
Cái tên Thép Mới đối với thế hệ trẻ hôm nay có lẽ ít được biết tới, nhưng đối với thế hệ trước là sự thân thuộc và ngưỡng mộ. Ông là một cây bút lớn của Báo Nhân Dân và làng báo chí cách mạng Việt Nam; là nhà báo rất gắn bó với mảnh đất, con người Hà Nội, có đóng góp to lớn với công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô trên mặt trận tư tưởng, báo chí. Những bài viết của ông trên Báo Nhân Dân luôn được mọi người đón đọc, ghi nhớ.

Ông tên thật là Hà Văn Lộc, sinh ngày 15/2/1925 tại thành phố Nam Định; nhưng nguyên quán là xã Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Năm 1938, ở tuổi niên thiếu, Thép Mới gia nhập Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương ở Nam Định và đã bị thực dân Pháp bắt giam.
Ra tù, Thép Mới về Hà Nội học Trường Bưởi, sau đó vào học Trường Luật; hoạt động sôi nổi trong các phong trào Thanh niên Dân chủ, Sinh viên và Thanh niên Cứu quốc, Văn hóa Cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu và tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Thép Mới làm phóng viên Báo Cờ Giải Phóng - Cơ quan của Trung ương Đảng, viết nhiều bài về khí thế cách mạng của Thủ đô; đấu tranh với những luận điệu xấu của các tờ báo phản động.
Tháng 11/1945, Đảng ta rút vào bí mật, Báo Sự Thật thay báo Cờ Giải Phóng, Thép Mới trở thành một trong những cây bút chủ lực của báo về phóng sự, điều tra.
Tháng 12/1946, ông được điều động phụ trách Báo Cứu Quốc Thủ Đô, đóng ở làng Sét, xuất bản trong lòng Hà Nội kháng chiến.
Thời gian này, ông viết những phóng sự nổi tiếng "Những ngày đầu tháng Chạp nóng bỏng", "Hà Nội cầm súng chiến đấu" miêu tả những ngày đầu cuộc kháng chiến anh hùng của quân, dân Hà Nội với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Đầu năm 1947, sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, Thép Mới trở về làm phóng viên Báo Sự Thật...

Nhà báo Thép Mới cùng các nhà văn, nhà báo chứng kiến cảnh Bệnh viện Bạch Mai bị bom Mỹ tàn phá năm 1972. Ảnh: Trịnh Hải
Nhà báo Thép Mới cùng các nhà văn, nhà báo chứng kiến cảnh Bệnh viện Bạch Mai bị bom Mỹ tàn phá năm 1972. Ảnh: Trịnh Hải
Kể từ khi là học sinh, sinh viên cho tới lúc bước chân vào làng báo, Thép Mới luôn có những cống hiến và gắn bó với mảnh đất, con người Hà Nội như thế.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà báo Thép Mới đã đi nhiều nơi, đến nhiều mặt trận, vào cả những vùng sau lưng địch, viết nhiều bài phóng sự sắc bén, nức lòng người.
Năm 1951, Đảng ta quyết định thành lập Báo Nhân Dân - Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam và Thép Mới là một trong những thành viên đầu tiên của Ban Biên tập Báo Nhân Dân.

Đồng chí Trường Chinh, Thép Mới và Hà Xuân Trường duyệt bản thảo đăng Báo Nhân Dân số đầu tiên năm 1951. Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Trường Chinh, Thép Mới và Hà Xuân Trường duyệt bản thảo đăng Báo Nhân Dân số đầu tiên năm 1951. Ảnh: Tư liệu
Năm 1972, khi là Phó Tổng Biên tập báo, nhà báo Thép Mới được phân công chỉ đạo trực tiếp tuyên truyền về cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân Thủ đô chống cuộc không kích bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ.

Xác máy bay B52 trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), năm 1972. Ảnh: Trịnh Hải
Xác máy bay B52 trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), năm 1972. Ảnh: Trịnh Hải
Thực thi nhiệm vụ với tất cả tấm lòng vì Hà Nội thân yêu, nhà báo Thép Mới ngày đêm trằn trọc, từ điều động phóng viên tới đâu, phản ánh nội dung gì, đến cách trình bày trên báo, sẵn sàng mọi phương án bảo đảm báo ra đúng giờ, bất chấp sự đánh phá của địch để kịp thời thông tin, cổ vũ, động viên quân và dân Thủ đô, huy động sự hưởng ứng của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Chính ông đã sáng kiến đặt tên cho cuộc chiến đấu là "Điện Biên Phủ trên không" - cụm danh từ đã đi vào sử sách, vào tâm trí của các thế hệ bởi hình tượng rất chính xác về cuộc chiến đấu oanh liệt này.
Cũng trong những năm tháng này, ông đã trực tiếp viết nhiều bài báo sôi sục khí thế về cuộc chiến đấu, trong đó có bài xã luận nổi tiếng "Hà Nội - Thủ đô của phẩm giá con người".
Bài viết có đoạn: "Tinh thần Hà Nội, tính cách Hà Nội, đó là tổng hợp tất cả những gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn Việt Nam cao quý. Người Hà Nội đã học cái hào khí chỉ chờ dịp bùng nổ của Sài Gòn và Huế bất khuất, cái lạc quan trong sáng của Củ Chi đất thép, cái quật khởi của đồng bằng sông Cửu Long đang nổi dậy, cái kiên cường của dải đất chân núi Trường Sơn, cái kiên trì không bờ bến của Tây Nguyên, gan vàng dạ sắt của những người làm nên những sự tích anh hùng ở đường số 13 và Quảng Trị...".
Ngòi bút ông vừa có lửa, lại thấm đẫm suy tư tình người, lay động con tim hàng triệu độc giả, khơi dậy mạnh mẽ tình cảm, ý chí người Hà Nội.
Những năm tháng lớp lớp thanh niên, trí thức trẻ Hà Nội sục sôi lên đường vào Nam chiến đấu, trong hành trang thường có quyển nhật ký ghi lại mọi tình cảm, suy nghĩ về thời thế, về hoàn cảnh phải vượt qua mà trong ấy luôn có cái nền là lời nói, hành động, ý chí của anh chàng Pa-ven Coóc-xagin (nhân vật chính của tác phẩm văn học Thép đã tôi thế đấy - cuốn sách gối đầu giường của thế hệ thanh niên thời ấy), truyền đến cho họ ngọn lửa và chất thép hào hùng, thôi thúc ý chí "sống có ý nghĩa".
Tác phẩm này do chính Thép Mới dịch. Có lần giải thích về bút danh Thép Mới của mình, ông nói: Thép là "Thép đã tôi thế đấy", còn Mới là không cũ.
Tiêu biểu cho lớp thanh niên Hà Nội ấy là các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm.
Trong cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc đã viết: "Cuộc sống của mình không bằng 1% cuộc sống của Pa-ven... Đừng lười nữa. Sống say mê và dồn ép lại, đừng để những ngày tháng trôi qua vô vị nữa... Cuộc sống của Pa-ven là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời... Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và cuộc đời riêng...".
Còn trong cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm cũng có đoạn: “Trên mảnh đất miền Nam hầu như không lúc nào ngưng tiếng súng này, những người lính nằm dưới công sự nghe giặc đào ở trên mà vẫn kể cho nhau nghe chuyện về anh chàng Pa-ven trong Thép đã tôi thế đấy...".
Vài nét vậy thôi đã có thể thấy ngòi bút Thép Mới, tư tưởng, tình cảm và sức lao động, cống hiến của ông có ý nghĩa thế nào đối với mảnh đất, con người Hà Nội.
Trân trọng ngòi bút tài hoa và những cống hiến của nhà báo Thép Mới đối với Thủ đô, tháng 12 năm 2013, HĐND thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên phố Thép Mới cho một tuyến phố đẹp bắt đầu từ đường Vạn Hạnh kéo dài đến phố Lưu Khánh Đàm trong khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên.

Các đại biểu tại Lễ gắn biển phố Thép Mới (quận Long Biên, Hà Nội), ngày 18/3/2014. Ảnh: Đăng Khoa
Các đại biểu tại Lễ gắn biển phố Thép Mới (quận Long Biên, Hà Nội), ngày 18/3/2014. Ảnh: Đăng Khoa
Giờ đây qua phố, nhìn biển tên đường, hẳn không chỉ các thế hệ những người làm Báo Nhân Dân tự hào mà còn có rất nhiều người dân Thủ đô đã từng sống trong những năm tháng oanh liệt ấy, được bồi đắp lý tưởng yêu nước từ những tác phẩm văn học, báo chí của nhà báo Thép Mới cũng sẽ có những hồi tưởng rất đẹp về một thời tuổi trẻ sục sôi, dám hy sinh tất cả để có Hà Nội như ngày nay. Đó cũng là cái cớ để tuổi trẻ ngày nay được dịp nghe kể lại những câu chuyện về một thời Hà Nội hào hoa và hào hùng như thế...