ/TW), những năm qua, TP Hải Phòng tập trung phát triển theo mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.

Mặc dù vậy, việc phát triển kinh tế biển, thông thương kinh tế liên vùng-một trong những trọng tâm chính của Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đang gặp khó vì… giao thông.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng cho biết: Hiện, cơ sở hạ tầng về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa kết nối với cảng biển cơ bản chưa đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Ông Vũ dẫn chứng: Để phát triển cảng tại Lạch Huyện, các doanh nghiệp sẽ cần hoàn thiện đường phía sau cảng. Hiện nay, khu vực này mới chỉ được hoàn thiện hạ tầng giao thông đến bến 1, 2.

“Các bến từ 3-12 theo dự kiến sẽ được hoàn thiện dần nhưng vẫn vướng mắc về giao thông. Nếu để doanh nghiệp tự làm, sẽ dẫn đến không đồng bộ về mặt hạ tầng, vướng mắc về cơ chế”, ông Vũ nói.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Tại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong một năm qua, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 26-NQ/TW), tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là các nội dung liên quan đến phát triển các ngành kinh tế biển. Mặc dù có thuận lợi lớn về giao thông biển, nhưng Quảng Ngãi lại “gặp khó”… trên núi.

Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết, hiện nay, Quảng Ngãi có nhiều huyện miền núi, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc miền núi còn khó khăn, trong khi các nguồn vốn đầu tư hằng năm có hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh; đặc biệt là đầu tư đồng bộ hạ tầng để tạo kết nối, giao thương trong phát triển vùng.

Tuyến quốc lộ 29 Phú Yên-Đắk Lắk kết nối cảng Vũng Rô khu kinh tế nam Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên. (Ảnh TRUNG THI)

Tuyến quốc lộ 29 Phú Yên-Đắk Lắk kết nối cảng Vũng Rô khu kinh tế nam Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên. (Ảnh TRUNG THI)

Tại vùng Tây Nguyên, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk thông tin: Sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 23-NQ/TW) được ban hành, Trung ương và các địa phương trong vùng đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết đề ra, đặc biệt Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW. Điển hình như đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022, trong đó cụ thể hóa thành 23 nhiệm vụ cụ thể; 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối của vùng. Thành lập Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên nhằm xác định cơ chế hoạt động, phương thức phối hợp trong việc đưa ra những hành động cấp vùng; lựa chọn lĩnh vực, nhiệm vụ ưu tiên của từng tiểu vùng, địa phương… để thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng.

Mặc dù vậy, hiện nay, cũng như nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên, mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật-xã hội tỉnh Đắk Lắk còn thiếu đồng bộ. Hệ thống giao thông đường bộ còn hạn chế so với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế chủ yếu tập trung vào các khu vực đô thị và các vùng ven trục giao thông chính; các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc còn phát triển chậm.

2

Bài toán khó về nguồn nhân lực

Bên cạnh khó khăn liên kết vùng, trong quá trình triển khai các Nghị quyết phát triển kinh tế vùng, nhiều địa phương cũng vấp phải lực cản lớn từ nguồn nhân lực.

Bắc Kạn là địa phương có dân số thuộc diện thấp nhất cả nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có duy nhất một khu công nghiệp tập trung tại huyện Chợ Mới. Mặc dù là giữa tuần nhưng xưởng sản xuất của công ty Lincheenwood trong Khu công nghiệp Thanh Bình vẫn còn 2 dây chuyền bỏ không do… thiếu nhân lực.

Bà Nông Thị Kiểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Mặc dù yêu cầu nhân công chủ yếu là lao động phổ thông nhưng nhà máy cũng thường xuyên không tìm đủ người”.

"Thời gian qua, Bắc Kạn đã đầu tư cho đào tạo nhân lực, đào tạo nghề nhưng lại thiếu khu làm việc tập trung khi toàn tỉnh có một khu công nghiệp duy nhất với quy mô 150ha tại Chợ Mới. Do đó, nguồn nhân lực của tỉnh lại đi làm ở các tỉnh lân cận, phát triển hơn như Bắc Giang, Thái Nguyên"

Ông Hoàng Văn Khởi, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn

Ông Hoàng Văn Khởi, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ông Hoàng Văn Khởi, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Lý giải về điều này, ông Hoàng Văn Khởi, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Đảng bộ tỉnh đã xác định phát triển công nghiệp là một trong 4 trọng tâm hàng đầu. Mặc dù vậy, quá trình phát triển gặp rất nhiều khó khăn do vướng quy hoạch, hết chỉ tiêu quỹ đất dành cho công nghiệp, hạ tầng giao thông và cả vấn đề nguồn nhân lực.

“Thực tế, thời gian qua, Bắc Kạn đã đầu tư cho đào tạo nhân lực, đào tạo nghề nhưng lại thiếu khu làm việc tập trung khi toàn tỉnh duy nhất có một khu công nghiệp duy nhất với quy mô 150ha tại Chợ Mới. Do đó, nguồn nhân lực của tỉnh lại đi làm ở các tỉnh lân cận, phát triển hơn như Bắc Giang, Thái Nguyên”, ông Khởi nói.

Ngoài ra, trình độ lao động địa phương chưa cao, tác phong kỷ luật chưa tốt nên tình trạng tự ý nghỉ việc vẫn rất phổ biến. Qua một vài năm, chất lượng nguồn lao động đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Mặc dù vậy, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao lại rất… nan giải.

“Thực tế, việc phát triển khu công nghiệp cần gắn với phát triển đô thị, dịch vụ hạ tầng kèm theo, như thế mới thu hút được nguồn lao động chất lượng cao. Hiện nay, tại Khu công nghiệp Thanh Bình, việc tìm được kế toán, quản trị, lao động kỹ thuật là rất khó khăn”, ông Khởi thừa nhận.

Được sự hỗ trợ chi phí đào tạo nghề giúp nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk học được nghề dệt thổ cẩm. (Ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ)

Được sự hỗ trợ chi phí đào tạo nghề giúp nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk học được nghề dệt thổ cẩm. (Ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ)

Đồng chí Triệu Đức Văn, Bí thư Đảng ủy huyện Chợ Mới cũng cho rằng, việc đào tạo nghề hiện chưa gắn với nhu cầu việc làm thực tế. Nguồn nhân lực địa phương thường chỉ là lao động phổ thông, do đó tạo thành lực cản nếu muốn phát triển dài hơi hơn.

Nghị quyết 11-NQ/TW đặt ra mục tiêu: Phát triển toàn diện là sự phát triển với người dân là trung tâm, người dân là mục tiêu và là động lực của sự phát triển. Đó là sự phát triển đảm bảo sự bình đẳng không chỉ trong thụ hưởng các thành quả của phát triển mà còn cả trong cơ hội tham gia vào quá trình phát triển, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa vùng với các vùng khác; giảm nghèo bền vững và đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Đây chính là tính xã hội chủ nghĩa trong phát triển vùng.

Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, hiện nay, tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp còn lớn. Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức còn khá cao; đa số lao động trong các khu vực này là lao động giản đơn, có tính thời vụ, không ổn định nên năng suất lao động thấp. Ngoài ra, Quảng Ngãi có nhiều huyện miền núi, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc miền núi còn khó khăn, trong khi các nguồn vốn đầu tư hàng năm có hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh.

"Hiện nay, tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tại Quảng Ngãi còn lớn. Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức còn khá cao; đa số lao động trong các khu vực này là lao động giản đơn, có tính thời vụ, không ổn định nên năng suất lao động thấp"

Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, bên cạnh các khó khăn về hạ tầng như đã nêu trên, hiện Đắk Lắk cũng gặp vướng mắc về nguồn nhân lực.

“Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt ở các khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý giỏi; trình độ chuyên môn kỹ thuật, quản lý, điều hành chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, mặt bằng phát triển kinh tế của tỉnh không đồng đều chủ yếu tập trung vào các khu vực đô thị và các vùng ven trục giao thông chính; các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc còn phát triển chậm. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khó lường, tạo ra những thách thức lớn, ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh”, đồng chí Nguyễn Đình Trung nêu.

Nhận diện lực cản, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao; bảo đảm đưa các Nghị quyết phát triển vùng kinh tế về đích thắng lợi.

3

Tư duy liên kết vùng "nghẽn"... ngay từ cơ sở

Năm 2019, một khoảng thời gian sau khi Khu công nghiệp Thanh Bình - khu công nghiệp đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bắc Kạn được thành lập, công ty Lechenwood chính thức đầu tư, xây dựng nhà xưởng sản xuất tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới. Với mục tiêu tận dụng vùng nguyên liệu gỗ dồi dào cùng nguồn nhân lực giá rẻ tại địa phương, Lechenwood tập trung phát triển các sản phẩm gỗ dán, ván sàn, ván ép để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Thế nhưng, từ khoảng 3 năm trở lại đây, những lợi thế này lại đang dần bị mất đi.

"Nguồn nguyên liệu tại địa phương rất phong phú, có tiềm năng lớn, tuy nhiên giữa người trồng rừng và nhà máy sản xuất vẫn chưa có được sự liên kết chặt chẽ"

Bà Nông Thị Kiểm, Phó Tổng Giám đốc công ty Lechenwood

Sở dĩ, Lechenwood nói riêng, các doanh nghiệp ngành gỗ nói chung tại Khu công nghiệp Thanh Bình đang “gặp khó” bởi mối liên kết từ vùng trồng, khai thác và vùng sản xuất chưa thực sự bền vững và nhất quán. Quá trình thu mua gỗ bóc của doanh nghiệp theo quy trình từ chủ rừng bán cho các tư thương… qua rất nhiều khâu mới đến doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp chỉ có thể truy xuất được 1-2 chủ thể trước họ chứ không thể truy xuất đến chủ rừng.

Thừa nhận tình trạng trên, bà Kiểm thông tin: Hiện đơn vị này mới có khoảng 20% nguyên liệu từ trong tỉnh, còn lại vẫn phải nhập từ bên ngoài.

“Nguồn nguyên liệu tại địa phương rất phong phú, có tiềm năng lớn, tuy nhiên giữa người trồng rừng và nhà máy sản xuất vẫn chưa có được sự liên kết chặt chẽ. Để giải quyết vấn đề này thì giữa người trồng rừng, chính quyền và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ, sao cho gỗ từ rừng có thể về ngay nơi chế biến trong tỉnh thì sẽ nâng cao hiệu quả lâm sản địa phương", bà Nông Thị Kiểm, Phó Tổng Giám đốc công ty Lechenwood cho biết.

Thiếu tính liên kết vùng trong chính cấp cơ sở thực tế là vấn đề không hề hiếm gặp tại nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế khác nhau trên cả nước.

Tại Bắc Kạn, Công ty TNHH Misakia Việt Nam buộc phải tìm nguyên liệu chế biến tận Hà Giang, Cao Bằng khi không thể chủ động tạo dựng vùng nguyên liệu ở địa phương. Đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cũng cho biết, nhiều mô hình liên kết sản xuất tại các thôn, bản chưa thành công, khi người dân không thực sự mặn mà. Thêm vào đó, điều kiện núi đồi chia cắt cũng khiến cho mối liên kết nội tại trở nên… dễ bị tổn thương hơn.

Đồng chí Triệu Đức Văn, Bí thư Đảng ủy huyện Chợ Mới thẳng thắn: Mặc dù là địa bàn có điều kiện thuận lợi bậc nhất về hạ tầng-giao thông của tỉnh Bắc Kạn khi nằm ở cửa ngõ, trên trục quốc lộ 3 nối với Thái Nguyên, nhưng hệ thống đường ngang liên xã, liên vùng của Chợ Mới vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. Do những khó khăn về ngân sách cũng như nguồn lực, mối liên kết giữa các xã, thôn chưa được chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp sau khi đi khảo sát dự án tại các khu vực không thuận tiện về giao thông đều… lắc đầu từ chối.

“Thậm chí như trong lĩnh vực khai thác nông lâm nghiệp, người dân và cả doanh nghiệp sẵn sàng phá chuỗi liên kết. Người dân thì bán ra ngoài khi được giá, hoặc doanh nghiệp hạn chế thu mua”, đồng chí Triệu Đức Văn thông tin.

Dẫn thí dụ trường hợp của Lechenwood, Bí thư huyện ủy Chợ Mới cho rằng, doanh nghiệp hiện nay chủ yếu đầu tư vào giai đoạn cuối mà chưa đầu tư, ký kết với người dân để hình thành vùng trồng nguyên liệu ổn định.

“Thậm chí như trong lĩnh vực khai thác nông lâm nghiệp, người dân và cả doanh nghiệp sẵn sàng phá chuỗi liên kết. Người dân thì bán ra ngoài khi được giá, hoặc doanh nghiệp hạn chế thu mua”

Đồng chí Triệu Đức Văn, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn

Đồng chí Triệu Đức Văn, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đồng chí Triệu Đức Văn, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Liên kết yếu từ cơ sở, dẫn tới việc chuỗi liên kết giữa tỉnh và tỉnh cũng còn nhiều hạn chế. Điển hình như tại khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, sau một năm triển khai Nghị quyết 11/NQ-TW, tình trạng phát triển tự phát, thiếu kết nối vẫn còn tồn tại. Giữa tháng 9/2023, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng điều phối Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương chưa thực chất, hiệu quả thấp, nhất là giải quyết các vấn đề mang tính toàn vùng như lao động, việc làm, thị trường tiêu thụ, môi trường, hệ thống kết nối giao thông.

Đánh giá trên góc độ từ thực tiễn địa phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình cho rằng: Trong quá trình triển khai Nghị quyết 11-NQ/TW, tỉnh gặp không ít khó khăn; trong đó không thể không kể đến điều kiện tự nhiên chia cắt, dân cư phân bố thưa thớt, không đều, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng giao thông, đường kết nối chưa đồng bộ và liên thông. Chính bởi những khó khăn trên, nên tính liên kết vùng còn kém.

“Trong giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết, Bắc Kạn cũng như một số địa phương trong vùng đang tập trung phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông, bước đầu tạo cơ sở để thúc đẩy liên kết vùng. Do vậy, hiện nay, các mô hình phát triển theo chuỗi liên kết của tỉnh Bắc Kạn với các địa phương khác trong vùng còn rất hạn chế”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn thẳng thắn.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình khẳng định: Để bài toán liên kết vùng được giải quyết triệt để, cần phải có sự liên kết trong tư duy, kết nối trong hành động.

“Tôi cho rằng, quan trọng là các tỉnh cần huy động chất xám, lắng nghe các ý kiến, cho ý kiến về phát triển vùng, liên kết vùng. Người dân cần gì trong liên kết, chính quyền cấp cơ sở cần gì để kết nối tốt hơn. Đầu tiên là kết nối từ tư duy, cùng với đó là kết nối trong hành động. Chúng ta tư duy đúng, có chủ trương đúng nhưng chúng ta phải hành động cùng nhau, đi cùng nhau, chia sẻ lợi ích chung của vùng, dài hạn và có cái nhìn tổng thể”, đồng chí Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh.

4

Vướng mắc về quy hoạch, chính sách

Bên cạnh những khó khăn về hạ tầng giao thông, tính liên kết vùng, nguồn nhân lực, các địa phương cũng đang phải đối mặt với nhiều bài toán liên quan tới quy hoạch cần phải giải.

Tại vùng Đồng Bằng sông Hồng, Nghị quyết 30-NQ/TW được xem là căn cứ để Hà Nội nghiên cứu, đề xuất Quốc Hội xem xét sửa đổi Luật Thủ đô 2012 và lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.

Ngay sau khi có các Nghị quyết của Trung ương, Hà Nội đã chủ động xây dựng, ban hành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù của Thủ đô. Trong đó luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô đối với quá trình phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Mặc dù vậy, Thủ đô cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trọng tâm là hạn chế về nguồn lực, nhất là vốn đầu tư.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho hay: Hiện nay việc thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách hiện nay còn khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách đầu tư, đất đai; nhiều dự án có sử dụng đất chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực. Thu ngân sách có quy mô khá lớn nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư phát triển.

Ga Cầu Giấy thuộc tuyến Metro Nhổn-ga Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ga Cầu Giấy thuộc tuyến Metro Nhổn-ga Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Việc giảm tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách đã làm ảnh hưởng lớn đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố (giai đoạn 2009-2010 là 45%, giai đoạn 2011-2016 là 42%, giai đoạn 2017-2021 giảm còn 35%, giai đoạn 2022-2025 giảm còn 32%). Ngoài ra, phân cấp của Trung ương cho Thành phố một số nội dung chưa tính đến đặc thù của Thủ đô cũng làm hạn chế sự chủ động trong việc huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, Hà Nội đang nghiên cứu, sửa đổi Luật Thủ đô 2012 theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, nhằm tiến tới tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung tiến lên.

“Nếu những “nút thắt” này được tháo gỡ, không chỉ Hà Nội có sức bật mới để phát triển mà các địa phương khác, các cơ sở, đơn vị liên quan cũng có cơ hội”, lãnh đạo Thành phố thông tin.

Tại vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, tỉnh Bắc Kạn cũng đang đặt trọng tâm vào vấn đề “gỡ vướng” trong quy hoạch. Theo đồng chí Nguyễn Đăng Bình, thực tế, chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các tỉnh trong vùng khá lớn và đang có xu hướng nới rộng thêm, trình độ phát triển kinh tế giữa các tỉnh trong vùng không đồng đều, chỉ tập trung phát triển mạnh ở một số tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn, tập trung gần vùng đồng bằng sông Hồng và nằm trên các hành lang kinh tế kết nối với Trung Quốc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ; một số tỉnh có điều kiện tự nhiên không thuận lợi và còn gặp nhiều khó khăn như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang,...

Tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, Trung ương cũng đã nhấn mạnh về sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng. Hội đồng điều phối vùng có vai trò rất quan trọng để giải quyết vấn đề liên kết vùng, Hội đồng là tổ chức liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, đề án, dự án,… có quy mô vùng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng, điều phối cân đối nguồn lực để đảm bảo được sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nằm trên địa bàn 2 huyện Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội), tổng diện tích quy hoạch gần 1.600ha. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nằm trên địa bàn 2 huyện Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội), tổng diện tích quy hoạch gần 1.600ha. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Tại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, Quảng Ngãi là địa phương đang tích cực triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW. Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, trong quá trình thực hiện, địa phương đang đối mặt với không ít thách thức đến từ cả khách quan lẫn chủ quan.

Cụ thể, địa phương đang chịu tác động tiêu cực của những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới gây ảnh hưởng bất lợi tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt là tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo và lao động trong các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi nằm ở vùng duyên hải miền Trung, thường xuyên bị tác động tiêu cực của thiên tai (bão, lũ, lụt,…), vì vậy có những khó khăn nhất định.

Năng lực quản lý, điều hành của một số cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở còn hạn chế; nhân lực trong bộ máy nhà nước có bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Việc tổ chức thực hiện, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của cấp trên chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới để phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành, địa phương, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Theo đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương quán triệt, tuyên truyền và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW với 5 nhóm mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, bám sát quan điểm, mục tiêu và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; đồng thời, bảo đảm phù hợp với 12 chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh những thuận lợi, thành phố sông Hàn cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhấn mạnh tầm vai trò của nguồn nhân lực và hạ tầng, đồng chí thông tin: Năm 2023, Đà Nẵng đã chọn chủ đề “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”.

“Sở dĩ chọn chủ đề này bởi vì chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng nền tảng phát triển, quy mô hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực hiện nay đều chưa theo kịp yêu cầu phát triển của một đô thị năng động, đầu tàu, động lực dẫn dắt sự phát triển của vùng”, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết thẳng thắn nói.

Ngoài ra, đồng chí cũng lưu ý những thách thức từ việc thực hiện những chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 26-NQ/TW là rất lớn khi đặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay của khu vực, cả nước và thành phố, nhất là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán và thi hành các bản án đã kéo dài nhiều năm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhất là trong thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư của các dự án, ảnh hưởng lớn đến việc khơi thông các nguồn lực của thành phố để triển khai Nghị quyết.

Riêng về định hướng phát triển kinh tế biển, đồng chí khẳng định: Thực tiễn cho thấy mặc dù có tầm nhìn chiến lược, có Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển từ khá sớm, song phát triển kinh tế biển còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai do thiếu các văn bản quy định chi tiết, thiếu các kế hoạch và chương trình hành động. Cụ thể như: (1) Hiện nay, vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể về việc xác định, đánh giá các ngành kinh tế thuần biển làm cơ sở giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; (2) Cần có bộ chỉ tiêu thống kế quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh để làm cơ sở giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

"Thực tiễn cho thấy mặc dù có tầm nhìn chiến lược, có Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển từ khá sớm, song phát triển kinh tế biển còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai do thiếu các văn bản quy định chi tiết, thiếu các kế hoạch và chương trình hành động"

Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng

Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng.

Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng.

“Nghị quyết số 26-NQ/TW thực sự như làn gió mới thắp lên niềm tin, động lực mới để Đà Nẵng vượt lên, phát triển xứng tầm như kỳ vọng của Trung ương và người dân thành phố. Hơn ai hết, chính người dân trên mảnh đất kiên trung này càng khát khao, mong mỏi phải làm sao phát huy hết ý chí tự lực, tự cường, dốc sức, đồng lòng huy động mọi nguồn lực để đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, đi vào thực tiễn công cuộc đổi mới phát triển của chính Đà Nẵng và cho cả vùng”, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

Tại Tây Nguyên, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận định: Xuất phát điểm của nền kinh tế vùng Tây Nguyên còn thấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa có nhiều sản phẩm mang tính đột phá; chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa chưa cao trong khi áp lực cạnh tranh lớn, đặc biệt từ quá trình hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh, vì vậy, các thế lực thù địch, phản động, FULRO, đối tượng bất mãn, chống đối chính trị thường xuyên tổ chức các hoạt động chống phá với nhiều hình thức tinh vi, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tình hình an ninh trên một số lĩnh vực như dân tộc, nông thôn, đô thị có nhiều diễn biến phức tạp.

Đồng chí cho biết thêm, thời gian tới đây, Đắk Lắk đặt ra nhiều mục tiêu để hiện thực hóa Nghị quyết 23-NQ/TW, trong đó đặt trọng tâm vào hoàn thành việc lập, trình phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia và Quy hoạch vùng Tây Nguyên để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù của tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Phương án sử dụng đất chuyển giao từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và hằng năm các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ngay từ đầu năm, làm cơ sở thu hút đầu tư, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

"Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh"

Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk

Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin: Trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Đồng Tháp nói riêng đang đối mặt với ba thách thức, gồm có: thách thức toàn cầu, thách thức khu vực và thách thức tại địa bàn.

“Các thách thức không chỉ tác động riêng lẻ mà có mối quan hệ tác động tương hỗ chặt chẽ lẫn nhau nên việc dự báo hệ quả của các tác động này là một thách thức tổng hợp đối với sự phát triển bền vững của Vùng và địa phương là một vấn đề nan giải và còn nhiều ý kiến chưa được thống nhất”, đồng chí nhấn mạnh.

Cụ thể, Đồng Tháp nói riêng, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng; toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập và an ninh lãnh thổ, quốc gia. Hạn hán, xâm nhập mặn, đường bờ biển bị xâm thực, sạt lở bờ sông cho thấy Biến đổi khí hậu đang diễn ra là một thách thức thực tế đối với sự phát triển của Vùng và địa phương, sự uy hiếp sống còn đối với vùng châu thổ. Trong bối cảnh bị đe dọa như vậy, nền kinh tế phải nâng cao sức cạnh tranh và phải thiết lập được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu trong khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và hàm chứa những yếu tố bất ổn và khó dự báo.

"Quản lý nhà nước còn thiếu sự liên kết và phối hợp; cơ chế liên kết để tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển ngành, lĩnh vực và vùng hiện nay mới được hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh; khả năng dự báo, nhận diện những tác động thay đổi đến địa phương, vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế còn hạn chế"

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Về thách thức khu vực, ngoài cản trở từ kết cấu hạ tầng, giao thông đã nêu ở phần trước, đồng chí cho rằng: Công nghiệp chế biến của Đồng Tháp chưa phát triển; nông nghiệp chưa hình thành được vùng chuyên canh quy mô lớn, các chuỗi giá trị, các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ để tập trung cho xuất khẩu. Ô nhiễm môi trường, nguồn nước có xu hướng gia tăng, nhất là ở các khu đô thị. Phát triển văn hóa-xã hội còn nhiều bất cập, nguồn nhân lực thấp chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Còn chênh lệch về mức độ phát triển giữa các địa phương trong vùng.

Ngoài ra, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước (trong lưu vực và ra ngoài lưu vực) để phục vụ sản xuất và nhất là việc khai thác thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống, trong khi nhu cầu về nước trong lưu vực ngày càng tăng. Các đập thuỷ điện của Trung Quốc, Thái Lan đã thay đổi dòng chảy, thay đổi hệ sinh thái thuỷ văn lưu vực sông và giữ lại một lượng nước và trầm tích quan trọng tại các lòng hồ thuỷ điện. Điều này đã và đang làm cho nguồn nước và phù sa trên dòng Mekong ngày càng suy giảm, làm thay đổi đến địa hình, địa mạo và nghiêm trọng hơn là đe doạ đến sự tồn tại của Vùng, tác động tiêu cực đến môi trường, đa dạng sinh học, đời sống dân cư, tập quán sản xuất và nguy cơ sụt lún và xâm thực.

Đồng Tháp là địa phương với vị trí nằm ở thượng nguồn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi bắt nguồn của dòng Mekong khi vào lãnh thổ Việt Nam cũng đang đối diện với các thách thức trên. Đồng Tháp đã và đang chứng kiến tình hình lũ về ngày càng ít, phù sa ngày càng suy giảm. Mặt khác, việc mở rộng hệ thống thuỷ nông trên đất Campuchia đã làm giảm lượng nước tràn đồng. Việc nâng cao đường xuyên á AH1 vượt đỉnh lũ năm 2000 đã giảm lượng nước lũ tràn đồng vào Đồng Tháp. Việc khai thác vận hành các đập thuỷ điện ở thượng nguồn đã làm tăng nguy cơ hạn hán, lũ lụt mang tính cục bộ và khó dự báo.

Về thách thức tại địa bàn: Đó là việc khai thác tài nguyên (rừng tràm, cát sông, nước ngầm, tài nguyên đất, tài nguyên nước, …) chưa hợp lý và hầu như công tác quản lý còn kém, chưa chặt chẽ. Việc huy động nguồn lực tài nguyên cho mục tiêu phát triển nói chung, nông nghiệp nói riêng tiếp tục thiên về chiều rộng, chậm đi vào chiều sâu, nhận thức của người dân và cộng đồng chưa có nhiều chuyển biến. Sự tham gia vào chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chưa sâu nên chưa nâng cao giá trị và thu nhập của người dân, doanh nghiệp.

Về tầm vĩ mô, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh: Quản lý nhà nước còn thiếu sự liên kết và phối hợp; cơ chế liên kết để tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển ngành, lĩnh vực và vùng hiện nay mới được hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh; khả năng dự báo, nhận diện những tác động thay đổi đến địa phương, Vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế còn hạn chế, nhất là đối với nông nghiệp - lĩnh vực đang chịu nhiều ảnh hưởng, rủi ro từ biến đổi khí hậu. Là hậu phương vững chắc cho quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế của quốc gia đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn đang là vùng trũng về giáo dục, năng suất lao động, chất lượng nhân lực thấp và hạ tầng cơ sở còn yếu, nhiều bất cập.

Một chiều cuối tháng 10. Xe chúng tôi sau cùng cũng dừng ở điểm đầu tiên của tuyến đường nối giữa thành phố Bắc Kạn và hồ Ba Bể. Được khởi công từ tháng 4/2022, tức là chỉ ít lâu sau khi Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, đây chính là dự án trọng điểm trong phát triển hạ tầng của tỉnh.

Dự án bao gồm 2 giai đoạn, trong đó trong 3 năm đầu tiên sẽ tập trung xây dựng tuyến đường TP Bắc Kạn - Hồ Ba Bể với chiều dài 39 km. Sau đó, dự án được bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để xây dựng đoạn tuyến từ huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn kết nối với huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, với chiều dài tuyến khoảng 37,5km.

Nhìn những kilomet đường đầu tiên phẳng lì, mềm mại uốn lượn xuyên qua núi non, sông suối, giống dải lụa mảnh mai hướng về phía hồ Ba Bể, anh đồng nghiệp đi cùng chúng tôi không ngừng xuýt xoa. Con đường mới hình như đang mở ra những hy vọng vươn lên của một tỉnh vốn thuộc diện “lõi nghèo” của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ như Bắc Kạn.

Xa hơn, trên khắp 6 vùng kinh tế, những “con đường vượt qua thách thức, chạy thẳng tới tương lai” cũng đang dần được hình thành và trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Khó khăn còn nhiều, nhưng quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương rất lớn. Trên lộ trình ấy, vai trò của Nhà nước rất quan trọng để giúp các địa phương có được cơ chế, chính sách về mặt nguồn lực để cùng “cất cánh”.

Ngày xuất bản: 30/10/2023
Tổ chức chuyên đề: Ngọc Thanh
Thực hiện chuyên đề: Văn Bắc - Việt Anh - Hồng Vân - Kiều Hương - Sơn Bách - Thiên Lam - Khánh Giang - Thành Đạt - Văn Toản - Thanh Tùng - Văn Lúa - Công Lý - Hiển Cừ - Trịnh Bình - Hữu Nghĩa - Thanh Tâm - Huy Thạch - Trung Hiếu - Bông Mai - Thi Uyên